Thời sự Giáo Hội: Ấn tượng về Giáo Hội 2011

ẤN TƯỢNG VỀ GIÁO HỘI 2011
Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM
Gần cuối năm, các phương tiện truyền thông thường nhìn lại những biến cố nổi bật trong năm trên đất nuớc mình hoặc trên toàn thế giới. Truyền thông công giáo cũng quen làm công việc tương tự đối với những biến cố hay tình hình đặc biệt xảy ra trong Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu.
Tôi không thể nắm bắt được hết mọi biến cố quan trọng của Giáo Hội, dù là Giáo Hội Việt Nam gần gũi vì không hoạt động chuyên ngành truyền thông và cũng không thấy thật cần thiết phải tham khảo nhiều tài liệu phong phú liên quan, nên chỉ xin ghi lại vài ấn tượng về tình hình chung của Giáo Hội thế giới theo cách nhìn riêng với một ít cảm nghĩ kèm theo.
1. 2011: một năm tương đối an lành
Ta còn nhớ năm 2010, trong một thời gian dài các phương tiện truyền thông Tây phương tập trung phê phán Giáo Hội Công giáo không tiếc lời, về những vụ bê bối tình dục trong hàng linh mục đối với trẻ em được phanh phui tại một số Giáo Hội địa phương ở Châu Âu. Thật là một thời điểm hết sức khó khăn cho Giáo Hội, một thách thức lớn lao cho các Giám mục và nhất là cho Đức Giáo Hoàng Bênêđitô mà không ít nhóm thù nghịch muốn lợi dụng cơ hội này để hạ uy tín. Nhưng Giáo Hội đã vượt qua cơn sóng gió một cách tích cực. Như một trận bão lụt, cuộc thử thách đã để lại những vết thương nhưng đồng thời cũng làm một cuộc “tẩy uế”, một cuộc “thanh luyện” rất hữu ích. Giáo Hội, bắt đầu từ hàng giáo sĩ, có một ý thức đổi mới về lòng khiêm nhường, lòng sám hối, và nhu cầu khẩn thiết về đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện và sự thánh thiện.
Từ nay người Công giáo đã có thể hiểu một cách sâu sắc một tư tưởng mà Đức Thánh Cha thường lặp lại: Cái đe dọa Giáo Hội nặng nề nhất không phải là những tấn công của kẻ nghịch từ bên ngoài nhưng là chính tội lỗi của con cái Giáo Hội.
So với 2010 thì năm nay Giáo Hội được tương đối an lành.
2. 2011: Anh giáo gia nhập Công giáo
Từ năm 2009 đã có những cộng đoàn Anh giáo rời bỏ “Giáo Hội-Mẹ” để gia nhập Giáo Hội Công giáo. Họ là những nhóm tín đồ Anh giáo gồm những giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân không hài lòng về một số thay đổi trong truyền thống cổ kính của Giáo Hội họ, như việc phong chức giám mục cho phụ nữ, việc chấp nhận các giáo sĩ đồng tính hay việc công nhận hôn phối giữa những người đồng tính. Phong trào gia nhập Công giáo này tiếp tục gia tăng trong năm 2010, và đến đầu năm 2011 vẫn còn một nhóm khá đông gồm 7 linh mục và 300 tín đồ Anh giáo xin gia nhập Công giáo.

Đức Benedicto và Giáo chủ Anh giáo Rowan Williams
Ngay từ 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban hành Tông hiến Anglicanorum Coetibus (4.11.2009) trong đó ngài quyết định sẽ cho thành lập những cơ cấu tương đương với giáo phận (ordinariates) trong các Giáo Hội địa phương có nhu cầu để đón nhận các thành viên mới này. Họ sẽ được phép giữ lại một số truyền thống riêng. Nên biết, Anh giáo có rất nhiều truyền thống giống với Công giáo. Chẳng hạn năm 2007, một cộng đồng Anh giáo đã quyết định sử dụng cuốn Giáo lý của Hội Thánh Công giáo.
