Bế mạc Năm Thánh, nhớ tới một người
Năm Thánh Việt Nam đang khép lại. Sau bế mạc, mỗi người công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục hành trình riêng của mình. Hành trình về với Chúa.
Không phải hành trình nào cũng dẫn về Chúa. Nhưng chỉ những hành trình đúng với ý Chúa, được Chúa chúc lành. Hành trình đó là thế nào?
Ở đây, tôi nhớ tới một người. Đó là Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, bạn tôi. Ngài đã âm thầm giúp tôi trong hành trình đi về với Chúa. Điều mà Ngài đã giúp tôi chính là linh đạo về bình an yêu thương. Ngài và tôi, chúng tôi nhận ra hành trình mà Chúa muốn chúng tôi thực hiện, sẽ là hành trình làm chứng cho sự bình an yêu thương, đóng góp vào sự bình an yêu thương của Hội Thánh và Quê Hương Việt Nam.
Tôi xin được chia sẻ vắn tắt.
1/ Đón nhận sự bình an yêu thương của Chúa từ những nguồn của Chúa
Thời gian đó, tôi đang ở Cộng Hoà Liên Bang Đức để chữa bệnh. Ngài công tác bên Toà Thánh. Ngài biết tôi rất thao thức về Hội Thánh và Quê Hương Việt Nam. Ngài quyết định sẽ sang Đức thăm tôi. Điểm hẹn mà Ngài chọn, là một nhà dòng nữ, miền Bắc nước Đức.
Hôm ấy, trời đã về chiều, tôi có mặt ở sân bay. Anh em mừng rỡ gặp lại nhau. Chúng tôi đến nhà dòng đã hẹn. Nhà dòng toạ lạc giữa một vùng thanh vắng. Trời mùa đông giá lạnh. Bầu khí nhà dòng ấm áp vì những nữ tu toả tình mến Chúa yêu người trên khuôn mặt đón tiếp. Chỗ nào trong nhà dòng cũng gặp được cầu nguyện và bình an yêu thương. Buổi tối, Ngài và tôi tâm sự rất lâu. Trước khi về ngủ, chúng tôi hứa sáng mai sẽ trao đổi cho nhau những gì mỗi người sẽ viết trong đêm. Sáng hôm sau, thánh lễ được cử hành trong bầu khí gia đình. Ngài chủ lễ và giảng. Tôi đồng tế. Các nữ tu hát. Tôi có cảm tưởng như chúng tôi đang được gặp Chúa trong sa mạc hay trên núi, mà Phúc Âm thường nhắc tới. Sau lễ, chúng tôi trao đổi cho nhau những gì mỗi người đã viết trong đêm. Thực lạ lùng, cả hai cùng diễn tả những khát vọng và những dự kiến về bình an yêu thương cho Hội Thánh Việt Nam.
Chúng tôi cùng nhau nhận ra rằng: Để có thể góp phần đem lại bình an yêu thương cho người khác, chính chúng tôi phải có sự bình an yêu thương trước. Không phải bất cứ sự bình an yêu thương nào. Nhưng phải là sự bình an yêu thương của Chúa. Sự bình an yêu thương của Chúa không do chúng tôi hay ai làm ra được. Nhưng chúng tôi phải đón nhận từ Chúa. Chúng tôi đang nhận từ Chúa trong phép Thánh Thể, trong Lời Chúa, trong giờ cầu nguyện, trong bầu khí đạo đức của nhà dòng, trong điều kiện nội tâm được nghỉ ngơi giữa biển cả tình yêu Thiên Chúa.
Sự bình an yêu thương của Chúa mà chúng tôi đón nhận, được tôi cảm nghiệm như một sự giải cứu. Tôi thấy mình thuộc trọn về Chúa. Tôi thấy mình phải sống cho những người khác.
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi thực ngắn ngủi. Ngay buổi sáng hôm đó, Ngài bay về Rôma, còn tôi trở lại Aachen. Tôi rất hài lòng với nhận thức quan trọng về hành trình phục vụ cho sự bình an yêu thương. Nhận thức đó là: Tôi phải có trong chính mình sự bình an yêu thương của Chúa nhận được từ những nguồn của Chúa.
Tôi biết hành trình đời tôi chắc sẽ chỉ là một chuỗi ngày thường. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn cần đón nhận sự bình an yêu thương của Chúa một cách thường xuyên. Mỗi ngày phải có thời gian tĩnh lặng, để cầu nguyện, suy niệm, gặp gỡ thân mật với Chúa. Tôi thuộc về Chúa, tôi đón nhận từ Nguồn, để tôi có thể sống cho những người khác theo thánh ý Chúa.
Khi chia tay, bạn tôi nói với tôi: “Chú về Việt Nam, tôi ở lại nước ngoài. Nhưng hai anh em cùng phục vụ bình an yêu thương cho đồng bào, cho Hội Thánh Việt Nam, cho Quê Hương Việt Nam”.
2/ Phục vụ bình an yêu thương
Tôi sẽ sống cho những người khác thế nào? Tôi sẽ phục vụ bình an yêu thương cho những người xung quanh với những việc cụ thể nào? Bạn tôi đã ảnh hưởng nhiều đến tôi.
a) Trước hết hãy giải cứu lương tâm người ta khỏi quá khứ nặng nề.
