Lời Chúa cntn 33a _ các bài suy niệm

CÁC BÀI SUY NIỆM
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN - A
Lời Chúa: Cn 31, 10-13.19-20.30-31; 1Tx 5, 1-6; Mt 25, 14-30



Booker Washington là một người Mỹ da đen vĩ đại nhất. Ông là một nhà giáo dục, một nhân vật cải cách và một văn sĩ nổi tiếng. Năm 16 tuổi, ông đã phải đi bộ gần 800 cây số để xin học. Thế nhưng, vì các lớp đã đông đủ nên ông bị từ chối. Ông nhận chân quét phòng tại trường. Ông đã làm những việc hèn hạ này một cách hết sức chu đáo, thành thử ông dành được cảm tình của ban giám đốc nhà trường. Người ta dành cho ông một căn phòng nhỏ của sinh viên. Chính tại căn phòng nhỏ này, ông đã chăm chỉ làm việc cho đến khi trở thành một giáo sư nổi tiếng, và sau này trở thành người sáng lập học viện Tuskegee. Từ một kẻ nô lệ, ông đã trở nên người lãnh đạo chủng tộc da đen. Ông qua đời vào năm 1915.
Phải chăng cuộc đời ông là sự thực hiện trọn vẹn lời Chúa phán với chúng ta qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Ai trung tín trong việc nhỏ, thì sẽ được trao phó cho những công việc lớn. Nói cách khác, chúng ta hãy làm những công việc nhỏ một cách cẩn thận và chu đáo, rồi thì những dịp thuận lợi hơn, to tát hơn sẽ đến với chúng ta. Kinh nghiệm trên, sự thật trên quả là điều quan trọng trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng.
Trước hết là trong đời sống thường ngày: Xiết chặt một chiếc đinh ốc nơi bánh xe có thể cứu được nhiều người trên chuyến xe tốc hành. Thu lượm rác là điều cần thiết cho sức khoẻ của một cộng đoàn. Rửa sạch chén đĩa sẽ giết được nhiều vi trùng. Hãy làm những công việc này và hàng trăm công việc nhỏ bé khác nữa của cuộc sống thường ngày một cách tốt đẹp và chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao hơn, khi thời cơ mỉm cười với chúng ta.
Tiếp đến, trong lãnh vực thiêng liêng cũng vậy. Chúng ta hãy làm tất cả những gì mình có thể để giúp đỡ gia đình Chúa là Giáo Hội nơi trần gian. Chẳng hạn như là những người thợ, chúng ta có thể dành dụm tiền bạc hay công sức để giúp ích cho giáo xứ trong những công việc chung. Chúng ta có thể trồng những luống bông nhỏ để chưng trên bàn thờ. Chúng ta có thể dâng hiến tài năng và thời giờ, góp phần vào việc giáo dục đạo đức cho các em nhỏ. Chúng ta có thể thăm viếng những người đau yếu bệnh tật để an ủi họ. Chúng ta có thểm tham dự những sinh hoạt của ca đoàn để dâng tiếng hát ca tụng Thiên Chúa, cũng như làm cho bầu khí phụng vụ thêm phần sống động.
Trong tất cả những công việc nhỏ bé và tầm thường ấy, nếu chúng ta thi hành một cách cần cù và trọn vẹn, thì chúng ta cũng sẽ được Chúa ân thưởng như lời Ngài phán: Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, bởi vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, thì Ta sẽ trao phó cho ngươi những công việc lớn. Hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết chu toàn vì lòng yêu mến Chúa, thì những công việc nhỏ bé và tầm thường ấy sẽ trở thành những sợi chỉ vàng, dệt nên cuộc đời chúng ta và làm cho cuộc đời chúng ta có một giá trị to lớn trước mặt Chúa.

(Suy niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Dụ ngôn được trình bày dưới hình thức một chuyện kể. Về văn mạch của đoạn 25,14-30 xem bài chú giải phúc âm Chúa nhật XXXII Thường Niên A. Dụ ngôn có thể phân chia thành ba màn: 1/ Ông chủ trao tài sản cho các tôi tớ (25,14-15); 2/ Các tôi tớ hành động với những nén bạc được giao (25,16-18); 3/ Ông chủ tính sổ sách (25,19-30).
1/ Dẫn nhập. Ông chủ trao tài sản cho các tôi tớ (25,14-15)
Dụ ngôn nói đến một người giàu có trước khi đi xa, giao cho các tôi tớ những nén bạc để sinh lợi. Với liên từ đầu câu 1 “cũng thế”, hôsper, và gar liên kết dụ ngôn nầy với dụ ngôn trước, và có chung chủ đề là một trách nhiệm được giao phó và phải hoàn thành. Dụ ngôn nói đến sự vắng mặt của người chủ. Một người sắp sửa ra đi, apodçmôv, (c. 14) và ông đã ra đi, apedçmçsen (c. 15). Trước khi ra đi ông giao cho các tôi tớ ông các nén bạc để sinh lợi trong thời gian ông vắng mặt. Talanton, theo nguyên ngữ là một đơn vị đo lường. Ở đây là một số lượng tiền bạc đo bằng một talent (x. 18,24). Một talent có thể bằng 6.000 đồng bạc, và một đồng bạc là lương một ngày công. Chủ đề người chủ giao cho người quản lý trông coi tài sản của mình tìm thấy trong một số dụ ngôn. Tuy nhiên trong dụ ngôn nầy, nhấn mạnh đến việc sinh lời tài sản ấy. Tài sản giao cho các tôi tớ nầy không phải là nhỏ. Khi trao, paradidômi (c. 14), cho họ, không thấy nêu lên lý do của việc nầy. Sang phần hai, mới biết mục đích của việc trao tài sản là để sinh lợi. Động từ “sinh lợi”, kerdainô, được dùng đến 4 lần khi nói đến hành động của hai người tôi tớ đầu tiên (cc. 16.17.20.22). Kerdainô, ”kiếm được” do đầu từ công sức (x. 16,26; 18,15). Số tiền đã được giao tùy theo khả năng riêng của từng người. Người chủ biết rõ khả năng của các tôi tớ mình.
2/ Các tôi tớ hành động với những nén bạc được giao (25,16-18)
Nén bạc được giao cho 3 người tôi tớ: người năm nén, người hai nén và người một nén. Trong đoạn nầy các động từ đều ở thì bất định (aorist), diễn tả sự nhanh chóng của các hành động. Dụ ngôn không nói họ làm gì với các nén mạc, mà chỉ nói cả hai người tôi tớ đầu tiên çpagasato en autois, “làm việc với những nén bạc ấy”, và kiếm được những nén bạc gấp đôi. Người nhận 5 nén sinh lợi thêm 5 nén. Người nhận 2 nén sinh lợi thêm hai nén.
Người thứ ba có hành động nghịch lại (c.18). Liên từ “nhưng”, de, chỉ hành vi tiếp sau sẽ trái ngược. Việc đào đất và chôn dấu nén bạc trong đó chỉ sự cất giấu an toàn (x. 21,33; 13,44). Người nầy không muốn nén bạc của ông chủ không sinh lợi, mà chỉ lo giữ khỏi mất đi.
3/ Ông chủ tính sổ sách (25,19-30)
Sau một thời gian dài chủ trở lại. “Một người” ở câu dẫn nhập, bây giờ được xác định là “kurios”, ông chủ/Chúa (c. 19). Tương tự như trong dụ ngôn 10 trinh nữ (25,11[2x]), từ kurios thường được dùng trong phần hai của dụ ngôn, lúc có tính cách quyết định. Synairô logos, “tính sổ” cụm từ lấy từ ngôn ngữ thương mại, rất giống với việc vua tính sổ (x. 18,23.24), và chỉ sự phán xét cánh chung.
Lời lẽ của hai người đầu tiên rất giống nhau (cc. 20-23), chỉ khác chữ số nén bạc. Cả hai người tôi tớ đều được gọi là “ngay thẳng” và “trung tín” (cc. 21.23) vì họ đã hoàn thành bổn phận được đòi hỏi. Lời khen ngợi nầy tương tự với câu 24,46. “Phúc cho tôi tớ nầy đang làm như vậy khi chủ trở về”. “Hãy vào hưởng vui mừng của chủ ngươi” (25,21.23). Nhiều lần Tin Mừng nói đến việc “vào Nước Trời” (5,20; 7,21; 18,3) vào sự sống (18,8-9; 19,16). Và ở đây nói đến niềm vui. “Niềm vui” liên quan rất mật thiết với những điều thuộc về Thiên Chúa: thấy ánh sao dẫn đường (2,10), tìm được kho tàng Nước Trời (13,44), thấy Chúa sống lại (28,8). Nói tóm, “vào trong hoan lạc với chủ ngươi” là vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Khác với hai người tôi tớ trước, người tôi tớ thứ ba bắt đầu bằng lời phê phán ông chủ để biện minh cho việc mình đã làm (25,24-30). Sklçros, “cứng”, “cứng lòng (19,8), nghĩa bóng là “khắt khe”, “ác nghiệt”, “không thương xót” (x. 1 Sam 25,3). Gặt nơi không gieo. Thu nơi không vãi. Hai câu song song và đồng nghĩa (gặt = thu; gieo = vãi). Như thế theo lời người tôi tớ nầy, ông chủ là người kiếm lợi nhuận cách bất chính. Và người tôi tớ nầy sợ không thể sinh lợi được như đòi hỏi của ông chủ, nên đã chôn giấu nén bạc nơi an toàn. Người nầy đã đưa lại nguyên vẹn cho chủ một nén bạc, không thêm không bớt. Hành động như thế, người nầy đã làm như người đã thắp đèn và để dưới đáy thùng (5,15).
Lời của ông chủ tiếp theo rất dài (25,26-30). Đáp lại ông chủ lập lại lời không phản đối lời người tôi tớ nói về ông, và ông không phải đối điều nầy. Ông còn chỉ cho người tôi tớ cách làm lợi nén bạc mà không phải nhọc công (c. 27). Ông gọi người tôi tớ nầy là ”bất hảo” và “lười biếng” (c. 26). Từ “bất hảo” áp dụng cho con người (7,11; 12,34). Người tôi tớ nầy bị gọi là “bất hảo”, ponçros, theo nghĩa là người nầy đã không suy nghĩ như người chủ (x. 20,15) và không hành động như chủ muốn (x. 18,32). Oknçros, thông thường được dịch là “lười biếng”, nhưng ở đây có thể có nghĩa là “ngần ngại”, “sợ hãi”. Do sợ sinh lợi không thành, mà người nầy đã không dám kinh doanh với nén bạc của mình.
Vì người tôi tớ tỏ ra “vô dụng” với nén bạc được trao, chủ đã lấy lại nén bạc ấy, và trao cho người thứ nhất (c. 28). Các động từ trong câu 29 ở thể thụ động có Thiên Chúa là tác nhân. Người đã có lại được thêm và người không sinh lợi được nén bạc được trao, mất luôn cả điều họ đang có. Và người nầy chịu hình phạt nặng nề, vì đã không làm theo ý chủ (ném vào nơi tối tăm 8,12; 22,13; khóc lóc và nghiến răng 8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51; x. Lc 12,47).
Người tôi tớ không độc lập với chủ của mình, nhưng ở trong tương quan phục vụ với chủ. Người tôi tớ không làm theo ý riêng, mà ý muốn của chủ. Con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa vì do Người tạo dựng. Mỗi người tùy theo khả năng được ban cho mà phụng sự Thiên Chúa hết tâm hồn.

(Suy niệm của Nữ tu Barbara E. Reid OP. - Văn Hào, SDB chuyển ngữ)
Khá lắm, anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành” (Mt 25, 21).
Khi con người sống trong một định chế xã hội với hệ thống kinh tế đầy những bất công, chúng ta có thể làm được những gì? Có một thời, người ta đã xuống đường ở Mỹ, chiếm phố Wall, như một động thái phản kháng, và gióng lên hồi chuông báo động về những bất công nơi hệ thống tài chánh tại đất nước tư bản này. Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cũng phác vẽ hình ảnh về một cơ chế xã hội khi con người phải hứng chịu những bất công trước một thực tế phũ phàng, đó là người giàu càng ngày lại càng thêm giàu, và những người nghèo khổ càng ngày càng trở nên cơ cực hơn.
Bài Tin Mừng thuật lại câu truyện, một nhà phú hộ trước khi đi xa, đã trao phó tài sản mình cho những đầy tớ để họ sinh lợi. Người nhận năm nén, người nhận được hai, và người đầy tớ sau cùng chỉ nhận một nén bạc. Từ ngữ “nén bạc” dịch từ hạn từ talenton trong tiếp Hy Lạp, là một đơn vị tiền tệ để giao thương hoặc để định lượng tài sản lúc bấy giờ. Trình thuật hôm nay phần nào khác với câu truyện dụ ngôn được Thánh Luca kể lại. Trong Tin mừng Luca, ông chủ chỉ thị một cách rõ ràng cho các đầy tớ phải đầu tư kiếm lợi, còn nơi Matthêu, ông chủ không ra lệnh trực tiếp, nhưng trong thâm tâm ông cũng muốn các đầy tớ quản lý tài sản của mình cách khôn khéo lúc ông vắng nhà. Trong lúc người phú hộ đi xa, hai người đầy tớ đầu tiên đã sinh lợi gấp đôi với số bạc được trao phó. Vì thế cả hai đều được ông chủ khen ngợi và trao cho những trách vụ to lớn hơn. Còn người đầy tớ thứ ba lại đem nén bạc đi chôn giấu. Anh ta không làm cho nén bạc sinh lợi, nhưng cất giấu đi như một phương cách bảo đảm an toàn theo thói quen thời xưa (xem Mt 73,44): Dụ ngôn kho tàng được chôn giấu trong ruộng). Tên đầy tớ này đã bị ông chủ khiển trách nặng nề và phải lãnh nhận hình phạt.
Chìa khóa quan trọng để ta có thể hiểu dụ ngôn, đó là chúng ta phải đặt mình vào trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Đức Giêsu đã không sống trong một xã hội theo hệ thống tư bản, và vào thời đó, người ta chưa quen đầu tư để sinh lợi như hiện nay. Thay vào đó, người ta nghĩ rằng mọi người đều được xã hội phân định tài sản. Tài sản của ai tăng lên do sinh lợi đương nhiên là rút tỉa từ người khác. Một nông dân bình thường chỉ cần đủ những chi tiêu để nuôi sống bản thân và gia đình. Những người có nhiều của cải và chỉ lo tích trữ cho mình vẫn bị coi là những hạng người keo kiệt và gian ác. Vì vậy, trong dụ ngôn, người đầy tớ thứ ba dẫu sao, cũng là một con người đáng trân trọng, chỉ vì anh ta đã chối từ cộng tác vào hệ thống tài chính chỉ để làm tăng thêm lợi nhuận cho ông chủ, trong khi những người khác lại bị thiệt thòi.
Dụ ngôn có thể là một lời cảnh báo trước lối sống an nhàn trưởng giả nơi những con người bị lôi kéo vào một hệ thống kinh tế đầy bất công như hiện nay. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng khích lệ các học trò của mình phải can đảm phản kháng lại những tham lam một cách vô lối như một dạng bất chính, và đó cũng là một hình thái rõ ràng của tội ác. Câu cuối trong dụ ngôn mời gọi chúng ta phải cảnh tỉnh khi đối mặt với những ai khuyến khích làm giàu và biến mình trở nên những con người đầy quyền lực với tiền bạc dư giả. Dụ ngôn cũng khuyến mời chúng ta phải tìm cách cùng nhau chống lại những hệ thống kinh tế bất công, một hệ thống không cổ xúy tình tương thân tương ái, mà nạn nhân điển hình là người đầy tớ thứ ba trong câu truyện Tin mừng hôm nay.
Đọc dụ ngôn theo nhãn quan này, chúng ta thấy rằng ông chủ đi phương xa, không phải là một hình tượng ám thị về Thiên Chúa. Dụ ngôn cũng không khuyến khích chúng ta phải biết sử dụng của cải vật chất Chúa ban để phát huy đến độ sung mãn. Điều này là một việc quan trọng mà các Kitô hữu phải thực thi, khác với cách hiểu của đám đông khi nghe Chúa Giêsu giảng lúc bấy giờ. Nén bạc, theo hạn từ Hy Lạp, không hề mang một ý nghĩa ẩn dụ hay biểu trưng. Nếu hiểu sai, chúng ta sẽ làm mất đi chiều kích cánh chung nơi trình thuật.
Theo mạch văn trong Tin Mừng Matthêu, đây là dụ ngôn cuối trong ba dụ ngôn nhấn mạnh về sự trung tín của các môn đệ Đức Giêsu trong thời gian mong chờ Ngài lại đến. Những người đầy tớ đang rên xiết trong nỗi khiếp sợ mỗi lúc một tăng cao, khi họ sống dưới quyền một ông chủ keo kiệt, một ông chủ dã tâm đã trừng phạt cách ác độc những ai không chịu đi vào hệ thống làm giàu cho riêng cá nhân của mình. Trái lại, các môn đệ Đức Giêsu, khi tín thác vào Thiên Chúa, vào đấng không phải là một ông chủ ác độc, nhưng là một Người Cha tốt lành luôn yêu thương chúng ta bằng cõi lòng nhân ái và khoan hậu của Ngài, chúng ta sẽ làm việc cho sự công chính và những giá trị của Vương quốc Nước Trời, ngày hôm nay, và ngay bây giờ để chờ đợi sự viên thành cánh chung mai sau.