3. 2011: mấy điểm nhấn của Đức Thánh Cha
Có một điểm nhấn trong mục vụ của Đức Bênêđitô XVI được nhiều giới quan sát chú ý, đó là ngài dấn thân bênh vực đức tin công giáo. Điều này không mới mẻ. Ngay thời còn làm giáo sư, ngài đã viết cuốn Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay (nguyên tác: Einfuehrung in das Christentum. Vorlesungen ueber das apostolische Glaubensbekenntnis = Dẫn vào Kitô giáo, Những bài dạy về bản Tuyên tín của các Tông Đồ, 1968). Đó là một tác phẩm lớn, rất được chú ý. Người ta cho rằng  Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Tổng Giám mục Joseph Ratzinger từ địa phận Munich qua Rôma làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (1981), chính là vì lập trường vững vàng, vừa mới mẻ vừa chính thống của tác giả được diễn tả cách đặc biệt trong tác phẩm đó. Chúng ta biết sau Công đồng chung Vaticanô II, Giáo Hội trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng ; người ta giải thích sai chủ trương canh tân của Công Đồng khi làm tan loãng đức tin Kitô giáo vì muốn cho Giáo Hội trở thành “hiện đại” và mang bộ mặt hấp dẫn đối với con người ngày nay. Trong vai trò linh mục-giáo sư, rồi tổng giám mục, rồi hồng y đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin, ngài đã luôn can đảm lên tiếng bảo vệ đức tin của Giáo Hội. Ký giả người Đức Peter Seewald đã nhận định về Hồng y Joseph Ratzinger rằng “từ nhiều chục năm, ngài luôn lội ngược dòng chảy” (trong Joseph Ratzinger-Bênêđictô XVI, Muối cho đời, nxb Phương Đông, 2008, tr 108). Hiện nay trong chức vụ Giáo Hoàng, ngài vẫn phải lội ngược dòng trong nhiều vấn đề, đứng đầu là vấn đề đức tin.
Nhưng nói tới đức tin tất phải nói tới “vấn đề Thiên Chúa”. Trong thư gởi các Giám mục liên quan tới cuộc tranh luận sau khi Đức Thánh Cha cất án tuyệt thông cho nhóm giám mục bảo thủ ly khai Lefèbvre (2009), ngài viết: “Ngày nay, trong những vùng rộng lớn trên địa cầu, đức tin có nguy cơ tắt ngúm như một ngọn lửa không còn được tiếp liệu nữa. (…) Vấn đề đích thực trong thời điểm này của lịch sử chúng ta, đó là Thiên Chúa biến mất khỏi chân trời của con người”. Đó mới là vấn đề ưu tiên phải quan tâm, chứ chưa phải là cơ chế Giáo Hội. “Giáo Hội (cơ chế) chỉ là như cái vỏ sò để đón nhận cái gì đáng giá và chỉ có đức tin mới nhận ra được điều đáng giá đó: viên ngọc vô hình, nghĩa là mầu nhiệm đức Kitô và các nhiệm tích, bắt đầu là nhiệm tích Thánh Thể” (Theo Vittorio Messori, tài liệu Internet).
Một mối quan tâm khác của Đức Thánh Cha là vấn đề chân lý. Chúng ta thấy ngài rất hay nói về chân lý. Nếu thông điệp đầu tiên của ngài là Thiên Chúa là Tình yêu (Deus caritas est, 2005) thì thông điệp thứ ba là Tình yêu trong sự thật (Caritas in veritate, 2009). Đến như cuộc hành hương của ngài đến Assisi (27.10.2011) nhân kỷ niệm 25 năm ngày Gặp gỡ liên tôn lịch sử, ngài cũng đặt nó dưới dấu hiệu hòa bình và chân lý. Chủ đề của cuộc hành hương đó là: Những người hành hương của chân lý [là] những người hành hương của hòa bình (Pilgrims of truth, Pilgrims of peace).
Thời nay, người ta không còn tin vào khả năng của con người đạt tới chân lý; người ta bằng lòng với những gì tương đối, nghĩa là tạm thời; không có chân lý tối hậu, chân lý phổ quát cũng như không có những giá trị chung, không có những quy tắc luân lý bền vững chung: mỗi nhóm người, thậm chí mỗi người có “chân lý” của mình, “giá trị” của mình, “quy tắc” của mình; vai trò của lý tính (lý trí) được thay thế bởi vai trò của cảm tính. Vì thế mà nhiều nhà phân tích gọi thời đại ngày nay là thời khủng hoảng chân lý và khủng hoảng giá trị.
Trong bối cảnh văn hóa như thế, hỏi đức tin Kitô giáo làm sao khỏi bị đe dọa trầm trọng?
