Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường
(Tamnhin.net) - Có điều muốn quên cũng không được, vì đó đã thành cơ chế tinh thần, là kim chỉ nam cho một phạm vi công tác và hoàn toàn tốt với việc rèn giũa phẩm cách đạo đức người viên chức, tạo nên sự an dân, làm nên thiết chế vững mạnh của xã hội, ví như 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân…
Trật tự của những sự… lộn xộn
Đó là câu chuyện về các vị cảnh sát giao thông (CSGT).
Báo chí, dư luận đã mất rất nhiều lời về việc này. Ngày nay, chỉ cần hỏi một học sinh cấp III, các em đã có thể khắc họa được “sự nghiệp” của anh này.
Với giới lái xe ngoài mặt đường thì càng rõ hơn.
Bằng chứng rõ nhất là đã có lần Bộ Công an phải xử lý cả một đơn vị là Trạm CSGT ở Dầu Giây - Đồng Nai, mà không phải chỉ xử lý một lần.
Bằng chứng thứ hai là công việc của ngành CSGT rất vất vả, nhưng rất nhiều cán bộ ngành, cán bộ trung cao cấp các ngành khác muốn gửi con em mình vào vị trí này.
Tấm ảnh dưới đây chụp tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Trong ảnh là chiếc xe IFA của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây. Quốc gia này không còn trên bản đồ thế giới đã 21 năm rồi; còn cái xe thì được “sinh ra” trước đó 10 năm, là năm 1980.
Theo nguyên tắc, chiếc xe đã quá “đát” nhiều năm nay, đã bị bán sắt vụn rồi, nhưng ở Thanh Ba, Đoan Hùng, Tam Nông (Phú Thọ) và nhiều nơi khác “nó” vẫn chạy bình thường.
Khi tiếp cận thì biết, để được chạy trong huyện, mỗi năm phải chi N đồng, nếu muốn “liên thông” sang huyện khác thì mất thêm V đồng.
Để kiểm chứng điều này thực hay không thực, khỏi cần ghi âm, khỏi cần tìm tòi và phỏng vấn tài xế, chỉ cần biết rằng: cái xe tải lớn cồng kềnh này, không phải cái kim có thể giấu vào đâu cũng được, hay khi gặp CSGT nó có thể nấp vào bụi cây hoặc chạy tứ tán vào xóm như một tay buôn lậu bằng xe gắn máy. Nó cứ vận hành, cứ chạy giữa thanh thiên bạch nhật bao nhiêu năm trời, cho đến tận hôm nay.
Bởi vậy, dư luận dễ dàng “đóng sống” vào một quan niệm: đã là CSGT là dễ nhận hối lộ, dễ làm giàu.
Với báo chí, phải có tay nghề thật vững, luồn thật sâu may ra mới “chỉ mặt, đặt tên” được vài vụ.
Với ngành chủ quản, bao giờ việc nhận hối lộ từ tài xế phải được thể hiện đầy đủ bằng chứng như đơn của người muốn tố cáo, băng ghi âm, ghi hình của cơ quan hữu trách hoặc của nhà báo, biên bản làm việc khi bắt quả tang... mới từ từ xem xét, nhẹ là “kiểm điểm”, nặng là mời vị này ra khỏi ngành hoặc truy tố trước pháp luật.
Nhưng, coi từ cái “cân” này thì thấy, số CSGT bị xử lí đến nơi đến chốn trong một năm chỉ đếm trên đầu ngón tay; còn những sự phức tạp, lộn xộn cứ tồn tại kiểu “trà dư, tửu hậu” trong cánh tài xế hay nghiệp chủ các doanh nghiệp vận tải.
Về báo chí, có vẻ như dân viết lách cũng thấy mệt mỏi.
Mệt mỏi không phải vì tác nghiệp khó khăn mà là thấy viết mãi, viết hoài, viết trúng, đích đáng nhưng chẳng ăn thua, nên từ từ cũng rút lui có trật tự, tìm đất khác “kiếm cơm”.
Thế là, cái sự lộn xộn kia cứ tồn tại dai dẳng trong một trật tự có vẻ rất… bền vững.
