XIN ĐƯỢC LÀM TÔI TỚ
Robert Morrison, một nhà truyền giáo nổi tiếng, khi đi truyền giáo ở Trung Quốc, đã viết thư cho Hội truyền giáo ở bên Anh, để xin một người trợ giúp. Để đáp lại, có một thanh niên xin được tự nguyện hiến thân phục vụ.
Sau khi phỏng vấn, các thành viên trong hội truyền giáo quyết định là mặc dù người thanh niên này là một Kitô hữu sốt sắng, nhưng anh chưa hề được chuẩn bị và chưa có đủ yếu tố để ra đi truyền giáo, nên họ đề nghị:
- Chúng tôi nghĩ rằng anh chưa phù hợp với vai trò của một người truyền giáo, nhưng nếu anh bằng lòng ra đi với tư cách là người giúp việc cho nhà truyền giáo, thì chúng tôi cử anh đi.
Sau khi nghe câu trả lời này, anh nói:
- Dạ, thưa con xin được sẵn sàng trở thành một người tôi tớ hoặc làm bất cứ việc gì để phục vụ cho mục tiêu làm sáng danh Chúa.
Thế là anh được sai đi trong vai trò của một người lao công, nhưng chẳng bao lâu, anh trở thành một nhà truyền giáo, đó là tiến sĩ Minle, một trong những nhà truyền giáo tốt lành giỏi giang nhất tại Trung Quốc.
- Đức Maria, một mẫu gương khiêm hạ, khi trả lời sứ thần Gabriel: “này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”(Lc 1,38). Xin vâng! Mẹ cùng đồng hành với Con Mẹ trong chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa, cùng đồng công với Con Mẹ để cứu chuộc nhân loại. Xin vâng! Mẹ đã lặng lẽ theo chân Con mình trên bước đường thương khó. Lời xin vâng của Mẹ đã đi hết cuộc hành trình trần gian, cùng các môn sinh của Con mình trên bước đường truyền giáo với những ngày đầu khai sinh Giáo Hội sơ khai. Sự Khiêm hạ của Mẹ đã được Thiên Chúa thưởng công, cả hồn lẫn xác trên Thiên Quốc.
- Thánh Gioan Tẩy Giả vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước nói về con người mình : “còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài” (Mc 1,7b). “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Cả cuộc đời của thánh nhân sống trong hoang địa, nhưng lại là vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước được Thiên Chúa sai đến, để dọn đường cho Đấng Mesia đến.
- Thái độ khiêm hạ, thực lòng thống hối ăn năn của người thu thuế, anh ta không nói nhiều. Chỉ cúi đầu và thưa với Chúa một câu: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”(Lc 18:9-14). Chính sự khiêm hạ của anh, anh đã nhận được lòng bao dung của Thiên Chúa.
- Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một vị Thánh đã từng sống với đức khiêm nhường một cách rất nghiêm nhặt, từ những việc nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt hằng ngày, sự nhường nhịn đã tạo cho thánh nữ thành một thói quen tốt khi thánh nữ tiếp xúc với các chị em trong đan viện. Một vị Thánh cả một cuộc đời sống chiêm niệm trong bốn bức tường trong nhà kín, nhưng lại được Hội Thánh tôn vinh và chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Trong dân gian Việt Nam, câu tục ngữ: “một sự nhịn, chín sự lành” đã diễn tả được phần nào đặc tính của đức khiêm nhường. Người khiêm nhường không có nghĩa là người nhu nhược. Mà trái lại, trong cuộc sống đức khiêm nhường chính là cánh cửa để giúp con người tiến bước vào ngưỡng cửa trọn lành. Chính đức khiêm nhường đã hun đúc giúp con người thăng tiến đến sự hoàn thiện nhân cách. Vì người có đức khiêm nhường thì không bao giờ có tính ích kỷ, kiêu căng, đố kỵ, huênh hoang, tự cao tự đại …
Trên đây, những mẫu gương của đức khiêm hạ của mọi thành phần, mọi thời đại. Riêng tôi, tôi đã học và thực hành được gì? Tôi đã thể hiện tinh thần khiêm nhường của mình như thế nào? Trong công việc được trao, tôi đã phục vụ hết mình chưa? Hay lại hiểu sai về đức khiêm nhường, là đùn đẩy, thoái thác nhường công việc cho người khác, để chọn việc nhẹ nhàng. Thường khi được trao công việc, nhất lại là công việc chung, mấy ai nhận về mình việc khó khăn và cũng chẳng ai muốn nhận việc thấp hèn. Anh thanh niên Minle đã không quản ngại nhận công việc là một người giúp việc, anh vui vẻ nhận lời để theo chân nhà truyền giáo; trong anh giây phút đó chỉ có một mục đích chính là để phục vụ cho mục tiêu làm sáng danh Chúa. Rồi từ công việc khiêm hạ là người lao công giúp việc, anh đã thành công trong xã hội với học vị tiến sĩ và với Giáo Hội là nhà truyền giáo nổi tiếng.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống khiêm hạ, biết từ tốn trong thái độ giao tiếp. Cho con biết vui nhận những công việc nơi bề trên đã tín nhiệm trao cho con. Biết kính trọng vâng lời với các đấng bề trên; biết tôn trọng anh chị em trong hòa nhã, nhẹ nhàng; biết yêu thương chia sẻ với các em nhỏ. Đồng thời biết thể hiện liên kết khiêm tốn với lòng nhiệt thành đầy nhiệt huyết. Để hy vọng trong bất cứ công việc gì, cũng được Chúa hướng dẫn, chúc lành và gặt hái thành quả tốt đẹp. Amen!