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Người ta vẫn hay có cái nhìn tĩnh và buồn về đời sống Kitô hữu.
Đó là một đời sống cam chịu, nhẫn nhục, cúi đầu vâng phục Ý Chúa,
một đời sống khổ đau vì phải bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá.
Nhìn như thế đúng nhưng không đủ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn khác,
tươi tắn hơn nhiều, chủ động và tích cực hơn nhiều.
Thiên Chúa được ví như một ông chủ sắp đi xa.
Vì tin tưởng các đầy tớ của mình, nên khi vắng nhà (c. 14),
ông không ngại giao phó cho họ những món tiền rất lớn, tùy khả năng.
Người được năm yến, kẻ được hai, người được một (c. 15).
Mỗi yến bạc tương đương với sáu ngàn ngày công.
Hẳn các đầy tớ hiểu ý chủ muốn mình đầu tư sinh lợi.
Anh nhận được năm yến đã đi ngay lập tức và làm ăn với số vốn ấy.
Chúng ta không rõ anh đã đầu tư thế nào và bao lâu,
chỉ biết anh đã sử dụng cách hiệu quả những gì anh nhận được.
Sau một thời gian, tiền lời bằng số vốn bỏ ra.
Anh nhận được hai yến cũng vậy, cũng sinh lợi được hai yến khác.
Anh được một yến cũng đi,
nhưng là đi đào lỗ dưới đất để chôn giấu yến bạc (c. 18).
Anh không dám đầu tư vì sợ làm ăn lỗ lã.
Anh sợ số bạc lớn bị mất, nên anh muốn chôn giấu nó cho an toàn.
Khi ông chủ trở về để nghe báo cáo sổ sách của các đầy tớ,
ông đã khen hai anh đầy tớ vất vả làm ăn bằng những lời giống nhau:
“Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín!
Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.
Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (c. 21. 23).
Còn anh đầy tớ chôn giấu yến bạc dưới đất vì sợ hãi ông chủ,
đã bị chủ chê là đầy tớ xấu xa và biếng nhác.
Yến bạc của chủ còn nguyên chẳng hề là điều đáng tự hào.
Ông chủ ngạc nhiên vì tại sao anh lại không gửi tiền vào ngân hàng
để đồng vốn có thể sinh lợi (c. 27).
Anh bị tước mất yến bạc anh đã giữ kỹ, và tống vào chỗ tối tăm.
Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng (c. 30).
Mỗi Kitô hữu cũng là một người đầy tớ, một quản lý của Chúa,
được tin cậy giao phó, được yêu cầu đầu tư, được mong mỏi sinh lợi.
Sống đời Kitô hữu là chấp nhận dùng tất cả khả năng của mình (c. 15)
để làm cho những gì Chúa ban sinh lợi nhiều nhất.
Điều đó cần đến công sức, tính toán, sáng tạo, và nhất là tình yêu.
Yến bạc là khả năng và hoàn cảnh thuận lợi để ta làm việc cho Chúa.
Kitô hữu không phải là người thích an nhàn hay hưởng thụ.
Họ nỗ lực phấn đấu từng ngày để đời mình sinh hoa trái cho Chúa.
Ngày Phán xét, chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình.
Mỗi người chúng ta không rõ mình đã nhận bao nhiêu yến bạc.
Điều quan trọng là không được giấu đi, và vui vẻ tận dụng điều mình có.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa. Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Tất cả chúng ta đều là những người tôi tớ của Thiên Chúa, cùng với những nén bạc Ngài đã trao gửi. Những nén bạc ấy chính là thân xác và linh hồn, thời gian và tài năng. Nói tóm lại, là tất cả những gì chúng ta đang có và đang quản lý.
Đúng thế, tất cả không phải là của riêng chúng ta, nhưng là của Thiên Chúa. Ngài trao gửi và cho chúng ta vay mượn trong một thời gian nào đó, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Những sự anh em có, há chẳng phải là đã nhận lãnh hay sao? Và nếu đã nhận lãnh, thì tại sao anh em lại tự phụ, như không cần nhận lãnh.
Chính vì thế, chúng ta không được toàn quyền sử dụng đã đành, mà còn phải chịu trách nhiệm vễ những nén bạc ấy. Chẳng hạn với thân xác, chúng ta không được ăn uống quá độ, chè chén say sưa có hại cho sức khỏe, cũng như không được hủy hoại thân xác mình, hay tự ý đi tìm cái chết.
Với linh hồn, chúng ta phải cương quyết chiến đấu, đừng để cho sự sống ơn sủng mỗi ngày một tàn lụi. Chúng ta phải dứt khoát khử trừ tội lỗi và làm cho linh hồn mình được hoàn thiện, nhờ Lời Chúa, nhờ các bí tích và nhờ những tâm tình cầu nguyện gắn bó mật thiết với Chúa.
Tuy nhiên, điều quan trọng, đó là một ngày kia chúng ta sẽ phải tính sổ cuộc đời trước tôn nhan Chúa. Chúng ta không biết sự việc này sẽ xảy ra vào lúc nào. Có thể vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ kết thúc cuộc đời, để rồi chúng ta sẽ phải đối diện với lương tâm và với chính Thiên Chúa.
Thế nhưng, đó lại là một sự kện chắc chắn, như một câu danh ngôn đã diễn tả: Sự chết thì chắc chắn, nhưng giờ chết lại bấp bênh vô định. Hay như chúng ta cũng thường nói: Đã là người thì ai cũng phải chết.
Đó là qui luật chung của muôn đời. Và sau cái chết sẽ là cuộc phán xét. Đây là một cuộc phán xét thật công bằng và chính xác. Cuốn sổ cuộc đời chúng ta được mở rộng, trong đó mọi sự đều được ghi chép. Khi vị thẩm phán ngự tòa, thì mọi bí ẩn sẽ bị lộ ra, không tài nào che dấu nổi.
Chính vì thế, chúng ta phải quyết tâm làm phát triển và sinh lời cho những nén bạc Chúa đã trao gửi, bằng cách thực hiện những hành động bác ái yêu thương, bởi vì đó chính là những vị trạng sư âm thầm và không tên, nhưng sẽ bào chữa cho chúng ta trước tòa án tối cao của Thiên Chúa.
Đồng thời, bằng cách trung thành với những công việc bổn phận của mình, tùy theo vai trò, tùy theo đấng bậc, tùy theo chức vụ mình nắm giữ trong cuộc sống.
Và sau cùng, bằng cách sử dụng thời giờ một cách đúng đắn, vì thời giờ của chúng ta đã được cân đo đong đếm. Hãy sử dụng thế nào để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác. Nếu chúng ta quản lý tốt, chắc chắn chúng ta sẽ không phải run sợ vào giây phút tính sổ cuộc đời. Trong giây phút trọng đại này, giây phút có tính cách ấn định số phận đời đời của chúng ta, mọi bạn hữu, dù thân tình đến đâu chăng nữa, cũng sẽ lìa bỏ chúng ta, chỉ những việc lành phúc đứ mới đi theo chúng ta mà thôi.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể lại rằng: Người kia phải ra trước tòa Thiên Chúa trong ngày sau hết. Anh bạn thứ nhất thấy vậy vội vã bỏ chia tay với người ấy. Anh bạn thứ hai bước theo người ấy, nhưng đã khựng lại khi đứng trước khung cửa hẹp của cái chết. Trong khi đó anh bạn thứ đã cùng đi với người ấy đến trước tôn nhan Chúa, trình bày những lý chứng và cứu thoát người ấy khỏi án phạt đời đời.
Người bạn thứ nhất là tiền bạc vật chất. Người bạn thứ hai là cha mẹ và họ hàng thân thích. Còn người bạn thứ ba, luôn trung thành và bào chữa cho chúng ta, đó chính là những hành động bác ái yêu thương.
Hãy làm cho những nén bạc Chúa đã trao gửi được sinh lời, nhờ đó giây phút chúng ta tính sổ cuộc đời với Chúa sẽ không phải là giây phút bẽ bàng và cay đắng, nhưng sẽ là giây phút mừng vui và hạnh phúc.

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ – Lm. Vũ Khắc Nghiêm)
Dụ ngôn ông chủ trao những nén vàng cho người đầy tớ: người năm nén, sinh lợi ra 10 nén; kẻ 2 nén sinh lợi ra 4 nén; kẻ 1 nén đem chôn vô ích. Hai người làm sinh lợi được khen là tốt lắm, tài giỏi và trung thành. Ông chủ đã thưởng cho hai đầy tớ cả vốn lẫn lời, đặt họ lên địa vị cao và cho hưởng hạnh phúc chung với chủ. Kẻ chôn nén vàng đi, bị quở trách là tồi tệ, biếng nhác, vô dụng, bị phạt ném vào chốn tối tăm, khóc lóc nghiến răng.
Xem cung cách ông chủ xử với những đầy tớ, thì đây là thuật dùng người, hay là một cuộc xử án đánh giá công và tội. Cổ nhân dùng người thì gởi đi xa để thử tài, thử đức: Tài sẽ được phát hiện khi họ được tự do, được toàn quyền phát huy sáng kiến theo khả năng của mình, không còn phải e dè, lệ thuộc cấp trên. Đức sẽ tỏ ra khi họ được tự lập, tự chủ, đúng với nhân cách và địa vị của họ.
Dụ ngôn nói đến ông chủ đi xa để cho đầy tớ toàn quyền hành động. Nhờ đó ông thấy được ai hay ai dở. Sở dĩ ông trao số vàng cho kẻ nhiều, kẻ ít là tùy theo khả năng của mỗi người. Như vậy, chủ đã biết rõ tài năng của mỗi người. Chỉ còn xem ai tốt ai xấu thôi. Kẻ tốt sẽ trung thành với sự tin tưởng của chủ, anh sẽ hết lòng hết sức làm, không thắc mắc lương bao nhiêu? không sợ lỗ lãi nhiều ít, miễn là cố gắng làm, hoàn toàn tín nhiệm vào lòng tốt của chủ, ca dao đã nói đúng: " Kẻ có nhân mười phần chẳng khó". Kẻ xấu, sợ khó khăn, sợ lỗ lãi, chỉ vì lười biếng hay bất phục ông chủ nên không muốn làm. Tục ngữ có câu: "Kẻ bần, trí đoản" - hạng bần tiện, trí khôn chỉ nghĩ đến những cái lợi trước mắt, những điều thiển cận, bo bo ích kỷ, không thấy được những điều cao xa hữu ích rộng lớn. Nó lười biếng, còn bất trung dám nghĩ xấu, nói đổ oan cho chủ là người keo kiệt, gặt nơi không gieo, thu nơi không vãi.
Dụ ngôn cho thấy ông chủ rất tốt đối với đầy tớ. Ông hoàn toàn lo giúp đầy tớ, tạo điều kiện cho đầy tớ làm giầu. Đầy tớ nào có thiện chí làm, ông cho cả vốn lẫn lời và thưởng nhiều đặc ân ngoài sức tưởng tượng của đầy tớ tốt, có thiện chí tận tâm tận lực làm việc. Đối với kẻ xấu, bất trung, bất hiếu không thể giúp nó làm được gì, nó còn phạm thượng. Ông đành phải lấy lại của đã cho nó. Ông buộc lòng mặc cho nó tự do lao đầu vào cảnh khốn khó tối tăm khóc lóc.
Mục đích của dụ ngôn không dậy thuật dùng người cho bằng, đánh giá trị con người: có thiện chí thì thưởng, có tội thì phạt.
Thiện chí ở đây không đánh giá con người bằng lời lãi tiền của như các ông chủ ngân hàng. Các ông chủ Ngân hàng Thế giới đánh giá trị một nước theo tổng sản lượng quốc nội trên đầu người (GDP), để xét xem dân tộc đó phát triển hay kém phát triển, văn minh hay mọi rợ.
Ông chủ trong dụ ngôn không thu lời mà còn cho cả vốn. Ông không cần tiền của. Ông không đánh giá người theo tiền của, ông đánh giá con người theo tốt xấu. Ai tốt ông thưởng đặc biệt. Ai xấu, ông loại bỏ.
Đây là Ông chủ nước Trời khác với mọi chủ trần gian. Chủ trần gian bắt đầy tớ, con nợ, phải trả vốn lẫn lời. Ông chủ nước Trời không những cho cả lời, cả vốn, cho địa vị sang trọng và hạnh phúc của ông. Chủ trần gian thưởng lớn cho kẻ tài cao, thưởng nhỏ cho kẻ tài hèn. Ông chủ nước Trời khen đồng đều cho kẻ tài cao, tài hèn miễn là có lòng tốt như nhau, thiện chí như nhau, trung thành như nhau. Sự đánh giá con người của ông chủ nước Trời tương tự như sự đánh giá bà nội trợ hoàn hảo của vua Massa. Ông đánh giá bà ở sự tin tưởng của chồng, ở sự lành bà làm, sự cần mẫn và việc bố thí kẻ nghèo, hướng dẫn kẻ bần cùng và lòng kính thờ Chúa. Ông không đánh giá bà ở giầu sang phú quý và con ăn đầy tớ đông đảo. Giá trị nhân đức của bà đáng giá hơn ngọc ngà châu báu (Bài I - Cách Ngôn 31, 10-20... 30-31).
Của cải của ông chủ nước Trời là tất cả trời đất muôn vật, là cả hồn xác chúng ta cùng với kho tàng ân sủng vinh quang, hạnh phúc muôn thuở. Ông trao tất cả cho chúng ta. Những ai thành tâm thiện chí, hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn thực thi ý chủ, thực thi thương người như chủ thương ta. Khi chủ đến tính sổ "bất cứ thời nào, lúc nào không cần biết, miễn là nếu anh em là con cái ánh sáng, con cái ban ngày, biết sống tỉnh thức và điều độ, mặc áo giáp đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ thì Thiên Chúa không dành án thịnh nộ cho chúng ta, nhưng cho chúng ta được hưởng ơn phúc cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".
"Lạy Chúa Trời con, con chúc tụng Ngài, Đấng răn bảo con. Tâm can con tỉ tê nhắc bảo lời Ngài thâu canh. Con đặt Ngài luôn luôn trước mặt, bởi thế lòng con hớn hở, dạ con vui mừng, thân xác con được an toàn, vì Ngài không thí mạng con cho âm phủ. Ngài không để kẻ thành tín phải thấy mồ chôn. Ngài sẽ cho con biết con đường sự sống trước tôn nhan Ngài, phúc lộc no đầy, nguồn vui thú bên Ngài muôn thuở" (Tv. 16)

Sách Phương Ngôn (còn gọi là sách Châm Ngôn) diễn tả hình ảnh một người vợ tài đức vẹn toàn. Nàng lo toan cần mẫn trong công việc cửa nhà rất chu đáo. Nàng yêu thương và chăm lo cho chồng con. Với lòng bác ái từ bi: Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó và giơ tay hướng dẫn người bần cùng (Pn 31, 20). Nàng quí giá hơn ngọc ngà châu báu muôn vàn. Nàng mang lại niềm an vui và hạnh phúc cho gia đình. Trong vai trò là vợ, là mẹ và là người phụ nữ, nàng lo liệu mọi việc trong nhà và ngoài xã hội một cách chăm chỉ. Đời sống nội tâm của nàng thể hiện một niềm tin mạnh mẽ trong sự kính sợ Thiên Chúa: Duyên dáng thì giả dối và nhan sắc thì hão huyền. Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng (Pn 31, 30). Nàng nhận diện giá trị đích thực của người phụ nữ không hệ tại ở nhan sắc chóng tàn phai, nhưng là cái tâm trinh trong vẹn tuyền. Nàng đáng được ca ngợi!
Bài phúc âm hôm nay kể cho chúng ta một dụ ngôn về kết qủa tính sổ của các đầy tớ. Câu truyện rất ý nghĩa, trước đi trẩy đi miền xa, ông chủ đã trao cho các đầy tớ những nén bạc để làm vốn sinh lời: Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi (Mt 25, 15). Trao nén bạc cho các đầy tớ xong, ông ra đi. Họ phải tự mình lo chu toàn bổn phận và trách nhiệm đã được trao. Người nhận nhiều, kẻ nhận ít. Ông chủ chỉ muốn mỗi đầy tớ hãy cố công lao động sinh lời từ số vốn liếng mà mình đã nhận được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để áp dụng cho mọi người ở mọi thời. Đã hai ngàn năm trôi qua, dụ ngôn tính sổ đời là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và tự vấn.
Ông chủ trao các nén bạc cho mỗi người đầy tớ tùy theo khả năng của họ. Ai trong chúng ta cũng đã lãnh nhận những nén bạc quí báu. Nén bạc là khả năng, thời giờ, của cải và tài đức. Ngoại trừ những người bị bệnh tật, khiếm khuyết, dị tật và bất thường, đa số chúng ta là những người bình thường có thể lao động sinh lời. Mỗi cá nhân đã nhận được biết bao nhiêu vốn liếng hồng ân. Thiên Chúa ban cho mỗi người một khả năng để chúng ta làm lời thêm cho gia đình, tha nhân và xã hội. Nhìn quanh, chúng ta đang được thừa hưởng nhiều thành qủa do công khó của biết bao người cống hiến. Họ đã hy sinh thời giờ, khả năng và sức lực để xây dựng một xã hội kỹ thuật văn minh giầu đẹp. Tự hỏi, mỗi người chúng ta đã đóng góp được gì vào kho tàng cuộc sống của xã hội và Giáo Hội? Hãy tận dụng những khả năng sẵn có để phục vụ anh em đồng loại.
Một chi tiết đáng chú ý: Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn dấu tiền của chủ mình (Mt 25, 18). Người đầy tớ lãnh một nén bạc đã đem chôn vùi. Có thể vì người đầy tớ này khinh thường, chê vốn ít, không kính phục và cũng có thể vì lười biếng hoặc muốn làm reo. Nại đến nhiều lý do không thích đáng để chôn dấu nén bạc của mình. Trong thế giới con người, một sự thật hiển nhiên là mỗi người có những khả năng chuyên môn khác nhau. Có những thiên tài trổi vượt trong một số các ngành nghề. Có nhiều người rất thông minh, giỏi giang lại còn giầu có và tốt lành.Có những người phải học hành và làm việc cực lực để đạt được những thành qủa giá trị. Có nhiều kẻ trí khôn trì độn, chậm chạp và kém cỏi, cần sự giúp đỡ. Khả năng thiên phú nơi mỗi người không đồng đều. Tạo Hóa không đòi hỏi mọi người phải sinh lợi bằng nhau. Điều quan trọng là, dù ít dù nhiều, mỗi người phải tận dụng khả năng mình có, để góp phần làm giầu cho đời sống chung. Ai lười biếng sẽ bị tước đoạt hết.
Lời kết của dụ ngôn rất chí lí: Vì người có, sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi (Mt 25, 29). Người có, lại được thêm dư dật. Người ta nói: Xởi lởi, trời lại ban cho. Kinh nghiệm ở đời cho chúng ta thấy rằng những người chí thú lo làm ăn, sớm hay muộn, họ cũng sẽ thành công. Nhờ có số vốn cộng thêm sự chăm chỉ làm việc, từ đó vốn mẹ đẻ ra vốn con. Bấy giờ, họ có, lại càng có thêm. Người có năm nén làm thêm được năm nén. Người có hai, làm lợi thêm hai nén khác. Ông chủ khen họ là những đầy tớ trung tín. Trung tín trong việc nhỏ, sẽ giao trách nhiệm công việc lớn hơn. Qua đó, khả năng càng được phát triển và giầu có thêm lên.
Truyện kể: Một nữ tu tuổi trung niên đã bước vào khu ổ chuột của một thành phố lớn ở Ấn Độ. Lúc đó, bà ta chỉ có hai đồng đôla trong ví. Bà không có thu nhập và cũng không có chỗ để trú thân. Tất cả cái bà có là niềm tin tưởng rằng Chúa đang mời gọi bà thực hiện một điều gì đó cho người nghèo ở khu vực này. Bà cảm nhận một cách chắc chắn rằng, nếu thực sự là lời mời gọi của Chúa, Chúa sẽ cung cấp tất cả những gì cần thiết. Bà ta chính là mẹ Têrêxa thành Calcutta. Ngày nay, Mẹ được biết đến và được kính trọng trên khắp thế giới. Mẹ đã dựng xây 80 trường học, 70 bệnh xá giúp người cùi, 30 nhà dành cho những người hấp hối và 40,000 cộng sự viên trên toàn thế giới. Mẹ khởi sự với mấy đồng lẻ chỉ tương đương với vài chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, nhưng mẹ đã sẵn sàng dâng hiến cho Chúa và rồi đã có cả ngàn ngàn người tiếp tục được nuôi dưỡng và chăm sóc. Thực thế, mẹ đã làm sinh lợi nhiều điều tốt lành cho Chúa và tha nhân. Chúng ta nhớ rằngsự quảng đại của Thiên Chúa vĩ đại gấp ngàn lần sự rộng rãi của chúng ta.
Mẹ Têrêxa Calcutta với dáng thon gầy nhỏ bé, nhưng đã có một trái tim vĩ đại. Mẹ có thể ôm vào lòng tất cả những người cùng khốn, bệnh nhân ghẻ lở hôi hám và cả người hấp hối bên lề đường. Mẹ nhìn họ như là hình ảnh của Chúa Kitô. Mẹ yêu thương, chăm sóc và ban tặng lại cho họ phẩm giá con người. Với một vốn liếng rất khiêm nhường, mẹ đã sinh lời gấp trăm gấp ngàn. Chúa đã thưởng công cho mẹ và thế giới đã tôn vinh danh mẹ. Chúng ta nhận thấy sự thành công của mẹ không tùy thuộc vào số vốn liếng nhiều hay ít, nhưng là trái tim biết yêu thương và tấm lòng từ bi rộng mở. Ai trong chúng ta cũng có một vố vốn, chỉ cần dám dấn thân đầu tư vào một công việc thiện nhỏ, chúng ta sẽ gặt hái được kết quả.
Trong tuần áp cuối của năm Phụng Vụ (A), thánh Phaolô nhắc nhớ mọi người về ngày giờ sau hết. Ngày đó, chúng ta phải chuẩn bị để tính sổ. Xét nhìn lại những những thành qủa mà chúng ta đã gặt hái được trên đường lữ thứ trần gian. Chúng ta cũng phải chấp nhận có những thất bại, thiếu xót và lầm lỗi. Vì gieo nhân nào, chúng ta sẽ được gặt qủa đó. Hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng trong sự tỉnh thức, vì ngày cùng sẽ tới vào lúc chẳng ai ngờ, Phaolô viết: Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa đến như kẻ trộm trong đêm tối (1Thess 5, 2). Chẳng có sự gì là yên ổn và an toàn tuyệt đối. Cuộc sống con người như sợi chỉ mành. Một cơn gió thoảng cũng có thể làm cho nó biến mất. Chúng ta không thể cậy dựa vào những sự an toàn bảo hiểm xã hội. Mọi sự cố có thể xảy đến bất cứ lúc nào: Khi người ta nói rằng: yên ổn và an toàn, thì chính lúc đó, tai họa thình lình giáng xuống trên họ… (1Thess 5, 3). Để tìm được sự bình an đích thực trong cuộc sống, chúng ta hãy chu toàn bổn phận hằng ngày và vui sống với cái mình đang có.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì muôn ân huệ Chúa đã thương ban. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi khả năng, thời giờ và nguồn phúc lộc Chúa trao ban, để làm sinh hoa kết qủa tốt cho đời sống của chúng con và cho đồng loại.

(Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)
Theo truyền thống tại các nước Cận Đông, khi một người giàu có trẩy đi xa, họ thường giao tài sản cho các đày tớ, ít hay nhiều, tùy theo khả năng của mỗi người.
Dụ ngôn trong Phúc Âm hôm nay kể lại người nhận được năm nén bạc biết ông chủ mong mình đầu tư để kiếm lời. Người nhận được hai nén, mặc dù ít hơn, cũng đầu tư để sinh lời. Theo tỉ lệ phần trăm, thì người đày tớ làm lời thêm hai nén, cũng thành công như người đày tớ sinh lời thêm năm nén. Cả hai người cùng cố gắng đầu tư để sinh lời cho những nén bạc của chủ, và do đó được ơn nghĩa với chủ.
Còn người đày tớ chôn vùi nén bạc của chủ có đủ khả năng để làm việc nhỏ được trao phó. Tuy nhiên anh ta đã để cho tính lười biếng và sợ hãi chi phối. Anh ta che đậy cái cớ không thích đáng của mình bằng cách trả lại tiền vốn nguyên vẹn, không lời cũng không lỗ. Và vì thiếu tinh thần trách nhiệm, anh ta đã bị cách chức, sa thải. Anh ta không nêu lý do tại sao lại chôn vùi nén bạc của chủ, mà chỉ trách chủ là người keo kiệt, hà khắc.
Câu hỏi ta cần đề cập đến hôm nay là mỗi người đã dùng của cải tài năng, ân huệ Chúa ban như thế nào? Mỗi người hãy nhìn vào chính mình để tìm ra cái khoảng cách giữa tài năng mình có và công việc mình hoàn thành. Khi mà người ta không chịu toại nguyện và thoả hiệp với chính mình, với những của cải, tài năng mình có, người ta sẽ sinh ra phàn nàn, kêu trách và hận Chúa. Cái thái độ đó sẽ khiến người ta khó lòng vượt ra khỏi mình, và sẽ tự làm khổ mình. Nó làm tắc nghẽn cái sức vươn lên của ta với Chúa. Khi mà ta dùng quá nhiều thời giờ phàn nàn về những cái ta không có, phàn nàn về số phận hẩm hiu, mắt ta sẽ bị che đậy, không nhìn thấy những điều may mắn, những ân huệ Chúa ban. Do đó tâm trí ta bị mây đen bao phủ. Vậy chỉ khi nào ta nhìn mình từ những điểm tích cực, chỉ khi nào ta tiếp nhận của Chúa ban, lớn cũng như nhỏ, với lòng biết ơn, ta mới nhìn thấy cái chiều sáng của cuộc đời.
Cũng như người chủ mong người đầy tớ dùng tiền của đã được trao phó để sinh lời, Thiên Chúa cũng mong ta dùng của cải tài năng về thể chất cũng như tinh thần và thiêng liêng để làm vinh danh Chúa. Chúa không đòi ta phải trả nhiều hơn là của cải đã được trao ban. Chúa chỉ đòi ta trách nhiệm về của cải tài năng đã được trao phó. Đọc Thánh kinh ta thấy Chúa thường nói những điều ngạc nhiên không ai nghĩ tới, đôi khi làm rối trí ngay cả các tông đồ thân tín. Câu kết luận của dụ ngôn hôm nay thoạt nghe xem ra có vẻ bất công: " Phàm ai có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng bị lấy đi". (Mt 25, 29)
Cái bài học mà Chúa muốn dạy ta trong dụ ngôn hôm nay là cái tầm quan trọng của việc đầu tư vào đời sống thiêng liên. Theo Thánh Phaolô thì mỗi người nhận được những ân huệ khác nhau của Chúa: người thì nhận được nhiều của cải vật chất, người nhận nhiều của cải tinh thần như có đầu óc thông minh sáng tạo. Có người giỏi về thể thao, âm nhạc. Có người có tư cách tốt đẹp về bản ngã, nhân vị. Người khác có đời sống nội tâm cao độ, có thể gợi cảm hứng thiêng liêng nơi người khác. Cái điều quan trọng là khám phá những của cải tài năng mình có và tìm cách phát triển để làm vinh danh Chúa và phục vụ nhân loại chữ không tự phụ khoe khoang. Như vậy mỗi người đều có số vốn để đầu tư: vốn về vật chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Mỗi người tùy theo khả năng, cơ hội, hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, được kêu gọi dùng những của cải, tài năng và ân huệ Chúa ban một cách khôn ngoan và với tinh thần trách nhiệm để làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ nhân loại.

Booker Washington là người Mỹ da đen vĩ đại nhất. Ông là nhà giáo dục, nhà cải cách và văn sĩ nổi tiếng. Lúc mới 16 tuổi, Booler Washington đã đi bộ gần 600 cây số từ căn nhà nô lệ của cậu tới học viện Hampton, bang Virginia. Các lớp học đều đông đủ rồi, nên cậu không được nhận vào học. Và cậu nhận một công việc tại trường là quét phòng, dọn giường và làm một số việc hèn hạ khác. Cậu đã làm mọi việc rất chu đáo, thành ra cậu kéo được sự chú ý thuận lợi của phân khoa, và họ đã cho cậu một căn phòng sinh viên. Cậu làm việc với phong cách riêng của mình suốt thời gian đi học cho tới khi trở thành một giáo viên nổi tiếng và về sau là người sáng lập Học viện Tuskegee ở Alabama. Một người đã có thời là nô lệ trở thành người lãnh đạo chủng tộc da đen. Ông qua đời năm 1915.
Đây là mẫu gương về điều mà Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: "Anh đã trung tín trong việc nhỏ, tôi sẽ sở cậy anh trong việc lớn". Nói cách khác, bạn hãy làm một công việc khéo léo với những điều nhỏ bé được chỉ định cho bạn, rồi những dịp thuận lợi lớn hơn, tốt hơn và phần thưởng sẽ được dành cho bạn.
Chúa Giêsu đang nói về Nước Trời, về những sự thiêng liêng, chỉ là chân lý hôm nay Ngài nói với chúng ta mà người trần tục phải chấp nhận, nghĩa là, bạn hãy cố gắng với những gì bạn có và cơ hội lớn hơn sẽ được cống hiến cho bạn. Điều đó chẳng phải luôn gây ấn tượng cho bạn là những qui luật, lời khuyên, những dấu chỉ dẫn mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta về phương diện thiêng liêng cũng áp dụng vào thế giới vật chất của chúng ta sao?
Những sự nhỏ bé cũng quan trọng. Xiết chặt những đai ốc ở bánh xe ô tô có thể cứu được một mạng sống, thu nhặt rác là việc cần thiết cho sức khỏe của một cộng đồng. Rửa chén bát giết được vi trùng. Dọn giường đẹp đẽ sẽ thêm tiện nghi cho người ngủ. Hãy làm những việc này và hàng trăm phận sự khác của đời sống hàng ngày một cách tốt đẹp, và bạn sẽ làm được những điều lớn lao hơn. Câu chuyện của Booker Washington là một bằng chứng về điều đó.
Chân lý này rất quan trọng trong thế giới thiêng liêng, đặc biệt hôm nay khi gia đình Chúa xin mọi người hành động, nghĩa là làm tất cả những gì bạn có thể để giúp đỡ gia đình Chúa. Một vài thí dụ như: những giáo dân là thợ điện, thợ mộc, hay làm bất cứ ngành nghề nào, dành dụm giúp đỡ các giáo xứ. Có nhiều người trồng bông để chưng cho bàn thờ. Còn nhiều giáo dân dâng hiến tài năng, thời gian và nghị lực góp phần giáo dục tôn giáo cho các thiếu nhi. Có những người giúp đỡ bằng việc thăm viếng người bệnh tật, gia nhập những nhóm cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa, những người đọc sách thánh, những ca viên gồm cả bạn, làm cho nghi lễ thêm sốt sắng, linh động. Đây chỉ là một vài cách mà giáo dân đang xử dụng những khả năng tài cán mà Thiên Chúa ban cho.
Hôm nay Chúa Giêsu nói với các bạn là những người đang nỗ lực làm một cái gì, dù nhỏ bé, để giúp người khác hiểu biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, bởi vì anh đã trung tín trong viễc nhỏ mọn, tôi sẽ sở cậy anh việc lớn, hãy vào hưởng sự vui mừng với chủ anh".
Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người đang phục vụ gia đình Chúa.

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Rõ ràng chủ đề của cả ba dụ ngôn Mátthêu kể trong chương 25 đều liên quan tới thời cánh chung khi mỗi người chúng ta phải giáp mặt với ‘Con Người đến trong vinh quang của Người’ (Mt 25,31). Thế nhưng nếu Con Người đó vẫn luôn mãi là Thiên Chúa của tình yêu và cứu độ, kể cả (hay đúng hơn nhất là) khi Người đến trong vinh quang của Người, và nếu thời cánh chung là cao điểm của Tin Mừng đầy vui mừng và hy vọng chứ không phải là cao điểm của sợ hãi âu lo, thì việc tôi phải khám phá ra ý nghĩa đích thực của ba câu chuyện dụ ngôn này, nhất là dụ ngôn những yến bạc, là điều cần thiết; nhất là khi Hội Thánh, trong các tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, đang muốn gởi tới tôi một thông điệp có tầm quan trọng lớn lao cho toàn thể đời sống Tin Mừng của tôi.
Câu chuyện những yến bạc gợi ta nhớ tới đoạn Tin Mừng Luca Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến nhiều (xem Lc 7,36-50), trong đó Đức Giêsu khảng định với một người Pha-ri-sêu có tên là Si-mon mời ngài dùng bữa tại nhà ông: “Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều… Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”.
Trước hết số yến bạc có là năm, hai, hay một (NB: dụ ngôn này trong Luca có chi tiết hơi khác, đó là mỗi đầy tớ nhận được một nén bạc như nhau, nhưng sau đó đã làm sinh lời khác nhau, xem Lc 19,11-27) mà các đầy tớ nhận được đều là của cải ông chủ giao phó cho cả. Vậy thì, của cải đích thực Thiên Chúa tình yêu và cứu độ giao phó cho tôi là gì? Đấng Tạo Hóa đương nhiên là giao cho tôi sự sống, trí tuệ, năng khiếu… và nhiều điều khác nữa; thế nhưng Kitô hữu chúng ta còn biết: Thiên Chúa cứu độ trao ban cho chúng ta một thứ còn quí báu và vĩ đại hơn nhiều đó là tình yêu tha thứ, và nén bạc này thì mọi người ai cũng nhận được hết. Chính Đức Giêsu Kitô đã dùng cả cuộc đời Người để minh chứng điều này: kho báu quý giá nhất mà Kitô hữu tìm thấy chính là ‘ơn cứu độ’ Chúa ban. Mỗi Kitô hữu chúng ta đều tự biết mình đã nhận được số yến bạc tha thứ của Ông Chủ là bao nhiêu; từ ngày rửa tội và trong suốt năm tháng cuộc đời, kẻ năm, người hai… tùy theo nhận định riêng. Tuy nhiên vẫn có những kẻ cho rằng mình chỉ nhận được có một ít ỏi. Trong câu chuyện dụ ngôn, hai người trước biết mình nhận được một số yến bạc nào đó, đã làm sinh lợi ra nhiều yến bạc khác; “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm (hai) yến, tôi đã gây lời được năm (hai) yến khác đây”, còn người thứ ba, vì cho rằng mình nhận được quá ít nên đào lỗ chôn giấu. Đúng là “người được tha nhiều thì yêu nhiều hơn, còn ai được tha ít (đúng hơn cho là mình được tha ít) thì yêu mến ít” (Lc 7,43.47). Thái độ và lời hỗn xược của người thứ ba này càng làm ta phải suy nghĩ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi… Vì thế tôi đâm sợ…” Đúng là nếu có kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa thương xót cứu độ thứ tha, thì cũng có không ít người suy nghĩ ngược lại, họ cho rằng Thiên Chúa quá đòi hỏi và nghiêm khắc. Rất có thể người tội lỗi hơn lại dễ nhận ra mình được tha nhiều và do đó yêu nhiều, trong khi lắm kẻ đạo đức thánh thiện hơn lại cho rằng mình được tha ít (hay đúng hơn ít cần được tha) nên yêu mến ít hơn, và đôi khi còn sống trong sợ hãi. Đức Giêsu đã lặp đi lặp lại ý kiến này nhiều lần tới độ một số kinh sư và các Biệt Phái cảm thấy bực tức khó chịu, phải chăng chỉ vì họ cảm thấy mình đã quá tốt qua việc trung thành giữ đạo để mà không cần gì tới lòng nhân lành tha thứ của Thiên Chúa (xem Ga 9).
Như thế tới ngày chung thẩm, khi ra trước Con Người của tình yêu và cứu độ, điều quan trọng hơn cả sẽ là: tôi nhận ra mình đã được Ông Chủ tha thứ bao nhiêu, để rồi tôi yêu lại bấy nhiêu. Lúc đó lời phán quyết của Ông Chủ sẽ là “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”. Sẽ không có khác biệt giữa năm hay hai, quan trọng là đã nhận ra mình được tha nhiều để đáng vào hưởng tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Cũng vậy, vào ngày đó điều bất hạnh lớn nhất chính là cảm thấy mình được tha quá ít; và vì nhận thức hẹp hòi này mà tôi vẫn coi Con Người quang lâm chỉ là một ông chủ đòi hỏi và keo kiệt, một thẩm phán công thẳng và xét nét. Thái độ của đầy tớ ra trước mặt Ông Chủ sẽ chỉ vỏn vẹn là mình đã giữ luật sòng phẳng, đã trong sạch và không phạm tội… “đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” để rồi phải nghe phán quyết nghiêm thẳng của Con Người quang lâm: hãy rút lại lòng thương xót đã trao, và sử với nó theo đúng luật công bằng: “hãy lấy yến bạc khỏi tay nó… quang ra chỗ tối tăm bên ngoài”, đời đời sẽ “khóc lóc nghiến răng’, vì sẽ không còn tha thứ và cứu độ nữa đối với hạng người như thế.
Kitô hữu sẽ là những người ngày cánh chung “đứng thẳng và ngẩng đầu lên!” (Lc 21,28), không phải vì họ đã thánh thiện và đạo đức hơn nhiều người khác, hoặc vì thấy chẳng có chi phải sợ Ông Chủ vì mình đâu có phạm tội lỗi gì quá đáng, nhưng chỉ vì “anh em sắp được cứu chuộc”. Họ vui mừng và hy vọng vì đã từng nghiệm thấy trong suốt đời Kitô hữu của mình lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Tội lỗi đã từng phạm không hề làm họ sợ hãi, vì hơn lúc nào hết, họ biết mình đã được tha nhiều nên yêu nhiều, và họ yên lòng ‘ngẩng đầu’ tiến đến trước mặt ‘Ngài Quan Án’ từ nhân, giầu lòng thương xót, và hay thứ tha.
Lạy Thiên Chúa của lòng nhân ái, con đã từng hãi sợ cái chết và sự phán xét chỉ vì cứ tối mặt nhìn vào tội lỗi con đã phạm. Con biết thái độ đó đối với Tin Mừng là cả một sai lầm lớn lắm! Xin cho con biết luôn ‘đứng thẳng và ngẩng đầu lên’ với niềm xác tín: con đã từng được tha thứ rất nhiều trong đời, và vì thế không có gì phải sợ hãi giáp mặt Đấng con sẽ yêu nhiều hơn. Trong những ngày cuối năm phung vụ này, xin cho niềm hy vọng và mừng vui tràn ngập tâm hồn con cũng như mọi anh chị em tín hữu, vì chúng con đã nếm cảm được tình Chúa xót thương. Amen.

Phải sợ Thiên Chúa nếu không phải là Thiên Chúa. Nhưng có sự sợ hãi tốt và có sự sợ hãi không tốt. Dụ ngôn ngày hôm nay là một bài học nói về hai nỗi sự hãi này. Điều cốt yếu nằm ở trong cuộc đối thoại giữa người chủ với người đầy tớ thứ ba, tức người tỏ ra sợ hãi.
- Thưa ông chủ, tôi biết ông chủ và tôi sợ ông. Tôi đã đem đi giấu dưới đất cái mà ông đã giao cho tôi.
- A! Ngươi biết ta sao?
Điều bi đát chính là việc người đầy tớ biết sai về ông chủ của mình. Cho nên một số tín hữu nghĩ rằng Thiên Chúa là vị quan toà tỉ mỉ và khó tính mà nhất thiết người ta đừng gây sự với Ngài. Người đầy tớ xấu nghĩ tốt hơn cả là sinh sự với Ngài càng ít càng tốt và làm hết cách để tránh những phiền toái.
Đó là sự sợ hãi xấu. Nó vô hiệu hoá, nó làm cho mình sống một cách tiêu cực: nếu tôi nói điều này, nếu tôi nói điều kia, điều gì sẽ xẩy đến cho tôi? Chúng ta ẩn mình trong những điều chắc chắn: điều gì có tính cách bó buộc?
Nhưng chúng ta đã chẳng nhận lãnh đức tin để sống tối đa hay sao? Sống hết sức tích cực. Chúng ta chẳng có Tin Mừng để thấm nhiễm Tin Mừng vào trong các tư tưởng, các hành vi của chúng ta và biết điều gì làm Thiên Chúa vui lòng hay sao? Chúng ta chẳng có các bí tích để mạnh mẽ đương đầu với cuộc sống hay sao? Tất cả những điều đó đôi khi im lìm như một kho tàng bị che giấu. Chúng ta không dám mạo hiểm, sự thực hiện các sáng kiến, những dấn thân có đôi chút tàn bạo. Nếu tôi mất đức tin vào đó thì sao? Nếu tôi để cho nhà của tôi bị xâm nhập thì sao? Nếu tôi không còn tìm ra thì giờ để cầu nguyện thì sao? Nếu tôi không có trong tay đủ tiền bạc thì sao? Và nếu ông chủ xét đoán tôi thì sao?
Còn biết bao nhiêu chữ nếu nữa... Cẩn trọng là tốt, nhưng không thoải mái. Càng đưa ra những giả thiết như thế, điều mà chúng ta gọi là cẩn trọng chỉ còn là sự sợ hãi mà thôi. Như thế thì cuộc sống Kitô hữu không nói gì về Chúa Kitô cả! Những người Kitô hữu ở trong một toà nhà, đi làm việc, đức tin của họ không lan truyền, không gây ngạc nhiên, không thu hút, thì đức tin đó đóng kén trong sự chờ đợi đầy sợ hãi và tầm thường. Văn hào Soljenitsyne nói “Tất cả chúng ta bị mê hoặc chờ đợi điều gì đó đến riêng rẽ; không, không có gì đén riêng rẽ cả”.
Các thánh không chờ đợi, các ngài nhận biết Thiên Chúa, cá ngài biết yêu thương nhau, và cái nhìn vào Chúa biến các ngài thành những nhà hoạt động và táo bạo. Các thánh cũng sợ, nhưng đó là sự sợ hãi đáng ca ngợi! Sợ được yêu thương đến độ đó và không yêu thương cho đủ. Nỗi sợ của thánh Vincentê Phaolô: “Ngài có thể làm gì hơn nữa? Người ta hỏi Ngài. –Nhiều hơn thế nữa”.
Nhiều hơn thế nữa. Đó là điều mà ông chủ chờ đợi nơi người đầy tớ sợ hãi, chứ không phải là điều tối thiểu! Chúng ta được trao ban một cuộc sống chứ không phải hai để sống Tin Mừng thực sự, để chứng tỏ rằng Thiên Chúa hiện hữu, rằng Ngài muốn chúng ta tin tưởng, hoạt động.
Ông chủ nói: “Khi trở về, tôi muốn thu lại tiền của tôi cùng với số tiền lời”. Vào cuối cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa sẽ nhìn xem điều gì đã phát sinh từ sự sáng tạo và tình yêu trong cuộc sống mà Ngài đã giao phó cho chúng ta. Nỗi sợ duy nhất của người Kitô hữu chính là không làm cho vốn liếng năm tháng của chúng ta sinh hoa kết quả cho đủ.

Có những người trời ban cho khả năng không những đã khéo tay, khéo ăn lại khéo nói và thông minh, hầu như giao cho việc gì cũng có khả năng hoàn thành một cách tốt đẹp. Chúng ta cảm tạ Chúa cho những người đó. Hầu hết trong chúng ta chỉ giỏi trên một vài phương diện và chúng ta cảm tạ Chúa cho những tài năng Chúa ban. Đại đa số may mắn nhận ra thiên phú ngay từ nhỏ và phát triển chúng tới mức tối đa. Một ít vì lí do nào đó không nhận ra tài năng lúc nhỏ mà phải đợi đến lúc lớn, nhờ cơ may nào đó mới nhận ra thiên phú riêng. Dù không nhận ra lúc nhỏ nhưng trong tâm họ luôn có khuynh hướng thúc dục một cách không rõ ràng phát triển tài năng. Chính vì thúc dục nhẹ nhàng mà người đó không nhận ra tài năng lúc còn nhỏ. Đáng tiếc.
Phúc âm hôm nay cho thấy Thiên Chúa ban tài năng cho mỗi người khác biệt, kẻ ít người nhiều. Kẻ mười nén, người năm, kẻ ba, kẻ khác chỉ có một. Tài năng Chúa ban và thành quả gặt hái tài năng đó không nhất thiết phải căn bằng. Điều cần thiết phải làm là đừng lạm dụng tài năng vì đó là một lỗi lớn với Đấng ban tặng. Lạm dụng tài nằng bằng nhiều cách. Một trong những cách lạm dụng tài năng dụ ngôn hôm nay nhắc đến là chôn dấu tài năng, không phát triển nó. Không phát triển tài năng vì không quí món quà được trao tặng. Coi thường quà tặng chính là coi thường người tặng quà.
Người tặng quà đây chính là Thiên Chúa. Đức Kitô nói rõ người nhận một nén bạc kết án ông chủ trước khi ông chủ kết án anh ta bằng chính lời của anh.
Tôi nghe nói ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo thu chỗ không vãi nên tôi sợ và đem chôn tài năng ông ban, của ông xin trả lại ông (Mt. 24,25).
Không phải chủ coi thường anh mà chính anh coi thường chủ. Coi thường quà tặng Chúa ban, không phát triển nó cho thấy anh sống cuộc đời buồn nản. Anh sống trong sợ hãi, sợ chủ. Sợ không phải do kinh nghiệm làm việc cho chủ mà sợ do nghe người ta nói về chủ. Điều này cho thấy anh ta không tin chủ mình nhưng lại tin vào đám thân hữu nói về chủ mình. Nói cách khác anh không tin mình, không tin chủ mình nhưng lại tin người ngoài.
Anh sai lầm ở chỗ không dùng kinh nghiệm riêng của mình khi tiếp xúc với chủ mà chỉ nghe thiên hạ nói về chủ rồi có định kiến về chủ. Bao nhiêu lần chúng ta bị ảnh hưởng bởi í kiến người khác lèo lái cuộc đời, lung lạc í kiến, thay đổi chủ í của mình. Lắng nghe í kiến của người khác là điều tốt nhưng cần tỉnh thức khi lắng nghe. Mù quáng trong lắng nghe là điều cần tránh, bởi thiếu tỉnh thức dễ bị dẫn đi lạc đường và chính mình chịu thiệt thòi.
Dụ ngôn hôm nay không nhắc đến việc lạm dụng bằng cách bóc lột, đàn áp người khác. Giúp đỡ một trong những anh em bé mọn là giúp chính Đức Kitô vậy đàn áp, áp bức một trong những kẻ bé mọn cũng chính là đàn áp Đức Kitô.
Thiên Chúa là Đấng ban tài năng cho mỗi người trong chúng ta vậy khi ghen tài người khác chính là một cách nào đó lên án Thiên Chúa đối xử không công bằng, tại sao cho người này nhiều mà cho mình ít hơn. Điều rõ ràng quà tặng và trách nhiệm đi kèm. Nhiều tài năng trách nhiệm nặng hơn. Ghen tị chính là nhìn hạn hẹp bên ngoài mà không thấu chiều sâu của vấn đề tài năng- Thuyền to thì sóng cả. Tài nhiều, trách nhiệm nặng nề hơn, cuộc sống nhiều căng thẳng hơn và tất nhiên cuộc sống vất vả hơn và trách nhiệm cũng khó hoàn thành hơn.
Trách nhiệm chính của quà tặng chính là phát triển món quà đó sao mang lợi ích lại cho chính mình và cho tha nhân. Trách nhiệm thứ hai của quà tặng là chia sẻ những gì mình thu lợi được cho người khác, làm cho cuộc sống họ thoải mái hơn. Kết quả của việc chia sẻ tài năng làm cho tài năng phát triển hơn và cũng nhờ vào việc phát triển và chia sẻ đó mà cuộc đời thấy í nghĩa hơn, đáng sống hơn và tất nhiên cuộc sống cũng có nhiều niềm vui thật hơn.
Chủ không lợi lộc gì khi chúng ta phát triển tài năng. Người hưởng hoa trái đầu tiên là chính chúng ta, sau đó là đồng loại và chính điều này hoàn thành ước nguyện của Đức Kitô đó là chăm sóc cho tha nhân như chính mình…

Tổ chức và các cơ cấu kinh tế thời nay rất khác với thời xưa. Các hoạt động kinh tế ngày nay rất bao quát, phức tạp và chồng chéo nhau. Sự biến đổi liên tục của thị trường chứng khoán là một ví dụ. Tuy nhiên những nguyên tắc kinh tế căn bản thì không thay đổi, thời nào cũng vậy. Thời nào thì hoạt động kinh tế cũng nhằm bỏ vốn để sinh lời. Vốn đầu tư càng nhiều thì lợi càng lớn. Đầu tư càng dài hạn thì càng thu hút được nhiều lợi.
Trong dụ ngôn các nén bạc Chúa Giêsu cũng mượn các qui luật kinh tế để nói về cách sử dụng và khai thác cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta một số bạc, nhiều ít tùy người. Hết mọi người phải dùng số bạc đó để sinh lời. Và lời phải tương xứng với số vốn mình đã nhận được
Vốn Chúa trao cho chúng ta sinh lãi là những gì?
Trước hết là chính sự sống, là chính cuộc đời chúng ta. Là những ngày tháng chúng ta được sống. Đó là số vốn ban đầu, là vốn căn bản. Vậy chúng ta phải sử dụng vốn đó như thế nào? Chúng ta có mặt trong cuộc đời không phải chỉ để sống cho qua ngày, nhưng còn để sống thế nào cho thật hữu ích và phong phú. Vì cuộc đời chúng ta trước sau rồi cũng qua đi. Chỉ những gì thật hữu ích chúng ta đã cố gắng làm mới sẽ còn mãi.
Vốn thứ hai, rất quí giá, được ban thêm vào vốn thứ nhất là đời sống mới trong Chúa Kitô, mà ta thường gọi là ơn làm con Thiên Chúa, ơn tái sinh, hoặc ơn cứu độ. Vốn này có tính quyết định: được thua, còn mất, sống chết là tại nó. Cuộc đời ta có nghĩa lý gì nếu không nhờ nó mà ta đạt tới ơn cứu độ. Ơn cứu độ chính là sự thành tựu chung cuộc của cuộc đời.
Cùng với ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho ta đủ mọi phương thế để thực hiện ơn ấy. Đây là loại vốn thư ba. Tất cả mọi ơn Thiên Chúa ban suốt đời ta đểu trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm giúp ta sống xứng đáng cuộc đời trần thế và đạt tới cuộc sông vĩnh cửu.
Mỗi ngày, trong mỗi việc, mỗi bổn phận, mỗi khó khăn, mỗi cố gắng, đều có ơn Chúa kèm theo. Có thể nói: Vì phần rỗi của chúng ta, Thiên Chúa đầu tư đúng mức và còn quá mức cần thiết.
Vấn đề được đặt ra là chúng ta đã sử dụng những vốn đó như thế nào. Có thể chúng ta đã hành động như người lãnh một nén bạc rồi đem chôn dưới đất hơn là như người lãnh mười nén bạc rồi sinh lợi được mười nén khác.
Trước hết đối với ngày tháng của chúng ta. Nhiều lúc chúng ta than tiếc đời chúng ta quá ngắn, nhưng nhiều khi lại phung phí thời giờ như thế nó vô tận, muốn sống bao lâu cũng được. Nếu chia ngày tháng chúng ta làm ba loại tùy theo cách sử dụng: có ích - vô ích - có hại... thì có lẽ hai loại vô ích và có hại chiếm phần lớn cuộc đời. Chăng hạn một người sống bảy mươi năm có thể dùng đến hơn sáu mươi năm đời mình vào những việc vô ích hoặc có hại. Nhìn chung cuộc đời như vậy thì thật khủng khiếp.
Thời giờ không phải chỉ là tiền, như những nhà kinh tế nghĩ, nhưng còn là ơn cứu độ, theo cái nhìn đức tin. Thời giờ là vốn quý để tăng trưởng, nhưng nếu thời giờ bị phung phí thì làm cho đời ta nghèo đi thay vì làm giàu thêm.
Đối với những ơn ta nhận được mỗi ngày cũng phải tính toán xem lời lỗ thế nào.
Mỗi ngày có đưa ta đến gần Chúa hạơn không, có giúp ta sống thánh thiện hơn không? Câu nói quen thuộc "càng thêm tuổi càng thêm nhân đức thật giản dị và thật hay. Nhưng sự thật có như vậy không? Đó là một lý tưởng mà không dễ gì có thể đạt tới.
Về cuối cuộc đời, chúng ta có thuộc về Chúa, sống với Chúa, sống cho Chúa nhiều hơn khi còn ở đầu đời không? Nếu không thì, về mặt đức tin, đó là một thất bại không sao có thể gỡ lại. Còn nếu có thì cuộc đời chúng ta sẽ là một thành công mà mọi thất bại khác, nếu có, thì cũng chẳng quan trọng bao nhiêu. Bởi vì vốn đã sinh lời và sinh thật nhiều lời: mười nén bạc đã sinh mười nén khác. Thành công này có tính quyết định. Mọi thất bại khác, dầu lớn đến đâu, cũng không thế làm thay đổi giá trị của nó.

Hẳn rằng chúng ta đã hiểu được ý nghĩa dụ ngôn về những nén bạc: Ông chủ là Thiên Chúa, nén bạc là những tài năng Ngài đã trao ban. Lúc ông chủ trở về và tính sổ là lúc Thiên Chúa phán xét và chúng ta phải trả lẽ về những khả năng đã sử dụng. Trước tôn nhan Chúa, thì giàu sang hay nghèo hèn, già cả hay trẻ thơ, tất cả đều không mấy quan trọng. Điều cần thiết đó chính là sự cộng tác của chúng ta với ơn Chúa, chính là sự cố gắng của chúng ta để sử dụng và sinh lời từ những nén bạc Chúa đã trao gửi. Vậy sự cố gắng sẽ đem lại những hậu quả nào cho chúng ta?
Trước hết, sự cố gắng sẽ đem lại những thành công về phương diện vật chất. Thực vậy, như chúng ta thường nói:
- Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
- Năng nhặt thì chặt bị.
- Nước chảy đá mòn.
- Có công mài sắt có ngày nên kim.
Những thành công trên đường đời chỉ dành cho những người biết cố gắng mà thôi. Một con chuột nhắt cứ cắn mãi cắn hòai cũng có ngày làm đứt sợi dây thừng. Từng nhát búa bổ dần cũng có ngày đốn gẫy cây cổ thụ. Từng giọt nước nhỏ dần cũng có ngày chọc thủng phiến đá. Chính vì thế, tương lai được hứa hẹn không phải cho những kẻ thông minh tài trí, nhưng cho những người biết hành động hơn, biết chăm chỉ hơn, biết cố gắng hơn, như tục ngữ đã nói:
- Có làm thì mới có ăn,
Không dưng ai dễ mang phần đến cho.
Tiếp đến, sự cố gắng sẽ đem lại những thành công về phương diện tinh thần. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy muốn trở nên một người tài giỏi thì phải chăm chỉ học hành. Khi tìm hiểu về những thiên tài trong lịch sử, người ta đã ghi nhận chỉ có 5% là do khả năng trời ban cho, còn lại 95% là do sức cố gắng. Chính vì thế, người Trung Hoa đã nói: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý. Viên ngọc mà không dũa không mài thì không thể trở thành đồ trang sức quí giá. Con người cũng vậy, nếu không chịu khó học hành thì không thể nào biết được lý lẽ mà cư xử. Thực vậy:
- Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,
Cũng thành vô dũng, cũng hoài ngọc đi.
Kinh nghiệm cũng cho thấy: thay đổi được một thói hư, xóa bỏ được một tật xấu là điều rất khó và đòi hỏi nhiều cố gắng.
Một ông bố quyết định từ bỏ rượu chè bằng cách mỗi lần ngồi vào bàn cơm, ông ta đều nhỏ một giọt nến vào chiếc ly uống rượu. Cứ thế, cứ thế cho tới khi chiếc ly đầy nến và ông ta chừa bỏ được tật nghiện rượu của mình.
Đời sống là một cuộc giao tranh khiến chúng ta phải cố gắng và chiến đấu không ngừng. Sống trong cuộc đời, chúng ta như người bơi ngược dòng nước, nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Đứng trước những thói hư tật xấu, nếu chúng ta không cố gắng chống trả, thì rồi chúng ta sẽ bị nhận chìm trong tội lỗi lúc nào cũng chẳng hay.
Sau cùng, trong phạm vi thiêng liêng, mặc dù Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, nhưng không phải là đã xong xuôi, trái lại chúng ta còn phải tiếp tục cộng tác với Ngài và ra sức chiến đấu không ngừng. Vì thế, thánh Augustinô đã nói:
- Khi tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta. Tuy nhiên, để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài, bởi vì chính Ngài cũng không thể cứu chuộc chúng ta, nếu như chúng ta không muốn.
Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu. Lời nói này có nghĩa là trong mọi trường hợp, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải cố gắng và cố gắng không ngừng. Trong ngày sau hết, Thiên Chúa không hỏi chúng ta đã làm được những gì, trái lại Ngài muốn biết chúng ta đã chiến đấu như thế nào, có sinh lời cho Chúa từ những nén bạc Ngài đã trao gửi hay không?

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Câu chuyện do Chúa Giêsu đặt ra về việc sử dụng các nén bạc là một dụ ngôn tiêu biểu chứ không phải là một ẩn dụ. Dụ ngôn là một so sánh toàn thể, cụ thể và đầy hình ảnh, cố ý giúp người ta hiểu một điều giảng dạy. Không nên xét quá kỹ về mỗi chi tiết, nhưng phải tìm bài học toát ra từ toàn thể, ẩn dụ là một số hình ảnh (sắp đặt thành một câu chuyện hy có khi không sắp đặt) nối tiếp nhau, mỗi một yếu tố đều tương ứng với các chi tiết của ý tưởng muốn diễn tả. Dụ ngôn các nén bạc đòi hỏi một cách hiểu toàn thể để rút ra một bài học lớn. Không nên cắt nghĩa chi tiết để rút ra các kết luận nhỏ; bài học lớn mà Chúa Giêsu muốn trình bày như sau: người môn đệ phải bày tỏ lòng trung thành tích cực phục vụ Thiên Chúa, ngược với sự thụ động lười biếng đồng nghĩa với bất trung, Người Kitô hữu chân chính sống cả đời trong sự trông đợi tích cực và có trách nhiệm. Việc so sánh ông chủ hà khắc đối với người làm có thể làm cho cảm xúc Kitô giáo của chúng ta thấy khó chịu. Chỉ cần nhớ lại Chúa Giêsu dùng các điều thấy trong lối sống thời Ngài mà so sánh; Ngài không nói nó xấu hay tốt, Ngài chỉ dùng như những sự kiện thấy được để rút ra những bài học. Trong trường hợp này, Ngài đặt ra một câu chuyện có thể tin được theo lối sống và tập tục thời ấy và qua đó Ngài rút ra một giáo huấn. Chúa nhấn mạnh ở điểm nào?
1) Ở sự nhanh nhẹn của các tôi tớ tốt. Họ ra đi ngay làm lợi số vốn được trao phó. Không những số tiền trao cho họ khiến nảy sinh ý thức trách nhiệm, nhưng tức thì gây nên ý muốn hành động. Hơn nữa họ không sợ phiền hà. Người tôi tớ thứ nhất và thứ hai ra đi và làm số vốn lợi gấp đôi. Việc phục vụ Thiên Chúa đòi hỏi người ta không được an thân trong sự bảo đảm của cái đã có. Không có gì là thực sự nắm chắc. Người ta chỉ duy trì được cái đang có bằng cách gia tăng nó lên. Cuộc sống siêu nhiên ở tron thế động. Không ngơi nghỉ, không khép mình ở một mức tưởng đã đạt tới. Vì là một cuộc sống, nó đòi hỏi phải tăng trưởng mà không mất đi những gì nuôi dưỡng nó. Nhanh nhẹn là ở chỗ không mất thì giờ trong những điều khởi sự và không thối chí cố gắng liên tục.
2) Chúa nhấn mạnh về nguy hiểm của sự lười biếng tinh thần. Nó bị kết án thực sự: Người tôi tớ lười biếng không làm mất nén bạc được trao phó, anh ta trả lại cho ông chủ nhưng anh ta phạm lỗi lười biếng không chịu hoạt động. Có một thái độ lười biếng tinh thần cứ nghĩ Thiên Chúa không khó tính và chúng ta ra sao Người sẽ chấp nhận như vậy, miễn là chúng ta làm cho Người một vài điều tối thiểu. Như thế là xét sai vấn đề. Thiên Chúa để cho chúng ta chịu trách nhiệm về những gì cuộc sống chúng ta đã làm hay không làm được. Không tiến bộ trong đức tin- đức mến, trong hoạt động (nếu ơn gọi chúng ta hoạt động) bị xét xử như một tội bất trung. Điều chính không phải làm ra được nhiều. Thiên Chúa ban cho mỗi người tùy theo khả năng khác nhau, Ngài cũng chờ đợi những thành quả khác nhau. Người đã nhận nhiều, sẽ phải trả nhiều hơn kẻ nhận ít. Nhưng cả hai phải tích cực phát triển những ân huệ Chúa đã giao phó.
Một câu hỏi cuối. Tại sao Thiên Chúa là Đấng có tình thương cứu độ vô biên và nhưng không lại đòi hỏi con người đáp ứng tích cực? Vì Ngài không muốn cứu con người mà không có phần đóng góp của con người. Ngài đã tạo con người có tự do, Ngài muốn con người có trách nhiệm. Đó chẳng phải là yêu sách tiên quyết của một tương quan yêu thương sao?

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Chỉ còn vài giây trong một trận bóng đá, trọng tài đã chạy theo banh vào giữa vùng sân nơi có đội banh cuối cùng sẽ bị loại, họ đã đá một trận ra trò để tới gôn bên kia. Người tiền vệ đã thay đổi lối chơi đá một quả vào vùng cuối sân nhưng bóng bị chận lại, họ đã mất một cơ hội để chiến thắng. Một vị giáo sư trong lớp lịch sử đã buộc học sinh phải làm một bài với một trang giấy không quá năm ngàn từ. Một sinh viên đã quyết định viết một ngàn từ thế là mất điểm và anh ta bị điểm kém.
Điều tốt hơn là làm những gì đúng hơn là làm những gì chúng ta muốn. Từ bài Phúc âm ngày hôm nay chúng ta có thể học được rằng, sẽ muốn làm những gì là công chính trong mắt của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không muốn làm những điều lớn lao vì Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ muốn làm bất cứ điều gì mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm. Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta sẽ trở thành một người lớn lao trong Giáo hội, được phong thánh trong một thời gian ngắn, sau khi chúng ta chết, được tôn kính bởi toàn thể những người công giáo trên khắp thế giới, đó là giống như người mà Phúc Âm nói đến, người đã được trao cho năm nén bạc.
Mặt khác, có lẽ đời sống chúng ta không có gì đặc biệt. Đó là những dáng vẻ xuất hiện bên ngoài, chúng ta cũng nhỏ bé chẳng khác gì dân chúng sống chung quanh chúng ta, chúng ta làm việc với những người khác, chúng ta cũng xếp hàng tại các siêu thị. Điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng sống theo ý muốn của Thiên Chúa, để tôn kính và hoàn tất ơn gọi của chúng ta trong từng chi tiết của đời sống, muốn trung thành sốt sắng trong tôn giáo của mình. Chúng ta giống như những người trong Phúc âm đã được trao cho không phải là năm nén, nhưng chỉ là hai nén.
Một người phụ nữ mà đời sống của bà không có gì đặc biệt, bà giống như nhân vật trong bài đọc I của ngày hôm nay, một người vợ giá trị sẽ không bao giờ được xuất hiện trên TV trong sô diễn “60 phút”. Người đàn ông có thể là một người chồng trung thành, tin tưởng trao phó trái tim của anh cho vợ mình, nhưng sẽ không bao giờ xuất hiện trong tạp chí “Dân chúng”. Có phải điều đó sẽ không thành vấn đề, bao lâu những người này biết họ được Thiên Chúa yêu mến và thân mật với họ? Theo Phúc âm, Thiên Chúa hài lòng với người tôi tớ có hai nén, vì anh ta đã là lợi được hai nén khác giống như người có năm nén đã làm lợi năm nén khác.
Điểm sai lạc là sống giống như một người trong Phúc âm, người nhận được một nén và đã chôn nó vào đất. Anh ta biện minh rằng anh ta sợ chủ của mình. Sợ hãi đã ngăn chặn anh ta làm bất cứ điều gì, hoặc không làm bất cứ điều gì, mặc dù anh ta là một người khó khăn. Chúng ta có thể phỏng đoán ông chủ là một người khoan dung cho những người thất bại, nhưng ông không thể nào kiên nhẫn với sự kiện là người tôi tớ không nỗ lực làm việc.
Người chủ hiển nhiên là không cần những nén bạc. Cuối cùng ông cũng cho họ, những người làm lợi năm nén hay người làm lợi hai nén. Sự thật là Thiên Chúa không cần chúng ta. Ngài có thể thực hiện ý muốn của Ngài trong tích tắc, nếu Ngài muốn điều ấy. Vì Thiên Chúa chọn và muốn cho chúng ta ân sủng của Ngài. Chúng ta phải hiểu rằng mọi thứ là ân sủng đến từ Thiên Chúa: đời sống của chúng ta, gia đình, đức tin, tài năng, ngay cả những khao khát và yêu mến phục vụ Thiên Chúa của chúng ta nữa. Mọi sự là đặc ân, nhưng chúng là một đặc ân được nhìn theo ý muốn của Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài, vì sự lợi ích cho dân của Người.
Thật sự trong một ý nghĩa chúng ta được gọi để làm một điều lớn lao cho Thiên Chúa bởi vì bất cứ khi nào chúng ta làm bất cứ điều gì theo ý muốn của Thiên Chúa thì không có vấn đề nào là nhỏ hoặc là tầm thường, nếu nó xuất hiện trước mặt con người là như thế, nhưng thật ra đó là một điều rất lớn lao.

Ngày xưa, triết gia Platô (427–347 BC, trước công nguyên) người Hy Lạp đã đưa ra một thí dụ điển hình giúp chúng ta kiến tạo những điều ưu tiên trong cuộc đời. Hãy tưởng tượng cuộc đời như một hình tam giác lớn; xếp đặt tất cả những điều coi là quan trọng dọc theo cạnh đáy của hình tam giác. Rồi bắt đầu di chuyển những điều ưu tiên hơn lên trên. Khi chúng ta di chuyển chúng lên trên như vậy, cạnh đáy của hình tam giác càng thu hẹp nhỏ lại để đưa những điều quan trọng hơn lên trên đỉnh của hình tam giác. Chúng ta sẽ đặt những điều ít quan trọng nằm ở phía dưới và sẽ giữ lấy những điều coi như quan trọng hơn ở trên. Sau cùng, khi chúng ta đạt tới đỉnh của hình tam giác, chỉ còn một chỗ duy nhất mà thôi. Kết quả là, chúng ta sẽ tự hỏi chính mình, “Cái gì quan trọng nhất trong cuộc đời, ở trên tất cả mọi sự?” Câu trả lời, dĩ nhiên là sống hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là đầu tư cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Qua dụ ngôn những nén bạc trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã tin tưởng trao ban cho mỗi người một cuộc sống, một khả năng, một kho tàng để chúng ta phát triển trở nên phong phú bằng cách sẵn lòng đầu tư khả năng của mình vào chương trình và mục đích của Ngài.
Thiên Chúa muốn chúng ta chấp nhận hy sinh cho chương trình của Ngài. Ngài muốn hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta.
Một vị vua kia có ba người con trai, mỗi người với những tài năng riêng của mình. Người thứ nhất có tài trồng cây ăn trái. Người thứ hai chăn nuôi cừu. Và người thứ ba kéo đàn vĩ cầm (violin) rất hay. Một hôm nhà vua phải đi ra khỏi nước một thời gian lâu dài. Trước khi ra đi, vua gọi ba người con lại và căn dặn rằng vua tin tưởng nơi họ làm cho dân chúng hài lòng trong lúc vua vắng mặt.
Lúc đầu mọi sự rất tốt đẹp. Nhưng rồi mùa đông tới, một mùa đông lạnh giá chưa từng có. Không còn đủ củi cho dân chúng sưởi. Người con thứ nhất phải đối diện với một quyết định vô cùng khó khăn, có nên để dân chúng chặt một số cây ăn trái làm củi sưởi không? Khi nhìn thấy dân chúng run rẩy trong giá buốt, cuối cùng người anh cũng phải cho phép họ làm.
Người con thứ hai cũng đã phải đối diện với một quyết định khó khăn. Dân chúng khan hiếm lương thực để ăn trong mùa đông. Anh có nên cho phép họ giết đàn cừu yêu quý của mình làm lương thực không? Khi nhìn thấy trẻ con than khóc vì đói, anh đau lòng và để cho họ giết đàn cừu làm lương thực ăn qua mùa đông.
Dân chúng đã có củi để sưởi và thịt cừu để ăn trên bàn. Tuy nhiên mùa đông khắc nghiệt vẫn cứ tiếp tục kéo dài. Tinh thần của họ trở nên chán nản, không ai có thể làm cho họ vui vẻ, phấn khởi lên được. Dân chúng tìm kiếm đến người con thứ ba biết kéo đàn vĩ cầm, nhưng anh từ chối không muốn chơi đàn cho họ nghe. Cuối cùng tình thế trở nên tuyệt vọng, nhiều người đã bỏ xứ, dọn đi nơi khác.
Đến một ngày, nhà vua trở về nước. Ông vô cùng buồn bã vì thấy rằng nhiều người đã bỏ nước ra đi. Ông gọi ba người con lại để tường trình xem chuyện gì đã xẩy ra. Người con thứ nhất nói, “Thưa cha, con hy vọng rằng cha sẽ không giận con, nhưng mùa đông đã quá lạnh và con đã cho phép dân chúng chặt cây ăn trái xuống làm củi để sưởi”. Người con thứ hai nói “Thưa cha, hy vọng rằng cha cũng sẽ không giận con vì khi lương thực khan hiếm, con cho phép dân chúng làm thịt bầy cừu của con”.
Nghe vậy, nhà vua thay vì giận dữ, đã ôm lấy hai người con, hãnh diện và hài lòng về họ. Rồi người con thứ ba tiến đến với cây đàn vĩ cầm trên tay và thưa, “Thưa cha, con đã không thể nào chơi đàn nổi vì cha đã không có mặt ở đây để thưởng thức những tiếng đàn đó, hơn nữa dân chúng cũng đang chịu khổ vì đói lạnh, làm sao vui được!”
Bấy giờ người cha mới nói rằng “Hỡi con, hãy kéo đàn cho cha nghe vì bây giờ lòng cha buồn rầu tan nát”. Người con cầm cây đàn vĩ cầm lên kéo, nhưng tự cảm thấy rằng những ngón tay của mình đã trở nên cứng nhắc vì bỏ lâu không thực tập. Dù cố gắng hết sức, anh cũng không thể nào nhúc nhích được những ngón tay. Sau đó người cha nói, “Con đã có thể làm cho dân chúng phấn khởi lên bằng tiếng nhạc của con, nhưng con đã từ chối không làm. Nếu xứ sở này đã mất đi một nửa số dân, đó là lỗi tại con. Nhưng bây giờ chính con cũng không còn có thể chơi đàn được nữa. Đó chính là hình phạt cho con vậy”.
Để sống một cách phong phú hơn chúng ta phải biết sử dụng tài năng đã đón nhận từ Thiên Chúa. Trong dụ ngôn những nén bạc, ba người đầy tớ được trao ban những nén bạc. Một nén bạc tương đương với 15 năm lương của một người lao động suốt ảc ngày. Trong Anh ngữ nén bạc được dịch là “talent”, lại còn có nghĩa là tài năng thiên phú tự nhiên trong các sinh hoạt sáng tạo như nghệ thuật, âm nhạc, thi phú… Tài năng tự nhiên có thể được hiểu rộng rãi hơn gồm những ơn lành chúng ta đã đón nhận từ Thiên Chúa, đặc biệt là đức tin, sức khoẻ, kiến thức và những cơ hội may mắn… Những tài năng này đã được ban cho chúng ta không phải để cất dấu, làm mai một đi, nhưng phải được đầu tư để làm cho chúng sinh hoa kết quả.

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu chuộc chúng ta. Ngài là Chủ của chúng ta. Ngài không những cho chúng ta được hiện hữu nơi trần gian mà còn tiếp tục quan phòng, ban nhiều ơn ích cho cả xác hồn chúng ta và lo cho chúng ta cảm nếm được hạnh phúc thật bên Ngài. Những ơn Chúa ban cho chúng ta được Tin mừng hôm nay nhắc tới qua hình ảnh "nén bạc" Chúa trao cho mỗi người.
Trong cuộc đời này, có người được Chúa ban cho nhiều, có người ít hơn tuỳ theo sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta không nên so đo vì tất cả những ơn Chúa ban đều do lòng yêu thương bao la của Chúa đối với từng người chúng ta. Chúa chỉ đòi chúng ta làm lợi tương xứng với tài sức Chúa ban. Người ta nói rằng, đa số chúng ta sử dụng chưa tới 10% tài năng tiềm ẩn của mình. Chúa ban cho chúng ta rất nhiều nhưng chúng ta chưa khám phá hết khả năng của mình. Ông chủ trong Tin Mừng cho những người đầy tớ của mình ít nhất là 1 nén bạc. Nén bạc thời đó có giá trị rất lớn tương đương với giá 10. 000 ngày công của một người thợ trung bình. Đó là một số tiền khá lớn. Điều này cho thấy những gì Chúa giao phó cho mỗi người lớn lao lắm. Cho nên tâm tình trước tiên của người đầy tớ là cám ơn Chủ đã tín nhiệm mình, kế đến là lo làm việc hết mình cho Chủ để sinh lời xứng với lòng tin yêu của chủ. Chúng ta phải biết ơn Chúa và tận dụng ơn Chúa ban để không phụ tình thương của Chúa. Mỗi người hãy chu toàn trách nhiệm đã lãnh nhận cách hiệu quả nhất, với tâm tình kính mến Chúa và yêu thương tha nhân cách chân thành.
Chủ đi xa, giao phó tài sản cho các đầy tớ, chứng tỏ ông chủ tín nhiệm các đầy tớ. Cũng vậy, Chúa yêu thương chúng ta và đã trao cho nhiều ơn phần hồn phần xác để chúng ta sinh lời, làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho tha nhân và được Chúa thưởng trong ngày sau hết. Để nhận ta vào Thiên đàng, Chúa không xét là ta làm lợi nhiều ít so với người khác. Đối với vua trời, 10 nén bạc chẳng là bao, số nén bạc sinh lời gấp đôi tuy là lớn đối với giá trị ở đời này, nhưng lại là nhỏ so với giá trị ở đời sau. Việc làm ở đời này tuy có lớn lao đi nữa nhưng so với phần thưởng đời đời thì vẫn là nhỏ bé. việc lớn là: vào hưởng sự vui mừng với chủ, được nâng lên hàng con cái Chúa, được đồng bàn với chủ tức là tham dự vào sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa. Đó là phần thưởng cao trọng lớn lao vô cùng.
Người lãnh một nén phải bị phạt đời đời vì đã không làm theo ý chủ, không đáp trả sự tín nhiệm của chủ đồi với mình. Hắn không nên thân mà cứ luôn miệng trách ông chủ! hắn không sống thân phận đầy tớ của mình là: lệ thuộc vào ông chủ và làm theo hảo ý của chủ. Án phạt của Chủ trên người đầy tớ biếng nhác này là lời cảnh tỉnh loài người. Chúng ta đã sinh lời cho Chúa chưa, hay chúng ta cũng đổ thừa cho hoàn cảnh, người thân...và không dùng khả năng Chúa ban để sinh lời. Để nắm chắc phần thưởng đời đời, chúng ta hãy lo phát triển những khả năng Chúa ban với tất cả lòng thành cho xứng đáng với tình thương của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã tín nhiệm chúng con, cho chúng con những khả năng lớn lao. Chúng con sẽ không so bì với khả năng của người khác nhưng biết phát triển hết mức tài năng của mình để sinh lợi cho Chúa và được Ngài thưởng ban hạnh phúc đời đời trên Thiên quốc.

Báo Văn Học số 196 tháng 8 năm 2002, trong mục Tin Văn của Thế Quân, ca ngợi ông Gene Smith 65 tuổi, “Một người mê sách: kẻ cứu tinh của một nền văn học”. Nhờ mê sách mà ông cứu vớt nền văn học của Tây Tạng. Ký giả Barbara Stewart của báo New York Times đã gọi ông già Smith là người cứu tinh của nền văn học Tây Tạng. Ông Smith đang sở hữu một kho tàng văn chương Tây Tạng mà ông sưu tập được từ 37 năm nay. Theo ước tính, ông hiện có khoảng 12 ngàn tác phẩm văn chương Phật giáo và văn chương chịu ảnh hưởng Phật giáo của Tây Tạng. Những học giả Mỹ đánh giá công trình sưu tập văn chương của ông là công trình to lớn nhất ở phương Tây và có thể lớn nhất thế giới.
Thế nhưng sự nghiệp này đã được bắt đầu rất đơn giản. Lý do đưa ông đến việc nghiên cứu văn chương Tây Tạng là hồi chiến tranh Việt Nam xảy ra, ông xoay sở để được hoãn dịch bằng cách học một trong những ngôn ngữ khó học là tiếng Tây Tạng. Sau đó, ông đã học triết lý và quan điểm về thế giới của Phật giáo Tây Tạng với lạt ma Deshung. Lạt ma Deshung là một người mê sách. Và nỗi đam mê ấy truyền sang Smith khiến ông trở thành một người mê sách luôn. Sau 5 năm học tiếng Tây Tạng, ông du hành qua An Độ để sưu tầm sách.
Mặc dù văn chương Tây Tạng đã có lịch sử cả 1000 năm với một khối lượng đồ sộ những tác phẩm văn chương, nhưng vẫn là một nền văn minh ẩn giấu, không mấy ai biết đến nền văn minh này. Trên thế giới không đâu có tác phẩm của Tây Tạng kể cả những thư viện lớn nhất thế giới. Lý do là vì người Tây Tạng không biết in sách. Sách được hoàn thành bằng cách chép tay hoặc khắc trên những bản gỗ, và lưu giữ trong các tu viện hoặc nhà riêng. Đã thế mỗi một trong 4 tông phái Phật giáo Tây Tạng lại có một nền văn chương riêng biệt. Chẳng ai phân loại hay có một danh sách đầy đủ. Sau khi Trung Quốc xâm lăng, sách bị phân tán khắp nơi, cuốn còn, cuốn mất. Hơn nữa sách được mang ra ngoại quốc thường do những người tỵ nạn Tây Tạng vượt ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn mang sang An Độ. Tìm hỏi cho ra người mang sách đã là việc khó, lại còn phải biết sách nào quan trọng trong các tông phái chính đòi hỏi phải có kiến thức và sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Để khắc phục những khó khăn trên, ông Smith phải dốc toàn tâm lực làm việc liên tục, tra cứu, tham khảo với các vị lạt ma, gửi các chuyên viên đến các nơi xa xăm ở An Độ cũng như Nepal để săn lùng sách. Trong quá trình làm việc như thế kiến thức của ông Smith trở nên phong phú phi thường. Ông trở thành giám đốc lưu động của văn phòng thư viện đặt tại New Delhi, Indonesia và Cairo. Hiện nay ông đang dự định chuyển chỗ ở về New York với cơ quan văn hoá “Rubin Cultural Trust” hứa sẽ cung cấp đủ chỗ để chứa thêm một số sách hiện đang tồn trữ và hàng trăm cuốn sách mới khác vừa được tìm thấy gần đây mà người ta tưởng rằng đã bị phá hủy. Nói rằng Gene Smith là người cứu tinh của cả một nền văn học, quả không có gì quá đáng!
Sự tiêu cực và bi quan đã bóp méo hình ảnh của Thiên Chúa trở nên một ông chủ hung ác. Đây là thái độ của người đầy tớ thứ ba.
Một người cha sắp sửa lên đường đi làm ăn xa, trao cho hai người con tiền bạc để xây cho ông hai căn nhà. Người con đầu tiên đã dùng tất cả số tiền được trao phó xây cho cha một ngôi nhà tuyệt đẹp, sang trọng. Còn người con thứ hai nhìn thấy đây là một cơ hội để kiếm tiền riêng cho mình, hắn dùng những vật liệu xây cất rẻ tiền, và xây cho cha một ngôi nhà rất tầm thường. Khi người cha trở về, để làm quà thưởng cho các con, ông nói “Để trả công cho các con, cha cho mỗi con chính căn nhà mà các con đã xây cho cha, hãy đưa gia đình các con vào ở trong căn nhà đó”.
Sự ích kỷ và lười biếng của người đầy tớ thứ ba đã làm cho anh có cái nhìn tiêu cực và bi quan về thiện ý của chủ rồi dẫn tới hành động chôn giấu nén bạc dưới đất.
Thiên Chúa chúng ta tờ phượng là một Thiên Chúa của sự sống, đầy yêu thương. Nói đến sự sống là nói đến sự sinh trưởng, phát sinh hoa trái. Vì chính Ngài là Đấng Tạo Hoá đã dựng nên vũ trụ và phán: “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái tuỳ theo loại:, Ngài cũng phán ngay với con người rằng: “Hãy sinh sôi nẩy nở…” Do đó không tăng trưởng là dấu hiệu của sự hủy diệt, sự chết. Không phát sinh hoa trái là đi ngược lại thánh ý của Thiên Chúa và gây tai hại cho chính bản thân mình.
Chú giải về đoạn Tin Mừng hôm nay, William Barclay đã viết: “Thiên Chúa không muốn những con người phi thường làm những việc phi thường, nhưng Ngài rất muốn những con người bình thường làm những việc bình thường một cách phi thường”.
Chúa Giêsu sẽ trở lại để hỏi chúng ta về những nén bạc, tài năng, ơn lành đã được Thiên Chúa trao ban. Chúng ta sẽ bị xếp vào loại người đầy tớ nào?

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu An)
Thiên Chúa là Alpha và Omega, Ngài là Khởi Nguyên và là Tận Cùng. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian. Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Ngài là chủ thời gian. Thiên Chúa hiện hữu không phải trong thời gian mà là siêu thời gian vì ngàn năm đối với Chúa như một ngày.
Chỉ còn 2 tuần lễ nữa là kết thúc thời gian Năm Phụng Vụ để rồi khởi đầu một chu kỳ Năm Phụng Vụ mới. Các bài đọc của các tuần Chúa Nhật này đều nói về việc trở lại của Chúa Giêsu trong ngày quang lâm. Lịch sử nhân loại đã mở đầu bằng sáng tạo thì sẽ kết thúc bằng tái tạo.
Ngay từ ban đầu khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã muốn cứu chuộc loài. Ngài đã can thiệp nhiều lần vào lịch sử bằng những biến cố kỳ diệu, độc đáo được ghi trong Thánh Kinh. Thiên Chúa dùng lịch sử làm phương thế cứu chuộc, biến lịch sử loài người thành một Lịch Sử Thánh, một Lịch Sử Cứu Rỗi.
Lịch Sử Cứu Rỗi gồm ba giai đoạn chính. Cựu Ước chuẩn bị Ơn Cứu Rỗi, Tân Ước thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thời Giáo Hội nối dài và phân phát ơn cứu rỗi. Sau ngày Quang Lâm của Chúa Kitô lịch sử sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Trời.
Đức Giêsu là trung tâm của Lịch Sử Cứu Rỗi, nơi Ngài, Ơn Cứu Rỗi không còn là lời hứa mà đã trở thành hiện thực. Đức Giêsu còn là tận đích của Lịch Sử Cứu Rỗi, vì tất cả lịch sử quy hướng về Ngài. Ngài là hồng ân tuyệt hảo Thiên Chúa ban cho nhân loại. Trong Ngài loài người đạt tới sự sống viên mãn.
Như vậy có hai lịch sử song hành: lịch sử trần thế và Lịch Sử Cứu Rỗi.
Lịch sử trần thế là lịch sử các dân tộc, các triều đại, các nền văn minh với các định chế xã hội, các biến cố chính trị, các tiến bộ kỹ thuật. Đây là mặt nổi có thể quan sát được.
Lịch Sử Cứu Rỗi là lịch sử sinh hoạt siêu nhiên, thánh hóa các tâm hồn nhờ ân sủng và tác động của Thánh Thần. Lịch sử này đang khai diễn âm thầm dưới chiều sâu trong các tâm hồn theo nhịp của ân sủng. Đây là mặt chìm mà chỉ có Đức Tin mới nhận ra. Như vậy Đức Tin giúp chúng ta nhận ra có một lịch sử thánh xuyên qua lịch sử trần thế, bao trùm thấm nhập lịch sử trần thế. Nhờ đó lịch sử loài người có một ý nghĩa. Từ đỉnh cao của vĩnh cửu, Thiên Chúa đang từng bước hướng dẫn loài người đến Ơn Cứu Rỗi chung cuộc.
Khi lịch sử chấm dứt là lúc Đức Giêsu trở lại thu hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ để mọi người và mọi sự được hoàn tất trong Ngài.
Ngày Đức Giêsu trở lại, ngày quang lâm, tái lâm được gọi bằng nhiều tên: Ngày cuối cùng (Ga 6, 39; 11, 24; 12, 48), Ngày của Chúa (1 Cr 3, 13; 5, 5), Ngày Chúa đến (1 Cr 1, 8), Ngày của Đức Kitô (Pr 1, 10; 2, 16), Ngày viếng thăm (1 Pr 2, 12), Ngày xét xử (1 Ga 4, 17). Chính Đức Giêsu đã nhiều lần nói đến Ngày Tái Lâm này (Mt 24, 30; 25, 31; 26, 64; Mc 8, 38; 14, 62; Lc 17, 24; Ga 6, 39 - 40).
Không ai biết Ngày Quang Lâm bao giờ sẽ đến, kể cả Đức Giêsu về mặt nhân tính (Mt 24, 36). Ngày đó đến bất ngờ "như kẻ trộm trong đêm tối" (1 Tx 5, 1 - 3). Theo nhiều dụ ngôn, Chúa đến giữa lúc không ai nghĩ tới, đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại (Mt 24, 37; 37, 44; Mc 13, 33 - 37; Lc 17, 22 - 37; 21, 35)
Ngày tận cùng của thời gian, Đức Giêsu tái lâm biểu dương quyền năng và vinh quang của Ngài. Sẽ có một cuộc phán xét chung. Rất nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ám chỉ ngày phán xét chung này: cỏ lùng trong ruộng lúa (Mt 13, 37-43), phân loại cá sau mẻ lưới (Mt 15, 39-49), chủ đòi gia nhân tính sổ (Mt 18, 23-35), thợ làm vườn nho cuối ngày trả công (Mt 20, 1-16), mười trinh nữ đi dự tiệc cưới (Mt 25, 1-13). Ngày ấy các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Ngài hết thảy. Tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo... đều được triệu tập trước mặt Người. Lúc ấy Người sẽ phân biệt kẻ lành kẻ dữ. Cuộc phán xét của Thiên Chúa sẽ không diễn ra theo cách thức của các tòa án trần gian: tố cáo, biện minh, đối chiếu, bằng chứng... Nhưng đây là một sự soi sáng từ bên trong. Trong ánh sáng của Thiên Chúa mỗi người sẽ thấy rõ những giá trị các hành vi của mình, cách mình đối xử với Thiên Chúa và với tha nhân.
Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Gio-an còn định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Như thế thời gian và tình yêu song hành là một.
Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ trở thành lạnh lùng buồn tẻ. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó những người đang yêu là những người đang sống trong thời gian với đầy ắp niếm vui hạnh phúc. Những người biết yêu là biết nhìn thời gian như vàng ngọc. Ai sống trong Thiên Chúa là người phải biết yêu quí thời gian Chúa ban.
Các bài đọc Chúa Nhật 33 Thường Niên kêu mời chúng ta suy niệm về giá trị của thời gian và lao động. Sách Châm Ngôn mô tả người đàn bà lý tưởng. Bà ăn ở được lòng chồng con, xây dựng gia đình bằng đôi tay cần mẫn, tháo vát và chăm chỉ. Thánh Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca đã đề cập đến giá trị của thời giờ. Trong giáo đoàn có người lo sợ là ngày tận thế sắp đến, họ sợ hãi đến độ không muốn làm gì cả. Thánh nhân đã cảnh tỉnh: Hãy làm việc, đừng ngũ mê. Hãy biết trân trọng thời gian Chúa ban. Với bài phúc âm, Chúa Giêsu nói đến giá trị của thời giờ, công việc và tài năng. Thiên Chúa khi ban sự sống thì đồng thời cũng ban phương tiện sinh sống như thời giờ, tài năng, như "nén bạc Chúa trao".
Thiên Chúa ban tài năng thì chúng ta có trách nhiệm phải biết dùng tài năng ấy để sinh lợi cho mình và cho người khác. Kẻ lười biếng sẽ được gọi là tôi tớ bất hảo; còn người tôi tớ chăm chỉ làm việc, sinh lợi các nén bạc thì được gọi là lương hảo. Tiêu chuẩn căn bản mà Chúa xét xử đó là tình yêu. Dấu chỉ chúng ta yêu mến Chúa đó là tình yêu chúng ta thực thi đối với anh chị em mình.
Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Thời gian quý giá như vàng ngọc. Bởi vậy:
Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh
Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan
Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác
Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn
Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai
Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa
Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa
Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.
Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của Thời Gian, là Vua của Tình Yêu giúp chúng con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong tình yêu.

Câu hỏi gợi ý:
1. Trên đời, kẻ được Thiên Chúa ban cho rất nhiều thuận lợi, kẻ lại bị Ngài cho gặp rất nhiều nghịch cảnh. Vậy Ngài có phải là một Thiên Chúa bất công không? Nếu không bất công thì phải giải thích sự bất bình đẳng này ra sao?
2. Người được nhiều thuận lợi có trách nhiệm gì về những thuận lợi của mình không? Trách nhiệm thế nào?
3. Thiên Chúa phán xét con người dựa trên những thành quả, mức độ hoàn hảo mà con người đạt được, hay dựa trên mức độ nỗ lực mà con người đã làm để trở nên hoàn hảo hơn?
Suy tư gợi ý:
1. Trên đời, sự phân phối những điều tốt đẹp không đồng đều
Không ai có thể chối cãi điều này: trên đời, người ta khác nhau về đủ mọi phương diện: tính tình, khuynh hướng, khả năng, quan niệm, tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, v.v... Đúng như cổ nhân nói: “Bá nhân bá tánh”, “chín người mười ý”... Và ngay trong từng phương diện, người ta cũng khác nhau về mức độ, chẳng ai tuyệt đối bằng ai, y hệt như: “Bàn tay ngón thấp ngón cao”. Điều đó tạo nên sự phong phú đa dạng trong thế giới con người. Trong những lãnh vực khác của thiên nhiên vạn vật cũng có sự đa dạng y như thế. Như vậy, phải chăng Thiên Chúa bất công? Phải chăng những người có tài đức hơn người, có nhiều điều kiện phát triển hơn người, giàu có hơn người… thì được lợi hơn những người khác?
2. Ai nhận được nhiều thì bị đòi hỏi nhiều
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Thiên Chúa cho ai nhiều, thì Ngài đòi hỏi người ấy nhiều. Ngược lại Ngài cho ai ít, thì lại đòi hỏi người ấy ít. Đức Giêsu đã từng nói: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Người được Thiên Chúa ban nhiều ân huệ mà không làm những ân huệ sinh lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, cho tha nhân, thì ân huệ ấy trở thành án phạt cho mình. Cho nên ân huệ nhiều thì trách nhiệm cũng nhiều. Vậy ai nhận được nhiều thì cũng nên lo lắng về trách nhiệm của mình. Còn ai được ít thì cũng nên tự an ủi vì trách nhiệm của mình ít. Như vậy kẻ được nhiều không hẳn đã hay, và kẻ được ít không hẳn đã dở. Mới nghĩ thì thấy Thiên Chúa không công bằng, nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy Ngài tuy chủ trương đa dạng nhưng lại rất công bằng.
Những ân huệ ta nhận được cũng như món tiền ta vay của ngân hàng, phải trả tiền lời theo định kỳ, mỗi tháng hoặc mỗi năm. Do đó, vay càng nhiều tiền thì càng phải sinh lợi ra nhiều để có thể trả số lời tương ứng với số tiền mình vay. Giả như lãi suất là 10% một năm (tức 0,83% một tháng), thì trong 10 năm, tiền lời sẽ lên cao bằng tiền vay ban đầu. Nếu vay trong 20 năm, tiền lời thành gấp đôi tiền vay ban đầu. Nếu vay nhiều mà không đủ khả năng sinh lợi ra nhiều, thì sẽ không có tiền để trả lãi, và vay càng lâu thì tiền lời càng cao, nếu không sinh lợi thì càng nguy hiểm. Vì tới kỳ hạn cuối cùng, phải thanh toán cả vốn lẫn lời, nếu không có khả năng trả hết thì có nguy hiểm phải ngồi tù. Do đó, nếu không có khả năng làm ăn sinh lợi, thì vay được nhiều không phải là điều tốt đẹp mà trái lại có thể là nguyên nhân gây ra tai họa. Vay càng nhiều, họa càng lớn. Tương tự, được Thiên Chúa ban nhiều thuận lợi chớ vội mừng hay tự hào, vì nếu không làm cho chúng sinh lợi thì rất có thể những thuận lợi ấy lại trở thành tai họa.
3. Hãy ý thức trách nhiệm về những thuận lợi mình đang hưởng
Vậy chúng ta hãy tự xét xem chúng ta được Thiên Chúa ban cho những thuận lợi nào: khỏe mạnh, thông minh, được giáo dục tử tế, có văn hóa, nhà giàu có, nhiều tài năng, v.v... Chúng ta thường hãnh diện, tự hào với mọi người về những thuận lợi đó, mà rất ít khi nghĩ đến trách nhiệm vì được những thuận lợi hơn người đó. Thiết tưởng, khi được những thuận lợi hơn người, người Kitô hữu phải nghĩ đến trách nhiệm hơn là tự hào về chúng.
Những thuận lợi đó phải được đem ra làm ích lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, và cho tha nhân. Nếu thuận lợi ta được quá nhiều, mà ích lợi ta làm ra được từ những thuận lợi đó lại quá ít, ắt nhiên ta không thể tránh được hình phạt của Thiên Chúa. Được quá nhiều thuận lợi mà không sinh lợi cho ai, điều ấy chứng tỏ ta không có tình yêu, và như thế là ta không có Thiên Chúa trong chúng ta: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được” (1Ga 3,17). Thật vậy, nếu về mặt vật chất mà Thiên Chúa còn đòi buộc chúng ta “ai có hai áo, hãy chia cho người không có; ai có gì ăn, cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,11), thì về mặt tinh thần, Ngài còn đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ hơn vậy rất nhiều. Vì sự chia sẻ vật chất thì rất giới hạn, còn chia sẻ tinh thần thì ít bị giới hạn hơn rất nhiều.
4. Đừng vội tự hào hay kiêu hãnh về những thuận lợi của mình
Vậy khi xét xử, Thiên Chúa không xét theo mức độ đạo đức, những thành quả tâm linh mà chúng ta đang có hay đã đạt được, mà xét theo mức độ cố gắng của chúng ta để nên hoàn thiện hơn. Nếu Thiên Chúa ban cho ta 5 yến bạc, mà ta chẳng làm lợi ra được yến nào, nghĩa là ta không phát huy được những thuận lợi của ta, không dùng những thuận lợi ấy để làm ích cho ai, thì ta sẽ không được Ngài kể là công chính bằng một người chỉ được Ngài ban một yến, nhưng đã làm lợi ra được gấp 3, thành 3 yến. Tuy người ấy chỉ có 3 yến, nghĩa là kém ta tới 2 yến, nhưng người ấy được Thiên Chúa coi là công chính hơn ta rất nhiều. Có như thế, Ngài mới là một Thiên Chúa công bằng thật sự.
Vì thế, đừng tưởng ta đạo đức hơn người, làm được nhiều việc tốt lành hơn người mà nghĩ rằng ta công chính hơn người. Coi chừng kẻo lầm to: “ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12). Vì không thể so sánh thấy kết quả của mình hơn người khác mà kết luận mình công chính hơn họ. Phải so sánh những thành quả mình làm được với những thuận lợi ban đầu Thiên Chúa ban cho, xem đã tương xứng chưa: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình (...) chứ đừng so sánh với người khác” (Gl 6,4).
Đi vào cụ thể, ta thử so sánh hai người sau đây: Một người sinh ra từ một cha mẹ trộm cướp hay đĩ điếm, không được giáo dục đầy đủ, nhưng anh đã cố gắng hết sức mình ra vượt ra khỏi vòng tội lỗi do cha mẹ mình để lại. Anh nỗ lực vươn lên sự thiện suốt cả cuộc đời, và anh đã trở thành một người khá lương thiện. Còn người kia được sinh ra từ một cha mẹ đức hạnh, được giáo dục đầy đủ, vì thế, dù anh chẳng cố gắng hay nỗ lực nhiều, anh vẫn được mọi người coi là rất tốt, và nhờ đó có một địa vị khá cao trong xã hội hay Giáo Hội. Như vậy, trước mặt người đời, người thứ hai chắc chắn được đánh giá là công chính hơn người thứ nhất. Nhưng rất có thể trước mặt Thiên Chúa, Ngài thấy nỗ lực vươn lên của người thứ nhất lớn hơn gấp nhiều lần nỗ lực của người thứ hai. Như thế chắc chắn phần thưởng Thiên Chúa dành cho người thứ nhất sẽ phải lớn hơn phần thưởng cho người thứ hai.
Quả thật cách phán xét của Thiên Chúa khác hẳn với cách phán đoán của người đời. Ngài đã từng nói với các các thượng tế và kỳ mục trong dân, là những người được dân chúng tôn trọng và cho là đạo đức: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Tại sao? Có thể vì những người tội lỗi ấy đã cố gắng vươn lên sự thiện nhiều hơn cả những bậc được coi là đạo đức kia! Nên khi Gio-an Tẩy giả và Đức Giêsu đến, những người bị coi là tội lỗi ấy đã sám hối và tin theo ngay!
Cầu nguyện
Lạy Cha, nhiều khi con vui mừng vì được Cha ban cho rất nhiều thuận lợi trong đời sống. Và con đã hãnh diện và tự hào với những người kém may mắn hơn con. Qua bài Tin Mừng này, con thấy mình thật dại dột, vì nếu con không dùng những thuận lợi ấy để bù đắp lại cho những người kém may mắn hơn con, thì vào ngày Cha phán xét, chính những thuận lợi ấy lại trở thành những gì gây bất lợi cho con. Xin cho con ý thức được trách nhiệm của con đối với họ.

1. Ý nghĩa dụ ngôn những tá điền sát nhân
Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn có ý nói bóng gió về tình trạng đã, đang và xảy ra trong dân Do Thái, mà trước mắt có sự góp phần của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái là âm mưu giết Đức Giêsu. Kết cục được diễn tả trong câu cuối của bài Tin Mừng là: Dân Do Thái được Thiên Chúa dành ưu tiên trong việc vào Nước Thiên Chúa, nhưng vì họ tỏ ra không xứng đáng, nên chỗ ưu tiên của họ được nhường cho những dân tộc khác.
Thiên Chúa đã yêu quí dân Do Thái, điều này được diễn tả trong bài đọc I: Thiên Chúa cưng chiều dân Do Thái như một người có một vườn nho mà anh ta rất quí: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Anh quí nó đến nỗi làm cho nó tất cả những gì mà anh nghĩ nó cần nó thích: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (5,4). Anh ta kỳ vọng rất nhiều vào vườn nho đó, nhưng vườn nho đã làm anh thất vọng: “Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại” (5,2b). Một vườn nho như thế thì người chủ nên làm gì cho nó? Thất vọng vì vườn nho ấy, anh ta đã “hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo () biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống” (5,5-6). Vườn nho đó được I-sa-i-a xác định: “Vườn nho đó chính là nhà Ít-ra-en; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (5,7).
Trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục khai triển chủ đề “vườn nho” của bài đọc I (Is 5,1-7), với những ám chỉ sau đây: 1. Vườn nho ám chỉ dân Do Thái; 2. Ông chủ đất ám chỉ Thiên Chúa,3. Bọn tá điền ám chỉ Các lãnh tụ tôn giáo Do Thái; 4. Các tôi tớ của chủ đất ám chỉ Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến; 5. Người con trai của ông chủ ám chỉ Đức Giêsu; 6. Các tá điền khác ám chỉ Dân ngoại.
Toàn bài dụ ngôn nói lên diễn tiến trong lịch sử dân Do Thái: Thiên Chúa chọn Do Thái là dân riêng của Ngài giữa mọi dân tộc. Ngài muốn họ là cầu nối giữa Ngài với mọi dân tộc khác và với toàn nhân loại. Để thực hiện mục đích ấy, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ, sửa đổi và cho họ biết ý định của Ngài. Nhưng lời nói của những ngôn sứ này thường không lọt lỗ tai các lãnh tụ tôn giáo Do Thái, vì “trung ngôn nghịch nhĩ”, “lời thật mích lòng”. Và kết quả là các ngôn sứ này đều bị ném đá chết dưới tay các lãnh tụ tôn giáo Do Thái. Chính ngôn sứ Ê-li-a đã phải than phiền: “Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, ông đã tố cáo dân Ít-ra-en rằng: Lạy Chúa, các ngôn sứ của Ngài, chúng đã giết chết; bàn thờ của Ngài, chúng đã phá huỷ. Chỉ còn sót lại một mình con, thế mà chúng cũng đang tìm hại mạng sống con” (Rm 11,3; x. V 19,10.14).
Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến cũng để làm công việc ngôn sứ ấy, thì cũng bị họ giết chết một cách dã man và thảm hại. Dân Do Thái vì hèn nhát trước quyền lực nên cũng hùa theo các lãnh tụ của họ. Vì thế, dân Do Thái đã bị Thiên Chúa loại bỏ, mất quyền ưu tiên đối với Nước Trời. Và Nước Trời do Đức Giêsu thiết lập - gồm những người tin theo Đức Giêsu - bao gồm những người mà người Do Thái gọi là dân ngoại, gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới.
Còn dân Do Thái đã bị đào thải khỏi lịch sử: tháng 9 năm 70, Titus, lúc ấy làm thống soái quân đội Rôma (sau làm hoàng đế năm 79-81), đã bao vây và chiếm Giê-ru-sa-lem, giết rất nhiều người Do Thái. Kể từ đó, Do Thái bị mất nước, và dân Do Thái phải tản mác khắp nơi trên thế giới. Đến thế chiến thứ hai, dân Do Thái tại Đức đã bị Hitler giết tới 6 triệu người. Mãi đến năm 1947, sau gần 19 thế kỷ bị mất nước, Do Thái đã lập quốc trở lại tại vùng đất cũ, nhưng kể từ đó, họ phải chiến tranh liên tục với dân Palestin và Ai Cập cho đến nay.
2. Dụ ngôn đó có áp dụng cho Giáo Hội chúng ta không?
Khi tôi học Cựu Ước, giáo sư dạy Kinh Thánh cho tôi thường nói: “ Israel là Giáo Hội, Israel là chính tôi”. Vì thế, nếu bài dụ ngôn kia có thể áp dụng cho dân Do Thái, thì cũng có thể áp dụng cho Giáo Hội và cho chính bản thân tôi.
Do Thái giáo là một tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập qua các tổ phụ, Mô-sê và các ngôn sứ, với hàng giáo phẩm là các tư tế, Lê-vi và các ráp-bi. Thiên Chúa đã trực tiếp can thiệp vào lịch sử của dân tộc, đã ra tay giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách thống trị Ai Cập, đã đích thân ban hành luật pháp cho họ, đã trực tiếp chỉ định những vì vua cai trị họ Ngay cả Kitô giáo hiện nay cũng chưa được Thiên Chúa trực tiếp can thiệp như thế. Có ngôn sứ nào trong Kitô giáo oai hùng như I-sa-i-a, khi ra lệnh cho dân Do Thái điều gì thì đều nói: “ Thiên Chúa là Chúa các đạo binh phán như thế” (x. Is 1,24; 3,15; 5,9; 10,24; 14,22-24; 17,3; 19,4; v. v) Vì thế, dân Do Thái đã rất có lý khi nghĩ rằng tôn giáo của mình do Thiên Chúa thiết lập ắt sẽ vĩnh cửu, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy họ đã lầm. Do Thái giáo đã tàn lụi, và được thay thế bằng Kitô giáo. Có thể nói, Do Thái giáo chính là tiền thân của Kitô giáo.
Kitô giáo hiện nay cũng đang tự hào là tôn giáo duy nhất do chính Thiên Chúa thiết lập, là tôn giáo có giá trị hơn hết mọi tôn giáo trên thế giới, nên mọi Kitô hữu đều tin tưởng nó sẽ tồn tại muôn đời, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng nhiều khi các Giáo Hội Kitô giáo chỉ biết tự hào như thế mà quên đi niềm mong ước của chính Thiên Chúa đối với mình. Liệu Thiên Chúa có phải than phiền về Kitô giáo như đã than về Do Thái giáo: “ Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?” Kitô giáo đã hơn Do Thái giáo những gì?
Đức Giêsu đến để thiết lập một tôn giáo mới dựa trên nền tảng tình yêu thương, và luật của Kitô giáo là luật yêu thương: “ Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34); “Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10); “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6,2); “Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2,8).
Luật của Tân Ước mới hẳn so với Cựu Ước của Do Thái giáo, nhưng các Kitô hữu đã coi trọng luật ấy đủ chưa? đã tập trung mọi cố gắng để thực hành luật ấy đúng mức chưa? Hay Kitô giáo lại đi vào vết xe đã đổ của Do Thái giáo, là thượng tôn nghi thức, quá chú trọng tới những lễ nghi và hình thức bên ngoài? Còn lề luật chính yếu là sống yêu thương thì lại lãng quên? Có phải hiện nay hình thức của Kitô giáo thì mới mẻ và khác hơn Do Thái giáo, nhưng tinh thần nệ luật, nệ hình thức thì chẳng khác gì những người Do Thái ngày xưa? Đã tới lúc chúng ta cần nghiêm túc tự hỏi: ngày nay, người ngoài nhìn vào cách sống của người Kitô hữu, có thể nhận ra đạo của chúng ta là “ đạo yêu thương” như thời Kitô giáo sơ khai không? Ngày nay, lễ “bẻ bánh” có còn là một dấu chỉ của một sự chia sẻ có thực trong đời sống giữa những người đến tham dự không, hay nó đã trở thành một nghi thức thuần túy, cho dù đầy ý nghĩa nhưng không có gì là thực tế cho lắm?
Mỗi Kitô hữu - nhất là những người có trách nhiệm hướng dẫn, lãnh đạo tôn giáo - cần tự vấn: Thiên Chúa hay Đức Giêsu có hài lòng với tình trạng Kitô giáo hiện nay không? Còn những người lãnh đạo tôn giáo cần tự vấn thêm: Tôi có giống như những vị lãnh đạo Do Thái giáo xưa, chẳng những không thèm nghe mà còn sẵn sàng bạc đãi hoặc bách hại những tiếng nói ngôn sứ vào thời đại của mình không? Hay ít ra khi họ bị bách hại vì đã chu toàn chức năng ngôn sứ của họ, tôi đã im lặng, làm ngơ, để mặc họ bị bách hại như thể tôi cũng đồng ý với sự bách hại ấy?
Không khéo Kitô giáo của chúng ta chẳng hơn gì Do Thái giáo, khiến Thiên Chúa cũng sẽ phải đối xử với chúng ta như đã đối xử với dân Do Thái: “ Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”!
Cầu nguyện
Lạy Cha, Kitô giáo hiện nay thế nào, chính con - cũng như bất kỳ Kitô hữu nào - đều có phần nào trách nhiệm. Xin cho con biết sống đạo Chúa Kitô đúng với với tinh thần yêu thương của Ngài. Xin cho con rút ra được bài học lịch sử của dân Do Thái để tránh được vết xe đã đổ.