Trăm dâu đổ đầu… giá thành vận chuyển
Nếu bây giờ bạn thử sắm vai một ông chủ có mươi tỉ muốn thành lập doanh nghiệp xe cộ, tìm đến nhà tư vấn doanh nghiệp nhờ tư vấn, lập dự toán sơ khởi, tìm hạch toán đầu vào, đầu ra… thì chuyên gia sẽ nói cho bạn biết cần phải “chừa ra” bao nhiêu cho cái khoản không biết ghi là gì ngoài cái “tên” hơi “văn học” là “phí tổn mặt đường”. Với xe chở khách, khoản này không nhỏ hơn 5%, còn những tháng cao điểm như tết Nguyên đán, với lộ trình Hà Nội – TP HCM, tham số này có thể tới 10%.
Khi đàm đạo về việc này, đồng nghiệp của tôi là một Luật sư khá cứng nói: “Kể cũng khó, các chú lắm quyền lắm! Trong những quyền đó có quyền chạy nhông dọc đường, nhằm chỗ nào trống trải an toàn thì dừng, “tuýt” vài phát lại chạy chỗ. Nếu ông thanh tra ngành hay các chức trách khác muốn dòm ngó, làm cho ra lẽ cũng khó”.
Về phía người “bị hại” thì hại là hại vài chục lẻ, nhưng lại lợi ở chỗ được chạy thông suốt, lợi nhuận từ những vi phạm lớn hơn phần chung chi nhiều (chở quá tải chẳng hạn) nên các chú “cầm giùm” cho khoản kia là hên lắm rồi, ai nỡ đi tố cáo!
Thế là, cái “cơ chế mềm” giữa hai lợi ích này quyện chặt lấy nhau, tưới tắm cho nhau, cứ xanh rờn, tươi tốt.
Những sự lộn xộn cứ lộn xộn rất… trật tự.
Giá thành tấm vé xe khách hay tấn hàng/km cứ thế tăng lên.
Làm gì và làm để làm gì?
Một anh bạn nhà giáo đọc ké trang bản thảo này rồi nói với tôi: “Ông coi chừng, viết khơi khơi thế này có lúc vạ miệng đó. Loại này phải có phim ảnh, chứng cứ rõ ràng…”.
Tôi vỗ vai bạn: “Cảm ơn anh!”. Tôi bảo đảm với anh rằng, mặc dù chọn cách biểu đạt như vậy cho mềm mỏng, dễ đọc nhưng nếu cơ quan chủ quản, cơ quan bảo vệ pháp luật muốn vào cuộc, muốn chứng minh và cần được giải thích, tôi không phải vất vả gì mà chỉ cần huy động mấy chục “mê ga bai” trí nhớ, có nghĩa là không quên một điều, là lập tức sáng tỏ ngay, khỏi bàn cãi.
Tôi nói rồi cắm line máy quay phim lên tivi. Thời gian ghi bằng chế độ điện tử tự động chỉ thời lượng quay 31 phút.
Trên màn hình, chiếc “bồ câu” và hai chiến sĩ CSGT di chuyển trên một đoạn chừng 2km trên quốc lộ 1A.
Một phút đầu, họ “tuýt” ba xe, một anh giải quyết xong một xe. Anh kia giải quyết xong hai xe.
Ba mươi hai phút lẻ của một ngày bình thường, vị này “tuýt” tất thảy 34 lần và “giải quyết” xong. Tất cả xe bị “tuýt” sau đó lăn bánh đi tiếp.
Tôi tắt máy. Anh bạn già nêu thắc mắc: “Tôi có thấy gì đâu, phim quay ở cự li 150m, không “zoom” nên thấy mọi thứ bình thường, không có biểu hiện cụ thể nào của sự đút lót, hối lộ cả!”.
Vâng, anh bạn nói đúng và tôi cũng không có dụng ý muốn quay “đặc tả” những cái “ai cũng biết” kia.
Và, chỉ thế thôi cũng đủ lột tả một điều rằng: anh bạn tôi, những tài xế, cánh báo chí và bộ chủ quản của mấy chú đã quên, quên thật một quy định của Bộ Công an.
