Từ vụ án Lê Văn Luyện:
Tình thương yêu sẽ chống lại cái ác
Tình thương yêu sẽ chống lại cái ác
TT - Phiên tòa xét xử vụ án Lê Văn Luyện đã để lại nhiều dư luận khác nhau. Tòa án đã làm tròn nhiệm vụ, không thể xử bị cáo cướp của giết người dã man này mức án cao hơn 18 năm tù, vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để không còn những “Lê Văn Luyện” khác.
Lê Văn Luyện tại tòa
Xin giới thiệu ý kiến của một tiến sĩ tâm lý:
Hầu như ngày nào chúng ta cũng đọc và nghe thấy những vụ án dã man ở nhiều góc độ, nhiều hình thức khác nhau... Đọc mà thấy xé lòng. Tại sao? Sao các vụ án lại khủng khiếp và nhiều thế? Sao nhiều người lại trở nên vô cảm và tàn ác thế?
Vụ án Lê Văn Luyện còn nóng hổi, làm rơi lệ và nhức nhối biết bao nhiêu con tim! Trong vụ án này, có lấn cấn giữa luật và thực tế, giữa sự bảo vệ trẻ và tác hại ngay trên giới trẻ, giữa những hành vi tội phạm và mức án. Tại sao trước vụ án này mọi tầng lớp đều bàn tán và phản ứng? Bởi vì Luyện phạm tội có sự tính toán, thảm sát bốn mạng người (bé Bích không chết là do may mắn). Cướp tài sản với số lượng và quy mô lớn, chạy trốn...
Điều tôi băn khoăn ở đây là do đâu Luyện nảy sinh lòng tham? Ít nhất là nhìn từ bên ngoài thì Luyện không phải ở trong một gia đình phân ly, bạo lực và nghèo túng. Do đâu mà Luyện đã dám cầm dao chém người không gớm tay, kể cả chém trẻ em? Trường hợp này không phải giết người để tự vệ hay do bốc đồng, do tức giận, khó kiểm soát bản thân như một số trường hợp khác.
Ảnh hưởng của vụ án Luyện chắc sẽ còn kéo dài dưới nhiều hình thức, mà e rằng phần tiêu cực sẽ nhiều hơn. Thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng “hội chứng Luyện” cho thấy suy nghĩ lệch lạc của một số người trẻ tuổi. Vụ án với hành vi khủng khiếp, vô nhân tính như thế nhưng nhiều trẻ vị thành niên đem ra trêu đùa, thậm chí còn xem Luyện như “anh hùng”. Đúng là vì “chưa đủ nhận thức và suy nghĩ để hành động” mà vụ án Luyện đã tạo nên những lệch lạc ở giới trẻ trên diện rộng, nhất là qua phương tiện truyền thông. Thật đáng lo thay!
Tuổi thơ như tờ giấy trắng, người lớn “vẽ” gì sẽ in rất đậm nét lên. Người trẻ lại rất nhạy cảm với những điều cao đẹp cũng như rất dễ nhiễm “bụi bặm”. Có lẽ hơn lúc nào hết, “tính bản thiện” trong mỗi người đang cần được chăm sóc, hay ít nhất chúng ta không làm chúng chết ngạt!
Một lần tôi được mời nói chuyện với các bạn trẻ nghiện game online. Tôi nói về tình cha, nghĩa mẹ, kể những câu chuyện về sự hi sinh của cha mẹ cho con cái. Thật tình khi nói, tôi cũng băn khoăn, không biết người nghe có cảm được, vì nghĩ những điều mình nói quá “già”, kinh điển. Thế nhưng thật bất ngờ, sau đó ban tổ chức cho tôi xem ghi chép cảm tưởng của một số bạn tham dự, các bạn nói rằng đã hiểu cha mẹ, thương cha mẹ hơn.
Năm ngoái, trong một tiết dạy của tôi về tâm lý, thật bất ngờ một em sinh viên khi đứng lên phát biểu đã bật khóc. Em nói nhiều lúc mẹ em cần vài ngàn đồng để mua gói mì ăn đỡ đói mà không có, trong khi bản thân em luôn đổi điện thoại mới mà vẫn cảm thấy không hài lòng...
|
Nữ tu tiến sĩ Trần Thị Giồng
|
Nhiều bạn trẻ bây giờ sống cho mình nhiều quá, không thấy được tình thương bao la của cha mẹ dành cho mình, không thấy được trách nhiệm của mình với cha mẹ, với những người đã yêu thương, chăm lo cho mình. Những cuộc nói chuyện của tôi chỉ như là tác nhân khơi gợi, nhắc nhở những cảm xúc đó. Tôi nhớ một em học sinh tiểu học, sau khi nghe tôi giảng bài, đã đến thú tội: “Thưa cô, con đã bứt cánh con chuồn chuồn” với nước mắt thương cảm và hối tiếc. Làm sao để cả xã hội chung tay cùng nhau tạo cho con trẻ một nền giáo dục và môi trường sống, trong đó lòng từ tâm, tình thương yêu được lan tỏa. Như vậy mới chính là xây dựng cái gốc chống lại tội ác.