1. Chú giải của Alain Marchabour.
CHÚA GIÊSU LÀM CHO ANH LAGIARÔ SỐNG LẠI
Dấu lạ thứ bảy theo Tin Mừng Gioan là dấu lạ vĩ đại nhất, đến nỗi có vài nhà chú giải xem dấu lạ này như là sự biểu hiệu trước cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu hơn là đoạn kết phần thứ nhất của Tin Mừng.
Luôn luôn như thế trong Tin Mừng Gioan, đây là một bài trần thuật tập trung vào Chúa Giêsu. Cả bài đều được sắp đặt chung quanh Chúa Giêsu; chính trong tương quan với Người mà mọi nhân vật được mời gọi thực hiện việc lựa chọn. Cảnh tượng xảy ra ở hai nơi. Ở bên kia sông Giođan (10,40-11,16) nơi Chúa Giêsu ở ẩn cùng các môn đệ và tại Bêtania (11,16-45) nơi ở của Lagiarô và hai chị. Theo Ga 1,28 thành phố bên kia sông Giođan cũng gọi là Bêtania. Như vậy, có hai “Bêtania”, ngăn cách bởi dòng sông Giođan, nơi này cách xa nơi kia trước tiên không phải về địa lý: có một Bêtania tĩnh lặng, đầy sức sống và lòng tin và một Bêtania náo loạn, đầy chết chóc. Bêtania, gần Giêrusalem, là nơi cư ngụ của Lagiarô, Matta và Maria, được giới thiệu ở đây như ba chị em. Lagiarô –có nghĩa là “Éléazar” (Thiên Chúa đoái thương) theo dạng thức Hy Bá- không được nhắc đến ở nơi nào khác. Cũng danh xưng này còn gặp thấy trong dụ ngôn về anh Lagiarô và ông nhà giàu (Lc 16) trong một tình huống không liên quan gì đến đoạn sách của chúng ta. Maria và Matta cũng không xuất hiện nào khác ngoài Lc 10,38-42.
Phần Dẫn: 1-6
Bài trần thuật mở đề như một truyện ngắn: “Có một người đau nặng”. Lagiarô được đề cập đến trong tương quan với hai cô chị Maria và Matta. Chị Maria được đánh giá dựa vào việc xức dầu thơm cho Chúa Giêsu. Bởi vì cô chị này được đặt quan hệ với “ngày mai táng” của Chúa Giêsu, ta có thể hiểu điểm giải thích này như cách hướng dẫn để suy ngắm: Maria được đặt liền bên cạnh sự tang tóc và sự chết.
Ở điểm này, hai chị em đều không khác nhau. Cô này cũng như cô kia đều được Chúa Giêsu thương mến, cả hai cô đều cho người đến báo cho Chúa Giêsu hay Lagiarô đau nặng. Có hai ghi chú khiến bài trần thuật trở nên bi thảm: Chúa Giêsu thương mến, thế nhưng Người còn lưu lại thêm hai ngày nữa! Điều trái nghịch này có thể là quan trọng. Nó còn lặp lại trong 11,36-37 dưới dạng thức lời xác quyết của người Do Thái: Kìa xem ông ta thương anh Lagiarô biết mấy!... Ông ta lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư!
Phần dẫn nhập này tạo cho Chúa Giêsu một tư thế duy nhất bởi lẽ người báo trước biến cố này như một căn bệnh không phải đưa đến sự chết mà là tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa và của Chúa Con.
Chúa Giêsu Và Các Môn Đệ: 7-16
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với các môn đệ tạo nên một sự toàn nhất. Hơn nữa sự thống nhất của bài trần thuật được đánh dấu bằng sự bao hàm:
Người nói với các môn đệ (c.7)
Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê
người Do Thái tìm cách ném đá Thầy (c.8)
nào chúng ta đến với anh ấy (c. 15)
Tôma nói với các bạn đồng môn (c.16)
chúng ta cùng đi và cùng chết với Thầy.
Trong phần này, các môn đệ hành xử như thế theo hai thái độ. Trước tiên, các ông là đối tượng để Thầy dạy bảo. Quả thực, đứng trước cái chết của anh Lagiarô và những lời Chúa Giêsu nói, các ông tỏ ra không hiểu gì hết và cần lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chứng tỏ mình thông hiểu và mời gọi các môn đệ cùng chia sẻ: đối với Chúa Giêsu, cái chết của anh Lagiarô là một giấc ngủ: điều đó khiến hiểu rằng Người có thể “đánh thức” nếu anh ta nghe tiếng của Chúa Giêsu. Sau nữa, các ông đi theo Người và sau khi phản đối, cuối cùng các ông cùng tham gia vào chương trình của Người: “Nào chúng ta cùng đi và cùng chết với Thầy”. Thực tế, các ông chứng tỏ thế nào là môn đệ: lắng nghe Thầy và tiếp bước theo Thầy cho đến chết (các Tin Mừng Nhất Lãm sẽ đề cập đến “vác lấy thập giá của mình”).
Người kể chuyện khéo léo đưa vào một tựa đề thích hợp cho mỗi độc giả (mỗi người phải là môn đệ) và một sự quy chiếu vào biến cố đặc biệt bằng cách nêu tên ông Tôma và nhờ vậy tạo nên một căn cứ lịch sử cho bài trần thuật. Như vậy bài trần thuật vừa có tính lịch sử vừa có tính tượng trưng.
Chúa Giêsu Và Cô Matta: 17-27
Bài trần thuật chuyển ngay sang bên kia sông Giođan nơi diễn biến cuộc đối thoại với các môn đệ, tại Bêtania gần Giêrusalem. Tác giả tự do tóm tắt trì hoãn để đạt đến các mục tiêu của mình. Kể từ câu 20, tác giả dùng bài trần thuật ngay tại cổng làng Bêtania để khai triển hai cảnh song song trong đó mỗi chị em đều có một vai trò khác biệt nhau.
Cô Matta bỏ đám đông đang buồn thảm gồm cô Maria và nhiều người Do Thái để đi đón Chúa Giêsu. Việc đi đón này đặt cô Matta vào trong mối liên hệ đặc biệt tin tưởng khi đối diện với Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu hiện diện, sự chết không thể lấn lướt được Người. Niềm xác tín này của cô Matta được diễn đạt bằng ba dụng ngữ.
Trước nhất cô xác tin rằng Chúa Giêsu có quyền trên sự chết. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là cơ hội để cô tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu: “Con biết bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Lời quả quyết giống như một lời cầu xin (như trong 2,3). Về điểm này, cô nhận biết Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa, theo cung cách của Êlia và Êlisê, những vị mà Thiên Chúa ban cho quyền làm cho kẻ chết sống lại (1V 17,17-24; 2V 4,18-37). Thế nhưng đối với một tín hữu Do Thái, rõ ràng chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự sống, như lời của một kinh sư Do Thái minh chứng: “Ôi lạy Chúa, Chúa nắm trong tay ba bí quyết: quyền năng làm mưa gió, làm thụ thai trong lòng người nữ và làm cho kẻ chết sống lại”.
