Một chút suy tư _ nghèo và giàu

240.000 NGƯỜI ĐÓI Ở THANH HÓA

SGTT.VN - Đã lâu lắm rồi bà con nông dân nghèo ở các huyện từ miền biển, trung du đến các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hoá mới phải đối mặt với cái đói trên diện rộng như năm nay. Hàng chục ngàn hộ dân nơi đây đang thiếu đói lương thực.
Chạy ăn từng bữa

Thiếu gạo trầm trọng, nhiều hộ dân ở thôn Đông Tân,
xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá
phải đào khoai ăn độn hàng ngày. Ảnh: An Bình
Chúng tôi về xã ven biển Đa Lộc – điểm nóng trong mùa đói giáp hạt của huyện Hậu Lộc vào những ngày này. Cánh đồng lúa chiêm xuân thời điểm này lẽ ra đang vào thời kỳ làm đòng, nhưng giờ chỉ còn lơ thơ vài gốc rạ. Đồng lúa cằn cỗi bởi vùng đất này nhiễm mặn nặng. Trên nhiều thửa ruộng, đến cỏ cũng không mọc được.
Ông Vũ Văn Đỉnh, phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: vụ chiêm xuân năm 2011, toàn xã gieo cấy được 250ha lúa, nhưng đến thời điểm này đã chết và mất trắng 150ha. Đất nhiễm mặn nặng một phần lớn, còn thêm đợt gieo cấy tết Tân Mão gặp rét đậm, rét hại.
Từ năm 2008 đến nay, năm nào Đa Lộc cũng bị mất trắng gần một nửa diện tích lúa nước và cây màu các loại do đất nông nghiệp bị nhiễm mặn nặng. Độ mặn trên diện tích đất nông nghiệp của xã nhiều nơi đã lên tới 5‰. Do bị mất mùa nhiều năm qua, nên hiện nay Đa Lộc có tới 1.500 hộ/2.300 hộ dân đang bị thiếu đói lương thực gay gắt, cần sự cứu trợ của Nhà nước.
Đến thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình đang phải đào khoai lang non để ăn độn vì thiếu gạo. Gia đình ông Vũ Văn Bản, 64 tuổi cũng hết gạo ăn nhiều tháng nay, do gieo cấy một sào lúa nhưng bị mất mùa hoài. Hàng ngày, ông Bản và vợ phải lăn lộn ở ven biển đi bắt con cáy bán lấy tiền đong gạo. Đã lâu lắm rồi vợ chồng ông Bản không biết đến ăn bữa sáng. Chật vật kiếm tiền cả ngày chỉ đủ mua vài ống gạo. Hai bữa chính, mỗi bữa ông bà chỉ ăn cơm độn khoai lang với canh rau và mắm cáy. Nhiều hôm, hai ông bà phải bấm bụng đi ký nợ gạo ở các đại lý. Có lúc ký nợ nhiều, các chủ đại lý gạo e ngại, vợ chồng ông Bản đành nhịn đói.
Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện nay tại 21/27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực, gồm huyện: Bá Thước 14.072 nhân khẩu, Cẩm Thuỷ 12.671 nhân khẩu, Mường Lát 9.049 nhân khẩu, Quan Sơn 8.200 nhân khẩu, Quảng Xương 21.940 nhân khẩu, Thạch Thành 19.906 nhân khẩu, Ngọc Lặc 16.667 nhân khẩu, Nga Sơn 16.284 nhân khẩu, Tĩnh Gia 15.915 nhân khẩu...
Gia đình bà Vũ Thị Thuận (54 tuổi) cũng ở thôn Đông Tân còn cám cảnh hơn. Ba năm mất mùa triền miên vì hai sào ruộng cấy lúa không có thu hoạch. Không may, năm ngoái chồng bà là ông Nguyễn Văn Minh lại bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, hiện không còn khả năng lao động. Ba đứa con của bà Thuận phải bỏ học giữa chừng, ra Hà Nội làm thuê kiếm tiền thuốc thang cho bố và mua gạo ăn hàng ngày cho gia đình. “Cả năm nay gia đình tôi phải chạy gạo ăn từng bữa”, bà Thuận nói. Cảnh đong gạo ăn từng bữa, bấp bênh đang là nỗi lo thường trực của bà con nông dân ở xã nghèo ven biển Đa Lộc.
Tại các huyện vùng biển khác như Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, các loại cây trồng như lúa, bắp, đậu các loại đều bị chết, hoặc giảm năng suất cũng do đất bị nhiễm mặn nặng. Bên cạnh đó, do giá xăng dầu và vật tư đầu vào tăng cao, nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản nằm bờ, nên bà con ngư dân thiếu gạo ăn là điều khó tránh khỏi.
Còn tại huyện vùng cao Mường Lát – địa phương trọng điểm của thiếu đói lương thực ở Thanh Hoá, ông Lương Văn Bường, chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trên địa bàn hiện có tới 1.878 hộ (9.049 nhân khẩu, chiếm gần 1/3 số người của huyện) đang thiếu đói gay gắt. Nguyên nhân chính là đồng bào ở đây thiếu đất sản xuất lúa nước, đất nương rẫy để có thể tự túc lương thực. Toàn huyện hiện chỉ có 560ha đất nông nghiệp cấy được lúa nước, trên tổng số hơn 30.000 nhân khẩu ở nông thôn. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng bắp, lúa nương trong năm 2010 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng. Chúng tôi đến xã Mường Lý (huyện Mường Lát) – xã nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá với tỷ lệ hộ đói nghèo còn trên 80% khi mùa đói giáp hạt đang ở diện rộng. Bữa cơm trưa của gần 300 em học sinh địa phương trọ học ngay cạnh trường THCS Mường Lý chỉ có cơm gạo xấu ăn với măng rừng, chan nước trắng. Thầy Trần Văn Hào – hiệu trưởng trường THCS Mường Lý cho biết: “Các em học sinh trọ học cạnh trường chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, nhiều em thiếu gạo ăn...”
Xin cứu trợ

