SỐNG ĐẠO _ hồn của đối thoại


HỒN CỦA ĐỐI THOẠI
NƠI NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU
1. Thời nay, người ta hay nói tới đối thoại. Bởi vì hơn bao giờ hết, cuộc sống được nhấn mạnh đến mặt liên đới, sống là sống với.

Riêng tại Hội Thánh Việt Nam, đối thoại càng ngày càng được đặt thành vấn đề nóng. Như đối thoại với nền văn hoá dân tộc, với người nghèo, với chế độ, với các tôn giáo bạn. Đối thoại giữa các thành phần khác nhau trong nội bộ Hội Thánh cũng đang là vấn đề quan trọng cần quan tâm. Tài liệu về những vấn đề này phải nói là rất phong phú. Tất nhiên đối thoại trên đây đều có tính cách đi tìm một cuộc sống chung bình an và chia sẻ Tin Mừng.
Theo tôi, để đạt được mục đích trên, đối thoại cần phải có cái hồn. Cái hồn đó là Nước Trời. Dấu Chỉ của Nước Trời là tình yêu, chân lý và ân sủng. Nước Trời phải ở trong ta khi ta đối thoại. Nước Trời trong ta sẽ được gởi tới những người ta gặp một cách tự nhiên và tế nhị. Nước Trời trong ta sẽ được ban ra từ Chúa Giêsu.
Cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình đối thoại với loài người. Trong hành trình dài này có hai trường hợp được coi là những cuộc đối thoại quan trọng nhất, đó là sự kiện Chúa sinh ra và sự kiện Chúa chịu chết.
2. "Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ" (Lc 2,1). Mục đích là biểu dương quyền lực. Qua cuộc kiểm tra này, các dân tộc, các quốc gia sẽ nhìn thấy vinh quang của hoàng đế là bao la hùng vĩ.

Chính trong hoàn cảnh đó, Chúa Giêsu đã giáng sinh. Người sinh ra không ở trong đền đài vua chúa, thậm chí cũng không ở trong một căn nhà thường dân. Nơi Người chọn để sinh ra đời là một hang đá dành cho súc vật giữa cánh đồng hoang vắng. Mục đích của Người là diễn tả tình yêu. Nếu sự giáng sinh của Chúa là một cuộc đối thoại với loài người, thì cái hồn của cuộc đối thoại này chính là tình yêu tự hạ để ở với loài người. Nước Trời mà Người đem đến là Chúa tình yêu ở giữa chúng ta, một tình yêu khiêm nhường, hy sinh, chấp nhận nghèo khổ, chia sẻ cảnh khốn cùng của những người thấp bé nhất. Đó là một Tin Mừng, được ban tặng mà không áp đặt.
Khởi đầu cuộc đời Chúa Cứu Thế là như thế.
Kết thúc cuộc đời Chúa Cứu Thế cũng như vậy.
3. "Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giêsu và giết đi"(Mc 14,1).
Lễ Vượt Qua và lễ Không Men là thời gian trọng đại của đạo Do Thái. Dân chúng quy tụ rất đông ở Đền thờ Giêrusalem. Bầu khí tôn giáo rất mực tưng bừng. Toàn dân nhớ lại sự kiện lịch sử vĩ đại đã xảy ra xưa, đó là họ đã được Chúa cứu khỏi quyền Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ, chiếm hữu miền đất Hứa. Họ đã đại thắng trong vinh quang. Còn Ai Cập thì đại bại trong nhục nhã.

Chính trong hoàn cảnh mừng lễ đó, Chúa Giêsu đã kết thúc cuộc đời mình. Nơi Người kết thúc cuộc đời mình là núi Sọ, chỗ dành để xử tử các tội nhân. Người bị treo trên thập giá giữa hai tên cướp. Mục đích của Người là tỏ bày tình yêu cứu độ. Người tự hiến dâng mình làm của lễ đền tội cho nhân loại. Nếu sự chết đi của Chúa Giêsu là một đối thoại với loài người, thì cái hồn của đối thoại ấy chính là tình yêu khiêm nhường, hy sinh chấp nhận cảnh nghèo khổ nhục nhã đến cùng, để đền tội cho những người mình yêu. Đó là một Tin Mừng, được ban tặng nhưng không.

