Từ Chúa Nhật 16 tháng 10, là Khánh Nhật Truyền Giáo, Đức Thánh Cha đã sử dụng bệ di động mà vị tiền nhiệm của ngài là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã dùng trước đây. Đồng thời lễ Vọng Giáng Sinh đã được tổ chức sớm hơn vào lúc 10 giờ tối thay vì đúng nửa đêm. Những chi tiết này đã gây ra những đồn thổi về tình trạng sức khoẻ ở tuổi 84 của ngài. Tuy nhiên, cha Federico Lombardi, là trưởng phòng Báo Chí Tòa Thánh, khẳng định rằng Đức Thánh Cha vẫn rất khoẻ mạnh.
Thật vậy, năm 2011 là năm rất bận rộn của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. Trong suốt 12 tháng qua, ngài đã tiếp kiến riêng 400 nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự, gặp gỡ chung 180 nhóm và chủ sự 40 nghi thức Phụng Vụ.
Mỗi tuần ngài gặp gỡ công chúng hai lần trong buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật và buổi triều yết chung hôm thứ Tư trong đó ngài giảng dạy những loạt bài về các giáo phụ và các kinh nguyện Kitô Giáo.
Ngài đã viếng thăm Croatia, Tây Ban Nha, Đức và Benin, đọc 60 bài diễn văn trên những nẽo đường tông du. Ngài đã tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Madrid với 2 triệu bạn trẻ, và ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi.
Ngài cũng đã hoàn tất và cho xuất bản một trước tác mới của ngài là cuốn “Đức Giêsu Thành Nazareth”.
Hai chủ đề chính Đức Thánh Cha đưa ra trong năm 2011 là việc tái truyền giáo và tự do tôn giáo. Ngài liên kết hai chủ đề này với nhau và trong các cuộc gặp gỡ với các Đức Giám Mục trên thế giới, Đức Thánh Cha đã không ngừng nhắc nhở các vị hãy can đảm nói lên sự thật, ngay cả trong môi trường thù nghịch với đức tin.
Năm 2011 đánh dấu dấn thân mạnh mẽ của Đức Thánh Cha trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Ngài khích lệ việc tận dụng các tài nguyên và kỹ thuật truyền thông tân tiến. Khi được các vị cố vấn đề nghị mở những trạm thông tin trên các social networks như YouTube, Twitter, Facebook, Đức Thánh Cha trả lời “Tôi muốn hiện diện bất cứ nơi đâu người ta có thể tìm được”. Tòa Thánh đã trang bị nhiều phương tiện truyền thông tân tiến và khích lệ các cơ quan thông tin Công Giáo trên thế giới tận dụng các kỹ thuật multimedia. Chính trong chiều hướng đó, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican của VietCatholic đã ra đời với sự giúp đỡ của các cơ quan từ Rôma.
Trong năm vừa trôi qua, những biến cố sau đây được ghi nhận là các biến cố nổi bật trong đời sống Giáo Hội trên thế giới. Xin được thuật hầu quý vị theo thứ tự thời gian.
1. Phong Chân Phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.
Ngày 1 tháng 5, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã phong Chân Phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trong một buổi lễ long trọng trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô với sự tham dự của hơn 1 triệu người.
2. Cái chết của trùm khủng bố Bin Laden.
Tối ngày 2 tháng 5, tổng thống Hoa Kỳ Obama đã công bố cái chết của trùm khủng bố Bin Laden. Những phản ứng vui mừng của dân chúng Hoa Kỳ đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi về tha thứ, hòa bình, công lý và vấn đề trả thù.
Linh mục Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết như sau về quan điểm của Tòa Thánh: “Ông Osama Bin Laden - như chúng ta đều biết - có trách nhiệm rất nặng nề về truyền bá chia rẻ và hận thù giữa các dân nước, gây ra cái chết của vô số người, và khai thác các tôn giáo cho mục đích này.
Đứng trước cái chết của một người, Kitô hữu không hề vui mừng, nhưng suy tư về các trách nhiệm nặng nề của mỗi người trước mặt Thiên Chúa và loài người, và hy vọng cùng phấn đấu để đảm bảo rằng mỗi sự kiện sẽ không phải một dịp để tăng thêm hận thù, nhưng là dịp để thúc đẩy hòa bình”.
3. Ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục.
