Tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một trong những tín điều khó chấp nhận nhất đối với những người ngoài Công Giáo. Tín điều này bị hiểu lầm thường xuyên nhất, và nhiều khi bị lẫn lộn với việc Chúa Giêsu thụ thai đồng trinh. Có một số người coi đó là tôn vinh Ðức Maria lên bậc nữ thần. Những người khác lại cho là đi ngược lại với Thánh Kinh. Lại có người cho đó là học thuyết của loài người, vì ÐTC Piô IX công bố tín điều này gần đây trong năm 1854.
Vô Nhiễm Nguyên Tội
Vì Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tỳ nữ;
Vậy, từ nay, mọi đời sẽ gọi tôi là hồng phúc.
Vì Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại, Danh Người là Thánh! Luca 1:48-49
Tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một trong những tín điều khó chấp nhận nhất đối với những người ngoài Công Giáo. Tín điều này bị hiểu lầm thường xuyên nhất, và nhiều khi bị lẫn lộn với việc Chúa Giêsu thụ thai đồng trinh. Có một số người coi đó là tôn vinh Ðức Maria lên bậc nữ thần. Những người khác lại cho là đi ngược lại với Thánh Kinh. Lại có người cho đó là học thuyết của loài người, vì ÐTC Piô IX công bố tín điều này gần đây trong năm 1854.
Theo Giáo Lý Công Giáo (GLCG):
"Qua nhiều thế kỷ Hội Thánh càng ngày càng nhận thức rằng Ðức Maria được Thiên Chúa ban cho ‘đầy ơn phúc’ (Lc 1:28), đã được cứu độ ngay từ giây phút Mẹ được thụ thai. Ðó là tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, như Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm 1854: ‘Ðức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút thụ thai đầu tiên, bằng một ân sủng và đặc ân duy nhất của Thiên Chúa Toàn Năng, và nhờ công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ nhân loại, đã được bảo toàn khỏi bị nhiễm mọi vết nhơ của Tội Tổ Tông’" [GLCG 491].
Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên dưỡng tử của Ngài và thông phần vào sự sống đời đời (Rom 8:12-25). Ân sủng là sự trợ giúp nhưng không và vô điều kiện Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp lại lời mời gọi của Ngài (GLCG 1996; 1 Cor 15:10). Ðặc biệt là Ơn Thánh Hóa là một hồng ân Thiên Chúa ban làm cho linh hồn chúng ta nên hoàn thiện để chúng ta có thể ở với Ngài và hoạt động bởi tình yêu Ngài (GLCG 2000; Tit 3:7). Trái lại, tội lỗi, là sự chối bỏ Thiên Chúa và ơn gọi của Ngài qua việc chúng ta cố tình bất phục tùng (GLCG 386; Rom 6:11-23), trong khi đó Tội Tổ tông là sự mất Ơn Thánh Sủng vì tội Ađam (GLCG 396; Rom 5:12-21). Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một hồng ân đặc biết Thiên Chúa giữ gìn Mẹ khỏi tội Tổ Tông và khuynh hướng phạm tội. Ðức Mẹ luôn luôn có Ơn Thánh Sủng. Nhờ Ơn Thiên Chúa, suốt đời Mẹ không bao giờ phạm tội riêng (GLCG 439).
Một số Kitô hữu có thể cho rằng tín điều này làm cho Ðức Maria thành nữ thần. Những người này bằng cách nào đó đã lầm lẫn việc không có tội với thần tính. Ađam và Evà là loài người, nhưng không phạm tối gì cả trước khi sa ngã. Mỉa mai thay tội của Ađam là cố trở nên thần thánh (STK 3:5). Các thiên sứ ở trên Thiên Ðàng dù chỉ là tạo vật, nhưng cũng không có tội (2 Phr 2:4). Cũng thế, hồng ân Chúa ban cho Ðức Maria không làm cho Mẹ trở nên thần thánh, nhưng giúp Mẹ luôn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Có người khác lại cho rằng Ðức Maria, nếu thật sự không phạm tội, thì không cần đến Ðấng Cứu Chuộc. Thật sự trong kinh Ngợi Khen, Ðức Maria thú nhận rằng Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ Mẹ (Lc 1:47). Theo tín điều này thì Ðức Maria được cứu chuộc bằng sự áp dụng trước chứ không bằng ơn tha tội. Chúng ta được cứu độ nhờ ơn tha tội, vì chúng ta tội lỗi. Nhưng bằng cách áp dụng trước công nghiệp của Ðức Kitô, Thiên Chúa cứu Ðức Maria trước khi Mẹ sa vào vũng lầy tội lỗi. Thí dụ, một đứa trẻ có thể được cứu khỏi chết đuối sau khi ngã xuống hồ tắm. Nó cũng có thể được cứu khỏi chết đuối bằng cách được giữ lại trước khi rơi xuống hồ. Ơn Cứu Ðộ của chúng ta là "thuốc chữa bệnh," nhưng Ơn Cứu Ðộ của Mẹ giống như "thuốc ngừa." Mẹ luôn luôn được ngăn ngừa khỏi tội lỗi, ngay cả tội nhẹ (GLCG 493). Ðây là cách cứu độ hoàn hảo nhất.
