Thảm cảnh 7 đứa con thơ mất bố
trong vụ Lèn Cờ
7 đứa trẻ, nam khôi ngô, nữ xinh xắn ngồi buồn bên bàn, người mẹ kể: "Cứ nghe tiếng xe công nông càng là 3 đứa út chạy ra cổng đón bố, nhưng bố bị đá sập nên mất rồi đâu về được".
Người đàn ông hi sinh vì con
12h trưa ngày thứ 5 (7/4), những màn sương mới bắt đầu loãng đi để trời có chút ánh sáng ấm áp, con đường nhỏ lổn nhổn đất đưa chúng tôi đến với ngôi nhà của của nạn nhân Đình Phúc.
Anh Phúc sinh năm 1969, là một trong 18 người tử vong trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ vào ngày 1/4 tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Lúc này, đã quá giờ ăn trưa, nhưng trong nhà vẫn còn nháo nhác trẻ em đi lại. Trước bàn thờ của anh, chị vợ đang bế đứa con út ngẩn ngơ đứng nhìn di ảnh. Chúng tôi thắp cho anh một nén hương, cầu mong anh yên bình, ở nơi chín suối phù hộ độ trì cho vợ con được mạnh khỏe, chăm ngoan.
“Anh ấy hiền lắm, vợ chồng cưới nhau năm 1989 nhưng rất hiếm khi mắng vợ, con. Hôm biết anh mất, cả xóm ai cũng thương” – chị Thái Thị Sinh, vợ anh Phúc kể.
Đất Nam thành vốn ruộng ít, nhà 9 miệng ăn nhưng chỉ có 2,7 sào ruộng. Để có tiền lo cho con ăn học, 4 năm trước anh chị đã phải chạy vạy khắp nơi để mua một chiếc xe công nông càng đi chở đá, chở cát thuê.
Bố ra đi để lại nỗi đau khôn nguôi trong tái tim người vợ và 7 đứa con. |
Căn nhà trống trải, cũ kỹ, cả bố mẹ, con cái chia nhau ở trong hai căn phòng nhỏ, mỗi phòng một giường. |
Sau này, khi mỏ đá Lèn Cờ khai thác, hằng ngày anh Phúc chạy xe lên đó chở đá về cho người ta. Ngày khấm khá thì được vài trăm, ngày ít thì 50.000-70.000 đồng, bình thường, 5-6 giờ chiều là anh về, nhưng cũng có hôm 9-10h tối mới xong việc. Lao lực là thế, nhưng hè vừa qua khi đứa con trai đầu lòng học ở Huế điện về xin bố mẹ cho ở lại hè để làm thêm kiếm tiền thì anh nhất định không đồng ý.
"Anh bảo hè thì về nhà chứ mải làm quá rồi quên học là không được. Anh dù có vất vả đến đâu cũng phải lo cho con học hành tử tế. Anh không chết được đâu"- chị Sinh kể.
Thế nhưng, buổi sáng định mệnh ngày 1/4 đã khiến lời nói của anh không còn đúng nữa, anh đã mãi mãi ra đi cùng với những nạn nhân xấu số khác nơi mảnh đất nghèo khó này.
“Sáng sớm đó 2 đứa út nó quấy, thương vợ, thế là anh ấy bảo đưa bé Hà đây anh bồng cho một đứa. Anh bồng con bé một lúc rồi ra đi làm, ai ngờ lại đi mãi” - chị Sinh nói, nước mắt tuôn rơi theo hình ảnh cuối cùng của người chồng.
7 đứa con ngoan không bố
Đối diện với tôi trong buổi trưa đó là 7 đứa trẻ xinh và vô cùng ngoan ngoãn. Chị Sinh và những người bà con xung quanh bảo cậu út là giống bố nhất, rồi bảo cậu bé cười cho mọi người thấy giống không, thế là cậu bé cười tươi rói. Xung quanh, mọi người vừa hồ hởi, vừa tự hào, vừa đau xót.
