Suy niệm hạnh thánh _ 16/1

THÁNH BÊRA và CÁC BẠN
(c.1220)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Rao giảng Tin Mừng thường là công việc nguy hiểm. Rời bỏ quê hương và thích ứng với các nền văn hóa, chính phủ và ngôn ngữ mới thì đã đủ khó khăn; nhưng đôi khi sự tử đạo còn vượt quá mọi hy sinh này.
Vào năm 1219 với chúc lành của Thánh Phanxicô, Cha Bêra rời Ý với các tu sĩ Peter, Adjute, Accurs, Odo và Vitalis để đi rao giảng ở Morocco. Trên đường đến Tây Ban Nha thì Cha Vitalis bị đau nặng và ngài xin các linh mục khác cứ tiếp tục sứ mệnh truyền giáo mà đừng bận tâm đến ngài.
Các cha khác cố gắng đi rao giảng ở Seville nhưng không đạt được kết quả nào. Sau đó họ tiếp tục đến Morocco là nơi họ rao giảng ngay trên đường phố, trong khu thị tứ. Các ngài bị nhà cầm quyền Hồi Giáo khiển trách và ra lệnh cho họ phải rời bỏ nơi đó; nhưng họ từ chối. Khi các ngài lại tiếp tục rao giảng thì vua Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đã ra lệnh xử tử họ. Sau khi bị đánh đập và khước từ những dụ dỗ để chối bỏ đức tin, các ngài đã bị chém đầu vào ngày 16 tháng Giêng, 1220.
Họ là các tu sĩ Phanxicô đầu tiên được tử đạo. Khi Thánh Phanxicô nghe tin về cái chết của họ, ngài đã thốt lên: "Bây giờ tôi có thể thực sự nói rằng tôi có được năm Tu Sĩ Dòng!" Di hài của họ được đưa về Bồ Đào Nha, là nơi một giáo sĩ trẻ của dòng Augustine vì cảm kích trước cái chết anh hùng của họ, đã gia nhập dòng Phanxicô và sang truyền giáo ở Morocco vào năm kế tiếp. Giáo sĩ trẻ tuổi đó là Thánh Antôn ở Padua.
Năm vị tử đạo được phong thánh năm 1481.
Suy niệm 1: Rao giảng
Rao giảng Tin Mừng thường là công việc nguy hiểm. Các cha cố gắng đi rao giảng ở Seville nhưng không đạt được kết quả nào. Sau đó họ tiếp tục đến Morocco là nơi họ rao giảng ngay trên đường phố, trong khu thị tứ.   
Tính nguy hiểm đã được thánh Phaolô trải qua trên bước đường rao giảng, như ngài thổ lộ: “Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em” (2Cr 11,26).
Tính thất bại cũng là điểm ngài gặp phải. Tại Hội đồng Arêôpagô, từ những chữ được khắc trên một bàn thờ: “Kính thần vô danh”, ngài bắt đầu rao giảng, nhưng rồi cuối cùng đã phải bỏ họ mà đi, vì sự nhạo cười và từ chối của họ (Cv 17,23-33).
* Lạy Chúa Giêsu, dầu gặp nguy hiễm hay phải thất bại, xin giúp chúng con vẫn luôn tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng, vì nếu không thì thật khốn cho chúng con (1Cr 9,16). 
Suy niệm 2: Tử đạo  
Rời bỏ quê hương và thích ứng với các nền văn hóa mới, chính phủ mới và ngôn ngữ mới thì đã đủ khó khăn; nhưng đôi khi sự tử đạo còn vượt quá mọi hy sinh
Bị ép phải há miệng ăn thịt heo mà Luật vốn cấm, ông Elada đã hy sinh khạc nhổ hết thịt ra. Bị dụ giả vờ ăn thịt cúng nhưng thật ra là thịt được phép dùng để khỏi chết, ông hy sinh từ chối. Bị đòn vọt và cuối cùng bị xử tử, ông can đảm đón nhận như một tấm gương (2Mcb 6,18-31).
Đức Giêsu hy sinh địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để hạ mình xuống thế (Pl 2,6), hy sinh danh lợi và mọi thủ đắc trần gian để hoàn thành sứ mạng thiên sai (Mt 4,1), hy sinh cảnh an nhàn với các tiện nghi tối thiểu để lên đường miệt mài rao giảng (Mt 8,20), hy sinh cả ý riêng để hiến mình làm giá cứu đời (Lc 22,42)
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đón nhận những hy sinh vì Chúa, như là một cuộc tử đạo không đổ máu. 