Quy định này nguyên văn như sau: “Cảnh sát giao thông chỉ được phép ra tín hiệu dừng phương tiện tham gia giao thông khi các phương tiện này có biểu hiện vi phạm pháp luật”.
Để làm rõ nét này xin nêu căn cứ sau:
Dưới đây là câu trả lời của Đại tá Thân Minh Khuya - Phó phòng CSGT đường bộ TP HCM, cho câu hỏi của phóng viên Hoàng Khương - báo Tuổi trẻ:
“Khi nào CSGT được phép dừng phương tiện đang lưu thông trên đường để kiểm soát?
Đại tá Khuya nói:
- Bằng quan sát trực tiếp hoặc bằng các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ phát hiện các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì CSGT mới được phép dừng phương tiện để kiểm soát, ngăn chặn, đình chỉ, xử lý ngay vi phạm”.
Vâng, điều luật này rất thực tế, cho dừng những xe có biểu hiện vi phạm pháp luật thì quá đúng rồi, chứ phát lệnh dừng xe tràn lan thì sức nào xử lí hết.
Đi tìm “tổ con chuồn chuồn”
Bây giờ, cứ “phăng” từ điều này ra, sẽ bộc lộ nhiều lẽ.
Thứ nhất, nếu hai vị trong cuốn phim nói trên làm đúng quy định của Bộ Công an, họ thổi vì những xe kia có biểu hiện vi phạm pháp luật thì xin hỏi: chả lẽ đất nước sau chiến tranh gần bốn chục năm vẫn… nghiêm trọng thế ư? Nửa giờ, tại một điểm mà có hơn ba chục xe “có biểu hiện” vi phạm pháp luật. Vậy, một ngày ở đoạn này đã có hai ngàn vụ vi phạm pháp luật, trên đất nước này có mấy vạn trường hợp như thế này, kéo dài tháng này qua năm khác hay sao?
Thứ hai, nếu từng ấy xe có biểu hiện vi phạm pháp luật thì CSGT phải cần ít nhất nửa ngày mới xử lý xong số xe bị “tuýt” trong một giờ. Họ là siêu nhân hay sao mà xử lí nhanh đến vậy?
Ba là, họ “tuýt” nhầm (điều này thế mà có lý) vì nhìn về hiện tượng, chỉ thấy phụ xe cầm quyển sổ kiểm định lại, đưa ra rồi nhận lại sau 10 giây đồng hồ, chạy tiếp. Kiểu cách này cho thấy, chỉ có thổi nhầm, xem qua thấy nhầm rồi cho đi thì mới “thần tốc” cỡ đó!
Bốn là, họ tắc trách, thổi cho vui vì suốt một giờ chả thấy vị nào làm ơn nhảy lên xe ngó nghiêng lấy một phút. Xe đỗ cách chỗ các vị đứng cả trăm mét, anh phụ xe chạy lập bập lại đưa “cái gì đó”, nhận lại “cái gì đó” rồi đi tiếp. Nói dại, trên xe có chở bọn phạm pháp hay hàng hóa quốc cấm cũng không hề gì vì các chú chỉ mất gần một phút cho một xe thì “kiểm” cái nỗi gì?!
Nêu hơi kỹ phần này, làm nổi bật lên bốn ý chính là để minh chứng rằng: Điều xảy ra khó có thể là bốn ý trên! Nó là cái thứ năm.
Tất cả chỉ tồn tại khi “cả làng” quên mất, quên thật quy định trên của Bộ Công an!
Và, cái kiểu “quên” này trước hết là làm hại đến thanh danh bao nhiêu chiến sĩ Công an Nhân dân (CAND) khác. Cần nhớ, lực lượng CSGT chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ trong đội ngũ những người bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ở nhiều địa hạt công tác khác, các chiến sĩ, sĩ quan CAND phải chiến đấu, làm việc trong hoàn cảnh muôn ngàn gian khó, nhiều người đã đổ máu trong khi làm nhiệm vụ và không phải ai cũng có thể “tuýt” được như mấy anh CSGT.
N.H.C.
(còn nữa)