Khi Chúa Giêsu ẩn mình đi để nhắc cho Matta niềm tin của người Do Thái vào việc làm cho kẻ chết sống lại (Ga 11,23), cô liền tiếp theo Người để tin vào tín điều của dân Israel: “Con biết em con sẽ sống lại trong ngày sau hết”.
Nhất là khi Chúa Giêsu tỏ hiện như là sự sống lại và là sự sống, cô Matta liền vượt qua sự hiểu biết để tin: “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (11,27). Ở đây cô là dung mạo của người nữ tín hữu nhận biết nơi Chúa Giêsu sự xâm nhập của Thiên Chúa kẻ sống vào giữa loài người. Ở đây Chúa Giêsu trổi vượt các ngôn sứ Êlia và Êlisê: Người được nhận biết như Đấng ban sự sống, theo mẫu hình của Thiên Chúa. Quả vậy, nhờ đức tin cô Matta đã hiểu rằng nơi Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa ngự đến giữa loài người. Thật hoàn toàn hợp lý để cô Matta tuyên xưng Chúa Giêsu trong căn tính đích thực của mình, Đấng Mêsia của Thiên Chúa (cùng đích của Do Thái giáo) và Con Thiên Chúa. Như thế, cô tổng hợp Do Thái giáo (Đấng Mêsia) và sự mới lạ của Kitô giáo (Con Thiên Chúa).
Tiểu đoạn này đã đạt đến đích điểm khiến cho việc anh Lazarô ra khỏi mồ sau này trở nên tương đối, bởi vì vận may đặc biệt của anh đã trở nên thứ yếu: “Ở đây điều hệ trọng là “ai sống và tin vào Chúa Giêsu” (11,25).
Chúa Giêsu Và Cô Maria: 28-37
Người kể chuyện muốn nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa hai chị em: họ gặp Chúa Giêsu tại cùng một địa điểm và thưa với Chúa Giêsu những lời như nhau. Thế nhưng lời đầu tiên của cô Maria chỉ lặp lại phần tiêu cực của điều cô em đã nói –“Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây”- còn thiếu phần tuyên xưng đức tin. Trong hành động và trong lời nói, cô Maria vẫn còn chìm đắm trong tang chế: cô đang ở với người Do Thái đến chia buồn (cc. 31.33). Cô đang khóc lóc thảm thiết.
Có một niềm tin quá mức nơi cô Matta và một sự buồn thảm nơi cô Maria, ta có thể nói như vậy chăng? Các bản văn đều phóng khoáng và cô Matta người phụ nữ đầy lòng tin lại xuất hiện ở câu 11,39 với những dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng. Thế nhưng, theo cách thức của nhà mô phạm, Gioan đã đánh dấu hai thái độ trước sự chết; cô Maria, được đề cập đến ngay từ phần đầu của bài trần thuật với vẻ tang tóc và chết chóc (c.2), tiêu biểu cho con người thất vọng vì sự từ biệt: sự buồn thảm thái quá khiến cô không thể đón nhận nơi Chúa Giêsu Đấng mặc khải của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu Đứng Trước Anh Lagiarô: 38-45
Cuộc hội ngộ với anh Lagiarô được đặt liền sau đoạn đau thương khóc lóc và phiền muộn. Chúa Giêsu lặp lại địa vị Chúa Tể của mình và tỏ bày bằng ba cách:
a. Bằng lời nguyện xin cùng Chúa Cha qua đó biểu hiện sự kết hợp giữa Người với Chúa Cha và niềm xác tín được lắng nghe: “Con biết Cha hằng nhậm lời con”.
b. Bằng quyền năng của Người nơi các nhân chứng. Người ra lệnh hai lần: “Đem phiến đá này đi”. Cô Matta còn do dự được hướng dẫn đến vinh quan của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã loan báo cho các môn đệ (11,4). “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Như thế đó, Chúa Giêsu không những giải thoát anh Lagiarô khỏi xiềng xích sự chết, mà còn không ràng buộc con người vừa mới được cứu thoát phải lệ thuộc vào mình. Người gởi trả anh Lagiarô về với sự sống.
c. Bằng sự can thiệp ngắn gọn nhưng hiện hữu của Người: “Người kêu lớn tiếng: “Anh Lagiarô, hãy ra khỏi mồ!”. Tiếng kêu này có tác dụng tạo được cho dấu lạ tính cách công khai không? Tiếng kêu có nêu lên được ý nghĩa tiếng nói của Người có thể vang đến xứ sở kẻ chết chăng? Cả hai ý nghĩa đều có thể, cùng với khả năng hướng đến tiếng kêu thảm thiết của Con Người vào thời cuối cùng lôi kéo kẻ chết ra khỏi mồ.
Anh Lagiarô
Khác hẳn với các nhân vật khác, nhân vật Lagiarô khá dài dòng: anh xuất hiện xuyên suốt bài trần thuật: anh là nguyên nhân làm phát sinh câu chuyện; anh là một câu chuyện của mỗi người và tạo cho tất cả các nhân vật khác khả năng làm cho sự chết một ý nghĩa. Anh xuất hiện với dáng vẻ thụ động, im lặng, một sự im lặng phong phú khiến cho mỗi nhân vật của bài trần thuật, và qua đó mỗi độc giả, đều có thể lên tiếng. Anh là người mặc khải cho mỗi người.
Thoạt đầu, không có một yêu cầu nào đặc biệt: chính hai cô chị cho người đến nói với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng. Sống lại ra khỏi mồ, anh Lagiarô tiếp tục im lặng và rút lui theo lời nói bí ẩn của Chúa Giêsu: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Người kể chuyện quan tâm đến “phần để trắng” trong tiến trình của anh Lagiarô: bốn ngày anh ở trong mồ có ý nghĩa gì? Sau khi sống lại ra khỏi mồ, anh làm gì? Bài trần thuật đạt đến tột đỉnh cùng với việc tuyên xưng đức tin của cô Matta. Anh Lagiarô đã được “đánh thức” bởi vì anh đã nghe lời của Chúa Giêsu. Đấy là chỗ duy nhất trong bài trần thuật: “Anh Lagiarô, hãy ra khỏi mồ!”.
Tuy nhiên, về cuộc hành trình cá nhân của anh Lagiarô, không có một dấu vết nào được thuật lại cho chúng ta ngoài sự kiện anh Lagiarô một trong những người đồng bàn cùng với Chúa Giêsu trong 12,2: Orgiène đã nói: “Anh Lagiarô đã trải qua một quãng đường dài, bởi vì anh đã đi từ ngôi mộ đến bàn tiệc của Chúa”. Anh biến khỏi bài trần thuật khi mà thánh sử thông báo rằng các vị thượng tế quyết định giết cả anh Lagiarô nữa (12,11): lời nói có hiệu quả đáng kinh ngạc. Chúng ta sẽ không còn biết gì về anh nữa, ngoài những tục truyền. Thánh sử đã đề cập khá đầy đủ về anh: từ nay cần phải nhường chỗ lại cho Chúa Giêsu, Người mà anh có nhiệm vụ chuẩn bị sự chết và sự vinh quang.
