Suy tư ngày xuân _ kính nhớ tổ tiên

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
Hôm nay là ngày của mẹ, ngày Chủ nhật thứ hai trong tháng Năm.
Một anh thanh niên đậu xe hơi gần một tiệm hoa, định vào mua vội một bó hoa gởi về tặng mẹ qua dịch vụ bưu điện. Khi vừa bước ra khỏi xe, thấy một em gái đứng khóc bên vỉa hè, anh liền đến hỏi tại sao em khóc. Nó nức nở trả lời: “Dạ, cháu muốn mua một bó hoa hồng tặng mẹ cháu mà cháu không đủ tiền. Hoa giá 2 đô la mà cháu chỉ có 75 xu”.
Anh mỉm cười, xoa tóc nó: “Thôi, cháu vào đây, chú sẽ mua cho cháu một bó”.
Anh mua một bó cho em bé và một bó cho anh; anh trả thêm tiền chi phí dịch vụ, nhờ tiệm gởi bó hoa của mình qua đường bưu điện về tặng mẹ anh đang sống cách đó khoảng 300 cây số.
Xong xuôi, anh hỏi em bé định về đâu để anh chở nó đi luôn thể. Nó hớn hở nhìn anh, đáp: “Dạ, xin chú chở cháu đến nhà mẹ cháu”.
Nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang. Nó dẫn anh đến trước một ngôi mộ vừa mới đắp, thút thít: “Đây là nhà của mẹ cháu”.
Nói xong, nó ân cần đặt bó hoa hồng lên mộ mẹ.
Sau khi giúp em bé gái, anh trở lại tiệm hoa, hủy bỏ dịch vụ gởi hoa hồi nãy, rồi mua một bó hoa hồng thật đẹp; và suốt đêm hôm đó, anh đi liền một mạch 300 cây số để về trao tận tay mẹ bó hoa hồng.
Lòng hiếu thảo là một điều hết sức quan trọng đối với những ai tin vào Chúa. Trong Cựu Ước, chữ trọng kính (Kabbod) được dùng chung cho Thiên Chúa, đền thờ, sách thánh và cha mẹ. Ai nguyền rủa cha mẹ cũng phải chịu cùng một hình phạt với tội nguyền rủa Thiên Chúa: “bất cứ ai, mà  rủa cha mẹ mình, tất phải chết” (Lv 20,9)
Hình phạt nặng nề cho sự bất hiếu đó nhằm để cảnh báo về cái chết trong tâm hồn người con không thảo kính cha mẹ: “Kẻ rủa cha rủa mẹ, sẽ thấy đèn mình tắt lụi giữa tối tăm”. (Cn 20,20)
Trái lại, lòng thảo hiếu đẹp lòng Chúa sẽ làm trổ sinh ân sủng dồi dào: “Ai tôn kính cha mẹ mình sẽ được hưởng niềm vui nơi con cái của bản thân mình, và trong ngày nó cầu, nó sẽ được nhận lời” (Hc 3,5)
Thế nhưng, lòng hiếu thảo không phải là một tình cảm suông, chung chung, mà phải là việc làm cụ thể, đó là tôn kính, mến yêu, vâng lời và giúp đỡ. Nói hiếu thảo thì dễ nhưng nói đến bốn chữ tôn kính, mến yêu, vâng lời, và giúp đỡ mới là tiếng nói tự đáy lòng.
Đã nhiều năm qua, vẫn còn đó một sự hiểu lầm làm cho anh em lương dân coi giáo lý Công Giáo dạy người ta một điều chướng kỳ, là người có đạo không được “thờ cha kính mẹ”, không được sống đạo hiếu, vì giáo lý Công Giáo cấm không cho người có đạo được thờ một ai khác ngoài Thiên Chúa. Một ít người có đạo cũng hiểu lầm như vậy.
“Thờ cha kính mẹ” là kiểu nói dân gian, chẳng phải là tôn thờ, mà là đạo hiếu. Nếu là đạo hiếu thì chẳng những các Kitô hữu phải giữ, mà còn phải giữ kỹ nữa là khác. Sách Huấn Ca có những lời thật đẹp về tấm lòng phải có của một người con: “Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng” (Hc 7,27-28)
“Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người” (Hc 3,12-13)
Đó là lời Chúa dạy về đạo hiếu. Anh em lương dân chẳng khi nào có dịp đọc được những lời dạy rất đẹp đó, họ chỉ có thể đọc được những lời đó trong cuộc sống của các Kitô hữu.
Vì thế, sống hiếu thảo là chu toàn luật Chúa, là bảo đảm muôn ơn Chúa ban cho hạnh phúc gia đình, lại còn là hoạt động truyền giáo nữa.
Lòng hiếu thảo là một bông hồng đỏ thắm ước mong đền đáp một chút cho tình yêu mẹ cha. Đừng để đến lúc phải muộn mằn đặt trên phần mộ với lòng hối tiếc.
Lm. HK