Có người dùng câu "tất cả mọi người đều có tội" trong Roma 3:23 để chống lại tín điều này. "Tất cả" ở đây không nhất thiết phải gồm hết mọi người. Ðương nhiên là không kể Chúa Giêsu (1 Phr 2:22). Nếu không thì Roma 3:24 phải ám chỉ rằng tuyệt đối tất cả đều được nên công chính, kể cả những người không có đức tin, như thế thì Hỏa Ngục bị bỏ trống. Cũng trong đọan đó, Thánh Phaolô viết rằng "không ai công chính, không, không một ai" [Rom 3:10]. Nhưng ở những nơi khác ông Noe, Ðaniel, Gióp (Eze 14:14,20), Dacaria, và Êlidabeth (Lk 1:6) được nói là công chính. Thánh Phaolô không có ý nói rằng "tuyệt đối không có ai" mà nhấn mạnh tính cách phổ quát của tội lỗi cho cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại. Dầu câu này áp dụng cho chúng ta, nó không áp dụng cho Chúa Giêsu hay Ðức Maria. Về một vấn đề liên quan đến việc Ðức Maria dâng "Lễ đền tội" trong Luca 2:24 để làm tròn Lề Luật. Nhiệm vụ này không chứng minh rằng Mẹ có tội, nhưng minh chứng đức vâng lời của Mẹ. Tương tự như thế, Chúa Giêsu đã đến nhận "phép rửa sám hối" của Thánh Gioan mặc dầu Người vô tội.
Câu Thánh Kinh chính đề ra giáo điều này là lời chào của Thiên Sứ Gabriel với Ðức Mẹ Maria:
"Kính Chào, Ðấng Ðầy Ơn Phúc (kecharitomene), Chúa ở cùng Bà" [ Luca 1:28].
Chữ Hy Lạp, kecharitomene, là động tính từ quá khứ thể thụ động của động từ charitoo của Hy Lạp, có nghĩa là ân sủng hay ân huệ. Thì quá khứ chỉ một việc đã hoàn thành hay viên mãn. Có thể được dịch là "được ân sủng hoàn toàn" hay "đầy sủng ái." Thánh Giêrônimô ở thế kỷ thứ tư dịch sang La Tinh là gratia plena, hat "đầy ơn phúc." Ngay một số Thánh Kinh Tin Lành dịch là "highly favored one - Ðấng được sủng ái nhất" (NIV &KJV). Trong câu này Thiên Sứ Gabriel thay vì chào Mẹ là "Chào Maria," lại chào là "Kính chào, Ðấng Ðầy Ơn Phúc." Thiên sứ Gabriel dùng động tính từ này như một danh xưng hay tước hiệu để gọi Mẹ. Trong TÐCV 6:8, Thánh Têphanô cũng được nói là "đầy ơn sủng - full of grace" theo bản RSV, nhưng câu này được dùng như một tĩnh từ, chứ không phải một tước hiệu. Ðức Maria được gọi là "Ðấng Ðầy Ơn Phúc," bao gồm cà Ơn Thánh Sủng. Ân sủng ngươc lại với tội lỗi (Rom 5:21). Câu này có thể không chứng minh tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng phải là một lời chào kỳ lạ. Nơi khác trong Thánh Kinh, bà Êlidabeth, qua sự linh hứng của Thánh Thần, đã tuyên xưng Ðức Maria:
"Em có phúc hơn mọi người nữ, và phúc thay người con em đang cưu mang." [Luca 1:42].
Trong sự song song thi vị này, hồng phúc Thiên Chúa ban co Ðức Maria được so sánh với hồng phúc trên Con Mẹ - người con Mẹ đang cưu mang. Chúa Giêsu có phúc trong bản tính nhân loại bởi không có tội (DT 4:15) ngay từ khi trong lòng Mẹ. Ðức Maria được Thiên Chúa chúc phúc như là Mẹ Con của Ngài và trong việc Mẹ được thoát khỏi tội lỗi.
Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được khai triển cách tiệm tiến qua nhiều kỷ nguyên. Có những chân lý của Thiên Chúa phải mất nhiều thời gian chúng ta mới hiểu đươc trọn vẹn. Sự khai triển này có thể được bắt nguồn từ Lời Thiên Chúa nói với con rắn:
"Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, và giữa miêu duệ mi và miêu duệ bà; Người sẽ đạp giập đầu mi, và mi sẽ làm trầy gót chân Người" [STK 3:15].