Chúa Giêsu Được Tỏ Hiện
Trọn bài trần thuật đều tập trung vào Chúa Giêsu. Trong mỗi phân đoạn, Người đều là biểu tượng chính yếu và lần lượt tỏ lộ một khía cạnh nhỏ về căn tính của Người, như được chứng mình khi ta nhìn thoáng qua các phần khác nhau của bài trần thuật.
2. Chú giải của Noel Quession.
Có một người bị đau nặng tên là Ladarô, quê ở Bêtania làng của hai chị em cô Mácta và Maria. Cô Maria là người sau này sẽ Xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người (Ga 12,1-3). Anh Ladarô. Người bị đau nặng, là em của cô.
Bêtania ngày nay vẫn luôn mang tên bằng tiếng Ả Rập “El Azaneh", làng của Ladarô. Trong tiếng Do Thái “Beithaneiah" có nghĩa là "nhà của người nghèo". Bêtania! ở triền phía Đông của núi Ô-liu, ở 3 km phía Đông Giêrusalem, đó là phía mặt trời mọc trên Giêrusalem.. Đó là đỉnh của ngọn núi mà dưới chân nó, trên phía có bóng che, có vườn Ghết-sê-ma-ni ở phía thấp dưới. Bêtania! Đó là ốc đảo của ánh sáng và tình bạn hữu. Ở đó, trong một ngôi nhà thân hữu, Đức Giêsu đã sống hạnh phúc.
Hai chị em sai người nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang đau nặng". Nghe vậy Đức Giêsu bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh". Đức Giêsu quí mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô.
Trong cuộc sống đầy xáo động và khó khăn của Chúa Giêsu. Bêtania là chốn cõi lòng được nghỉ ngơi. Theo thói quen, Tin Mừng giới thiệu một Đức Giêsu hoàn toàn! được toả hào quang với địa vị Đức Chúa Phục sinh (và sự cám dỗ "theo thuyết một bản tính" rõ ràng là chỉ nhìn thấy bản tính Thiên Chúa nơi Người). Vậy mà, Thánh Gioan, người trông thấy rõ nơi Người Ngôi Lời, Con vĩnh cửu, cũng là người cho chúng ta thấy "con người" nơi Đức Giêsu. Người đã có nhiều tình bạn với nữ giới; như ta thấy rõ trong câu nói tinh tế và đơn sơ này: "Đức Giêsu yêu mến Mácta và em gái của cô", người cũng sẽ, lát nữa run lên vì xúc động và khóc.
Tuy nhiên sau khi được tin anh này lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày lại nơi đang ở. Rỗi sau dó, Người nói với các môn đệ: "Nào, chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê". Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?". Đức Giêsu trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình".
Sự sống lại của Ladarô là "phép lạ cuối cùng" của Chúa Giêsu, dấu hiệu cuối cùng mà người dành cho người Do Thái trong vụ tranh tụng giữa ánh sáng và bóng tối: ngay sau dấu hiệu này, trong Thánh Gioan, là cuộc Thụ Nạn bắt đầu (Ga 11,46-53). Khi đi sang miền Giuđê để cứu anh bạn Ladarô của mình, Đức Giêsu đi đón nhận cái chết của mình. Chúng ta chú ý là Đức Giêsu, mặc cho tình yêu của Người đối với hai người bạn gái, đã cố tình chậm đến gặp lại họ: Dù vẫn hoàn toàn nhân bản, Đức Giêsu không bao giờ để mình bị dẫn dắt bởi tình cảm của mình nhưng bởi ý muốn của Chúa Cha (4,34; 7,18; 8,29).
Người đã đợi cho Ladarô chết vì người biết thế, người không đến để tránh cho chúng ta khỏi đau khổ và tang chế, nhưng thay đổi những đau khổ và cái chết này nhờ sự sống lại của Người, chính Người cũng sẽ không tránh cái chết cho mình!
Nói những lời này xong. Người bảo họ: “Ladarô bạn của chúng ta đang yên giấc; tuy vậy Thầy đi đánh thức anh ấy đây. Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được anh ấy sẽ khoẻ lại". Đức Giêsu nói về cái chết của anh Ladarô, còn họ tưởng về giấc ngủ thường. Bấy giờ Người mới nói rõ: "Ladarô đã chết, Thầy mừng cho anh em vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi nào chúng ta đến với anh ấy". ông Tôma, gọi là Đi-di-mô nghĩa là sinh đôi nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy”.
Đức Giêsu luôn luôn gọi cái chết là một "giấc ngủ", và nhờ đó mời chúng ta thay đổi quan niệm của chúng ta về cái thực tại không thể tránh được này (Mt 9,24: Ga 11,11) Cái chết thể lý, đối với Đức Giêsu, là một giấc ngủ đơn sơ và tạm bợ; nấm mồ trở thành một nơi người ta nghỉ ngơi trong lúc chờ đợi thức dậy. Và Thánh Phaolô sẽ ca lên: "Hỡi người đang ngủ, hãy tỉnh giấc, ngày đã sáng rồi. Từ trong kẻ chết, người hãy trỗi dậy, và được sáng ngời" (Ep 5,14). Lạy Đức Giêsu, xin hãy giúp con hiệp thông thực sự ý tưởng của Chúa để cất khỏi sự chết cái đặc tính bi thảm của nó, để xem nó như sự "phát tình của Thiên Chúa" huyền nhiệm, khiến chúng con cuối cùng có thể tham dự vào cuộc sống hạnh phúc của nó: Những ai đã ngủ yên trong Đức Giêsu, thì Thiên Chúa sẽ dẫn đưa họ cùng đi với Người..." (1Tx 4,14), "bởi vì Đức Kitô đã sống lại từ kẻ chết, quả đầu mùa của những ai đã ngủ yên..." (I Cr 15,20). Vâng Đức Giêsu có thể "vui mừng" về cái chết của Ladarô. Ôi mạc khải! Mạc khải duy nhất có ích lợi... về cái chết.
Khi đến nơi, Đức Giêsu thấy anh Ladarô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số. Nhiễu người Do Thái đến chia buồn với hai cô Mácta và Maria, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Người. Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. Cô Mácta nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết, nhưng bây giờ con biết bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa. Người cũng sẽ ban cho Thầy” Đức Giêsu nói: "Em chị sẽ sống lại". Cô Mácta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. Đức Giêsu liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống lại. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?". Cô Mácta đáp:Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô. Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian".
Mácta, như một phần lớn những người Do Thái thuộc thời cô, tin vào sự sống lại vào lúc tận thế... những ngày sau cùng! Điều mới mà Đức Giêsu yêu cầu cô tin, chính là một sự sống lại "hiện tại": "Thầy là sự sống lại!".
