Từ nội tâm, tôi thấy Hội Thánh Việt Nam chúng ta đang bước vào thời kỳ
thử thách. Thử thách tư bề… Chúng ta nên làm những gì để diễn tả lòng gắn bó của
chúng ta đối với Hội Thánh, khi Hội Thánh bị thử thách?
ĐGM. GB Bùi Tuần
Bài này được viết do nhu cầu nội tâm. Từ nội
tâm, tôi thấy Hội Thánh Việt Nam chúng ta đang bước vào thời kỳ thử thách. Thử
thách tư bề. Một phần do ngoại cảnh. Một phần do nội bộ. Phần do nội bộ là rất
phức tạp.
Thánh Phaolô nói: "Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp. Chúng tôi bị
hoang mang, nhưng không tuyệt vọng. Chúng tôi bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ
rơi. Chúng tôi bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt" (2 Cr 4,8-9).
Lúc này chưa đến nỗi mọi người môn đệ Chúa
được nói lên tâm sự như thế. Nhưng biết đâu, rồi có lúc hầu hết sẽ phải nói lên
như vậy.
Thực sự ngay lúc này một số người môn đệ
Chúa cũng đã cảm nghiệm phần nào như thánh Phaolô.
Riêng đối với tôi, những cảm nghiệm như thế
càng làm tôi thêm yêu mến Hội Thánh. Sức mạnh giúp tôi đứng vững trong các thử
thách chính là tình yêu đối với Hội Thánh, một Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm
của Chúa Giêsu, một Hội Thánh luôn thông phần đau khổ với Chúa Giêsu.
Hội Thánh Việt Nam sẽ phải chịu thử thách.
Chúng ta khiêm tốn nhìn thẳng vào sự thực đó đang tới dần.
Khi Hội Thánh phải chịu thử thách, các con
cái Hội Thánh cần phải tỏ ra gắn bó với Hội Thánh hơn.
Về mặt tự nhiên, chúng ta có bổn phận phải
gắn bó với cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng chúng ta. Cũng vậy, về mặt thiêng
liêng, chúng ta cũng có nghĩa vụ phải gắn bó với Hội Thánh đã sinh ra chúng ta
trong đức tin và luôn giúp chúng ta trên hành trình về Nước Trời.
Chúng ta nên làm những gì để diễn tả lòng gắn
bó của chúng ta đối với Hội Thánh, khi Hội Thánh bị thử thách?
Tôi xin nhấn mạnh đến mấy điểm sau đây:
1. Thứ nhất, chúng ta tự hào về một Hội Thánh thực sự của
Đức Kitô tại Việt Nam chúng ta.
Hội Thánh thực sự của Đức Kitô không phải
là một thứ Hội Thánh đắc thắng, áp đặt, giàu có, nhưng là một Hội Thánh chấp nhận
nghèo túng, vẫn toả ra những nguồn lực thiêng liêng của Đức Kitô, nhất là tình
yêu cứu độ của Đức Kitô, phục vụ mọi người.
Hội Thánh thực sự của Đức Kitô trân trọng mọi
trợ giúp từ bên ngoài, nhưng trước hết tìm tự do ở sự kết hợp mật thiết với Đức
Kitô, để làm chứng cho Người, và dấn thân cho Người là Đấng Cứu độ muôn dân, Đấng
"đến để tìm và cứu những gì đã mất"
(Lc 19,10).
Hội Thánh thực sự của Đức Kitô vẫn biết ơn
sự đóng góp của những người giàu, nhưng rất tạ ơn Chúa, vì vinh quang của Chúa
được toả sáng nơi vô số những người nghèo dốt nát, họ sống đức tin mạnh mẽ, triệt
để phó thác mình cho Chúa.
Như vậy, thử thách sẽ
thanh luyện Hội Thánh. Mất ít mà được nhiều.
2. Thứ hai, chúng ta không ngừng đến với những người
nghèo khổ, để đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thế.
