Sống đạo - Yêu thương

KHOẢNG CÁCH VÔ TÌNH
Cuộc sống có nhiều loại khoảng cách và nhiều kiểu khoảng cách. Có thể là thời gian, không gian, giai cấp, địa vị, trình độ, quan niệm,… Có những khoảng cách hữu hình và có những khoảng cách vô hình, đặc biệt và nguy hiểm nhất là “khoảng cách vô tình”.
Cây khô tưới nước cũng khô
Người nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo
Câu ca dao buồn quá, nhưng đó lại là một “nỗi buồn thực tế” mà hầu như con người không thể lý giải!
Cuộc sống có nhiều loại khoảng cách và nhiều kiểu khoảng cách. Có thể là thời gian, không gian, giai cấp, địa vị, trình độ, quan niệm,… Có những khoảng cách hữu hình và có những khoảng cách vô hình, đặc biệt và nguy hiểm nhất là “khoảng cách vô tình”.
Liên Hiệp Quốc vẫn kêu gọi các nước giàu giúp các nước nghèo để rút ngắn “khoảng cách”, chính phủ các quốc gia cũng kêu gọi người giàu chia sẻ với người nghèo để “xóa đói, giảm nghèo”. Đây là trách nhiệm chung của xã hội, mỗi người phải ý thức trách nhiệm ấy và tích cực hành động để thực sự có thể rút ngắn tối đa các khoảng cách trong xã hội, nhiều vĩ nhân thế giới đã thực hiện như vậy.
Mọi thời, mọi nơi và mọi lúc, khoảng cách giàu – nghèo là khoảng cách vừa vô hình vừa hữu hình, rất rõ nét. Có những người may mắn ngay từ khi lọt lòng mẹ, cuộc sống luôn ung dung tự tại, không hề phải lo toan nhiều, họ “sướng từ trong trứng sướng ra”. Nhưng có những người khổ từ nhỏ, thậm chí có người tới hơi thở cuối cùng vẫn không có nụ cười mãn nguyện, không được chút thảnh thơi. Người Việt ta thường nói: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Một ẩn số vô cực!
Mỗi người đều có một nhân phẩm và một nhân vị. Mọi người đều bình đẳng. Chúng ta biết rõ mười mươi như vậy nhưng có thể chúng ta chỉ “biết để mà biết, nghe để mà nghe, đọc để mà đọc”, thực tế thì người nghèo vẫn bị coi khinh! Người ta chỉ “quen” và “chơi” với những người có “của ăn, của để”. Theo lý thuyết thì “nghèo không có tội”, nhưng thực tế thì “nghèo là cái vạ”.
Câu “thương người như thể thương thân” có lẽ cũng chỉ là mớ lý thuyết suông, nghe cho vui tai. Quả thật, người ta vẫn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Phú quý sinh lễ nghĩa, “đi lại” nhiều và “quà cáp” hoài khiến người ta… nể! Dù chỉ là những tờ giấy in hình những con số theo quy ước của con người, nhưng đồng tiền có ma lực rất mạnh, có thể “thay trắng, đổi đen”, biến người có tội thành vô tội và biến người vô tội thành có tội. Hối lộ và tham nhũng cứ xảy ra như cơm bữa, ngay cả ở những con người có trách nhiệm “cầm cân, nảy mực”!
Thời gian gần đây, tin tức quốc nội và quốc ngoại đã đưa nhiều tin “nóng bỏng” liên quan khoảng cách giàu – nghèo.
Sau khi nhà lãnh đạo “thân yêu” Kim Jong-il của Triều Tiên qua đời. Người ta muốn ướp xác ông bằng loại thuốc đặc biệt nhất để hậu thế còn được chiêm ngưỡng dung nhan ông. Cha ông là chủ tịch Kim Nhật Thành cũng đã được ướp xác. Thế nhưng, dù khoa học tiến bộ, người ta vẫn chưa có loại thuốc ướp xác “độc đáo” như người Hy Lạp cổ đại. Xác ướp của các Pharaon trong kim tự tháp đã 4.000 năm qua mà vẫn còn nguyên, không cần ai “chăm sóc”. Ở nước này hay nước nọ, ngay cả Việt Nam, chúng ta cũng đã biết có những xác ướp cả ngàn năm mà vẫn nguyên vẹn hình hài.
Tần Thủy Hoàng của Trung quốc đã tuyển 70 ngàn công nhân mỗi ngày để xây dựng lăng tẩm cho riêng mình trong suốt 30 năm, và xây nhà cho hàng chục ngàn cung phi, mỹ nữ. Không biết ông ra lệnh hay trả công, nếu tính công thì số ngân khoản quá lớn, và dù không trả công thì chi phí xây dựng lăng tẩm cũng rất lớn. Đó là cái ngông của những con người ác tâm. Ngày nay cũng vẫn có, nhưng thời @ nên người ta tinh vi hơn với kiểu ác tâm tân kỳ hơn!
Ngày nay, người ta muốn ướp xác thì hàng năm phải có người “chăm sóc”, chi phí mỗi năm lên tới cả triệu USD. Mà chỉ có các “ông kia, bà nọ” mới muốn làm và có thể có “quyền” làm điều đó. Người nghèo có mơ cũng không thấy. Một chi phí không nhỏ so với ngân sách quốc gia. Nhưng xét cho cùng, ướp xác để làm gì? Càng giàu hoặc có địa vị thì người ta càng sợ chết, vì sợ nên người ta muốn trấn át nỗi sợ bằng cách “tưởng tượng” ra cảnh hậu thế “tôn sùng” mình khi mình đã xuôi tay nhắm mắt – gọi là “an nghỉ ngàn thu”. Xác an nghỉ mà tâm hồn có an nghỉ hay không?
Người ta “giật mình” khi nghe nói về EVN (Điện lực Việt Nam), lương tháng của một nhân viên văn phòng là 30 triệu VNĐ. Các ngành nghề khác chỉ vài triệu, khổ nhất vẫn là giới lao động nghèo và các công nhân, họ phải đầu tắt mặt tối, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ”, thế mà cuộc sống của họ vẫn chật vật, thiếu trước hụt sau. Mỗi dịp lễ, tết, họ càng “đau đầu” khi phải làm bài toán chia mãi mà không có dư số.
Dù là ai, thế quyền hoặc thần quyền, đều phải sống và chu toàn “đạo làm người”. Và những ai giữ “đạo” này mới xứng đáng mang danh nghĩa con người. Thật vậy, ca dao dạy:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Hoặc là:
Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Thật là thâm thúy biết bao! Ấy thế mà vẫn có những người quan niệm ràng “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Đó là “khoảng cách vô tình”, là cách “giết” nhau không cần vũ khí. Có nhiều dạng “khoảng cách”, nhưng có lẽ “khoảng cách vô tình” là khoảng cách khó lấp đầy và nguy hiểm nhất!
Đầu năm 2012
TRẦM THIÊN THU