Một bức thư đề ngày: Thứ Hai 01.12.1664 của bà De Sévigné gửi Pomponne, có thuật lại câu chuyện sau đây:
Nhà vua cũng học đòi làm thơ và các ông Aignan và Dangeau có tới dạy vua quy luật thơ. Một buổi sáng nọ vua có đưa cho thống chế Gramont một bài thơ và nói: ”Xin thống chế đọc bài thơ này và phê bình xem, có bài thơ nào tồi hơn thế không? Ít lâu nay người ta biết trẫm thích thơ nên người ta gửi cho trẫm dủ các loại”.
Thống chế đọc xong bài thơ liền tâu với vua:
“Tâu bệ hạ, bệ hạ xét các việc như thần thánh: thực sự là thần chưa hề thấy một bài thơ nào ngu ngốc và lố bịch như bài thơ này”.
Nhà vua phì cười và nói với thống chế: “Người làm bài thơ này có phải là một tên gàn không?”.
Thống chế trả lời: “Tâu bệ hạ không còn cách nào cho y một cái tên đúng hơn nữa”.
Vua liền nói: “Hay quá, trẫm rất lấy làm vui, vì khanh đã nói một cách thành thực như vậy, chính trẫm đã làm bài thơ ấy”.
Thống chế nói: “Ồ, tâu bệ hạ, thật quá đắc tội, xin bệ hạ cho thần đươc coi lại bài thơ, thần đã đọc bài thơ ấy đường đột quá”.
Vua nói: “Ngài nguyên soái à, những cảm tưởng đầu tiên luôn là những cảm tưởng tự nhiên nhất”.
Chỉ vì nhà vua biết bài thơ của mình dở thật, nên sự chê bai của thống chế, đã không làm nhà vua buồn bực, mà nhà vua còn vui, vì biết được cảm tưởng của người khác đối với giá trị thực của bài thơ của mình.
Chúng ta thường buồn bực, giận dữ, thù oán và đôi khi còn nổi nóng về lời phê bình chê bai của người khác đối với việc làm của ta. Sở dĩ xảy ra thế, là vì ta quá tự ái, quá đề cao và nghĩ sai về công việc làm của ta.