TRUYỀN GIÁO VÀ
TỰ LỰC MƯU SINH
TỰ LỰC MƯU SINH
Một người không hề quen biết hỏi mình một câu: - Anh làm nghề gì? - Tôi làm linh mục
- Có nghề thì phải có sản xuất. Vậy nghề linh mục sản xuất cái gì? Các anh chỉ ăn bám giáo dân. Ăn thì trắng, mặc thì trơn. Giáo dân tát đìa, thì con cá lóc to nhất đem biếu ông cha. Đốn chuối, thì nải chuối lớn nhất đem tặng cha cố.
Chúng tôi không sản xuất lương thực và thực phẩm, nhưng chúng tôi giáo dục và đào tạo giáo dân để giáo dân sống “tốt đạo đẹp đời”. Thầy cô giáo không cày sâu cuốc bẫm, không sản xuất lương thực, nhưng chỉ giáo dục và đào tạo công dân. Thầy cô không ăn bám học trò. Nhưng thầy cô làm ơn cho học trò và học trò nuôi thầy cô để đền ơn đáp nghĩa. Đó là lẽ công bằng, công bằng giao hoán. Còn chuyện giáo dân tặng linh mục con cá to nhất, nải chuối lớn nhất, thì cũng chỉ là quy luật của tâm lý xã hội thôi: thương thì cho; thương nhiều thì cho nhiều; thương ít thì cho ít; không thương thì kít cũng chẳng cho.
- Kít là gì?
- Kít là vật thể thấp lắm. Kỹ sư nông nghiệp thì biết rành từ này.
- ?...
Một linh mục đàn anh, nổi tiếng là kinh bang tế thế ngồi đối diện với mình. Mình lắng nghe như thầy học trò giảng bài. “Thầy” hút thuốc, “trò” xin một điếu. Tình anh em thành tình bạn bè, thân thương và cởi mở. Chuyện lan man từ thời sự đến mục vụ, từ chuyện quốc tế đến chuyện quốc nội. Mình khoe thành tích truyền giáo. Ông bạn cao niên hỏi: - Anh xây được bao nhiêu nhà thờ?
- Chưa xây được một cái nhà thờ nào hết. Nhưng chòi thờ thì chừng bảy cái. Vừa là nhà thờ, vừa là trường học. Đúng nghĩa là nhà đa dụng.
- Anh có nghề gì để tự lực mưu sinh không? Thánh Phaolô vừa dệt vải lều, vừa giảng Lời. Ngài không muốn trở nên gánh nặng cho giáo dân. Anh có thể làm nghề hớt tóc, sửa Rađiô, hoặc làm y tá, để khỏi ăn bám giáo dân.
- ?...
Mình làm thinh không trả lời. Mình ghi khắc trong lòng để suy nghĩ. Suy nghĩ ra rồi, nhưng chẳng muốn nói ra. Sợ mất lòng lung tung. Mình chỉ nói với mình mà thôi! Mình suy nghĩ rất nhiều về vấn đề tự lực mưu sinh của Thánh Phaolô. Ngài dệt lều chung với gia đình Pơrítkila và Aquila ở Côrintô và Êphêsô. Ngài thề chỉ sống bằng hai bàn tay lao động, nhất quyết không nhận sự giúp đỡ của giáo dân.
* Ngài tuyên bố với các niên trưởng của giáo đoàn Êphêsô rằng: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, thì đôi bàn tay này đã tự cung cấp”. Lý do tại sao, thì ngài trả lời: “Vì Chúa dạy: cho thì tốt hơn nhận” (Cv 20,33-35).
* Với giáo dân Thêsalôlica thì ngài tuyên bố: “Chúng tôi đã làm việc vất vả ngày đêm, để khỏi trở nên gánh nặng cho anh em” (1Tx 2,9). Trong Thư 2Tx ngài nhắc lại ý tưởng đó một lần nữa, rồi thêm một lý do khác, đó là để nêu gương lao động cho tín hữu bắt chước (2Tx 3,8-9).
Mình tự nghĩ nếu Thánh Phaolô cứ quần quật ngày đêm để tự lực mưu sinh như thế, thì còn giờ nào để rao giảng. Ấy là chưa kể những cuộc hành trình truyền giáo đòi hỏi ngài phải di chuyển liên tục. Cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất dài hơn ngàn cây số. Ngài phải đến, phải dừng chân và rao giảng tại tám giáo điểm, trong vòng chỉ vỏn vẹn có bốn năm! Cuộc hành trình truyền giáo thứ hai chỉ vỏn vẹn có ba năm mà ngài phải vượt qua hơn hai ngàn cây số, đến với mười sáu giáo điểm! Nếu tranh thủ tối đa thì cũng chỉ kiếm được mỗi ngày chừng mươi gram bột mì. Như vậy mà là tự túc sao?
