Được phong chức Thánh
Một việc lớn được kỷ niệm trọng thể trong Tuần Thánh đó là việc Chúa Giêsu ban cho mười hai Tông Đồ quyền làm Bí tích Thánh Thể. Việc xảy ra trong bữa Tiệc ly. Nói theo ngôn ngữ thời nay, việc ban quyền ấy gọi là Lễ Phong Chức Thánh.
Phúc Âm cho biết, sau khi ban quyền, Chúa Giêsu đã dẫn mười hai tân chức vào vườn Cây Dầu. Tại đó, Ngài cầu nguyện và lo buồn đến đổ mồ hôi máu ra, đang khi ấy các tân chức vẫn ngủ say. Lúc quân lính xông vào bắt Chúa, các tân chức hoảng sợ, lúng túng bỏ chạy. Một mình Phêrô đi theo, nhưng mấy giờ sau, bị dồn vào thế bí, Phêrô đã chối Thầy.
Khi Chúa Giêsu vác thánh giá lên đồi Calvê, mấy người nâng đỡ Chúa lại không phải là tông đồ.
Bao sự việc đau buồn đã xảy ra đột ngột. Các tông đồ không thể không cảm thấy mình quá yếu đuối. Khi Chúa Giêsu sống lại, đến thăm các ngài, các ngài mới hiểu rõ thế nào là tình yêu của Thầy. Vì yêu thương, Thầy đã tha thứ. Vì yêu thương, Thầy đã gánh tội, đền tội, xoá tội cho các ngài và cho nhân loại. Tình yêu Đức Kitô có sức sửa chữa lại những gì đã hư hỏng. Đức Kitô đã sống lại, để các tông đồ và mọi kẻ tin theo Đức Kitô cũng sẽ được sống lại như Ngài. Từ đó, đối với các tông đồ, Tin Mừng chính là Đức Kitô.
Nhìn lại các sự việc xảy đến cho các tông đồ trong mấy ngày Tuần Thánh, tôi thấy 4 điểm sau đây:
1/ Chúa Giêsu muốn những kẻ được Phong Chức Thánh hãy nhận thức rõ về sự yếu đuối của mình
Thực vậy, liền sau khi được thụ phong, các tông đồ đã mở tay bằng một chuỗi những việc yếu đuối. Bị rơi vào tình hình bi đát ấy, các ngài cảm thấy rõ mình là ai. Trong các ngài vẫn còn trọn vẹn con người yếu đuối, con người cần được tha thứ, con người cần phải trở về, con người cần được cứu độ, con người cần được phục sinh. Con người yếu đuối trong các ngài cũng là con người yếu đuối của đoàn chiên và của nhân loại. Do đó, các ngài được kêu mời sống tình liên đới, khiêm nhường, yêu thương, thông cảm với mọi người, nhất là với kẻ yếu đuối, để cũng như các ngài, họ cũng sẽ gặp được Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
2/ Chúa Giêsu muốn những kẻ được Phong Chức Thánh hãy nhận thức rõ về sự tự do của Chúa trong vấn đề dùng nhân sự.
Thực vậy, ngay khi vừa được thụ phong, các tông đồ đã thấy xuất hiện những bộ mặt lạ không có Chức Thánh nhưng đã rất tích cực nâng đỡ Chúa. Ông Simon vác thánh giá đỡ cho Chúa. Bà Vêrônica đưa khăn lau mặt Chúa. Mấy bà đi theo an ủi Chúa. Kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa đã tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Vị sĩ quan Rôma nói lên sự vô tội của Chúa. Bà Madalenna đến báo tin Chúa sống lại. Họ là những người không có chức vị gì. Có người là dân ngoại. Nhưng ai dám bảo các việc làm cho Chúa là việc xấu.
Các sự việc ấy cho các tông đồ hiểu sự Chúa chọn các ngài là một ơn huệ, một ơn nhưng không. Ngoài các ngài, Chúa còn chọn nhiều người khác. Họ không có Chức Thánh, nhưng họ góp phần không nhỏ vào việc mở rộng Nước Trời. Rất nhiều trường hợp họ làm được những việc tốt mà các tông đồ đã không làm, hoặc không làm được. Biết sống tình liên đới cởi mở với mọi người thiện chí, đó là một mời gọi Chúa gởi tới các tông đồ.
3/ Chúa Giêsu muốn những kẻ được Phong Chức Thánh hãy nhận thức rõ mình thuộc về Hội Thánh
Thực vậy, trong mấy ngày Tuần Thánh, dù hoàn cảnh có lúc dày đặc bóng tối thất vọng các tông đồ vẫn nương tựa vào nhau và vẫn hy vọng vào Thầy. Tản mác mỗi người một nơi, các Ngài vẫn nhớ mình thuộc về nhóm 12. Nhóm 12 là khởi điểm Hội Thánh. Các Ngài ý thức rất rõ Hội Thánh lúc đó là chính các Ngài. Một Hội Thánh gồm những con người yếu đuối, những con người cần được tha thứ, những con người cần được cứu độ. Một Hột Thánh sẽ làm chứng cho Đức Kitô bằng đời sống phục vụ yêu thương, như lời Đức Kitô đã trối lại: “Thầy cho chúng con một điều răn mới là chúng con yêu thương nhau”. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”. Sống tình liên đới chan hoà với mọi thành phần Hội Thánh đó là một điều mà các tông đồ đã cảm nghiệm như một nhu cầu cần thiết.
4/ Chúa Giêsu muốn những kẻ được Phong Chức thánh hãy nhận thức rõ về sự làm sáng danh Chúa
Thực vậy, sau khi cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Đức Kitô, các tông đồ xác tín về bổn phận phải sống mật thiết với Đức Kitô. “Thầy là cây nho, các con là ngành”. Nên phải sống nhờ Ngài, sống với Ngài, sống trong Ngài, và sống như Ngài. Con người sống như thế chính là vinh quang Thiên Chúa. Con người sống như thế sẽ có khả năng làm sáng danh Chúa ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thời điểm nào, với bất cứ hoàn cảnh nào dù với những điều kiện khắt khe nhất. Nhân lên những con người như thế chính là mở rộng vinh quang Thiên Chúa. Sống tình liên đới mật thiết với Đức Kitô, đó là sự sống mà các tông đồ đã ôm ấp.
Trên đây là những dây liên đới rút từ kinh nghiệm các tông đồ, sau ngày thụ phong. Sống tốt các dây liên đới ấy không là chuyện dễ. Bí quyết nằm ở trái tim.
Và thiết tưởng vấn đề giáo dân sống liên đới tốt với hàng giáo sĩ, giáo phẩm cũng tuỳ thuộc ở trái tim mình.
Bởi vì có những tiếng gọi liên đới, chỉ trái tim thực tình mến Chúa mới nghe thấy được. Có những tín hiệu liên đới, chỉ trái tim tin yêu nhạy bén mới nắm bắt được. Có những nhu cầu liên đới, chỉ trái tim quên mình mới đáp ứng được. Có những bước đi liên đới, chỉ trái tim tỉnh thức cầu nguyện mới nhận ra được. Có những sự thực liên đới chỉ trái tim hiền lành khiêm nhường nhân ái mới đón nhận được.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gặp muôn vàn khó khăn, và sau cùng Chúa đã bị giết trên con đường Tái-Truyền-Giáo. Mặc dầu vậy, Chúa đã để lại một số nhân sự nòng cốt. Con xin cảm tạ Chúa về nhân sự ấy, và về các nhân sự của Chúa hôm nay. Lạy Chúa, con đội ơn lòng thương xót Chúa đến muôn đời.