Trong năm 2011, tại Hoa Lục đã có 7 trường hợp tấn phong Giám Mục. Trong số này, có 3 vị được cả Tòa Thánh lẫn nhà cầm quyền Trung quốc đồng ý. Một vị chỉ được Tòa Thánh công nhận nên nghi thức tấn phong Giám Mục đã diễn ra trong thầm lặng.
Ba trường hợp tấn phong trái phép đã diễn ra tại Hán Khẩu, Sán Đầu, và Lạc Dương liên quan đến các linh mục Thẩm Quốc An, Hoàng Bỉnh Chương và Lôi Thế Ngân.
Hiện nay có 40 giáo phận trống tòa. 6 ứng viên Giám Mục đang chờ được tấn phong. Cả 6 vị này được nhà nước chấp thuận nhưng 2 vị này Tòa Thánh không đồng ý và cảnh cáo bị vạ tuyệt thông nếu dự phần vào lễ tấn phong do nhà nước tổ chức.
Tình hình của Giáo Hội Trung quốc rất nguy hiểm vì một số Giám Mục, đứng đầu là Giám Mục Phòng Hưng Diệu của giáo phận Lâm Nghi, chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước và Giám Mục trái phép Quách Kim Tài của giáo phận Thường Đức, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung quốc nhiều lần công khai bày tỏ ý muốn đưa Giáo Hội tại đây vào con đường ly giáo.
Trước tình hình đó, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới Công Giáo cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa.
Ngỏ lời trước hàng chục ngàn tín hữu hành hương vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng 18 tháng 5, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã mời gọi các tín hữu trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc đang trên bờ vực ly giáo. Ngài nói:
“Cùng với tất cả anh chị em, tôi cầu xin Mẹ Maria chuyển cầu để mỗi người trong các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc ngày càng sống phù hợp hơn với Chúa Kitô và ngày càng quảng đại hiến thân cho anh chị em mình. Tôi cầu xin Mẹ Maria soi sáng cho những người còn ở trong tối tăm, cảnh tỉnh những người lầm lạc, an ủi những người sầu khổ, củng cố những người bị rơi vào tròng những lời dua nịnh xu thời.”
Trong bản tin truyền đi ngày 16 tháng 5, hãng tin Asia News cho biết Ông Lưu Bách Niên, Chủ tịch danh dự của Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, đe dọa rằng Hội này sẽ cho bầu và truyền chức cho 10 GM theo nguyên tắc “tam tự”, bất cần sự phê chuẩn của Tòa Thánh.
Một vụ tương tự đã xảy ra hồi tháng 11 năm 2010 và có 8 Giám Mục hiệp thông với Đức Thánh Cha bị ép tham gia vụ truyền chức Giám Mục bất hợp pháp tại giáo phận Thường Đức. Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy người Hương Cảng, Tổng thư ký Bộ truyền giáo, đã phê bình một số Giám Mục tại Trung Quốc, tuy được Tòa Thánh nhìn nhận, nhưng có thái độ “quá xu thời”, 'vâng lệnh' Nhà Nước hơn là tuân hành các hướng đi trong thư của Đức Thánh Cha gửi các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc hồi năm 2007.
4. Làn sóng bài Kitô Giáo dâng cao.
Kitô Giáo tiếp tục là tôn giáo có đông đảo tín hữu nhất trên thế giới với khoảng 1/3 dân số trên thế giới, tức là 2.18 tỷ. Trong khi đó, số tín hữu đạo Hồi là 1.6 tỷ chiếm 23.4% dân số toàn cầu. Trong số 2.18 tỷ Kitô hữu, 50.1% là Công Giáo, 37% là Tin Lành, và 12% là Chính Thống Giáo.
Theo báo cáo của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Quốc Hội Hoa Kỳ, các tín hữu Kitô là những người bị bách hại vì niềm tin mạnh nhất trên thế giới. Hăm dọa, tấn công, tù đầy và ngay cả cái chết là giá phải trả cho niềm tin Kitô ở nhiều nơi trên thế giới.
Hàng năm Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Quốc Hội Hoa Kỳ đều đưa ra danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt. Trong danh sách năm nay, người ta nhận thấy có 14 nước là Miến Điện, Trung Hoa, Ai Cập, Eritrea, Iran, Iraq, Nigeria, Bắc Hàn, Pakistan, Ả rập Saudi, Sudan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam. Trong danh sách này Việt Nam và 7 nước khác được xem là có truyền thống thường xuyên chà đạp tự do tôn giáo.