Đây là câu trả lời của Thiên Chúa cho câu hỏi độc nhất nghiêm chỉnh của lời Người, câu hỏi đặt ra cho mỗi người trong chúng ta khi đối diện với cái chết. "Ai tin vào Thầy dù đã chết sẽ sống". Thật? hay không thật? hay bạn không tin điều đó? Kinh Tin Kính của chúng ta đơn sơ và ngắn gọn: Đức Giêsu làng Nadarét, đã chết và đã sống lại! Điều đó đơn giản như một buổi sáng Lễ Phục sinh. Trong khi chờ đợi chết. chúng ta phải sống điều đó, phải tin điều đó. Bởi vì tất cả mọi người tin vào Đấng đã sống lại không thể sống một cuộc đời không có tình yêu, không cậy trông, không niềm vui được của sẻ. Nếu bạn phải chết chiều nay, bạn sẽ làm thế nào để có thể trải qua ngày này trước khi ôm lấy Chúa? Cuộc đời của một tín hữu đầy sự sống lại, đầy sự sống và đầy niềm vui. Thầy là sự sống lại và là sự sống Những lời kiêu kỳ gây hốt hoảng? Đó là một thằng điên nói ra... hay chính là Thiên Chúa. Cuộc sống mà Người nói đến, hiển nhiên có một bản tính khác với cuộc sống sinh lý này, chết là hết; nhưng là cuộc sống của Thiên Chúa. Ai tin Thầy thì sẽ không bao giờ chết. Đức tin, ngay từ bây giờ, là một sự vui hưởng trước đời sống đó, đời sống không chết, chính là đời sống của chính Thiên Chúa.
Nói xong. Mácta đi gọi em là Maria và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy. Nghe vậy cô Maria vội đứng lên và đến với Người... Khi đến gần Đức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: ' Thưa Thầy nếu có Thầy ở đây em con đã không chết”. Thấy cô khóc và những người Do Thái đi theo cũng khóc, Đức Giêsu thao thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các anh để xác anh ấy ở đâu?”. Họ trả lời: ' Thưa Thầy! mời Thầy đến mà xem". Đức Giêsu liền khóc. Người Do Thái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương Ladarô biết mấy". Có vài người trong nhóm họ nói: "ông ta mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?". Đức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại.
Thật là tai hại, lại một lần nữa, khi những người phiên dịch đã không phán đoán tốt để cho người ta cảm thấy trong bản (dịch của họ, một tiểu tiết thật đẹp trong bản văn Hy Lạp, mà hiển nhiên là Gioan muốn thế. Ba lần, khi nói đến Mácta và Maria và những người Do Thái, Gioan dùng tiếng "Klainein" có nghĩa chính xác là "khóc, nức nở to tiếng" và chúng ta đoán những tiếng nấc và tiếng kêu ở Phương Đông, rất chan hòa tình cảm của mình, mà người ta thoáng nghe thấy nơi những bà khóc mướn chung quanh đám tang. Nhưng khi đến Đức Giêsu, Gioan thay đổi tiếng, và nói về "dakruein", có nghĩa là "khóc thổn thức lặng lẽ”. Và từ này làm cho tôi trông thấy những giọt nước mắt âm thầm rơi trên mắt của một Giêsu làm chủ được mình, và cả khi Người đau khổ. Người vẫn khống chế được đau khổ riêng của mình.
Đức Giêsu nói: "Đem phiến đá này đi". Cô Mácta là chị người chết liền nói: 'Thưa Thầy nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày! Đức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, thì chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?". Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha. vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con. Nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con".
Câu truyện dài dòng này, dẫn nhập vào cuộc sống lại của Ladarô, đi cho chúng ta hiểu là mục đích của trang này không phải là sự "tỉnh dậy" của cái chết thể lý của Ladarô, nhưng chính là sự tiến bộ trong đức tin của tất cả những người bao quanh Đức Giêsu. Và hành vi cảm tạ của Đức Giêsu, ta hãy chú ý điều này, không nhắm đến phép lạ mà Người sắp làm, nhưng đến sự kiện là phép lạ này sẽ giúp cho những người không tin hay những người yếu lòng tin "tin tưởng":
- Những môn đệ đã chống, không lên lại Giêrusalem, họ nghi ngờ, họ sợ.
- Mácta không muốn mở ngôi mộ, chị hoài nghi, tử thi đã để quá trễ ngày.
Những người Do Thái, cho dù họ có thiện cảm với ba chị em, không tới để khóc nức nở.
Đức Giêsu muốn cầu nguyện cho tất cả họ, cho tất cả những người khó lòng tin tưởng, cho tôi, cho các bạn. Và đức tin chính là gì vậy? Chính là nhìn nhận rằng Đức Giêsu đến từ chỗ khác. Đức Giêsu được sai đi. Bạn có tin điều đó không? Bạn có tin cái chỗ khác từ đó Đức Giêsu đến không? Trong trang này của Gioan, có 23 cuộc di chuyển nơi chỗ được nhắc đến: bên ngoài Giu-đê, về hướng Giu-đê, về hướng Bêtania, về phía nhà, về phía mộ, về phía Giêrusalem; nhưng trung tâm của tất cả những cuộc di chuyển này, dù bề ngoài thế nào, không phải là "ngôi mộ" có thể cuốn hút chúng ta nhìn vào, mà đó là một thế giới khác, thế giới của Chúa Cha, từ đó Đức Giêsu được sai đi! Không có nơi đó, vấn đề cái chết không được giải quyết.
Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô hãy ra khỏi mồ!". Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi". Đông đảo người Do Thái đã đến thăm cô Macta, và đã chứng kiến việc Đức Giêsu làm. Họ tin vào Người.
Vấn đề chính yếu, đối với con người, theo Đức Giêsu, trước hết không phải là có thể ra khỏi mồ một ngày kia, mà ngay từ bây giờ, đi từ sự chết sang sự sống bằng một đức tin gắn bó vào bản thân Đức Giêsu: "Họ tin vào Người", còn chúng ta?
3. Chú giải của Fiches Dominicales.
LAZARÔ SỐNG LẠI
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Từ Bêtania của sự sống đến Bêtania của sự chết.
Cũng như cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria, bên bờ giếng Giacob, như bước chân của người mù bẩm sinh tiến về ánh sáng, Phúc âm về sự Lazarô là một trong những bản văn quan thuộc truyền thống Gioan mà Giáo Hội, ngay từ hai thế kỷ đầu tiên, đã dùng vào việc khai tâm cho tân tòng.
Đi liến với trình thuật về quyết định của Hội đường - dẫn đến việc kết án Đức Giêsu - trình thuật về sự phục sinh Lazarô là một văn bản bản lề trong Phúc âm Gioan.
Trình thuật này hoàn tất phần một, với dấu chỉ thứ 7 (số 7 là số hoàn hảo) và cũng là dấu chỉ cuối cùng của Đức Giêsu.
Trình thuật này cũng khởi đầu phần hai vì sắp đề cập đến cái chết của Đức Giêsu khi nói với giới lãnh đạo Do Thái rằng đã đến lúc kết thúc với Người.
Trình thuật này dẫn ta từ một Bêtania này đến một Bêtania khác. Bắt đầu ở Bêtania bên kia sông Giođan, "nơi Gioan làm phép rửa" (1,28). Đức Giêsu đã tĩnh tâm ở đó sau một cuộc tranh luận vào dịp lễ Cung hiến Đền thờ và người Do Thái đã muốn ném đá Người (1,39 và 11,8). Trình thuật kết thúc ở Bêtania gần Giêrusalem nơi Matta và Maria đã phát ra thông tin báo động: "Thưa Thầy, người Thầy yêu mến đang bệnh nặng".
