TÔI THẤY TIN MỪNG
1. Càng về già và càng thêm đau yếu, tôi càng thấy sự suy thoái tràn sâu vào khắp con người của tôi. Tôi cầu nguyện với Chúa. Nhưng nhiều khi Chúa xem ra cũng vắng mặt, nhiều điểm tựa xem ra cũng ra đi, nhiều ước mơ chính đáng xem ra cũng tan vỡ.
Tôi như trong cảnh mất mát. Nhưng chính trong cảnh tang thương đó, tôi đã xác tín được Tin Mừng. Tôi nói với Chúa như ông Gióp xưa: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại. Nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42,5).
Thiên Chúa là tình yêu. Đó là Tin Mừng mà tôi tin, tôi được cảm nghiệm và đã được xem thấy. Tin Mừng đó trở thành một xác tín, nhờ những thất bại hơn là nhờ những thành công, nhờ những khó khăn hơn là nhờ những dễ dàng, nhờ những đau khổ hơn là nhờ những sung sướng.
2.
Kinh nghiệm trên đây của tôi thực là mờ nhạt, nếu so sánh với những kinh nghiệm của nhiều chứng nhân của Chúa, mà tôi được gặp. Ở đây, tôi xin nói về họ.
Trước hết, họ đã nhận ra Thiên Chúa là tình yêu khiêm tốn, ưa thích những tình yêu khiêm nhường.
Chúa yêu thương họ trước, nhưng Người không ép buộc họ phải nhận tình thương của Người. Người để họ tự do. Người cũng không muốn làm theo ý họ, để như áp lực buộc họ phải yêu mến Người. Người muốn họ dùng chính sự tự do của họ, để giao ước với Người trong tình yêu bền vững. Trong sự kính trọng sự tự do của con người, Chúa tỏ ra Chúa là tình yêu vô cùng khiêm tốn. Vì thế, Chúa rất quý trọng những tình yêu trung tín trong những nỗi khổ. Như tình yêu của ông Gióp: “Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng danh Chúa” (G 1,20).
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nêu gương tình yêu khiêm nhường trước những thử thách cam go đau đớn. Người nói với Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin cứ làm theo ý Cha” (Lc 22,42).
Đức Chúa Cha cũng đã tỏ ra sự Người đón nhận tình yêu khiêm nhường của Chúa Giêsu trên thánh giá, coi đó như của lễ cứu chuộc nhân loại. Vì thế, Chúa Cha vẫn làm thinh, khi nghe Chúa Giêsu kêu: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con” (Mt 15,34).
Tuy cảm nghiệm về sự cô đơn như bị Chúa Cha bỏ rơi, Chúa Giêsu vẫn trung thành với sứ vụ tình yêu: Người vẫn yêu loài người, cho dù loài người phản bội. Người xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Với Chúa Cha, Người vẫn khiêm nhường phó thác: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Tình yêu khiêm nhường của Chúa có một cái gì rất cao cả, rất linh thiêng. Tôi tin vì Lời Chúa dạy. Thêm vào niềm tin, tôi còn được thấy tận mắt tình yêu ấy nơi nhiều người tôi gặp. Họ có một tình yêu khiêm nhường giống Chúa Giêsu. Gặp họ, tôi nhận ra Chúa Giêsu trong họ. Họ quả là chứng nhân sống động của tình yêu Chúa.
3.
Cùng với họ, tôi cũng đã nhận ra Chúa Giêsu nơi những người phục vụ yêu thương lớp người nghèo khổ bé mọn.
Trong bài giảng về cuộc Phán xét chung, Chúa Giêsu nói rõ: Những người được gọi là chiên, được đứng bên phải Chúa, chính là những ai biết phục vụ yêu thương những người nghèo khổ bé mọn. Chúa đồng hoá chính Chúa với những ai đói khát, rách rước, yếu đau, ngồi tù. Chúa coi các việc phục vụ yêu thương dành cho họ là làm cho chính Chúa. Cũng thế, những gì không làm cho họ cũng kể là không làm cho chính Chúa (x. Mt 25,31-46).
Tôi tin Lời Chúa phán trên đây. Tôi đem Lời Chúa soi vào thực tế cuộc đời, thì thấy số người phục vụ yêu thương kẻ nghèo khổ bé mọn là khá đông.