Các viên chức của Ủy Ban này cho biết nhà cầm quyền tại các nước vừa nêu phủ nhận quyền Tự Do Tôn Giáo, hay lờ đi để mặc cho các tín hữu Kitô bị bách hại.
Gần đây nhất, chính quyền của Ai Cập đã không bảo vệ các tín hữu Công Giáo Coptic. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2 vừa qua. Từ đó, các lực lượng quân đội và an ninh đã tấn công các nhà thờ và các tín hữu Kitô. Hôm Chúa Nhật 9/10, các lực lượng quân đội và an ninh đã tấn công một cuộc biểu tình phản đối của các tín hữu Kitô vì nhà thờ của họ bị đốt phá. 24 người đã bị giết trong cuộc tấn công kéo dài suốt đêm Chúa Nhật 9/10. Hơn 200 người khác bị thương rất trầm trọng.
Báo cáo cũng đề cập đến các nước “cần theo dõi” trong đó có Afghanistan, Cuba, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia và Venezuela.
Ngay trong ngày lễ Giáng Sinh vừa qua, hơn 40 người đã bị thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ khủng bố bằng xe bom tại Nhà thờ thánh nữ Têrêsa của Công Giáo tại thị trấn Madalla gần thủ đô Abuja của Nigeria và một tại số nơi khác tại nước này. Tổ chức Hồi Giáo quá khích Boko Haram tự nhận là tác giả các vụ khủng bố này và đe dọa tiến hành thêm nhiều các vụ khủng bố khác.
5. Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long được tấn phong Giám Mục phụ tá Melbourne, Australia.
Biến cố một người tỵ nạn và là một người Á Châu đầu tiên được tấn phong Giám Mục tại Australia đã là headlines của báo chí Úc trong tháng 5 và tháng 6.
Chào mừng sự kiện bổ nhiệm này, Đức Tổng Giám Mục Denis Hart chia sẻ: "Sự kiện bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Vincent Nguyễn Văn Long làm Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne là một sự kiện lịch sử. Ngài vượt biên khỏi Việt Nam khi còn là một người trẻ. Ngài tới Melbourne, gia nhập Dòng Phanxicô. Ngài đã phục vụ với nhiệm vụ cha xứ tại Springvale. Với vai trò lãnh đạo trong Dòng của Ngài, Ngài đã góp phần đóng góp lớn lao cho Giáo Hội.”
Thánh Lễ tấn phong Giám Mục đã được tổ chức tại Nhà Thờ Chính Tòa St. Patrick vào lúc 7.30 tối Thứ 5 ngày 23 tháng 6 năm 2011.
6. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Madrid.
Đại hội Giới trẻ Thế giới từ 16 đến 21 tháng 8 đã diễn ra “thật tuyệt vời và Đức Thánh Cha hoàn toàn hài lòng”. Đó là đánh giá về Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Madrid của linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh.
Cha giải thích thêm là Đức Thánh Cha vui sướng bởi vì các bạn trẻ "thể hiện sự nhiệt tình của họ". Đại hội Giới trẻ Thế giới thực sự muốn giúp đỡ giới trẻ "có một hy vọng cho tương lai". Đây là một thông điệp nhắm đến không chỉ cho các bạn trẻ tham dự Đại hội, mà còn cho thanh niên toàn thế giới: "người ta có thể sống với niềm vui, người ra có thể sống với sự nhiệt tình, cảm thấy rằng cuộc đời có một ý nghĩa, trau dồi các lý tưởng lớn: tất cả được chính niềm vui của các bạn trẻ tỏ lộ ra".
Một trong những khoảnh khắc gây ấn tượng nhất của Đại hội Giới trẻ Thế giới xảy ra vào tối thứ Bảy, 20 tháng 8, khi một trận bão với sấm sét dữ dội đã đổ nước như thác vào buổi canh thức cầu nguyện tại sân bay Madrid, và đánh sập hệ thống âm thanh. Mặc dù dưới cơn mưa tầm tã và gió lộng thổi, Đức Giáo Hoàng đã từ chối không rời khỏi nơi hành lễ, Ngài nhấn mạnh rằng cần phải ở lại để dẫn dắt các bạn trẻ trong nghi thức chầu Thánh Thể sau đó. Sau khi cơn bão qua đi, Ngài khen ngợi những người hành hương trẻ về sự kiên trì của họ.
