ĐỨC TÍNH HIỀN TỪ
Tác phẩm thời danh Iliade của Homère, có thuật chuyện dân Hy Lạp và dân thành Troie đánh nhau nhiều năm trời, hai bên đều có binh lính hùng mạnh và những vị tướng thật giỏi. Nhưng khi cả hai bên đều dùng khí giới, thì không thể phân thắng bại, mãi tới lúc bên Hy Lạp dùng mưu, làm một con ngựa gỗ thật lớn, thì bên thành Troie mới bị bại trận. Khi chúng ta nổi nóng, chúng ta sẽ không chinh phục được ai, nhưng nếu chúng ta biết tự kiềm chế, bất động như một con ngựa gỗ, chúng ta sẽ thắng được người khác.
Theo tác giả cuốn “Introduction à la vie dévoté" thì tính hiền từ, dịu dàng giúp ta được nhiều việc. Nước chảy xối xả ở những dòng suối, không thể chở tàu bè được, mà chính nước êm đềm ở những dòng sông mới chở được các con thuyền và các tàu lớn. Những trận mưa rào ào ạt nhiều khi gây thiệt hại cho hoa màu, còn những trận mưa êm nhẹ, làm cho hoa màu tươi tốt. Cũng thế, tính nóng nảy chỉ làm hại chúng ta và chỉ có đức tính hiền hòa mới giúp ích cho công việc của ta. Khi chúng ta nổi nóng, không ai yêu phục chúng ta, mà chỉ khi ta biết đối xử hiền từ, người khác mới mến phục. Theo tác giả, đã có một thời, khi súng đại bác chưa được tân tiến, người ta đã dùng những sợi bông mềm, để chống lại sức công phá của những loại đại bác này.
Điều này bảo chúng ta, gặp người nóng giận, mà ta cũng nổi nóng, thì có khác gì đổ dầu vào lửa, nhưng nếu chúng ta biết dùng tính hiền dịu, kiên nhẫn chịu đựng thì mới làm cho người kia dịu hiền lại được.
Hoàng Ôn trước đã có vợ là Nam Khang Công Chúa, con gái vua Minh đế nhà Hán. Sau Hoàng Ôn sang đánh dẹp được nước Thục và lấy con gái của Lý Thế là nhà quyền quý của nước Thục, mang về làm thiếp.
Lúc về nhà, Công Chúa biết chuyện, nổi cơn ghen, liền cầm gươm và đưa theo mấy nàng hầu xăm xăm đến chực chém Lý Thị. Lúc tới nơi Công Chúa thấy Lý Thị, ngồi trước cửa sổ chải đầu, dung nhan tư mạo đoan trang, tươi đẹp. Lý Thị thong thả vấn tóc, chắp tay đến trước Công Chúa thưa rằng: “Nước tôi mất, nhà tôi tan, tôi quả là vô tâm mà hóa ra đến đây được bà chém cho, thật cũng thỏa lòng tôi mong mỏi”.
Công Chúa thấy vậy, ném gươm xuống đất, ôm lấy nàng mà nói rằng: “Này em ơi! Chị đây thấy em còn phải yêu, phải thương, huống chi là lão già nhà ta”.
Rồi từ đấy, Công Chúa rất trọng đãi Lý Thị.
Chúng ta cứ tưởng tượng, nếu Lý Thị ỷ vào Hoàng Ôn, cậy vào sắc đẹp duyên dáng của mình, mà cư xử một cách trịch thượng, thiếu dịu hiền, thì kết quả sẽ tai hại ra sao?