BIẾT QUÊN MÌNH
ĐỀ NGHĨ TỚI NGƯỜI
ĐỀ NGHĨ TỚI NGƯỜI
Bác sĩ Alfred Adler, nhà trị bệnh thần kinh trứ danh, có viết:
“Bệnh ưu uất tựa như một thói oán hờn dai dẳng, muốn được người chung quanh thương hại, săn sóc tới mình. Người ưu uất nhiều khi chán đời và việc cần nhất của người y sĩ là tránh cho họ cái lý do để tự tử. Riêng tôi, luôn luôn cho họ phương thuốc đầu tiên là: “Nếu ông không muốn làm gì, thì đừng tự bắt buộc phải làm nó”. Cốt ý làm nhẹ bớt cảnh khẩn trương của bệnh nhân.
Phương thuốc ấy dường như giản dị quá, nhưng nó trị được tận căn chứng bệnh. Khi một người mắc chứng bệnh ưu uất, muốn gì mà được như ý thì còn trách móc ai nữa? Còn oán thù gì nữa? Tôi nói với bệnh nhân: “Nếu ông muốn đi coi hát hay muốn đi dạo chơi, thì cứ đi, giữa đường ông không muốn nữa thì thôi”. Như vậy bệnh nhân được thỏa lòng hiếu thắng, họ thấy họ muốn gì là được nấy! Một mặt khác họ thường không hài lòng và trách móc mọi người, nhưng nếu ai cũng đồng ý với họ thì họ còn trách móc ai được nữa? Phương pháp đó có kết quả tốt và chưa bao giờ con bệnh của tôi lại thành người chán đời.
Quy tắc thứ nhì là tấn công trực tiếp cách sống của họ. Tôi bảo: “Bệnh ông có thể hết được nếu ông theo đúng phương sách này trong hai tuần; ông rán mỗi ngày, tìm cách làm vui lòng một người khác”.
Tôi khuyên vậy, vì thường họ chỉ bận nghĩ đến họ, không để ý đến người khác, mà nhiều khi còn muốn người khác bực mình nữa. Nghe tôi khuyên, họ trả lời những câu rất lý thú: “Điều đó dễ lắm, suốt đời tôi, tôi chỉ tìm cách làm vui lòng mọi người”. Thực ra, họ không bao giờ như vậy cả. Tôi chắc cũng chẳng bao giờ họ nghĩ tới sự ấy. Tôi lại khuyên: “Khi nào ông không ngủ được, thì ông nghĩ cách làm vui lòng một người khác, ông sẽ mau hết bệnh”. Hôm sau gặp họ, tôi hỏi: “Tối qua, ông có nghĩ tới lời tôi khuyên không?”. Họ đáp: “Vừa đặt mình xuống tôi đã ngủ rồi, thành thử không nghĩ tới được nữa”. Tôi nói: “Ngủ được thì tốt quá rồi”.
Có người trả lời: “Tôi không sao theo lời ông được, vì tôi nhiều nỗi lo quá!” Tôi bảo bệnh nhân: “Thì ông cứ lo việc ông đi, nhưng thỉnh thoảng ông cũng nghĩ tới người khác đôi chút”. Như vậy, tôi dần dần tập cho họ chú ý tới người khác. Lại có nhiều người nói: “Tôi làm vui lòng họ làm chi? Họ có nghĩ cách làm vui lòng tôi đâu”. Tôi đáp: “Vì như vậy lợi cho sức khỏe của ông, còn họ thì sẽ đau như ông”. Rất ít khi tôi gặp được một bệnh nhân chịu nói: “Tôi đã nghĩ tới lời ông khuyên”. Tôi biết rằng bệnh của họ chỉ do không chịu hợp tác với người đời, nên tôi muốn họ nhận thấy điều ấy là cần, khi nào họ bằng lòng hợp tác với mọi người, thì họ sẽ hết bệnh.
Bổn phận quan trọng nhất của bất cứ một con người theo tôn giáo nào cũng là: thương người như thể thương thân… Người nào ích kỷ không nghĩ tới người khác, sẽ gặp những nỗi khó khăn nhất trong đời và làm hại xã hội nhiều nhất.