Nhiều thửa ruộng ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc,
Thanh Hoá bị nhiễm mặn,
lúa chiêm xuân chết hết.
Ảnh: An Bình
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Chiến, phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho hay, đối với huyện Mường Lát, UBND tỉnh đã giao cho sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lập đội công tác đặc biệt để giúp Mường Lát phát triển kinh tế – xã hội. Đội công tác này sẽ triển khai ngay việc giúp Mường Lát tập trung khai hoang để mở rộng diện tích đất cấy lúa nước, trồng bắp, lúa nương; lựa chọn các loại cây màu phù hợp, con giống phù hợp hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện phát triển kinh tế, từng bước đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống.
Đối với các huyện ven biển có diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn nặng, ảnh hưởng lớn đến cây trồng, UBND tỉnh đã và đang tích cực đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhằm dẫn nước ngọt về thau chua, rửa mặn để trong những vụ tới bà con nông dân các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc có thể gieo cấy lúa, trồng các loại cây màu trên diện tích đất nông nghiệp lâu nay bị nhiễm mặn. Hiện nay, nhiều hệ thống thuỷ lợi ở huyện Nga Sơn, Hậu Lộc đã hoàn thành.
Ngày 5.5, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Vương Văn Việt đã ký công văn số 2592/UBND-DTMN gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ gạo cứu trợ nhân dân Thanh Hoá trong thời kỳ giáp hạt năm 2011. Đợt này, tỉnh Thanh Hoá xin Trung ương hơn 2.048 tấn gạo để cứu trợ cho 71.395 hộ (136.574 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực thời kỳ giáp hạt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương trích ngân sách mua gạo cứu đói cho nhân dân.
bài và ảnh: An Bình

LOÀI CHÓ TRIỆU ĐÔ XUẤT HIỆN Ở HÀ NỘI
Loài chó ngao có bộ lông xù như bờm sư tử, tinh ranh hơn sói và đặc biệt… đắt đỏ đã xuất hiện tại Hà Nội.
 
Chó ngao Tây Tạng
 “Sư tử núi tuyết”
Hay “chúa tể của thảo nguyên” là những gì mà người ta nhắc đến khi nói về chó ngao Tây Tạng (gọi tắt là ngao Tạng). “To hơn chó sói, mạnh hơn báo hoa và nhanh hơn hươu nai”- ngao Tạng trở thành loại mãnh thú bá chủ của thảo nguyên Tây Tạng, nơi mà chỉ duy nhất con người có thể khắc chế và làm chúng phục tùng. Theo trang Wikipedia, loài chó này tình cờ được 2 nhà thám hiểm người Ý phát hiện tại ngôi làng Jhangihe, toạ trên độ cao 5200m so với mực nước biển giữa khu tự trị Tây Tạng ở Tây Bắc Trung Quốc.
Ngao Tạng đã hiện hữu cách đây chừng 5.000 năm và được xem như là giống chó có bộ gen cổ xưa nhất trên thế giới hiện nay. Ngay từ đầu thế kỷ 18, các cuộc thám hiểm vùng núi Himalaya ngày càng rầm rộ và nhờ đó những con chó ngao Tạng đã được đem về nước Anh. Chúng trở thành món quà quý dành cho Hoàng gia Anh: Năm 1820, vua George IV được tặng 1 con ngao Tạng; 14 năm sau, vua William IV được tặng một cặp khác; tiếp đến năm 1847, một con chó lớn vùng Tây Tạng cũng được gửi tặng cho hoàng hậu Victoria…
Big Splash- ngao Tạng đắt nhất hành tinh
Có một số đặc điểm của loài ngao Tạng, đó là cao ít nhất 71 cm (đối với chó đực). Nặng 64-82kg. Với phần lông ở cổ đặc trưng và thể hện được tình trạng sức khỏe của nó. Chúng có màu đen, đen -nâu, đen -vàng, xám hoặc vàng. Đuôi luôn cuộn cao trên lưng. Đầu phẳng, không có nếp nhăn, hình thế tạo lên sự cân đối và oai vệ. Ngao Tạng trưởng thành rất chậm: con cái từ 3-4 năm mới bắt đầu chu kì sinh sản, còn con đực cũng từ 3-5 năm mới phát dục và có khả năng giao phối.
Ngoài ra ngao Tạng nổi tiếng lì lợm và trung thành tới mức… cực đoan, khi chúng chỉ tuân theo người chủ nhân duy nhất. Vì tất cả những đặc tính đó, ngao Tạng được giới nuôi chó Trung Quốc và thế giới đặc biệt ưa thích.