A. Marchadour nhận xét: Như thế có hai Bêtania cách nhau bởi con sông Giođan, xa nhau bằng một khoảng cách không chỉ đơn thuần là địa lý: Bêtania của yên tĩnh, của sự sống, của đức tin và Bêtania của lo âu, của cái chết. Sự chậm trễ của Đức Giêsu sẽ là nguyên nhân cho truyện kể - cho Người có cơ hội giải thích trước rằng cơn bệnh của Lazarô không nguy đến tính mạng, nhưng chỉ để làm vinh danh Thiên Chúa và Con Người. nếu Đức Giêsu nói về cái chết của bạn Người là một “giấc ngủ” chính là để ta hiểu rằng ông có thể thức dậy nếu ông nghe tiếng Người.
Trình thuật này là truyện kể về sự trở lại đời sống hơn là về sự phục sinh theo đúng nghĩa. X. Leon Dufour viết: "Thực vậy, từ ngữ "phục sinh" thường được dùng trong phép lạ này là không chính xác, vì, theo dữ kiện Kinh Thánh, từ ngữ ấy được dành riêng để chỉ sự vượt qua từ cái chết đến sự sống vĩnh viễn; nó không được dùng để chỉ cuộc trở lại với đời sống ở trần gian này: Để nói về sự phục hồi sự sống gian trần, ta có thể dùng từ ngữ hồi sinh, nhưng từ ngữ này có tính chất y học được dùng. Vậy ta nên dùng kiểu nói "trở lại đời sống” để chỉ sự kiện này".
2. Một hành trình của nhận thức.
Một lần nữa Gioan lại đưa ta vào một hành trình nhận thức.
Một lần nữa, ta có thể quan sát những chuyển dịch có ý nghĩa biểu tượng rất cao của các nhân vật trong trình thuật. X. Leon Dufour ghi nhận: "Mọi người đều rời nơi mình ở. Mọi người đều ra đi. Đức Giêsu và các môn đệ từ bên kia sông Giođan; những người Do thái từ Giêrusalem, Matta từ ngôi làng, Maria với những người Do Thái từ nhà nàng trong làng; Lazarô từ nấm mộ. Nếu Đức Giêsu ngừng chân, khi đến Bêtania và không vào nhà hiếu, chính là để lại lên đường cùng với cả nhóm, tiến tới nơi Người phá tan sự chết, trong khi chuyển động của các nhân vật khác, kể cả Lazarô, đều hướng tới gặp gỡ Ngài".
Một lần nữa, ta có thể nhận ra những bí quyết luôn làm cho truyện kể thêm sinh động:
Sự khinh thường của các môn đệ về giấc ngủ cái chết của Lazarô. Sự khinh thường của Matta vế vấn đề thời điểm phục sinh: ngày sau hết, ngay bây giờ.
Phải đi xa hơn nữa để vượt qua mức độ đầu tiên của ý nghĩa:
Về ánh sáng: ta sẽ được mời, cùng với các chứng từ? vượt qua "ánh sáng của trần gian này đến với Đấng là Anh sáng soi trần gian" (câu 9-10).
Về ơn cứu độ: ta sẽ được mời, cùng với các chứng từ vượt qua thứ chữa khỏi bệnh một cách quá giản đơn, cả cuộc hồi phục sự sống về phương diện sinh lý, đến sự tiếp nhận ơn cứu dộ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
3. Lên đến tuyệt đỉnh trong lời tuyên xưng đức tin của Matta.
Tới Bêtania trong xứ Giuđêa này, Đức Giêsu phải đối diện ngay với nỗi đau khổ của hai chị em của Lazarô. Trước hết dó là cuộc gặp gỡ với Matta. Bà bỏ nhà ra đón Đức Giêsu. "Khi Matta hay tin Đức Giêsu đến, bà chạy ra gặp Ngài, trong khi Maria ở lại nhà" A. Marchadour cảm nhận: Matta rời bỏ nhóm đám tang gồm Maria và các người Do Thái để đi gặp Đức Giêsu. Sự ra đi này đặt Matta vào một mối tương quan tin tưởng đặc biệt, trước mặt Đức Giêsu. "Nếu Thầy có ở đây, em con đã không chết" bà nói với Đức Giêsu như thế, vì biết Người có một sức mạnh rất hiệu lực để chống lại cái chết và sự hiện diện của Người có thể cứu Lazarô thoát chết. Bà cũng nhận biết Người có uy tín với Thiên Chúa nên lời cầu của Người sẽ tác dụng? "Nhưng con biết rằng, ngay cả bây giờ, Chúa sẽ ban cho Thầy bất cứ điều gì Thầy xin".
“Em con sẽ sống lại" Đức Giêsu trả lời, bầng cách nhắc lại cho bà niềm tin của người Do Thái vào sự sống lại ngày sau hết. Matta không ngần ngại phụ hoạ vào niềm tin Irael ấy: "Con biết ngày tận thế em con sẽ sống lại”.
Ở đây Đức Giêsu lại vượt qua một ngưỡng cửa mới. Ngưỡng cửa ấy là thuộc tính của Thiên Chúa: làm cho sống và làm cho chết. Đức Giêsu tự nhận. Ngài long trọng tuyên bố: "Ta là Sự Sống lại và là sự sống". Không cần phải đợi đến ngày tận thế. Cuộc sống mới là một thực tại hiện diện nơi Người ngay lúc này. Sự sống ấy được ban tặng cho ai tin vào lời Người. "Ai tin Ta, dù có chết, cũng sẽ sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta, sẽ không chết đời đời. "Con có tin không. Matta trả lời: Vâng thưa Thầy, con tin Thầy là Đấng Messia, là Con Thiên Chúa đến trong trần gian”. A. Marchadour bình luận "Ở đây Matta là khuôn mặt của kẻ tin nhận biết nơi Đức Giêsu sự xâm nhập của Thiên Chúa của người sống đến giữa con người. Ở đây Đức Giêsu còn hơn Êlia hoặc Êlisêô: Ngài được nhận biết là Đấng làm cho sống, theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, nhờ đức tin Matta đã hiểu rằng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đến giữa nhân sinh. Thực là hợp lý khi bà tuyên xưng Đức Giêsu trong căn tính của Người là Messia của Thiên Chúa (điểm tới của Do Thái giáo) và là Con Thiên Chúa. vì thế, bà qui tụ Do Thái giáo (Đức Messia) và Kitô giáo (Con Thiên Chúa).
Rồi, đó là cuộc gặp gỡ với Maria, vẫn còn trong tang chế cả về thái độ lẫn lời lẽ: "Cô là một trong nhóm người Do Thái chịu tang chế". Ngay từ đầu trình thuật, cô vẫn chìm đắm trong tang chế với cái chết, cô tượng trưng cho con người bị sự chia lìa của cái chết đánh gục: Sự buồn bực thái quá đã cả ngăn cô ra đón tiếp Đức Giêsu, mạc khải của Thiên Chúa.
4. Và dấu chỉ hồi sinh của Lazarô.
Xúc động sâu xa khi thấy Maria và những người Do Thái theo cô cũng khóc, Đức Giêsu lại xúc động khi đứng trước mộ của Lazarô bạn Người.