7. Vết thương ly giáo của Huynh Đoàn Thánh Piô 10 vẫn chưa thể chữa lành,
Hôm 14/9, Đức Hồng Y Willam Levada, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tổ chức một cuộc họp báo cho biết Huynh Đoàn Thánh Piô 10 có thời hạn vài tháng để chấp nhận hay bác bỏ những điều kiện mà Tòa Thánh đưa ra. Quan trọng nhất là Huynh Đoàn phải chấp nhận “những tiền đề đạo lý” nhằm bảo đảm sự trung thành với Huấn quyền của Hội Thánh và cảm thức cùng Giáo Hội (sentire cum Ecclesia).
Nếu Huynh Đoàn chấp nhận tuyên ngôn về đạo lý thì có thể bắt đầu nói về vấn đề cơ cấu pháp lý để hội nhập Huynh Đoàn này vào Giáo Hội Công Giáo. Theo cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, giải pháp cho vấn đề cơ cấu và pháp lý, có thể là Đức Thánh Cha sẽ thành lập một Giám hạt tòng nhân và quốc tế, tựa như Giám hạt Opus Dei.
Huynh Đoàn đã tỏ ra lạnh lùng với đề nghị của Tòa Thánh và tiếp tục đưa ra các khiêu khích. Điển hình nhất là các nhà lãnh đạo Huynh Đoàn đã kêu gọi tổ chức hàng ngàn thánh lễ trên thế giới để chống lại buổi cầu nguyện liên tôn tại Assisi giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo của các tôn giáo bạn diễn ra ngày 27 tháng 10 tới đây.
Câu chuyện ly giáo đã bắt đầu vào năm 1969 khi Đức Tổng Giám Mục Pháp Marcel Lefebvre thành lập Huynh Đoàn Thánh Piô 10 bao gồm các linh mục và giáo dân gắn bó với Phụng Vụ truyền thống, và chống lại những cải cách về Phụng Vụ và đối thoại đại kết của Công Đồng Vatican II.
Quan hệ giữa Huynh Đoàn và Vatican luôn luôn đầy khó khăn. Tình hình trở nên nghiêm trọng nhất là vào tháng 6 năm 1988 khi Đức Tổng Giám Mục Lefebvre dự định tấn phong Giám Mục cho 4 linh mục mà không được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phê chuẩn.
Đức đương kim Giáo Hoàng lúc ấy là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Lefebvre nhưng không đạt được thỏa thuận nào.
Ngày 30/6/1988 cùng với Giám Mục về hưu Antônio de Castro Mayer của giáo phận Campos Ba Tây, Đức Tổng Giám Mục Lefebvre đã tiến hành việc tấn phong Giám Mục trái phép. Một ngày sau đó, Tòa Thánh công bố vạ tuyệt thông dành cho cả 6 người.
Ngày 2/7/1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã thành lập Ủy Ban Ecclesia Dei tạm dịch là Công Hội Chúa để giải quyết các vấn đề liên quan đến Huynh Đoàn. Nhờ các nỗ lực của ủy ban này, nhiều linh mục và anh chị em giáo dân đã quay về với Giáo Hội.
Ngày 24/1/2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 ra quyết định giải vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục thuộc Huynh Đoàn thánh Piô 10 và cho mở cuộc đối thoại về tín lý với Huynh Đoàn. Một Ủy ban hỗn hợp gồm các chuyên gia của Bộ Giáo Lý Đức Tin và của Huynh Đoàn đã được thành lập và đã nhóm họp 8 lần tại Roma trong thời gian từ tháng 10-2009 đến tháng 4 năm 2011. Các cuộc đối thoại này có mục đích trình bày và đào sâu những khó khăn lớn về đạo lý liên hệ tới những vấn đề tranh luận. Các cuộc hội thảo đó đã đạt mục đích là làm sáng tỏ lập trường và lý lẽ của hai bên.
Huynh Đoàn hiện có khoảng 551 linh mục, 239 chủng sinh, hàng trăm tu sĩ và khoảng 100 ngàn tín hữu.
Đầu tháng 12 vừa qua, Huynh Đoàn đã chính thức bác bỏ đề nghị thiện chí của Tòa Thánh.
8. Đức Thánh Cha công bố Năm Đức Tin
Sau Công Đồng Chung Vatican II, giữa những xáo trộn xâu sắc diễn ra trên thế giới lúc bấy giờ, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã công bố năm 1967 là ‘Năm Đức Tin’.