Suy niệm 3: Chúc lành
Vào năm 1219 với chúc lành của Thánh Phanxicô, Cha Bêra rời Ý với các tu sĩ Peter, Adjute, Accurs, Odo và Vitalis để đi rao giảng ở Morocco.
Ông Tôbít cũng chúc lành cho hành trình của cậu Tôbia và người bạn đồng hành (Tb 5,17). Ông Menkixêđê là vua Salem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, cũng đã đón gặp và chúc lành cho ông Ápraham, lúc ông này đang trên đường về (Dt 7,1).
Trước lúc rời xa các tông đồ mà về trời, Đức Giêsu dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông, chúc lành cho công cuộc lên đường truyền giáo khắp năm châu bốn bể của các ông (Mt 28,19;Lc 24,50-51).  
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Chúa sống mãi tâm tình nhân ái quảng đại để luôn biết chúc lành chớ đừng bao giờ nguyền rủa hoặc chúc dữ.
Suy niệm 4: Tiếp tục
Trên đường đến Tây Ban Nha, Cha Vitalis bị đau nặng và ngài xin các linh mục khác cứ tiếp tục sứ mệnh truyền giáo mà đừng bận tâm đến ngài.
Tiếp tục một công việc tốt lành đang gặp trở ngại thì luôn đòi hỏi phải có một ý chí sắt đá để vượt qua. Cơn bệnh đột xuất của một bạn đồng hành cũng có thể cầm chân cả đoàn người, nhưng sứ mệnh đã được tiếp tục tiến hành khi tinh thần hy sinh đã được vận dụng.
Dầu tính mạng bị uy hiếp, Đức Giêsu vẫn cương quyết tiếp tục lộ trình của một ngôn sứ (Lc 13,33). Và thánh Phaolô tông đồ cũng nhiệt thành tiếp tục vai trò làm chứng nhân trước mặt kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn, cho dầu phải bị điệu ra tòa đạo đời (Cv 26,22).
* Lạy Chúa Giêsu, hành trình tiến về quê trời thật lắm chông gai, nhưng xin giúp chúng con luôn tiếp tục tiến bước mỗi ngày cho đến khi đạt tới đích.  
Suy niệm 5: Nhà cầm quyền
Các ngài bị nhà cầm quyền Hồi Giáo khiển trách và ra lệnh cho họ phải rời bỏ nơi đó; nhưng họ từ chối. Khi các ngài lại tiếp tục rao giảng thì vua Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đã ra lệnh xử tử họ.
Nhà cầm quyền là một thế lực chính trị nhưng cũng luôn tác động mạnh trên lãnh vực tôn giáo. Thời Cựu Ước, các vua Antiôkhô cũng như Nabucôđônôxo từng ra chiếu chỉ cấm đạo và ra án tử cho những ai không tuân lệnh (1Mcb 1,50;Đn 3,6).
Thời Tân Ước, vua Hêrôđê cũng đã cho chém đầu Giacôbê và bắt giam Phêrô (Cv 12,1-30). Hoàng đế Nêrô cũng phát động cuộc bách hại đẫm máu trên toàn đế quốc Lamã vào các thế kỷ đầu tiên. 
* Lạy Chúa Giêsu, xin cho các nhà cầm quyền biết mưu cầu lợi ích nhân dân và tôn trọng tự do tín ngưỡng.
Suy niệm 6: Cảm kích
Di hài của họ được đưa về Bồ Đào Nha, là nơi một giáo sĩ trẻ của dòng Augustine vì cảm kích trước cái chết anh hùng của họ, đã gia nhập dòng Phanxicô và sang truyền giáo ở Morocco vào năm kế tiếp.
Máu tử đạo trổ sinh con nhà có đạo. Máu các nhà truyền giáo cũng làm nảy sinh các vị thừa sai. Không chỉ thánh Antôn Padua mà rất nhiều tu sĩ Phanxicô đã đáp lại lời thách đố của Cha Thánh Phanxicô để lên đường rao giảng Phúc Âm.
Mácđala đã cảm kích trước tấm lòng vị tha của Đức Giêsu để cải tà quy chánh, cũng như tận tình tham gia vào nhóm các phụ nữ đạo đức hằng theo Đức Giêsu từ Galilê để giúp đỡ Ngài (Mt 27,55).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết biến cảm kích thành hành động, biến lòng khâm phục các vị truyền giáo thành những tông đồ nhiệt thành hăng say rao giảng.