Câu này được coi như lời hứa về Ðấng Cứu Ðộ. "Người" và "miêu duệ bà" nói về Ðức Kitô. "Người phụ nữ" chỉ bà Evà, nhưng áp dụng đúng hơn cho Ðức Maria (Ga 19:26). Cảnh Truyền Tin của Thánh Luca (Lc 1:26-38,42) có vẻ để đối chiếu với cảng Evà và con rắn (STK3:1-7): Maria đối lại với Evà, Gabriel đối lại với satan (KH 12:9) như là con rắn. Con trong lòng đối với trái cây. Trong Roma 5:14 và 1 Cor 15:44-49, Thánh Phaolô nhìn thấy Ðức Kitô như một Ađam mới. Cũng một cách ấy, Thánh Justin Tử Ðạo trong năm 155 sau CN đã thấy Ðức Maria như Evà Mới: "Vì Evà, là một trinh nữ không tỳ vết, đã mang thai lời của con rắn, sinh ra sự bất phục tùng và sự chết. Nhưng Trinh Nữ Maria đã nhận được đức tin và niềm vui... và bởi Mẹ, Chúa Giêsu được sinh ra." [Ðối thoại với Tryphô 100]. Thánh Irênê trong năm 190 trước CN đã viết: "Evà đã là ... căn nguyên của sự chết...; cho nên Ðức Maria cũng...trở nên căn nguyên của Ơn Cứu Ðộ, cho chính Mẹ và toàn thể nhân loại... Cái nút bất phục tùng của Evà đã được cởi ra bởi sự phục tùng của Ðức Maria. Bởi vì điều gì mà Evà cột chặt lại vì không tin, thì điều đó Ðức Trinh Nữ Maria đã giải thoát qua đức tin" [Chống Lạc Giáo III, 22:4). Ðức Chúa Giêsu Kitô như một Ađam mới đã sửa lại tội của Ađam bằng Thánh Giá của Người, trong khi Ðức Maria như Evà Mới đã hủy bỏ tội bất phục tủng của Evà bằng cách xin vâng với Thiên Chúa (Lc 1:38). Khoảng năm 360, Thánh Ephraem người Syrialà người đầu tiên đã viết một cách rõ ràng về sự vô tội của Ðức Maria. Ngài thấy Ðức Maria như là một bản sao của Evà trước khi sa ngã: Mẹ "đã vô tội như Evà trước khi sa ngã, một trinh nữ xa cách nhất khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, thánh thiên hơn cả các Seraphim." Các Giáo Phụ Ðông Phương cũng gọi Ðức Maria là "Ðấng Hoàn Toàn Thánh Thiện" (Panagia) và tuyên xưng Mẹ: "không vướng mắc một vết nhơ tội lỗi nào, như là được tạo thành bởi Chúa Thánh Thần và được thành một tạo vật mới" [GLCG 493]. Tiếc thay có những kẻ đi quá xa như lạc giáo Pelagiô muốn dùng Ðức Maria để chứng minh "quan niệm vô tội"của họ. Ðiều này tạo nên những phản ứng tiêu cực. Ở Ðông Phương, Lễ Ðức Maria chịu thai đã được cử hành từ thế kỷ thứ bảy. Ðến thế kỷ thứ 12, người ta đã công nhận cách rõ ràng là Ðức Maria, giống như Evà trước khi sa ngã, không vướng mắc tội lỗi, ngay cả trong giây phút đầu tiên của đời Mẹ, tức là khi thụ thai. Lời chào kỳ lạ của Thiên Sứ Gabriel (Lc 1:28) bắt đầu có ý nghĩa nhiều hơn. Thánh Bernađô và Thánh Thôma Aquina có những bất đồng về thần học, nhưng vào thế kỷ thứ 14, Gioan Duns Scôtô đã giải toả những sự bất đồng này. Sau cùng vào năm 1854, ÐTC Piô IX đã chính thức xác nhận niềm tin cổ thời này bằng ngôn từ chính xác.
Ðức Maria không vướng mắc tội lỗi nhờ một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa chứ không vì Mẹ có công hay có quyền riêng. Dầu chúng ta có ý chí tự do, khuynh hướng tội lỗi làm cho chúng ta dễ phạm tội (Rom 7:15-25), trong khi ân huệ của Ðức Maria làm cho Mẹ hướng về Thiên Chúa. Giống như chúng ta, Mẹ cần Cứu Ðộ, nhưng Thiên Chúa Toàn Năng đã cứu Mẹ ngay khi thụ thai bằng việc áp dụng trước công nghiệp của Con Mẹ. Mẹ không cần phải không có tội vì Chúa Giêsu không có tội. Mẹ của Mẹ cũng không cần phải không có tội. Thiên Chúa Cha đơn thuần ban cho Ðức Maria một đặc ân làm Mẹ Con Một Ngài (Ga 1:14, 18). Ðối với Thiên Chúa không có gì là không thể được (Lc 1:37), Ngài là Ðấng không bị giới hạn bởi thời gian. Như tu sĩ Eadmer, người Anh, lý luận rằng: "Thiên Chúa có thể làm điều ấy; Thiên Chúa nên làm điều ấy; nên Thiên Chúa đã làm điều ấy."
GLV Phaolô Phạm Xuân Khôi
dịch từ:A Catholic Response, Inc.,
P.O. Box 84272 , Lincoln, NE 68501
|