Nửa thế kỷ sau, đứng trước thực trạng các xã hội ngày nay khép kín dần với đức tin, thu hẹp tôn giáo trong chiều kích cá nhân, và trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa nơi nhiều tín hữu, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã công bố một ‘Năm Đức Tin’ bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 nhân kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II, và kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua ngày 24 tháng 11 năm 2013.
Sáng thứ Hai 17 tháng 10, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã cho công bố tông thư dưới dạng tự sắc việc cử hành Năm Đức Tin đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng chung Vatican 2.
Tông thư có tên gọi là “Porta Fidei” (Cánh Cửa Đức Tin), gồm có 15 đoạn và mang chữ ký của Đức Thánh Cha ngày 11-10 vừa qua, trong đó ngài trình bày lý do, mục đích và đường hướng cử hành Năm Đức Tin.
Tông thư nhấn mạnh rằng “đức tin không phải là một vấn đề cá nhân,” và đức tin “có một trách nhiệm xã hội” rõ rệt.
Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu Công Giáo dấn thân tích cực trong việc truyền giảng Tin Mừng để “tái khám phá niềm vui đức tin và lòng nhiệt thành thông truyền đức tin”.
Năm Đức Tin này nhắm giúp các tín hữu “tái khám phá hành trình đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ được gặp gỡ Chúa Giêsu”.
Năm Đức Tin càng là điều cần thiết đứng trước sự lan tràn của chủ nghĩa tương đối, trong đó ngày càng có nhiều người không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất. Những ai có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời.
Năm Đức Tin cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2012 về đề tài “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô” sẽ là một dịp thích hợp để dẫn đưa toàn thể cộng đoàn Giáo Hội tiến vào một thời điểm đặc biệt để suy tư và tái khám phá đức tin.
Trong ý hướng trên đây, Đức Thánh Cha đề cao và cổ võ việc đọc lại và giải thích đúng đắn các văn kiện Công đồng chung Vatican 2, học hỏi sâu rộng về Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, vốn là một trong những thành quả quan trọng nhất của Công Đồng. Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục trên toàn thế giới “hãy hiệp với Người Kế Vị Thánh Phêrô, trong thời điểm ân phúc thiêng liêng mà Chúa ban cho chúng ta, để tưởng niệm hồng ân đức tin quí giá. Chúng ta hãy cử hành Năm Đức Tin này một cách xứng đáng và phong phú. Cần gia tăng suy tư về đức tin để giúp tất cả các tín hữu của Chúa Kitô ý thức hơn và củng cố lòng gắn bó với Tin Mừng, nhất là trong lúc có những thay đổi sâu xa mà nhân loại đang trải qua như hiện nay”.
9. Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi
Sáng thứ Năm 27 tháng 10, Đức Thánh Cha đã đáp chuyến tàu từ Rôma đến Assisi nơi sẽ diễn ra buổi cầu nguyện cho hòa bình và công lý với chủ đề “Những người lữ hành của chân lý, những người lữ hành của hòa bình”. Cùng hiện diện với Đức Thánh Cha trên chuyến tàu kéo dài 1 giờ 45 phút là đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới.
Trong số các tham dự viên, có 30 phái đoàn của các Giáo Hội Kitô, gồm 17 phái đoàn từ các Giáo Hội Đông phương, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Bartholomew I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, Về phía các Cộng đồng Giáo Hội Kitô ở Tây Phương, có 13 phái đoàn, đứng đầu là Đức TGM Robert Williams, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo.
Phái đoàn Do thái giáo đã do Đại Rabbi trưởng của Israel là tiến sĩ David Rosen hướng dẫn cùng với Rabbi Trưởng Cộng đoàn Do thái ở Roma là tiến sĩ Riccardo Di Segni.
Có 176 người không thuộc Kitô và Do thái giáo. Trong số này, người ta ghi nhận lần đầu tiên có một phái đoàn Phật giáo từ Trung Quốc. Sau cùng, cũng có 4 nhân vật không tín ngưỡng cũng đến tham dự cuộc gặp gỡ ở Assisi.