- Dù đã tuyên xưng đức tin mạnh mẽ, Matta vẫn nghi ngại khi phải mở cửa mồ, bà thưa với Đức Giêsu: "Nhưng thưa Thầy, chôn đã 4 ngày rồi. X. leon Dufour lưu ý: khoảng thời gian 4 ngày chẳng phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, nó liên hệ đến niềm tin dân giả cho rằng kể từ ngày thứ bốn linh hồn bay lởn vởn quanh xác chết nhưng không thể nhập vào được nữa. Lazarô phải thực sự chết và xác đã bắt đầu có mùi như thế mới biểu lộ được chiến thắng của Đức Kitô. Matta tức khắc ca ngợi vinh quang Thiên Chúa. Đức Giêsu bảo bà: "Thầy đã không nói với con rằng nếu con tin con sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa sao?”.
Theo lệnh Người, tảng đá che cửa mộ được mở ra, và lời cầu khẩn của Người quá vững chắc đến độ biến thành lời tạ ơn: Lạy Cha, Con ngợi khen Cha vì Cha đã nhận lời con. Theo lệnh truyền oai quyền của Người: Lazarô, hãy đi ra! Người chết ra khỏi mộ. Thần chết nắm giữ ông trong vòng tay tượng trưng bằng các giải băng, nay không còn chút quyền hành nào trước mặt Đức Giêsu, Người kết luận: Hãy cởi dây và để cho ông đi.
Đức Giêsu đến từ xứ sở sự sống đã ở lại trong nhân tính bi đát nhất của Người, Đấng phá vỡ ranh giới chia Thiên Chúa - con người, sự sống - sự chết. Cái chết của Lazarô mà Maria và các người Do Thái coi như kết thúc ở đây trở thành một thoáng qua; các Kitô hữu đầu tiên, những người tuyên xưng chờ đợi lâu dài của Israel đã hoàn tất nơi Đức Giêsu Đấng được Cha Người phong làm Đức Chúa, đã cảm nghiệm rằng cái chết vẫn còn ảnh hưởng tới các bạn hữu của Đức Giêsu; khi cái chết đe doạ, Đức Giêsu và Người đến quá trễ không ngăn được thân xác huỷ hoại, tang chế và nỗi buồn. Trước những lời chất vấn này, trình thuật đề nghị một lời giải đáp bằng mượn lối văn kể chuyện để chuyển đạt một giáo huấn khá gần với giáo huấn của Phaolô trong thư thứ nhất giở dân thành Thesalonica.
Truyện kể chấm dứt, để lại độc giả - và cả chúng ta hôm nay - đối diện với Lazarô, đang sống, nhưng câm nín không nói gì về những gì ông đã cảm nghiệm, sự im lặng của ông buộc mỗi người chúng ta phải tự xác định mối quan hệ của mình với Đức Giêsu, trọng tâm của câu chuyện đi đến cái chết và sự phục sinh của Người. Còn về những người Do Thái, trong khi có nhiều người trong bọn họ tin vào Người, có vài kẻ đến tìm những người biệt phái và kể cho họ nghe những điều Người đã làm. Tiến trình tiếp diễn, sẽ dẫn đưa Đức Giêsu tới đồi Canvê nơi Người dâng hiến mạng sống để ban sự sống thật cho tất chúng ta là những Lazarô.
BÀI ĐỌC THÊM:
1. Lớn lên trong đức tin (N. Quesson, Les entretiens du dimanche A. Droguet et Ardant).
Trong câu chuyện này, cả Matta lẫn Maria đều được mời gọi tiến triển thêm. Matta đã có đức tin ở một mức độ nào đó, đức tin Do Thái: "Con biết rằng em con sẽ sống lại vào ngày tận thế. Đức Giêsu mời bà tiến thêm một bước: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Con có tin điều đó không. Phải tiến từ đức tin vào sự sống lại ngày tận thế đến đức tin vào lời Đức Giêsu Đấng ban sự sống ngay hôm nay cho ai tin vào Người. Đó chính là mục đích của phép lạ này: "Lạy Cha, Con tạ ơn Cha đã nhận lời Con. Con nói ra đây chính là để cho đám đông chung quanh Con đây tin rằng Cha đã sai Con”.
Kết thúc cuộc khám phá về Đức Giêsu, và để chuẩn bị cho việc tuyên xưng đức tin, chúng ta đã cùng Matta và Maria lãnh nhận bài giáo lý cuối cùng. Những người xứ Samaria đã nhận biết Người là Đấng Cứu Độ trần gian... người mù bẩm sinh đã nhận Ngài là Con Người... Matta và Maria đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Đối với nhiều trẻ em, những thanh niên và cả lứa tuổi trường thành, Đức Giêsu trước hết là một người bạn như thuở ban đầu Matta và Maria đã nhận biết. Có phải vào ngày phục sinh, ta sẽ tiến triển trong đức tin khi nói lên, không chỉ bằng môi miệng mà bằng cả một cử hành tạ ơn: "Vâng, lạy Chúa, Người là Đức Kitô, Đấng Messia, Con tin Nguớì là Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian... Hôm nay, con muốn xin Người đến lấp đầy lổ hổng của hữu thể con bằng Xác Thể hằng sống của Người, lương thực chân thật cho đức tin của con".
2. Từ “Phục Sinh” của Lazarô đến phục sinh của Đức Giêsu (Missel Communautaire).
Phép lạ đặt ngay trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đã tiên báo cái chết và sự phục sinh của Người. Thực vậy nếu Lazarô rút tay chân bị trói ra khỏi giải băng và khuôn mặt bị che phủ khỏi tấm chăn liệm, điều đó nhắc nhở một cách đầy biểu tượng rằng ông vẫn còn là một người phàm hay chết. Đức Giêsu sẽ thoát ra vào ngày Phục sinh như một người bất tử, được vĩnh viễn giải thoát khỏi sự chết. Nơi Đức Giêsu, sự sống đã khải hoàn.
3. Thiên Chúa của ta là một Thiên Chúa mở cửa mồ
Nhìn thế giới ta sẽ thấy nó thật bệnh hoạn. Sự phát triển của phương Bắc đã bị xét lại về sự coi thường môi trường và những nguy cơ nó gây ra cho tương lai của hành tinh và cho những thế hệ tương lai. Sự phát triển ấy càng bị chống đối khi ta nhìn thấy những người nghèo mới, số những người bị loại trừ chẳng bao giờ có thể tái hội nhập. Sự phát triển ở phía Đông cũng thế, tàng sinh ra sự thù hận chủng tộc, bạo lực và nghèo khổ. Sự phát triển ở các nước thuộc thế giới thứ ba cũng bị công kích, vì nó không nuôi được dân trong vùng một cách đúng đắn, cũng không phân phối các sản phẩm cho công bình.
