Phản ứng của người công giáo
trước cái chết của trùm khủng bố
Osama Bin Laden
Washington [Catholic on line 2/5/2011] - Tin về cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden đã tạo ra nhiều phản ứng khác nhau trên khắp thế giới. Nhưng riêng người công giáo không khỏi đặt ra câu hỏi: "Người công giáo nên có thái độ nào trước cái chết của một người, bất luận người đó là người lành hay kẻ dữ?"
Tối Chúa Nhựt 1 tháng 5 năm 2011, tổng thống Hoa kỳ Barack Obama đã loan báo rằng trùm khủng bố Osama Bin Laden, người đã chủ mưu cuộc tấn công khủng bố tại Hoa kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã bị quân đội Hoa kỳ giết chết tại Islamabad, Pakistan, hôm Chúa nhựt 1 tháng 5 năm 2011. Các khu đất xung quanh tòa bạch ốc đã tràn ngập đám đông: họ reo hò và hô khẩu hiệu "Hoa kỳ, Hoa kỳ".
Tại quảng trường Times , Ground Zero ở New York, nơi xảy ra cuộc khủng bố, cũng như nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, dân chúng cũng tập trung lại để ăn mừng cái chết của người đã gây ra bao nhiêu cuộc khủng bố và sát hại không biết bao nhiêu người vô tội trên khắp thế giới.
Giữa những tiếng reo hò ấy, không thiếu những người nêu lên câu hỏi: người công giáo phải phản ứng như thế nào trước tin này? Mừng cái chết của một ai đó có phải là điều đúng đắn không?
Hoa kỳ và các nước đồng mình đã tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố từ 10 năm qua. Ông Osama đã công khai tuyên bố rằng ông muốn thấy Hoa kỳ và cách riêng thế giới kitô tây phương phải chết. Những bài tường thuật hôm Chúa nhựt 1 tháng 5 năm 2011 đã cho thấy rõ ràng rằng mục tiêu của cuộc chiến chống khủng bố không còn là bắt sống, mà là giết ông ta.
Hôm thứ Hai 2 tháng 5 năm 2011, các chương trình của đài Phát thanh Công giáo và các trang báo mạng tại Hoa kỳ đã phải "lấn cấn" truớc những câu hỏi về những phản ứng đối với cái chết của ông Osama.
Một số người nói rằng giết ông Osama là thi hành bản án tử hình. Ðây là hình phạt mà Giáo hội Công giáo khuyên không nên áp dụng, ngoại trừ một số trường hợp hãn hữu. Những người này trích dẫn Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo. Thật vậy, trong số 2266, sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy: "Ðể bảo toàn công ích của xã hội, cần phải làm cho kẻ gây hấn không có khả năng tác hại. Về điểm này, giáo huấn truyền thống của Giáo hội công nhận chính quyền hợp pháp có quyền và có bổn phận dùng những hình phạt thích đáng để trừng trị các tội phạm, không lọai trừ án tử hình đối với những trường hợp các tội phạm rất nặng nề. Vì những lý do tương tự, các nhà cầm quyền có quyền sử dụng vũ khí để đẩy lui những kẻ tấn công vào xã hội mà họ có nhiệm vụ bảo vệ".
Án tử hình
Giáo huấn trên đây xem ra khó áp dụng cho trường hợp của trùm khủng bố Osama Bin Laden, bởi vì cái chết của ông không phải là kết quả của một bản án đã được đưa ra trong một phiên tòa nào, dù là dân sự hay quân sự, mà chỉ diễn ra trong một cuộc hành quân trong cuộc chiến chống khủng bố.
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy: "Giáo hội và lý trí con người đều khẳng định giá trị thường hằng của luật luân lý trong cuộc xung đột võ trang. Sự kiện chiến tranh bùng nổ một cách đáng tiếc không có nghĩa là mọi sự đều được phép giữa hai phe đang giao chiến".
Hiện nay, có nhiều phản ứng khác nhau trong Giáo hội trên khắp thế giới trước cái chết của ông Osama.
Báo "The Philippines Daily Inquirer", phát hành tại Manila, Phi luật tân, tường thuật rằng "một số Giám mục Công giáo, khi phản ứng trước cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, nói rằng mặc dù giết ông ta là một hành động "không thể biện minh" được, nhưng cái chết này vẫn là một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới.
Ông Greg Sisk, giáo sư tại phân khoa Luật của trường đại học thánh Toma ở Minneapolis, bang Minnesota, Hoa kỳ, viết trên trang mạng riêng của ông rằng "mặc dù người công giáo xem trọng mạng sống của mọi người, ngay cả của kẻ thù, nhưng ông Osama bin Laden không còn là một con người bình thường, mà do sự chọn lựa của mình, đã trở thành hiện thân của khủng bố mù quáng và bộ mặt của tàn ác."
Về phần mình, tiến sĩ Jim West, một giáo sư tin lành tại Tennessee, trích dẫn một câu nói của ông Jeremiah Bailey như sau: "Công lý có thể đòi hỏi cái chết của những kẻ độc ác, nhưng không bao giờ cho phép chúng ta vui mừng khi họ bị giết chết".
Không vui mừng trước cái chết của người khác, ngay cả của kẻ gian ác: đây cũng là lập trường của cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh. Cha Lombardi nói: "đứng trước cái chết của một người, tín hữu kitô không bao giờ vui mừng". Phản ứng trước tin Osama bị quân đội Hoa kỳ giết, phát ngôn viên của Tòa thánh chỉ nói rằng ông ta "phải chịu trách nhiệm nặng nề vì đã gieo rắc hận thù và chia rẻ giữa các dân tộc, gây ra cái chết cho vô số người vô tội cũng như khai thác tôn giáo cho mục đích này".
CV.