SỐNG VÀ CHẾT TRONG HY VỌNG
Khi có cho mình một lẽ sống thì người ta “không sợ chết, mà cũng
chẳng ngại sống” (Martin of Tours), còn khi không có một lẽ sống thì "đời là bể khổ", sống
là chịu khốn cực để rồi chết không hy vọng!
Trên báo Tiền Phong, nhà báo Ngọc Bích đã viết về HIV/AIDS
và nạn nhân của nó, những chàng trai trẻ: .”.. Hầu như số này đều đã có
ít nhiều hiểu biết về HIV/AIDS, nhưng không kiềm chế được mình khi sa vào các “ổ nhện” là các quán bar, caphê đèn mờ, karaoke ôm, bia ôm và đã có quan hệ tình dục với tiếp viên nhà hàng, bị lây truyền bệnh lúc nào không rõ! Đã có những chàng trai nhiễm HIV cưới vợ, có con, khi phát bệnh, cả gia đình
đi xét nghiệm mới đau đớn nhận ra cả nhà nhiễm HIV. Người chồng đã uống thuốc tự vẫn, để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ nhiễm HIV không nơi nương tựa...”
Người chồng đã chết, một cái chết đáng
thương! Cái chết đó bắt đầu từ sự chết trong tâm
hồn. Đó là cái chết đáng
thương của người hiện đại. Ta hãy
xem người xưa nói như thế nào về sự chết?
Mạnh Tôn Dương
hỏi Dương Tử: "Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?"
Dương
Tử nói: "Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?"
-
Thế cầu sống lâu có nên không?
-
Lẽ nào sống lâu được? Người ta
không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được.
Vả chăng sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể
an nguy, xưa cũng như nay; việc đời gian khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn,
xưa cũng như nay, cái gì cũng đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống
trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho
khổ làm gì?
-
Nếu như thế, thì chóng chết còn hơn
sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhẩy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa
không?
-
Không phải thế ! Ðã sinh ra đời,
thì lúc sống cứ tự nhiên, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết. Lúc sắp chết cũng
tự nhiên, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chết, lúc nào
cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì?
Thoạt nghe, lời Dương
Tử mang lại cho con
người sự tự do, an nhiên sống theo bản tính vô thường của mình, để an tâm mà
chết.
Thế nhưng
đó cũng là một cái chết đáng thương!
Dương
Tử đã khéo léo tránh né vấn đề sự chết: Không muốn nói về sự chết vì chẳng có một chọn lựa nào cho cuộc sống sau sự chết.
Sống là chọn lựa, chọn lựa là hy vọng. Tin vào Đức Kitô là
hy vọng vào một cuộc sống đến sau sự chết của thân xác này. Đó là
sự chọn lựa Chúa đặt ra cho ai
muốn theo Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Trong
bài giải thích Tin Mừng Chúa Nhật, ngày
06.11.2011, ĐTC Bênêđictô cho thấy sự khác biệt “rất rõ ràng” trong suy tư về sự chết giữa người tin và người không
tin: Ai tin vào Chúa, Đấng là tình yêu thì sẽ “sống và chết trong niềm hy vọng.”
Ngài
nói thêm: “Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa, nếu chúng ta loại bỏ Chúa Kitô, thế giới sẽ lại rơi
vào trống rỗng và tối tăm.
Và điều này cũng gặp thấy nơi
các hình thức của chủ nghĩa hư vô
hiện đại, thường là tiềm ẩn và thật đáng tiếc lại có nhiều người trẻ đã bị tiêm nhiễm.”
Stêphanô
Nguyễn văn Vinh là một tân tòng đang học đạo. Anh sinh
năm 1813. Anh là một tá điền khoẻ mạnh, sống độc thân và rất nghèo,
tính tình đơn sơ, chất phác. Vì kế sinh nhai anh đã theo di dân lên tỉnh Bắc, đến lập nghiệp tại làng Đức Trai, giáo xứ Kẻ Mốt.
Anh
và hai người bạn cùng
trang lứa cùng bị bắt với hai thầy giảng là thầy Úy và thầy Mậu. Dù mới chỉ là một dự tòng nhưng khi bị bắt anh đã mạnh dạn tuyên xưng
đức tin. Khi quan bắt anh đạp lên Thánh
giá, anh trả lời : “Tôi thà chết chứ không làm điều đó, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật.” Rồi anh được cha Tự rửa tội trong tù.
Ngày
19.8.1839, năm người đứng trước quan tòa.
Một bên là Thánh giá, một bên là những dụng cụ tra tấn, quan vừa đe doạ, vừa dụ dỗ các ngài bỏ đạo, nhưng Thầy Mậu trả lời: “Chúng tôi đã quyết một điều là trung thành với Chúa chúng tôi thờ. Nếu quan biểu chặt đầu chúng tôi, hay chúng tôi phải chết cách nào khác, chúng tôi đã sẵn sàng.”
Cuối cùng quan thất vọng cho dẫn các ngài
về ngục, nói rằng: “Bọn này không thể tha được, mà thật chúng cũng chẳng thèm được tha.”
Quan
thất vọng, nhưng các tù nhân chịu án tử hình lại sống trong hy vọng. Khi có cho mình một lẽ sống thì người ta có thể nói như thánh giám mục Martin thành Tours về lẽ sống-chết, là “không sợ chết, mà cũng chẳng ngại sống”, còn khi
không có được một lẽ sống thì "đời là bể khổ", sống là chịu khốn cực để rồi chết không hy vọng!
Hy
vọng đến từ niềm tin. Niềm tin là một ơn Chúa ban nhưng cũng đồng thời là một chọn lựa của con người nên niềm tin cũng cần phải chịu thử thách để thực sự là một chọn lựa của con người cộng tác với ơn Chúa. “Chúng
ta hãy tạ ơn Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, Người đã thử thách chúng ta cũng như đã thử thách cha ông chúng ta... Đức Chúa không bắt chúng ta đi qua lửa như đã bắt các ông để thử lòng các ông và Người cũng không trừng phạt chúng ta, nhưng đánh
phạt những ai đến gần người, để cảnh cáo” (Gđt 8,25-27).
Niềm tin đòi hỏi sự dấn thân với cả cuộc sống vì tin vào Thiên Chúa là một chọn lựa căn bản cho cuộc sống. Chết cho niềm tin là
lúc người ta sống một cách mãnh liệt nhất cho chọn lựa của mình, còn sống không niềm tin thì
cuộc sống là một cái chết đau đớn kéo dài: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về niềm tin Chúa đã ban cho con, để dầu sống dầu chết, con luôn hy vọng!