"Xưa
Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống. Ta là khách lạ,
các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các
ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm... Ta bảo thật: Mỗi lần
các ngươi làm như thế cho một người trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,
là các ngươi đã làm cho chính Ta đây" (Mt 25,35-40).
Thiên Chúa không tách rời khỏi lịch sử. Con
người trở thành nơi Chúa đợi chờ. Xưa chính Chúa Giêsu đã bị loại trừ trên
thánh giá. Nay Người vẫn đợi chờ chúng ta nơi những người bị loại trừ, đó là những
người nghèo khó, bị bỏ rơi, bị nhục nhã.
Như vậy, trong thử
thách, chúng ta càng dễ chia sẻ với những
người đau khổ.
3. Thứ ba, chúng ta hân hoan đón tiếp bất cứ ai khởi đầu
đi theo Chúa.
Trong cuộc đời, chúng ta gặp không thiếu
người sống trong tình yêu Chúa, mà họ không hay biết. Biết bao người không là
thành phần của Hội Thánh, nhưng có cảm tình với Hội Thánh. Biết bao người không
đọc Phúc Âm, nhưng biết chấp nhận hy sinh để có một sự sống đạo đức thiêng
liêng trong mình.
Họ là những người khởi đầu đi theo Chúa. Họ
chưa được ghi tên trong sổ Rửa tội. Nhưng họ đang được Chúa Thánh Thần dẫn vào
suối phục sinh. Trong lòng họ, có một cái gì thánh thiêng được khơi dậy. Trong
tâm trí họ, có một tiếng gọi nào đó của một Đấng thiêng liêng vô hình.
Trong xã hội Việt Nam hôm nay, số người như
thế không phải ít. Nếu tỉnh thức, chúng ta sẽ gặp họ. Đức Kitô đón họ. Tại sao
chúng ta lại lạnh lùng với họ?
Như vậy, trong thử
thách, chúng ta sẽ được khích lệ gần gũi hơn với rất nhiều người như thế.
4. Thứ tư, chúng ta hãy tế nhị với những vị giám mục,
linh mục của chúng ta.
Lời Kinh thánh sau đây khuyên con cái hiếu
thảo với cha mẹ cũng có thể áp dụng cho các con chiên đối với những người là
cha là mẹ mình trong đời sống thiêng liêng.
"Con
ơi hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già. Bao lâu người còn sống, chớ làm
người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức
mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha, con sẽ không bị quên lãng và
sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và
các tội con sẽ biến tan" (Hc 3,12-15).
Trong tinh thần hiếu thảo, nếu chúng ta
không làm được gì để báo ơn, thì ít ra chúng ta đừng bao giờ đấu tố những người
cha thiêng liêng của chúng ta. Việc đó dễ trở thành độc ác, gây đau khổ cho các
ngài và cộng đoàn, làm tổn thương Hội Thánh, nhất là phạm đến Chúa Giêsu.
Như vậy, trong thử
thách, sự tỉnh thức bảo vệ các người cha thiêng liêng trong Hội Thánh theo
lương tâm đạo đức là rất quan trọng.
5. Sau cùng, chúng ta sống như những cộng đoàn của Hội
Thánh sơ khai.
"Các
tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau,
siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng" (Cv 2,42).
Họ làm những việc căn bản nhất. Do hoàn cảnh,
họ không có ban bệ, không có sinh hoạt hội đoàn, không có hành hương, không có
lễ nghi hoành tráng. Nhưng họ là một cộng đoàn sống động, do tin cậy, do yêu
thương, do phục vụ, do tham dự thánh lễ và học hỏi Lời Chúa.
Như vậy, khi gắn bó với
Hội Thánh bằng các việc như trên, chúng ta sẽ sống trong cơn thử thách một cách
tích cực. Không những Hội Thánh sẽ không suy yếu, mà còn thêm mạnh, thêm vững,
thêm mở rộng, đi vào những giá trị căn bản nhất của Tin Mừng.
"Chúa
ơi, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa Ngài" (Tv 15,1).
ĐGM. GB
Bùi Tuần
+ GB Bùi
Tuần