Đức Kitô đã nói: "Căn bệnh này không đến nỗi chết, nhưng chỉ lành vinh danh Thiên Chúa" (Ga 11,4). Lời lẽ lạ lùng, ngược hẳn với cái nhìn đầu tiên của ta: Hẳn Người đã cảm thấy điều gì... Thực ra đã 4 ngày rồi... (Ga 11,39). Tuy nhiên đó là đức tin, là niềm hy vọng của ta. Thiên Chúa của ta là một Thiên Chúa sự sống. Thiên Chúa của ta là Đấng mở những nấm mồ. Đức Kitô của ta là Đấng, giữa đoạn đường từ làng tới nghĩa trang, đã bảo đảm cho ta vượt qua từ sự chết đến sự sống. Chúa của ta là Đấng kêu lên: Hãy đi ra. Người gọi chúng ta, những kẻ đang bị giam hãm. Người cởi trói và giải thoát ta khỏi mớ quần áo sự chết, khỏi các giải băng sợ hãi. Thế nên chiến đấu cho công lý trở thành có thể được Yêu thương là luôn luôn có thể được" Con người có thể gặp được nhân tính của mình: anh em không còn dưới áp lực của thân xác nhưng của thần linh vì Thánh Thần Thiên Chúa ở trong anh em (Rm 8,9).
Thành viên của CCFD làm chứng về những điếu đó mỗi ngày. Tình liên đới, đắt giá lắm, nhưng là suối nguồn vui tươi. Sự phát triển rất phức tạp nhưng tiến tới là điều có thể được nếu ta biết hợp tác với nhiều người: các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các xí nghiệp, các trung tâm nghiên cứu, tư nhân, các Giáo Hội. Mỗi người có thể tham gia theo cách của mình. Đối với chúng ta những kẻ tin, thì trong cố gắng của nhân loại ấy có dấu vết của Thiên Chúa trong lịch sử hoạt động: các con sẽ biết rằng Ta là Chúa khi Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi mồ (Ez 37,13).
Chính Thánh Thần của Đức Kitô và của Thiên Chúa Cha cho ta đủ năng lực chiến đấu chống lại tất cá sức mạnh của sự chết. Chính Người, một ngày kia, sẽ mở cửa đưa ta vĩnh viễn vào sự sống.
4. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.
PHỤC SINH LAGIARÔ
"Có một người ốm liệt, ông Lagiarô”: Chúng ta chẳng biết nhân vật này ở nơi nào khác nữa, và hình như các độc giả Tin Mừng cũng không, vì ông được gọi như là em của Matta và Maria. Tuy nhiên, ông mang một cái tên tiền định mà trong tiếng Hy bá có nghĩa: "Thiên Chúa đến cứu giúp", và, đàng khác ông là bạn của Chúa Giêsu.
"Người Bêtania": Chắc chắn đây là ngôi làng mà ngày nay vẫn còn tồn tại với mỹ danh "El Azarich" (tiếng rút từ chữ Lagiarô), cách Giêrusalem quãng 2km, và là nơi người ta còn thấy ngôi mộ của Lagiarô đục sâu trong đá.
"Làng của Maria và Matta chị bà": Vì tác giả không nói gì đặc biệt về hai phụ nữ này, nên phải giả thiết là độc giả đã biết nhiều về họ. Người ta đã sớm đồng hóa họ với hai phụ nữ được nhắc đến trong lúc 10,38-42. Hình như họ có cùng một tính tình: Matta hoạt động, lanh lẹ, chủ gia đình; Maria trái lại trầm tư, chiêm niệm hơn, thường bị chị xỏ mũi. Luca không nói tên nơi xảy ra cảnh đó; cũng có thể là Bêtania lắm, nhưng chẳng có gì cho phép ta đồng hóa một cách chắc chắn nhân vật của hai câu chuyện.
"Maria là người đã xức dầu thơm cho Chúa": Hành động này được kể lại ở thì quá khứ, vì tác giả nhìn từ thời gian biên soạn, nên sự kiện này là một sự kiện đã qua. Nhưng ông lại tường thuật việc xức dầu ở chương 12, khi Chúa Giêsu sẽ trở về Bêtania, sau một thời gian rút vào sa mạc Ephraim. Không có gì cho phép quả quyết đây là người đàn bà tội lỗi mà Luca kể lại trong 7, 36tt.
"Chúa Giêsu yêu mến Matta cùng em bà và Lagiarô": Câu này đính chính một lối giải thích sai lầm có thể có, dựa trên sự kiện Chúa Giêsu hãy còn nán lại thêm hai ngày nơi Người đang ở, dù đã nghe tin Lagiarô đau liệt.
“Ngày không phải có 12 giờ sao": Dù có vẻ tượng hình và hai bí nhiệm, câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng. Bao lâu chưa đến giờ hoàng hôn? bấy lâu chưa có gì phải sợ; người ta có thể an toàn bước đi cho đến hết thời hạn 12 giờ của ngày. Nói cách khác, Người phán cùng các môn đồ vốn đang kinh hãi khi thấy Người lên Giêrusalem đáng sợ trước, chưa đến giờ nguy hiểm đâu!".
"Và chúng ta cũng hãy đi qua để chết với Người": Ngược lại với lối giải thích thông thường, hình như chữ với “Người" ám chỉ Lagiarô, vì người ta vừa mới nói trong câu trước đó là Lagiarô đã chết và Chúa Giêsu đã kết luận: chúng ta hãy qua gặp ông ấy. Trong trường hợp này, Tôma nói cách đơn sơ: nếu Người muốn đi bất cứ giá nào, thì chúng ta hãy tháp tùng theo để chung số phận với Lađarô là kẻ đã chết.
“Đã được chôn 4 ngày rồi ”: Vì khí hậu ở phương đông, nên người chết được chôn trong cùng ngày chết (Ga 11, 39; Cv 5, 6). Chữ "4 ngày" có một tầm quan trọng trong trình thuật người Do thái thời Chúa Giêsu tin rằng trong 3 ngày đầu tiên, hồn vía hãy còn lảng vảng bên thây ma; chỉ từ ngày thứ tư, lúc thây ma bắt đầu thối rữa, chúng mới bỏ mà di. Ngày thứ 4 là ngày chết thực sự.
"Ta là sự sống lại". Mấy chữ "và là sự sống" bị P45 cũng như một số thủ sao của truyền thống latinh và syria-sinai cũ xóa bỏ, cả Origène và Cyprien thỉnh thoảng cũng thế. Nhưng tất cả các thủ sao và các bản dịch khác đều giữ lại. Thành ra không có lý do gì để duy trì lối đọc vắn của BJ.
“Hãy cởi ra cho ông ấy". Đối với Lagiarô, phải lăn hòn đá, cởi dải liệm; còn khi Chúa Giêsu phục sinh, các phụ nữ nhận định một sự kiện đã rồi: đá được lăn đi, các cuộn băng nằm dưới đất, còn khăn liệm được xếp lại ở một nơi riêng (20, 1-7). Các thiên sứ chỉ đứng đó để giúp các môn đồ ý thức sự kiện mà thôi.
"Nhiều người Do thái...đã tin vào Người”: Gioan không bảo bấy giờ Lagiarô thế nào, cũng chẳng nói đến sự thán phục của các chứng nhân. Ông đưa ta đến điểm cốt yếu: nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu. Đó là điều mà tác giả Tin Mừng mời gọi ta.