Họ yêu thương phục vụ bằng nhiều sáng kiến khác nhau. Nhưng điều chung trong các sáng kiến chính là tình yêu chân thành, tế nhị, nồng nàn, vị tha. Thấy họ, tôi có cảm tưởng là gặp được Chúa. Họ đúng là chứng nhân của tình yêu Chúa.
4.
Một loại chứng nhân nữa của tình yêu Chúa, mà tôi rất khâm phục, đó là những người xây dựng bình an bằng thứ tha và thương xót.
Khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ. Lời đầu tiên Chúa nói với họ là: “Bình an cho anh em” (Lc 24,36). Lời chúc bình an của Chúa là lời tha thứ. Bởi vì tất cả các tông đồ đã phạm tội dịp Chúa bị bắt. Không những Chúa tha thứ tội lỗi cho họ, mà còn tỏ lòng tín nhiệm họ. Ngài trao cho họ việc đi rao giảng Tin Mừng và coi sóc đoàn chiên.
Chúa Giêsu chào chúc bình an là như thế đó. Bình an được xây dựng trên tha thứ yêu thương và cởi gỡ. Chúa cởi gỡ các môn đệ khỏi mặc cảm tội lỗi.
Sự cởi gỡ mặc cảm tội lỗi cũng được nhận thấy nhiều lần, khi Chúa ban ơn cứu độ cho những người bị dư luận kết án và loại trừ.
Chúa tìm cách đem lại danh dự cho người phụ nữ Samari có năm đời chồng, và người đàn ông đang sống chung với chị lại không là chồng (x. Ga 4,7-30). Chúa cho chị được ơn sai đi loan báo về Đấng Messia.
Chúa tìm cách đem lại danh dự cho người thu thuế Lêvi bằng cách vào dùng bữa với ông tại nhà ông (x. Lc 5,27-32).
Chúa tìm cách đem lại danh dự cho người phụ nữ tội lỗi công khai đã dám có mặt trong bữa tiệc đông người tại nhà ông Simon. Chúa đem lại danh dự cho cô bằng cách khen cô ấy đã được tha nhiều vì đã yêu mến nhiều (x. Lc 7,36-50).
Xung quanh tôi không thiếu những người xây dựng bình an bằng cách thứ tha, cởi gỡ mặc cảm và trao niềm tin tưởng. Thấy họ, tôi có cảm tưởng là gặp được Chúa. Họ quả là những chứng nhân của tình yêu Chúa.
5.
Ba loại chứng nhân vừa kể trên phải được kể là những chứng nhân có nhiều uy tín. Hơn nữa, theo tôi, họ là chứng nhân uy tín bậc nhất. Bởi vì họ sống Lời Chúa Giêsu, họ noi gương Chúa Giêsu, họ đi theo Chúa Giêsu. Họ là những người trở về Nguồn.
Vì thế, những chứng nhân loại này đều tha thiết suy gẫm Lời Chúa, siêng năng chầu Mình thánh và tham dự Thánh lễ. Họ trở về Nguồn, để nhận lãnh tình yêu từ Nguồn.
Tình yêu, mà họ nhận được từ Nguồn, biến đổi họ về chiều sâu. Chiều sâu đó là những mời gọi đi về những chân trời mới, như: “Các con hãy tìm Nước Thiên Chúa, và sự công chính của Chúa trước” (Mt 5,26). “Ý của Cha Ta là các con hãy mang hoa trái và là thứ hoa trái tồn tại” (Ga 15,16).
Khi những mời gọi đi về chân trời mới đó gợi lên trong họ những ước muốn thánh, thì Thánh Thần sẽ giúp họ tìm ra những sáng kiến thích hợp với họ và đáp ứng nhu cầu thực tế, để rồi thực thi ước muốn đạo đức của họ bằng những việc cụ thể. Đó là thánh ý Chúa.
6.
Những tư tưởng trên đây là rất bé nhỏ. Nhưng hy vọng sẽ là một đóng góp vào việc đào tạo những chứng nhân Tin Mừng cho Việt Nam hôm nay.
Nếu cần tóm tắt việc đào tạo này, thì có thể lấy ý của thánh Phaolô: Sự công chính không tuỳ ở lề luật, mà nhờ tham dự vào sự công chính của Chúa Giêsu (x. Rm 3,21-30).
Nghĩa là sự công chính của người chứng nhân không chủ yếu do giữ nhiều luật lệ, mà là do sự sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mới chính là nguồn công chính, làm cho chứng nhân trở thành dấu chỉ chắc chắn, để người ta có thể thấy được Tin Mừng.
ĐGM GB Bùi Tuần