Tôi hay bối rối về tội cũ. Một hôm, bạn tôi kể cho tôi câu chuyện này: Trong một giáo xứ nọ, có một bà đạo đức đến trình với cha Sở là bà mới được Chúa Giêsu hiện ra. Cha tỏ vẻ không tin. Mấy ngày sau, bà lại tới, bà quả quyết là Chúa Giêsu đã vẫn hiện ra với bà. Cha Sở cũng không tin. Sau nhiều lần như vậy, cha Sở nói với bà là bà hãy xưng tội đi, rồi nếu Chúa Giêsu hiện ra với bà, thì bà hãy hỏi Chúa Giêsu xem, bà đã xưng những tội gì với cha Sở. Hôm sau, bà tới cha Sở và trình rằng: Con hỏi Chúa như cha đã dặn con. Chúa Giêsu trả lời rằng: Chúa không nhớ. Chúa tha tội là xoá tội, để con người được bình an. Nghe xong, cha Sở nói: Bây giờ thì tôi tin Đấng hiện ra với bà là Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa là tình yêu thương xót. Bình an Chúa ban là giải cứu khỏi tội và mặc cảm bởi tội.
Từ câu chuyện trên đây, bạn tôi tỏ rõ thái độ của người được Chúa sai đi đem lại bình an yêu thương cho người khác. Đó là thái độ thương cảm giải cứu, giúp người ta tin vào tình yêu bao dung tha thứ của Chúa. Ngài coi việc đem quá khứ sai lầm ra dằn vặt, là sai ý Chúa. Làm cho lương tâm mình thêm nặng nề đã là một sai lầm. Làm cho lương tâm người khác phải nặng nề là một lầm lỗi.
b) Để phục vụ bình an yêu thương, cần tránh lối sống câu nệ vào hình thức.
Hôm đó, mệt mỏi và đau bệnh, tôi nói với bạn tôi là tôi còn phải đọc xong kinh Phụng vụ và lần chuỗi Mân Côi, mới yên tâm đi ngủ được. Bạn tôi trấn an tôi: “Chú không nên câu nệ vào hình thức. Bệnh và mệt quá, thì đọc ít kinh cũng được. Ít kinh mà sốt sắng với nhiều lòng mến, thì hơn là nhiều kinh mà khô khan máy móc”.
Nhân dịp, bạn tôi thỉnh thoảng nói tới thói quen của một số người hay căn cứ vào hình thức để giữ đạo. Đọc kinh nhiều, tổ chức lớn, tuyên ngôn đẹp, nhưng trong lòng chẳng mến Chúa thực, chẳng yêu người thực. Cũng không thiếu trường hợp, có những người xấu đã khoác hình thức đạo, nhưng để phá đạo, thế mà cũng có người tin theo.
Để góp phần canh tân trong Hội Thánh, Ngài giúp tôi làm quen với những phong trào đạo đức mới xuất hiện sau Công Đồng Vatican II và được Toà Thánh chấp nhận. Những phong trào đạo đức này nhấn mạnh đến cầu nguyện, sống yêu thương hoà hợp, đi sâu vào đời sống nội tâm và có tinh thần phục vụ cao.
c) Trong phục vụ bình an yêu thương, nên chọn một số ưu tiên để thực hiện.
Theo Đức cố Hồng Y Thuận, một vấn đề cần đặt lên hàng ưu tiên, đó là hoà giải. Hoà giải trong nội bộ Hội Thánh. Hoà giải giữa đời và đạo. Hoà giải giữa giàu và nghèo. Hoà giải giữa cũ và mới.
Một trong những cách nên chú ý để đào tạo những người hoà giải là họ năng được dự những tuần tĩnh tâm chiêm niệm. Ngài nói với tôi: “Khi về hưu, hai anh em sẽ ở chung một nơi, sẽ cùng nhau chuyên lo việc tổ chức tĩnh tâm”. Ngài xác tín: Con người phục vụ bình an yêu thương tốt, con người hoà giải tốt là con người tĩnh tâm.
d) Tất cả mọi việc phục vụ bình an yêu thương đều phải bắt nguồn từ cái tâm.
Cái tâm có Chúa Giêsu ngự trị. Nhờ đó, con người đón nhận mọi sự từ Chúa là Nguồn bình an. Cũng nhờ đó, con người biết phục vụ bình an yêu thương cho những người khác, theo gương Chúa Giêsu.
Có lần, Ngài cho tôi xem cây thánh giá nhỏ bằng nhôm mà Ngài đã làm trong tù. Ngài nói: “Hành trình đời chúng ta cũng đi theo hành trình Chúa Giêsu. Yêu thương đến cùng”.
e) Việc phục vụ bình an yêu thương đòi phải chiến đấu và tỉnh thức.
Việc phục vụ bình an yêu thương sẽ không luôn dễ dàng. Điều mà Đức cố Hồng Y hay nhắc cho tôi là: Satan sẽ phá bằng mọi cách, từ cách thô lỗ đến cách tinh vi. Nhưng hãy vững vàng cậy tin ở Chúa giàu tình yêu thương xót. Ngài bảo tôi: “Hãy luôn luôn hy vọng nơi Chúa”. Sống bình an yêu thương theo ý Chúa là một hồng ân. Hồng ân cao đẹp đó không miễn trừ chúng ta khỏi phải chiến đấu. Chúa Thánh Linh sẽ giúp chúng ta phân định thiện ác, việc nào do Chúa, việc nào do quỷ, việc nào có khả năng xây dựng bình an yêu thương, việc nào mang tính cách phá hoại an bình thương yêu.
Với chia sẻ trên đây, tôi xác tín hành trình cuộc đời của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là một hành trình phục vụ cho bình an yêu thương. Cuộc đời của Ngài là một thánh lễ kéo dài cầu nguyện cho Hội Thánh và Tổ Quốc Việt Nam được bình an yêu thương một cách tốt đẹp nhất.
Trong tâm tình tạ ơn và phó thác, tôi xin được cùng Đức cố Hồng Y thân ái gởi tới anh chị em lời chào chúc bình an yêu thương rất cần cho hành trình đời sống mọi người chúng ta.
Long Xuyên, ngày 3 tháng 01 năm 2011
+GM Gioan B. Bùi Tuần