KẾT LUẬN
Chúng ta đã ghi nhận việc nhấn mạnh đến đức tin trong Tin Mừng thứ tư, sự căng thẳng tăng dần theo các chương giữa Chúa Giêsu, Đấng tự mặc khải chính mình trong các việc làm, và lòng cứng tin của người Do thái. Giai thoại hôm nay thường xuyên nhắc đến đức tin. Động từ “tin" được dùng 8 lần để chỉ việc con người đáp trả khi thấy vinh quang Thiên Chúa. Lagiarô đã chết và được an táng từ 4 ngày rồi. Người Do thái hình như hoài nghi quyền năng của Chúa Giêsu. Matta và Maria thì nói với Người: “nếu Thầy đã ở đây...". Chứng cớ dứt khoát và không thể chối cãi mà người Do thái đòi hỏi (10, 24) giờ đây được ban cho họ. Ai có quyền trên sự sống, nếu không phải là chỉ mình Thiên Chúa? Chúa Giêsu làm phép lạ "để họ tin" rằng Chúa Cha đã sai Người. Như thế chấm dứt sứ vụ của Chúa Giêsu giữa người Do thái. Dấu chỉ này mặc khải một lần thay cho tất cả Chúa Giêsu là ai. Vì thế người Do thái đã lên án tử hình Người. Đối với Gioan, cuộc Tử nạn bắt đầu ngay sau phép lạ này với cuộc nhóm họp của hội đồng Công tọa và việc xức dầu ở Bêtania, dấu chỉ khâm liệm Chúa Giêsu. Chính phép lạ chuẩn bị điều đó. "Bệnh này... phải được nhằm để tôn vinh Con Thiên Chúa". Việc phục sinh Lagiarô là dấu chỉ của thực tại sẽ diễn ra trong các chương kế tiếp vậy.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Trong thời đại chúng ta, nhan nhản những dấu chỉ của sự sống và sự sống lại, chẳng hạn việc hồi sinh con người mà chúng ta đã từng mục kích nhiều lần qua các cuộc chúa bệnh thành công, là những dịp cho thấy cơ thể nhân loại có một sinh lực mãnh liệt chừng nào. Và ta phải nói gì về cuộc chiến thắng lạ lùng của sự sống trên sự chết như là việc sinh sản, rồi việc phát triển con người nên vóc trưởng thành? Trong các thành công về kỹ thuật, nhà bác học đã vượt qua nhiều khó khăn mà trước đây không thể khắc phục. Trong các lựa chọn dứt khoát, mỗi người chúng ta đều đã lướt thắng các cám dỗ bi quan, thất vọng. Tất cả chỉ vì trong con người có một khát vọng sống, có một động lực không ngừng thúc đẩy đi lên. Nhưng đồng thời trong nhân tính chúng ta có một cái gì đó đã bị đổ vỡ. Cái chết bắt chúng ta đương đầu với một giới hạn có thể bẻ gãy chúng ta. Gioan gợi lên nỗi thất vọng, sự ê chề của kinh nghiệm, các giới hạn của con người. Những câu Chúa trả lời: “Hỡi Lagiarô, hãy đi ra" mời gọi tất cả lướt thắng các giới hạn đó. Bằng giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự sống lại của mình, Chúa Giêsu cho thấy Người có thể khơi dậy sinh lực nào trong con người. Nhưng Người chỉ hành động trong những ai, khi đối diện với sự chết, biết để cho sức mạnh Thần khí đến “lay tỉnh" mình dậy.
2. Sự can thiệp của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là một Đấng vô biên xa vời, dửng dưng với tạo vật. Thiên Chúa đã nhập thể trạng một trái tim con người, Ngài cũng muốn có khả năng cảm xúc, bồi hồi, xót dạ? "Chúa Giêsu xao xuyến tâm thần". Ngài cho thấy mình cũng chạnh lòng trước số mệnh thế nhân. Người yêu thương các bạn hữu với tình âu yếm. Bởi đấy Người ra tay uy quyền cho Lagiarô sống lại.
3. Hãy lưu ý đến lời Matta đáp trả câu hỏi của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Con có tin điều đó không?” nghĩa là có tin rằng kẻ tin vào Ta sẽ sống mãi và không bao giờ chết chăng. Người hỏi Matta về một điều gì có, về niềm xác tín được sống của bà. Matta đã trả lời nhắm vào con người Chúa Giêsu. Bà không đáp: “Vâng, con tin rằng con sẽ không chết, nhưng "Con tin Thầy là Chúa Kitô, Con 'Thiên Chúa". Chắc hẳn vì lời tuyên xưng đức tin đó (mà các môn đồ từng nghe) mà Chúa Giêsu tuyên bố với các sứ đồ của Người, khi đến Bêtania, rằng Người đã vui mừng hoan lạc. Chúa Giêsu đã muốn có giai thoại phục sinh Lagiarô để các chứng nhân tin Người là Đấng được Chúa Cha sai đến. Điều đó cho ta thấy niềm tin của Kitô hữu không phải là niềm tin vào các sự vật, dù là vào một thế giới được tái lập trong sự công chính nguyên thủy, nhưng là niềm tin vào con người Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Niềm tin vào Chúa Giêsu tuyệt đối ưu tiên, sau mới đến những điều khác.
4. Sở dĩ Chúa Giêsu phục sinh Lagiarô, là vì người là Lời sáng tạo của Thiên chúa Tuy nhiên Người cũng sắp chết. Chúa tể sự sống sắp lụy phục tử thần... và đối thủ của người sẽ không quên nhấn mạnh nét mâu thuẫn đó trong sự nghiệp của Người: “Nó đã cứu được kẻ khác mà không thể cứu nơi chính mình". Nhưng Chúa Kitô đã chẳng muốn cứu lấy một mình mà thôi. Khi mặc lấy thân phận con người chúng ta cho đến cái chết, lời sự sống của Người không còn ở ngoài chúng ta nữa. Người chiến thắng tử thần qua cái chết. Như thế, Người đã cứu rỗi tất cả nhân loại cùng với chính bản thân Người.
5. Hoạt động của con người bị hạn chế và thượng thất bại. Song các giới hạn và thất bại này không thể triệt hạ sự tự do của kẻ tin vào Chúa Kitô. Cái chết đặt một giới hạn rõ rệt cho sự sống của con người, nhưng đức tin của Kitô hữu vượt qua giới hạn đó. Người Kitô hữu đã ở bên kia cái chết. Chắc chắn, sự chiến thắng cái chết mà Chúa Kitô đạt được cho ta không miễn cho ta chết như Người. Kitô hữu không phải là kẻ giảm thiểu hay đánh bóng sự chết. Đối với họ cũng như đối với Lagiarô, cái chết không thơm tho gì. Và chẳng có hương thơm (thánh thiện hay đạo đức nào) có thể ru ngủ sức kháng cự của con người đối với cái chết. tuy nhiên Kitô hữu tin tưởng vào Thiên Chúa như Chúa Kitô đã tin tưởng vào Chúa Cha, vì biết rằng Ngài luôn nhận lời mình xin. Ngài là vị Thiên Chúa hằng yêu con người và muốn con người sống để tôn vinh Ngài. Tin vào tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện trong Chúa Kitô tức là đã phục sinh và đã được bảo chứng sẽ sống mãi.