* Nếu Thánh Phaolô tự lực mưu sinh, thì chỉ đúng trong thời gian ngài ở Êphêsô mà thôi.
Ngài đã nhận sự giúp đỡ rất dồi dào, phát xuất từ nguồn tài trợ của giáo đoàn Philíp. Chính ngài đã tâm sự với tín hữu Philíp: “Tôi rất đầy đủ, kể từ lúc nhận được những gì anh em gởi đến cho tôi, qua tay anh Êpaprôđiô” (Pl 4,18). Nhận sự giúp đỡ, khen ngợi, cám ơn, đồng thời còn đề cao, cao vun vút: “Anh em biết trong thời gian tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, khi rời khỏi Makêđônia, thì không một Hội Thánh nào đóng góp vào khoản chi thu của tôi, chỉ trừ có anh em đó thôi, hỡi người thành Philíp” (Pl 4,15).
* Thánh Phaolô thề không bao giờ nhận sự giúp dỡ vật chất từ phía Êphêsô, Côrintô, Thêsalônica, nhưng lại nhận và chỉ nhận từ phía Philíp. Trong Thư 2Cr ngài trình bày ý hướng ấy bằng một lối văn hằn học và chua chát: “Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền lụy ai, bởi vì các anh em từ Makêđônia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần” (2Cr 11,8-10).
* Sau hai năm tù ở Xêdarê, Thánh Phaolô bị dẫn độ sang Rôma. Đến đảo Manta thì tàu bị chìm. Tài sản của ngài lúc đó chỉ còn là cái xàrông. Sau ba tháng lưu lại ở đảo, rồi tiếp tục hành trình Rôma. Tới Rôma ngài mướn một căn phố và ở đó hai năm. Chắc chắn tất cả bấy nhiêu chi tiêu ở đảo Manta và ở Rôma không do hai bàn tay lao động làm nên. Rõ ràng là Thánh Phaolô đã nhờ sự viện trợ mà rao giảng. Nhờ rất nhiều. Nhưng tại sao ngài cứ khăng khăng tuyên bố rằng mình vất vả ngày đêm (1Cr 4,11-12) để tự lực mưu sinh, vì chẳng muốn làm phiền giáo dân (1Tx 2,9; 2Tx 3,8-9), vì chỉ muốn thi hành lời Chúa “cho thì tốt hơn nhận” (Cv 20,35). Tại sao Thánh Phaolô lại tự mâu thuẫn giữa “ngôn” và “hành”? Đó là chuyện riêng tư của cá nhân ngài. Và ngài đã bật mí điều đó trong (1Cr 9,1-15).
* 1Cr 9, 1-15 cho mình thấy Thánh Phaolô có một nỗi đau ray rứt.
* Có ai đó đã hạch sách ngài và cho rằng ngài chẳng phải là Tông đồ, nên chẳng được hưởng quyền miễn lao động tự túc.
* Ngài còn bị hạch sách vì trong đoàn truyền giáo của ngài có sự hiện diện của phụ nữ. Mình đoán mò: người phụ nữ ấy là bà Lyđia, linh hồn của giáo đoàn Philíp, một người có ảnh hưởng đối với mọi người, được mọi người nể vì, kể cả Thánh Phaolô (Cv 16,15).
* Lòng tự trọng cộng với lòng tự ái bùng nổ. Thánh Phaolô xác nhận rằng Chúa truyền cho người rao giảng Tin Mừng thì phải sống nhờ Tin Mừng. Nhưng trong hoàn cảnh riêng tư và cá biệt ngài vẫn thề rằng thà chết còn hơn là nhận sự giúp đỡ của giáo dân (1Cr 9,15).
* Như vậy thì rõ ràng rồi. Mình không cần kiếm việc để tự lực mưu sinh trên đường truyền giáo. Trong lãnh vực này Thánh Phaolô không phải là mẫu mực để mình rập khuôn. Mình đã có khuôn rồi. Khuôn của Thầy Giêsu:
- Người rao giảng Tin Mừng, phải sống nhờ Tin Mừng (1Cr 9,14).
- Người làm thợ, thì đáng được trả công (Lc 10,7).
- Chúa làm thợ mộc, nhưng ba năm truyền đạo Ngài chẳng còn giờ để mà cưa, mà đục, mà bào.
- Chính các Tông đồ cũng bỏ nghề chài lưới, để theo Thầy (Lc 5,11) mà chẳng bao giờ phải thiếu thốn (Lc 22,35).
Nghĩ thế, mình yên tâm vô cùng. Đàn anh, bạn bè và ai đó không ưa mình cứ trách mình là ăn bám, thì mình cứ làm thinh, tủm tỉm cười trong bụng.
Tác giả bài viết: Lm. Piô Ngô Phúc Hậu