TU ĐỨC _ mức độ của tấm lòng vàng

MỨC ĐỘ CỦA TẤM LÒNG VÀNG
1. Mấy tháng nay vàng lên giá. Người ta coi vàng là một giá trị cao, có thực chất. Khi tình hình kinh tế trở nên bất ổn, tiền lạm phát, thì vàng hiện lên như một nơi cư trú vững bền của tài sản.
Hiện tượng trên của lĩnh vực kinh tế gợi ý cho tôi nghĩ tới một sự việc tương tự trong lãnh vực đạo đức. Khi tình hình đạo đức trở nên rối ren, ích kỷ thắng thế, thì người ta tìm đến những người có lòng tốt, một lòng tốt mà người ta thường gọi là tấm lòng vàng.
Tôi cũng đi tìm, và cũng đã gặp.
2. Tấm lòng vàng, đối với tôi, có những nét rất đẹp. Có những nét đẹp rút từ Kinh Thánh. Có những nét đẹp hiểu từ nhân bản.
Nét đẹp thứ nhất của tấm lòng vàng là yêu thương bằng những việc phục vụ.
Để cắt nghĩa thế nào là yêu thương một cách vị tha, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn sau đây: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy và cũng tránh qua bên kia mà đi.
Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngay chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại'" (Lc 10,30-36).
Phúc Âm kết luận, trong ba người của dụ ngôn, chỉ người thứ ba là yêu thương thực. Yêu thương thực là yêu thương bằng hành động tốt. Hành động tốt là làm đúng việc, đúng cách, đúng lúc và với lòng xót thương chân thành.
Tấm lòng vàng với nét đẹp diễn tả trên đây không thiếu xung quanh tôi. Họ là công giáo và họ là người ngoài công giáo.
3. Nét đẹp thứ hai của tấm lòng vàng là hiền hậu và khiêm tốn
Chúa Giêsu phán: "Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11,29). Trong hiền hậu và khiêm nhường luôn có một sự kính trọng đối với người khác. Kính trọng đó làm cho tình yêu thương thêm giá trị. Hơn nữa, hiền hậu và khiêm nhường cũng luôn có sẵn sự chân thành, cởi mở.
Tấm lòng vàng với nét hiền hậu khiêm tốn không phải là hoạ hiếm tại Việt Nam hôm nay. Họ rải rác ở khắp mọi tầng lớp xã hội.
4. Với hai nét đẹp trên đây, nhiều tấm lòng vàng đã đem lại cho tôi nhiều lợi ích. Trong những lợi ích thiêng liêng tôi nhận được, có ơn giúp tôi đi lên.
Cái tốt của họ thúc giục tôi nhìn lại chính mình bằng sự cầu nguyện:
"Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ
Biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa
Đi lại hay nghỉ ngơi, Ngài đều xem xét.
Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
... Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác,
Thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời" (Tv 139/138).
Chúa thương dẫn tôi vào chính lộ ngàn đời. Lộ ngàn đời là Chúa Giêsu. "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).
Tôi thấy Chúa Giêsu là tấm lòng vàng trên mọi tấm lòng vàng. Ở chỗ Người đã không tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng chỉ tìm lợi ích cho người khác. Với mục đích đó, Người đã khiêm nhường chịu mọi hy sinh suốt cả cuộc đời. Khiêm nhường và hy sinh đó được thánh Phaolô diễn tả như sau:
"Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá" (Pl 2,6-8).
5. Vâng lời thánh Phaolô, tôi coi thánh giá Chúa là nơi suy gẫm.
Tôi ngắm nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Càng nhìn sâu vào Chúa chịu đóng đinh, tôi càng cảm nhận rằng: Chúa là tấm lòng vàng vô giá, do tình xót thương vô biên của Chúa.
Chúa xót thương tôi ở sự Chúa yêu thương tôi. Chúa thương tôi đến nỗi chết vì tôi.
Với tình xót thương đó, Chúa không những cho tôi thấy tôi được Chúa yêu thương, mà tôi còn được Chúa gọi. Chúa gọi tôi hãy đi theo Chúa trên đường làm chứng.
Làm chứng theo Chúa Giêsu có ba việc chính. Một là gắn bó với tấm lòng của Chúa Giêsu, để nhận được tình yêu luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha giàu lòng thương xót. Hai là yêu thương mọi người như Chúa Giêsu đã yêu thương. Ba là loan báo về Nước Trời là Nước tình yêu, sự sống, chân lý và ân sủng.
Thực hành ba việc đó là đề cập đến mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.
6. Để làm chứng, tôi phải chiến đấu rất nhiều. Qua phấn đấu, tôi nhận ra rằng: Để trở thành một tấm lòng vàng như Chúa muốn, tôi không những phải yêu thương, phải hiền lành khiêm nhường, phải quên mình, mà còn phải dũng cảm. Với nhận thức đó, tôi cầu xin như vua Đavít:
"Lạy Chúa, con kêu lên Ngài,
Lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con,
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu,
Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa,
Ngài cho con trú ẩn dưới cánh tay Ngài,
Khỏi quân thù xông đánh.
Xin giữ gìn con như thể con ngươi.
Dưới bóng Ngài, xin thương che chở,
Cho khỏi tay lũ ác nhân hãm hại,
Thoát bọn tử thù tứ phía bủa vây" (Tv 17/16).
Với kinh nghiệm bản thân tôi thấy: Theo tinh thần Phúc Âm, tấm lòng vàng ở mức độ cao chính là tấm lòng cầu nguyện, gắn bó với Chúa là tình yêu, phục vụ yêu mến mọi người trong khiêm hạ, hy sinh và dũng cảm.
7. Nói tới đây, tôi tưởng nhớ tới Cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp. Cha là một linh mục gốc giáo phận Long Xuyên rất được dân chúng sùng mộ và cầu khấn. Trên khắp nước Việt Nam hôm nay, lương cũng như giáo, đều coi Ngài là một tấm lòng vàng rất dễ thương. Thánh thiện là như thế. Và như thế, dễ thương là một nét đẹp của tấm lòng vàng.
Lạy Chúa, con xin Chúa thương ban cho Hội Thánh Việt Nam được nhiều tấm lòng vàng. Cách riêng, xin Chúa thương ban ơn cho con được là một tấm lòng vàng, ở một mức độ nào đó mà Chúa muốn, để con sẵn sàng chịu mọi hy sinh cho tất cả những ai gọi con hãy đến cứu giúp họ. Amen.
ĐGM. GB Bùi Tuần