Quan hệ Bắc Kinh - Vatican đi về đâu?
Cập nhật: 10:19 GMT - thứ sáu, 22 tháng 7, 2011
Giáo hội do Nhà nước chỉ đạo ở Trung Quốc đang xem xét việc tấn phong thêm bảy giám mục, bất chấp rạn nứt đang ngày càng rộng với Tòa Thánh Vatinca sau các lần tấn phong gần đây.
Mới tuần trước, Trung Quốc tự tấn phong một giám mục không cần sự đồng ý của Tòa Thánh La Mã, và đó là lần thứ ba trong vòng tám tháng, gây căng thẳng hai bên.
Tòa Thánh Vatican nhấn mạnh rằng chỉ Đức Giáo hoàng mới có thẩm quyền tấn phong hay bổ nhiệm các chức giám mục.
Tuy thế, Bắc Kinh lại coi việc này là hành động 'can thiệp vào nội bộ' của nước Trung Quốc cộng sản.
Vatican và Bắc Kinh không có quan hệ ngoại giao kể năm 1951, sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền năm 1949.
Theo AP hôm 22/7, ông Anthony Lưu Bách Niên, chủ tịch danh dự Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, tổ chức chỉ đạo giáo hội của chính quyền, nói họ đã có "các cuộc bầu cử cấp địa phương và chọn ra bảy ứng cử viên vào chức giám mục".
Ông cho hay tên tuổi các vị này đã được đệ trình lên "Hội đồng Giám mục Trung Quốc", cơ quan cũng thuộc Nhà nước quản trị và không thần phục Tòa Thánh.
Nay ông Lưu cho hay chỉ cần có sự chuẩn thuận là người ta sẽ làm lễ tấn phong.
Nói về quan hệ với Vatican, ông Lưu được báo Trung Quốc, tờ China Daily trích lời giải thích rằng "Vì không có kênh trao đổi chính thức nhưng chúng tôi cũng không thể trì hoãn việc tấn phong".
Ông cũng nói ông hy vọng Vatican sẽ "tôn trọng quyết định" của phía Trung Quốc.
Hiện nay ở Trung Quốc có hai giáo hội Công giáo, một của Nhà nước và có các nhà thờ công khai cho tín đồ đến cầu nguyện.
Các giám mục của họ tuyên bố công nhận thần quyền của Đức Giáo hoàng nhưng lại không chấp nhận Ngài bổ nhiệm, tấn phong các vị trí trong 'giáo hội' của riêng họ.
Những tín đồ và hàng giáo phẩm trung thành với Vatican phải bí mật hành đạo hoặc cầu nguyện ở chốn riêng tư.
Có các cáo buộc từ giáo dân thuộc nhóm này về chuyện công an Trung Quốc cản trở hoạt động tín ngưỡng của họ.
Giáo hội Công giáo La Mã dưới thời Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã coi quá trình cải thiện quan hệ với Bắc Kinh là một ưu tiên và tìm cách hòa giải hai giáo hội.
Một cách thức đã từng được áp dụng là hai bên đồng ý với nhau trước về tên tuổi của các vị được phong giám mục.
Như thế, khi lễ tấn phong diễn ra, dù trong Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc thì Vatican cũng thừa nhận.
Không cần hỏi
Nhưng trong những tháng qua, quan hệ trở nên xấu đi vì Trung Quốc tự ý phong giám mục mà không cần hỏi Vatican.
Mới hôm 14/7 bất chấp phản đối từ người đại diện cho Tòa Thánh Vatican, Trung Quốc đã cho tấn phong linh mục Joseph Hoàng Bỉnh Chương tại Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông.
Đức Hồng y Joseph Zen (Trần Nhật Quân) ở Hong Kong, người đã nghỉ hưu nhưng vẫn tư vấn cho Đức Giáo Hoàng Benedict XVI về Trung Quốc đã kêu gọi lãnh đạo Bắc Kinh ngưng ngay các vụ tấn phong này.
Cũng có tin một số giám mục Trung Quốc trung thành với Tòa Thánh bị công an cưỡng bức dự lễ tấn phong cho Giám mục Hoàng Bỉnh Chương của nhà nước.
Ba vị bị đưa đi hôm trước đó gồm Giám mục Lương Kiến Sâm tại Giang Môn, Giám mục Liêu Hoành Thanh tại Mai Châu và Giám mục Paul Tô Vĩnh Đại tại Trạm Giang.
Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã tại Hong Kong, Giám mục John Tong hôm 13/7 đã gửi thư cho các giáo phận nêu rõ rằng các vụ tấn phong do Nhà nước Trung Quốc mở ra là "bất hợp thức".
Cũng không lâu trước đây, linh mục Paul Lôi Thế Ngân (Paul Lei Shiyin) được Giáo hội nhà nước phong làm giám mục ở giáo phận Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.
Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh tự ý bổ nhiệm linh mục Quách Kim Tài làm Giám mục Thừa Đức khiến Vatican bất bình.
Có vẻ như căng thẳng sẽ không giảm vì Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc cho hay họ còn tới 40 ghế giám mục đang trống và cần bổ nhiệm càng nhanh càng tốt.
Các động thái liên tục diễn ra như vậy làm cho viễn cảnh Trung Quốc tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican thêm xa vời.
Hiện chưa rõ sự đổ vỡ trong quan hệ Trung Quốc - Vatican này có tác động thế nào đến nước láng giềng cộng sản là Việt Nam vốn cũng chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
(BBCNews)