4. Thực sự, tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần thế đều là một chuỗi dài những đối thoại với con người. Trong những đối thoại bằng lời khuyên dạy, Chúa Giêsu thường nhấn mạnh đến tình yêu khiêm nhường.
"Khi anh em được mời dự tiệc thì đừng ngồi vào chỗ nhất"(Lc 14,8).
"Khi anh em đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, anh em mới thực có phúc"(Lc 14,13-14).
"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy"(Mt 7,1-2).
Trong dụ ngôn hai người cầu nguyện trong đền thờ, Chúa cho thấy: Người pharisêu khoe khoang thì không được Chúa chấp nhận. Còn người thu thuế khiêm nhường thì được Chúa cứu độ  (x. Lc 18,11-14).
Khiêm nhường thực sự mà Chúa muốn không dễ chút nào. Phải có ơn Chúa mới hiểu đúng được, nhất là mới thực hiện đúng được.
5. Chúa Giêsu đối thoại với con người nhiều nhất là bằng chính cuộc sống của mình. Một cuộc sống làm chứng cho tình yêu. Vì yêu, nên Người mặc lấy thân phận con người nghèo khổ. Vì yêu, nên Người chia sẻ tất cả những gì con người phải chịu, chỉ trừ tội lỗi. Nghèo với người nghèo khó, nhục với người khổ nhục, vất vả với người vất vả, im lặng với người im lặng, bị bắt bớ với người bị bắt bớ. Chúa ở với họ, ở giữa họ, đồng hành với họ, để họ được an ủi và tìm được ơn cứu độ trong mọi nghịch cảnh.
Nói tắt là, trong mọi thứ đối thoại với loài người, Chúa Giêsu đều nhấn mạnh đến tình yêu khiêm nhường, hy sinh tận hiến đến cùng, để ở với mọi người và để cứu độ mọi người. Tất cả đều được thực hiện trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha. Đó là Tin Mừng được ban tặng. Chỉ cần người ta biết đón nhận với lòng khiêm nhường, biết ơn và dấn thân.
6. Nhận thức trên đây giúp chúng ta biết phải làm gì trong các đối thoại.
Biết tình yêu khiêm nhường, hy sinh tận hiến trên lý thuyết là bước đầu tốt, nhưng chưa đủ. Điều cần thiết không được thiếu, đó là ta phải có tình yêu đó trong chính mình. Cách tốt nhất là ta có chính Chúa Giêsu trong mình ta.

Chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu phản chiếu tình yêu Chúa tự hạ ở hang đá Belem. Hãy cùng với Người phản chiếu tình yêu Chúa hoà mình vào lớp người nghèo ở Nagiarét. Hãy cùng với Người phản chiếu tình yêu Chúa đền tội thay ở núi Sọ. Hãy cùng Người phản chiếu tình yêu Chúa phó thác vâng phục của Người đối với Đức Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh. Hãy cùng với Người phản chiếu tình yêu Chúa đối với các con chiên lạc.
Những phản chiếu đó toả lan hương thơm của Nước Trời. Tất cả đều do Chúa Giêsu ngự trong ta.
Chúng ta thực sự có Chúa Giêsu trong mình không? Chúng ta có cảm nhận được Người là tình yêu cứu độ sống động trong ta không?
Câu trả lời chân thành sẽ luôn gợi ý cho lời cầu xin tha thiết: Lạy Chúa, xin Chúa đến với con, và ở lại trong con. Con xin Chúa giúp con biết đón nhận mọi đổi mới và mọi thanh luyện Chúa dành cho con, để con biết làm chứng cho Nước Trời trong mọi đối thoại suốt đời con. 
ĐGM. GB Bùi Tuần