Trong diễn từ tại Assisi, Đức Thánh Cha nói:
“Sự chối bỏ Thiên Chúa đưa tới sự sa đọa con người và nhân loại. Nhưng Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có biết Ngài không và chúng ta có thể tái bày tỏ Ngài cho nhân loại để thiết lập một nền hòa bình chân thực hay không? Trước tiên chúng ta hãy tóm tắt những suy tư của chúng ta cho đến nay. Tôi đã nói rằng có một quan niệm và một sự lạm dụng tôn giáo qua đó, tôn giáo trở thành một nguồn bạo lực, trong khi sự qui hướng con người về Thiên Chúa, được sống ngay chính, là một sức mạnh hòa bình. Trong bối cảnh đó, tôi tái khẳng định sự cần thiết phải đối thoại, và tôi nói về sự cần phải luôn luôn thanh tẩy tôn giáo được sống thực. Đàng khác tôi đã quả quyết rằng sự chối bỏ Thiên Chúa làm băng hoại con người, khiến con người không còn mẫu mực nào nữa, và dẫn họ đến bạo lực”
Về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ tại Assisi, Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
“Đây không phải chỉ là cuộc hội các vị đại diện của các tôn giáo. Đúng hơn đây là cuộc họp nhau trên hành trình tiến về chân lý, với sự dấn thân quyết liệt cho phẩm giá con người, và cùng nhau đảm nhận chính nghĩa hòa bình chống lại mọi hình thức bạo lưc phá hủy công pháp. Để kết luận, tôi muốn cam đoan với quí vị rằng Giáo Hội Công Giáo không từ bỏ cuộc chiến chống bạo lực, quyết tâm xây dựng hòa bình trên thế giới. Chúng ta được linh hoạt nhờ cùng một ước muốn chung, ước muốn trở thành ‘Những người lữ hành của chân lý, những người lữ hành của hòa bình’”.
Sáng thứ Sáu, tại Vatican, một ngày sau cuộc gặp tại Assisi, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo các tôn giáo tham dự ngày cầu nguyện tại Assisi.
Đức Thánh Cha đã cám ơn các vị đã tham dự trong ngày “suy tư, đối thoại, và cầu nguyện cho công lý và hòa bình thế giới”. Ngài nói rằng các vị tiêu biểu cho những người thiện chí đang hoạt động cho hòa bình.
Đức Thánh Cha nói:
“Xin cho tình thân hữu này tiếp tục triển nở giữa các tín hữu của các tôn giáo trên thế giới và giữa những người thiện chí khắp nơi”.
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, đại diện các tôn giáo đã có buổi ăn trưa với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa Thánh.
10. Các nước nói tiếng Anh bắt đầu dùng sách lễ Rôma mới
Bắt đầu từ Chúa Nhật 27 tháng 11, sách lễ Rôma mới đã được áp dụng tại hầu hết các nước nói tiếng Anh. Thay cho những từ tiếng Anh thông dụng, các từ ngữ chuyên biệt và chính thức hơn sẽ được áp dụng cả cho vị chủ tế lẫn anh chị em tín hữu tham dự thánh lễ.
Những thay đổi này là kết quả của một nỗ lực kéo dài trong nhiều năm. Bản dịch mới của sách lễ Rôma dựa trên việc dịch sát nghĩa bản tiếng La Tinh.
Sách lễ Rôma trước đây đã được áp dụng trong 41 năm nhưng những lời nguyện dựa trên ý hướng của nguyên bản tiếng La Tinh hơn là việc dịch sát nghĩa.
Những thay đổi được áp dụng trên toàn bộ các phần của thánh lễ bao gồm cả Kinh Vinh Danh, Kinh Tin Kính và tất cả các lời đối đáp.
Từ Chúa Nhật 27 tháng 11, là Chúa Nhật thứ Nhất mùa Vọng, sách lễ Rôma mới đã được dùng tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc Châu, Phi Châu, và một số nơi khác.
Thông tấn xã Công Giáo Fides của Tòa Thánh vừa đưa ra thống kê về các vị thừa sai đã bị giết trong năm qua trên bước đường truyền giáo.
Trong năm 2011, 26 nhà truyền giáo đã bị giết trong đó có 18 linh mục, 4 nữ tu và 4 giáo dân. Trong số này 15 vị bị giết tại Mỹ Châu La Tinh, cụ thể tại Colombia, Mễ Tây Cơ, Ba Tây, Paraguay và Nicaragua. 6 vị bị giết tại Phi Châu. 4 vị tại Á Châu và 1 vị tại Âu Châu.
Con số các thừa sai bị giết trong năm 2010 là 25 vị.
Vietcatholic Network