4. 2011: Kitô giáo tiếp tục bị tấn công
Từ nhiều năm nay, và đến nay vẫn thế, người Kitô hữu liên tục là đối tượng cho những hành động kỳ thị, áp bức, vu khống, hăm dọa và cả bạo lực nữa, nhất là trong một số nước mà ở đó họ là thiểu số. Mới đây nhất, ngay trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh 2011 này, ở Nigeria 27 người Kitô hữu đã bị đánh bom chết trong lúc họ đang mừng lễ trong nhà thờ Thánh Têrêsa tại Abuja; vụ khủng bố là do một nhóm Hồi giáo quá khích tên là Boko Haram. Năm ngoái cũng vào dịp Noel, nhóm này đã từng gây ra nhiều vụ đánh bom chống người Kitô hữu như thế. Không khó để nhận thấy rằng ở Phương Tây, giới truyền thông đã có một định kiến dứt khoát là khắt khe đối với những gì liên quan tới Kitô giáo, và thông cảm, nhẹ nhàng đối với Hồi giáo. Cũng có thể là vì họ sợ những nhóm quá khích thuộc nhóm này. Chẳng hạn tờ Le Figaro, một báo lớn ở thủ đô Paris đã dành vỏn vẹn một câu nhẹ nhàng thông tin về vụ đánh bom ngày lễ Noel nói trên như sau: “Nước Nigeria đã là nạn nhân của những bạo lực giữa các tôn giáo” (trích theo Internet). Thông tin vừa tránh né sự thật vừa gây hiểu lầm. Ai mà không biết tác giả của vụ đánh bom là một nhóm Hồi giáo? Hoặc nạn nhân của cuộc đánh bom là những người Kitô hữu? Và làm gì có chuyện bạo lực giữa các tôn giáo (violences interreligieuses) bởi vì cuộc tấn công là một chiều, và xưa nay vẫn là như thế. Câu đưa tin hóa ra là “giả hình”! Người Kitô hữu bên Phương Tây đã quen lắm với kiểu thông tin này rồi.
Nền văn hóa hiện đại ở Phương Tây (vốn là Kitô giáo) lại tỏ ra thù nghịch với Kitô giáo. Trong năm 2011, ở Pháp có một sự kiện văn hóa có thể coi là tiêu biểu cho thái độ này: ngày 8 tháng 12, vở kịch nhan đề là Golgota Picnic (tạm dịch: Bữa ăn ngoài trời trên đồi Gôngôta) của Rodrigo Garcia được công diễn ra mắt tại Nhà hát Rond-Point trên đại lộ Champs-Élysées, Paris. Vở kịch tấn công Đức Kitô trên thập giá, được trình bày như là “đấng mêsia của bệnh siđa”, hoặc “ tên điếm của quỉ”… Một số người Kitô giáo đã định phản đối bằng những hành động mạnh mẽ, nhưng các giám mục và một số nhân vật Kitô giáo đã can ngăn. Họ tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa để tỏ thái độ, và mời gọi những người thuộc các tôn giáo khác, các nhà trí thức, văn nghệ sĩ và cả người vô tín ngưỡng tham gia. Từng người, họ đến đặt những bông hoa trắng trước một tượng Chúa Kitô ngoài nhà hát để tỏ lòng tôn kính, nhưng đến lúc vở kịch sắp bắt đầu họ kéo nhau vào Nhà thờ Đức Bà cầu nguyện để tránh đụng độ với các khán giả. Một thái độ tuyệt vời! Người ta nhân danh tự do ngôn luận, tự do của nhà làm nghệ thuật để xúc phạm –một cách khó tưởng tượng nổi trong một thế giới văn minh - đối với Đức Kitô của gần 1 tỉ 500 triệu tín đồ Kitô giáo. Thế mà giới truyền thông cứ làm thinh!
Hành động của người Công giáo Pháp chứng tỏ họ là những môn đệ trưởng thành của Chúa Kitô, đã thấm nhuần tinh thần của Chúa. Họ đáng là gương sáng cho chúng ta noi theo trong những hoàn cảnh bản thân chúng ta hay Đạo chúng ta bị xúc phạm hay bị đối xử bất công …
Tôi nghĩ tới lời dạy của Thánh Phêrô gởi tín hữu đang gặp khó khăn: “Ai làm hại được anh em, nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện? Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng hãy trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là thánh ý Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1 Pr 3,13-17).
 (31.12.2011)
Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM