Một trong những bức tranh nổi tiếng của Rembrandt, hoạ sĩ Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, là bức tranh ‘Ba thập giá’: Một đám đông vây quanh chân thập giá Chúa Giêsu với những khuôn mặt đắc thắng của sự thù hằn. Dù thế, ánh sáng từ trời cao vẫn toả sáng trên thập giá Chúa Giêsu, trên mấy phụ nữ đau khổ cưới chân thập giá, trên cả các lý hình và những nắm đấm hướng về thập giá.
Nhìn kỹ trong đám đông, người ta phát hiện một gương mặt tuy chìm trong bóng tối nhưng cũng đủ cho người ta nhận ra đó chính là khuôn mặt của Rembrandt, qua một vài nét vẽ. Tại sao Rembrandt lại chen khuôn mặt của mình vào đó? Người ta không có cách giải thích nào ngoài lời thú nhận của ông rằng ông cũng can án trong bản án bất công đó, đó cũng là lời ông mời gọi người xem bức tranh đó nhìn ra chỗ đứng của mình trong cái chết của Chúa Giêsu.
Thập giá Chúa Giêsu không là gì khác hơn lời rao giảng trổi vượt của Chúa về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, tình yêu mà Chúa muốn gieo vào cõi lòng của mọi người nhân thế: “Ta sẽ gieo rắc tinh thần ân phúc và cầu nguyện trên nhà Đavít và trên dân cư Giêrusalem. Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Đấng họ đã đâm thâu qua.” (Dcr 12,10)
Vâng, chính khi chịu chết mà Chúa tỏ ra cho mọi người thấy tình yêu hiến mạng vì người mình yêu của Ngài: Khi ngắm nhìn thập giá Chúa Giêsu là lúc chúng ta cảm nghiệm được “ân tình Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.” (Tv 62,4)
Tình yêu hy sinh vì mọi người là dấu chỉ, là nét đặc trưng của các môn đệ Chúa Kitô. Thế nên ngay khi Simon Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, Chúa Giêsu đã loan báo công việc mà Đấng Cứu Thế phải đảm nhận: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, … bị từ bỏ và giết chết.” (Lc 9,22)
Thập giá là con đường Chúa đi, không phải vì muốn đề cao sự đau khổ, nhưng vì đó là con đường của những hy sinh kết thành tình yêu chân thật, trong mỗi phút giây cuộc đời: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.” (Lc 9,23)
Tình yêu đó đòi chúng ta từ bỏ mình, xoá tan mọi ngăn cách, để “không còn phân biệt người Do Thái hay Hy lạp, người nô lệ hay tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Đức Giêsu Kitô.” (Gl 3, 28)
Mahatma Gandhi, người cha của dân tộc Án độ. Bằng chủ truơng đấu tranh bất bạo động học được từ Phúc Âm Chúa Giêsu, ông đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của nước Anh.
Trong những ngày làm sinh viên tại Nam Phi, ông đã say mê Kinh Thánh, đặc biệt là bài giảng tám mối phúc thật của Chúa Giêsu. Tám mối phúc thật đã làm nảy sinh trong ông chủ trương đấu tranh bất bạo động để giành độc lập cho Ấn Độ.
Ông cũng xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp thuyên chữa cho xã hội quá nhiều giai cấp tại Án Độ từ nhiều ngàn năm trước.
Thế nhưng, một hôm khi ông đến nhà thờ Kitô giáo để dự lễ và lắng nghe lời Chúa, một người da trắng đã chặn ông lại và bảo ông hãy đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.
Ông ra khỏi nhà thờ và không bao giờ theo đạo, dù ông rất kính mến Chúa Giêsu và trung thành với giáo huấn của Người.
Chúa hỏi các tông đồ: “Các con bảo Thầy là ai?” và Chúa cho các ông dấu nhận dạng của Chúa: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị từ bỏ và giết chết.” Một đời sống hy sinh, từ bỏ vì yêu thương có phải là câu trả lời của tôi khi người ta hỏi tôi: “Anh là ai?”
Lm. HK