“Bình thường cứ đến chiều nghe tiếng xe càng là 3 đứa nhỏ chạy ra cổng gọi bố. Giờ, không kể chiều mà bất kỳ lúc nào, có tiếng xe càng là tụi nó cứ chạy ào ra, nhưng có thấy đâu, mắt cứ ngơ ngác thế, nhìn tội nghiệp lắm cô” – chị Sinh kể.
3 đứa út của chị Sinh và anh Phúc, cháu bé nhất mới 12 tháng tuổi, tiếp theo là 3 tuổi, 5 tuổi. Cháu thứ 4 đang học lớp 4, cháu thứ 3 học lớp 7, cô bé Lê Thị Lan học lớp 10 và anh cả Lê Văn Trường đang là sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Kinh tế Huế.
Hôm biết tin bố mất, trong cơn bàng hoàng, Trường đã bắt xe về để kịp đưa tang bố. Giờ đây, em lại phải chuẩn bị vào trường để tiếp tục học.
“Trước khi bố mất thì mỗi tháng bố mẹ gửi vào cho em một triệu. Em ở trọ, cái gì cũng cần tiền nên chừng ấy là không đủ, mà nhà mình nghèo em cũng muốn làm gì đó để đỡ đần bố mẹ nên em còn đi bưng bê ở các quán cà phê, làm gia sư” – Trường kể về cuộc sống của cậu anh cả của 6 đứa em.
Dẫu biết rằng trong lúc đau thương mất mát này, mẹ sẽ rất cần một chàng trai cứng cỏi như em ở bên cạnh, thế nhưng, cậu bé vẫn dự định sẽ quay trở lại trường học vào đầu tuần tới. Bởi, Trường hiểu rằng, phải nén đau thương để không làm bố thất vọng, để các em còn có chỗ dựa trong tương lai.
Ngồi bên Trường là cô em thứ 2, Lê Thị Lan, hiện học lớp 10A14, trường THPT Yên Thành 2. Lan có gương mặt tròn, đôi mắt đen và nụ cười duyên với hai chiếc răng khểnh. Những ngày vừa qua, trong nỗi đau mất bố, Lan vẫn phải mạnh mẽ để đảm đương việc nhà. Em nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, chăm lo cho các em. Đến ngày hôm nay, Lan không khóc nữa, thỉnh thoảng em cười, nụ cười tươi tắn như xua đi chút bi lụy của ngôi nhà có tang.
Trong suốt cuộc trò chuyện, có những lúc, tôi như thắt lòng lại khi nhìn cảnh cô em gái học lớp 10 tựa mặt lên vai cậu anh cả. Thỉnh thoảng, cậu bé lại cầm tay em gái, kỹ những ngón tay xem trong mấy ngày vừa qua, vì phải lo nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa mà tay em có bị sao không. Có lẽ, sự dịu dàng này sẽ giúp các em vơi đi nỗi đau để tiếp tục đối mặt với cuộc sống.
Trước hoàn cảnh của gia đình anh Phúc-chị Sinh, đại diện Quỹ từ thiện song hành cùng Zing, Quỹ Cộng đồng Người Sử dụng Internet Việt Nam (VNIF) đã trao một triệu đồng tiền mặt. Tuy nhiên, với gánh nặng các con ăn học, gia đình chị vẫn rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Độc giả có lòng hảo tâm xin giúp gia đình theo địa chỉ: Thái Thị Sinh, xóm Lâm Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, số điện thoại: 01672514033. Hoặc theo chương trình Xoa dịu tiếng khóc Lèn Cờ của Quỹ VNIF, chuyển khoản tại địa chỉ: Quỹ từ thiện Cộng đồng Người Sử dụng Internet Việt Nam, số tài khoản: 81162829, ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – Chi nhánh Kỳ Hòa, địa chỉ 109, đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP HCM, vui lòng ghi rõ thông tin: hỗ trợ gia đình chị Thái Thị Sinh lúc chuyển tiền. |
Theo Bưu Điện Việt Nam