Chân dung của Big Splash- thú cưng đắt giá nhất hành tinh
Vào đầu tháng 4/2011, truyền thông khắp thế giới đồng loạt đưa tin: Con chó ngao Tây Tạng có tên Big Splash đã trở thành thú cưng đắt giá nhất hành tinh khi được một tỉ phú ngành than mua với giá 1,6 triệu USD. Con chó này mới 11 tháng tuổi nhưng đã nặng 81 kg, nó có bộ lông đỏ rực- màu cực hiếm của loài ngao Tạng.
Chủ nhân ban đầu của Big Splash là ông Lu Liang, một người chơi chó cảnh ở Laoshan, thành phố Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc. Mới đây, ông Lu đã bán con chó ngao Tạng của mình cho một tỷ phú ngành than của Trung Quốc với giá trên.
Ngao tạng hiện hữu ở Hà Nội
Thời gian gần đây, nhiều người tham gia giao thông qua góc phố Bà Triệu- Tuệ Tĩnh (Hà Nội) không khỏi giật mình khi nhìn thấy trên vỉa hè bên tay phải lù lù hai con chó lông xù to tướng. Chúng thường nằm phủ phục trước chiếc cổng đá hình vòm, dù đã bị xích, song khối người vẫn sợ vì trông to… như con sư tử.
Một con chó ngao Tạng được gửi để huấn luyện
tại Trung tâm PDS- Gia Lâm (Hà Nội),
bộ lông xù đặc trưng đã phần nào bị rụng bớt đi.
Phóng viên cũng đã vài lần gặp chính hai con ngao Tạng này ở khu vực hồ Thiền Quang và hồ Gươm, khi chúng được đưa đi dạo. Đem điều này hỏi ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ PDS, được ông cho hay: Hiện nay tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác như Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh đã có những người được sở hữu loài chó này. Không cứ phải là “đại gia”, có những người chỉ vì quá đam mê ngao Tạng cũng tích góp cho đủ số tiền lớn để mua chó.
Giá cả thì vô chừng, nhưng thường đem được từ Trung Quốc về đến Hà Nội, tính cả chi phí đi lại, săn tìm thì mất chừng trên dưới 100 triệu đồng. Tất nhiên rằng, với số tiền này thì độ thuần chủng của những con chó ngao Tạng mang về Việt Nam cũng chỉ tương đối, chưa được “xịn” cho lắm.
Cái khó theo ông Hà nằm ở chỗ: ngay tại Trung Quốc, ngao Tạng cũng không thuần chủng và rất khó xác định được tính thuần chủng của chúng. Bản thân ông Hà từ khoảng 3-4 năm nay đều có sang Trung Quốc tìm hiểu về loài chó này, tuy nhiên không thể tìm được con giống đẹp.
Ngoài ra người nuôi ngao Tạng ở thành phố thường gặp chuyện phiền phức khác: đây vốn là giống chó thảo nguyên, khi bị nhốt trong nhà phố chật hẹp thì sự thoái hoá diễn ra: chúng không còn khoẻ mạnh, sự dũng mãnh như ở môi trường gốc. Lông của con vật lại quá dài, thích hợp với xứ lạnh hơn là khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Vào mùa đông thì còn đỡ, nhưng vào giữa mùa hè, nếu không muốn con chó cưng bị rụng lông trụi lủi, sinh bệnh tật thì chắc chắn chủ nuôi phải dành cả một cái phòng với điều hòa chạy “phe phé” suốt 24/24h- một chuyện không dễ thực hiện.
Theo Cao Minh
An Ninh Thủ Đô

Hai bài thời sự, một của Sài Gòn Tiếp Thị, một của An Ninh Thủ Đô, đã phác họa hố sâu chênh lệch giàu nghèo trên quê hương đất nước chúng ta. Có 240.000 người đói ở Thanh Hóa, mà vẫn có người mua chó triệu đô ở Hà Nội.
Khoan phê phán, mà hãy bắt tay vào điều tôi làm được, cho những người khốn cùng ngay bên tôi.
"Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,33-34)
Lm. HK