Giới thiệu sách mới:
TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO – 500 MỤC TỪ
Từ bao năm nay, nhiều người Việt Nam Công Giáo cũng như ngoài Công Giáo, nhất là giới nghiên cứu tôn giáo, vẫn chờ đợi một cuốn Từ điển các thuật ngữ Công Giáo vì ai cũng muốn hiểu biết tường tận và chính xác nội dung các từ mà họ thường gặp khi đọc các tài liệu hay văn kiện của Giáo Hội hay của Huấn Quyền, nhất là trong các lãnh vực như thần học, Thánh Kinh, Giáo Lý, Giáo Luật… Cuốn Từ Điển này còn được xem như một công cụ hữu ích góp phần vào việc đối thoại liên tôn, hay rộng hơn nữa, vào việc đối thoại văn hoá.
Trước nhu cầu chính đáng và cấp thiết này, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Biên soạn Từ vựng Công Giáo, từ đầu năm 2007 và cử Lm. Nguyễn Chí Thiết làm Trưởng Ban. Được biết, Lm. Nguyễn Chí Thiết là Tiến sĩ Thần học Tín lý và Cao đẳng Cổ ngữ Hy Lạp Thánh Kinh và Cao đẳng Cổ ngữ Do Thái Thánh Kinh, là Giáo sư các Đại Chủng viện Vĩnh Long (1970-1974), Cần Thơ, Sao Biển, Vinh Thanh (từ năm 2002), Giáo sư Đại học Fujien, Đài Loan (2003-2004) và Đại học Taijung, Trung Quốc (2004-2007).
Sau khi nhận nhiệm vụ, Lm. Nguyễn Chí Thiết vừa thuyết phục sự cộng tác của các nhà chuyên môn, vừa vận động tài trợ và nhất là xác định nội dung và phương pháp làm việc. Từ 7 người ban đầu trong cuộc họp ngày 23-01-2007, con số các chuyên viên cộng tác đã lên đến 130 người. Cũng chỉ một thời gian ngắn sau ngày nhận việc, Cha đã vận động được một số tiền khiêm tốn để có thể khởi động công việc. Và sau hơn 4 năm, thành quả bước đầu sắp được ra mắt độc giả. Đó là cuốn “Từ Điển Công Giáo – 500 mục từ”. Có thể nói rằng đây là Từ điển Công Giáo Việt – Việt đúng nghĩa đầu tiên được cưu mang trong văn hoá dân tộc, được viết ra bằng tiếng Việt cho người Việt dùng. Tuy vậy, để tiện cho việc tra cứu, đối chiếu, mỗi mục từ tiếng Việt đều được ghi thêm bốn thứ tiếng: Trung – La – Anh – Pháp. Sở dĩ chọn bốn thứ tiếng này là vì Anh Pháp là ngoại ngữ phổ thông nhất với nhiều người Việt, cũng là thứ tiếng mà người đọc có thể tìm được nhiều tài liệu liên quan nhất. Và Latinh là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội và cũng là nguyên ngữ của sách Giáo Lý Công Giáo và nhiều văn kiện của Huấn Quyền hay của các tác giả cổ điển. Còn Hán tự và âm Hán Việt vốn là gốc của nhiều từ ngữ Việt. “Từ Điển Công Giáo – 500 mục từ” mới chỉ là một phần của một công trình đồ sộ. Vì quá đồ sộ nên cần nhiều năm nữa mới hoàn thành. Trong khi chờ đợi, Ban Biên soạn đã chủ trương ra mắt trước 500 mục từ chọn lọc, được xem là các mục từ căn bản và phổ thông nhất. Căn bản vì chúng diễn tả cái cốt yếu của đức tin Kitô giáo. Phổ thông là vì chúng rất thường gặp và thường dùng.
Trong “Lời Giới thiệu” cho “Từ Điển Công Giáo – 500 mục từ”, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo Lý Đức Tin, đã nhận xét rằng công trình này có 5 ưu điểm:
- “Vắn tắt, không dài dòng quá sự cần thiết”
- “Tương đối dễ hiểu, tuy vẫn giả thiết người đọc cần có một trình độ học thức vừa phải”.
- “Nhắm điều cốt yếu, từ nào nội dung ấy, dễ cho người đọc nắm bắt được ý chính của từ ngữ”.
- “Cập nhật hoá vì có lưu tâm đến những văn kiện mới nhất của Hội Thánh hoặc những cuốn sách mới của các nhà thần học”
- “Tôn trọng Huấn Quyền, vì thường xuyên quy chiếu về sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo hoặc là Bản Toát yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Ưu điểm này quan trọng nhất đối với Hội Thánh”.
Có thể xác định công trình này vừa mang tính khoa học nghiêm túc vừa mang tính Công Giáo tông truyền và là một công cụ tra cứu hữu ích cho nhiều người, nhất là giới nghiên cứu.
Sách dày 588 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, in bằng giấy fort kem Nhật, 2 màu, bìa cứng, giấy couché 250. Ngày phát hành: 18-09-2011. Giá bán 110.000 Đ, nhà xuất bản Tôn Giáo, phát hành tại nhà sách Đức Bà Hoà Bình.
Quý Bạn đọc có thể tìm mua tại các nhà sách Công Giáo hoặc Văn phòng Từ Vựng Công Giáo – Toà Tổng Giám Mục, Giáo phận TP. HCM, 180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3 – Đt: (08). 3930 7256, Email: tvcgvn@gmail.com .
ĐÌNH KHẢI