Trong quyển ‘Đường Hy Vọng’ Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê đã "chê" Đức Giêsu một người không biết làm kinh tế. Nhưng trong dụ ngôn các nén bạc hôm nay Chúa Giêsu cũng dùng các qui luật kinh tế để nói về cách sử dụng và khai thác cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta một số bạc, nhiều ít tùy người. Hết mọi người phải dùng số bạc đó để sinh lời. Và lời phải tương xứng với số vốn mình đã nhận được
Mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho một số vốn đó chính là cuộc đời chúng ta. Là những ngày tháng chúng ta được sống. Đó là số vốn ban đầu, là vốn căn bản. Vậy chúng ta phải sử dụng vốn đó như thế nào? Chúng ta có mặt trong cuộc đời không phải chỉ để sống cho qua ngày, nhưng còn để sống thế nào cho thật hữu ích và phong phú. Vì cuộc đời chúng ta trước sau rồi cũng qua đi. Chỉ những gì thật hữu ích chúng ta đã cố gắng làm mới sẽ còn mãi.
Vốn thứ hai, rất quí giá, được ban thêm vào vốn thứ nhất là đời sống mới trong Chúa Kitô, mà ta thường gọi là ơn làm con Thiên Chúa, ơn tái sinh, hoặc ơn cứu độ. Vốn này có tính quyết định: được thua, còn mất, sống chết là tại nó. Cuộc đời ta có nghĩa lý gì nếu không nhờ nó mà ta đạt tới ơn cứu độ. Ơn cứu độ chính là sự thành tựu chung cuộc của cuộc đời. Cùng với ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho ta đủ mọi phương thế để thực hiện ơn ấy. Đây là loại vốn thư ba. Tất cả mọi ơn Thiên Chúa ban suốt đời ta để trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm giúp ta sống xứng đáng cuộc đời trần thế và đạt tới cuộc sông vĩnh cửu.
Thiên Chúa đã chuẩn bị hết cho chúng ta rồi, vốn, thời gian và phương tiện Ngài đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần chúng ta vận hành chúng để sinh lợi mà thôi. Nhưng mỗi người chúng ta đã sử dụng những vốn đó như thế nào. Có thể chúng ta đã hành động như người lãnh một nén bạc rồi đem chôn dưới đất hơn là như người lãnh mười nén bạc rồi sinh lợi được mười nén khác. Thời giờ không phải chỉ là tiền, như những nhà kinh tế nghĩ, nhưng còn là ơn cứu độ, theo cái nhìn đức tin. Thời giờ là vốn quý để tăng trưởng, nhưng nếu thời giờ bị phung phí thì làm cho đời ta nghèo đi thay vì làm giàu thêm.
Đối với những ơn ta nhận được mỗi ngày cũng phải tính toán xem lời lỗ thế nào. Mỗi ngày có đưa ta đến gần Chúa hơn không, có giúp ta sống thánh thiện hơn không? Hay chúng ta chỉ biết sống tà tà đi tìm sự an nhàn, không có động lực, không có quyết tâm. Hay chúng ta đã chôn đi nén bạc Chúa trao rồi
Về cuối cuộc đời, chúng ta có thuộc về Chúa, sống với Chúa, sống cho Chúa nhiều hơn không? Đó là câu hỏi cho mỗi người trả lời với Chúa và với chính bản thân mình.
Lạy Chúa, trong cuộc sống có nhiều lo âu, lo cho vật chất, lo cho danh vọng trần gian... chính những điều này làm cho chúng con quên đi những nén bạc Chúa ban. Xin cho con nhận ra rằng kho tàng vĩnh cữu chính là cuộc sống mai sau để con biết sinh lợi với những nén bạc mà Chúa đã ban. Amen.

Khi ông Adong và bà Evà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, họ đã xây một cái nhà trên đất sỏi khô cằn, và làm lụng vất vả đổ mồ hôi trán để kiếm của ăn. Mỗi năm hai ông bà có thêm một người con. Theo năm tháng, những người trẻ này lớn lên và tổng cộng tất cả là 14 người. Chắc chả ai ở đây có can đảm sinh sản 14 người!
Một hôm nghe tiếng gõ cửa, ông Adong ra mở và thấy Thiên Chúa đến thăm. Bà Evà mau mắn mời Chúa ngồi và dâng nước cho Chúa dùng. Chúa cám ơn và hỏi: “Các đứa trẻ đi đâu hết cả rồi?” Mau lẹ ông Adong đi gọi các con và 7 đứa đã bước vào nhà, đứng nghiêm trang trước mặt Chúa. Chúa đứng dậy mỉm cười và nói: “Cha sẽ chúc lành cho từng con một”. Họ quì xuống trước mặt Ngài, và Ngài đặt tay trên đầu chúng. Với người con cả, Ngài nói: “Con sẽ là một ông vua oai hùng dũng mạnh”. Với người con thứ hai, Ngài bảo: “Con sẽ là một công chúa xinh đẹp”. Người con thứ ba nghe Ngài nói: “Con sẽ là một vị công tước khôn ngoan”, và những người còn lại đều được lãnh nhận ơn lành để trở nên những học gidi, thi sĩ, đại thương gia.
Ông Adong và bà Evà thấy Chúa chúc lành rộng rãi cho các con của mình, nên vội vàng đi tìm 7 người con còn lại dẫn đến trước mặt Chúa. Chúa cười và nói: “Ta cũng phải chúc lành cho các trẻ này mới được”. Nghe thế, ông Adong và bà Evà mỉm cười sung sướng. Đặt tay trên đứa thứ nhất, Ngài nói: “Con sẽ là một người đầy tớ trung tín”. Với người thứ hai, Ngài bảo: “Con sẽ là một bác nông phu”. Người con thứ ba cũng được chúc lành để làm thợ đóng giầy. Số còn lại người làm thợ rèn, người làm thợ mộc, người làm nghề may vá quần áo.
Bà Evà nghe thấy Chúa chúc như vậy, nên khóc và thưa: “Lạy Chúa, thật không công bằng chút nào. Chúa phân phát các ân huệ của Chúa không đồng đều chi cả. Tất cả những người con này đều là con của con mà Chúa cho người được làm vua, người bị làm đầy tớ”. Chúa lắng nghe lời than, rồi trả lời: “Này Evà, con không hiểu Cha. Cha thấy cần thiết phải phân chia các nhiệm vụ, các công việc trên mặt đất này qua các người con của con. Nếu tất cả đều làm vua hoặc công chúa thì còn ai làm nghề nông để cung ứng thực phẩm nữa. Nết tất cả đều làm quan thì ai sẽ là người cung cấp quần áo. Mỗi người lãnh nhận nhiệm vụ khác nhau, nhưng dưới cái nhìn của Cha, tất cả đều quan trọng và cần thiết. Giống như các phần trong thân thể. Tất cả đều hoà hợp bổ túc và nuôi dưỡng nhau”. Nghe vậy, bà Evà thưa: “Lạy Chúa xin tha thứ cho con. Con đã quá vội vã và nông nổi. Con cầu xin cho thánh ý Chúa được nên trọn nơi các người con của con”.
Qua bài Phúc âm với dụ ngôn người lãnh năm nén, người hai nén, người một nén, Chúa muốn nói với chúng ta một sự thật căn bản: Không ai giống ai và mỗi người lãnh nhận những tài năng ân sủng khác nhau. Tuy nhiên tất cả mọi người đều có những gì cần phải có để đạt kết quả. Người lãnh một nén không có nhiều như người có năm nén, đó là điều rõ ràng hiển nhiên, nhưng ông có tất cả những gì ông cần. Nếu ông không đem đi chôn, có thể ông đã làm được nhiều chuyện. Điều này phản ảnh tâm trạng con người một cách sâu xa: Thiên Chúa trao ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần, nhưng điều đáng buồn là chúng ta thường không biết nhận ra giá trị và cảm ta những gì chúng ta có.
Phải, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa trao ban ân huệ cũng như tài năng, và có tất cả những gì cần có để đạt đích. Thiên Chúa trao ban những ân huệ tài năng khác nhau là để giúp con nguời có thể chu toàn các công việc khác nhau, bổ túc, khích lệ, và nâng đỡ nhau trong cuộc sống vất vả nơi dương thế. Mỗi người đều quan trọng và có chỗ đứng riêng biệt trên trái đất. Điều quan trọng không nằm ở chỗ nhận nhiều hay ít, nhận ân huệ này hay tài năng kia, nhưng ở chỗ chúng ta đã, đang, và sẽ làm gì với những cái chúng ta có, những gì chúng ta đã lãnh nhận. Đây là điều quan trọng của dụ ngôn. Người có một nén cũng có cùng một cơ hội như người có năm nén, nhưng ông đã chọn lựa việc đem chôn giấu đi. Đó là điều tệ hại nhất chúng ta có thể làm với bất cứ quà tặng nào mà Thiên Chúa đã yêu thương trao ban cho chúng ta.
Đâu là ân sủng tài năng của chúng ta? Và Thiên Chúa đã trao cho chúng ta những gì để chúng ta chia sẻ với xã hội hôm nay? Phải chăng chúng ta chia sẻ hay lại chôn giấu dưới đất, đầu tư một cách ngu xuẩn hay dùng nó để làm vinh danh Chúa? Chúng ta cần nhớ rằng chúng ta có tất cả những gì cần thiết đế chu toàn nhiệm vụ và bổn phận của chúng ta. Và Thiên Chúa muốn chúng ta làm việc: Người lãnh một nén bị phạt không phải vì tội ông chỉ lãnh được một nén, nhưng vì ông không chịu làm việc, không khai thác khả năng của mình. Do đó, câu hỏi quan trọng mà mỗi người chúng ta cần kiểm điểm suy nghĩ một cách thành thực trước mặt Chúa và trả lời qua cuộc sống của mình, đó là: Chúng ta đã và đang làm gì với những cái chúng ta có, những gì chúng ta đã và đang lãnh nhận?

Trước hết, tài năng cần được phát hiện và thừa nhận. Người ta nói rằng nơi sinh thực sự của chúng ta là nơi mà, chúng ta được đánh thức những năng khiếu và tài năng của mình. Thông thường, cần có một người bên ngoài nhận ra tài năng của chúng ta.
Tương tự như mặt trời làm trổ sinh những bông hoa thơm ngát còn đang nằm ẩn bên dưới lòng đất ở những cánh đồng, cũng vậy, có những người tìm kiếm cách hoàn thành nhiệm vụ, bằng cách giúp cho những tài năng nơi người khác được bộc lộ ra. Có lẽ đây là những người có tài năng nhất.
Dostoevsky, một văn sĩ người Nga, đã viết tác phẩm Người Khốn Khổ, năm ông chỉ mới lên 20 tuổi. Belinsky là một nhà phê bình lỗi lạc nhất thời nay. Khi Belinsky đọc bản thảo của cậu thanh niên Dostoevsky, ông nói “Cậu đã làm cho chúng tôi chú ý đến một sự thật khủng khiếp. Cậu có một tài năng vĩ đại. Hãy chăm sóc cẩn thận tài năng này, rồi cậu sẽ trở thành một nhà văn lớn”.
Dostoevsky đã say sưa với những lời nhận định của nhà phê bình nổi tiếng này. Nhiều năm sau, ông viết “Đó là một giây phút hạnh phúc nhất trong suốt cuộc đời của tôi”.
Tại sao giây phút đó lại quan trọng đối với Dostoevsky đến thế? Bởi vì Belinsky đã thực sự làm chỗi dậy tài năng viết văn của ông. Ông vẫn còn đang chưa chắc chắn gì về bản thân mình, và do đó, rất dễ bị tổn thương. Sự phát hiện của Belinsky đã xác nhận được nơi ông niềm tin tưởng về tài năng của mình. Hơn thế nữa, điều này đã thúc đẩy ông tiến tới trên đường đời. Thông qua các tác phẩm của ông, ông đã sử dụng cả cuộc đời để diễn tả về bản thân mình.
Một trong những nhu cầu lớn nhất của chúng ta là tự diễn tả về bản thân mình. Chúng ta không thể nào thể hiện hoặc phát huy hết năng lực bản thân, trừ phi chúng ta tự diễn tả về mình. Sự tự diễn tả cần thiết đối với chúng ta, tựa như hoa lá cần thiết cho một thân cây. Thi sĩ và nghệ sĩ Kahil Gibran đã nói về điều đó như sau: “Trong hầu hết mọi người, đều có một nỗi cô đơn lớn lao – một niềm khát vọng được tự diễn tả về bản thân”. Và họa sĩ Van Gogh nói “Giữa điều mà tôi nhận thức và điều mà tôi diễn tả, có một bức tường ngăn cách; tôi đã trải qua cả cuộc đời mình để tìm cách phá bức tường đó”.
Diễn tả về bản thân là một cách thức sống trọn vẹn con người của mình, và từ đó, trở nên thánh thiện. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta có thể nói rằng mình đã phát triển đầy đủ các tiềm năng của mình, với tư cách là những con người? Tất nhiên là người ta có thể tự diễn tả về bản thân bằng nhiều cách thức. Tuy nhiên, người ta lại có thể bộc lộ ra rất nhiều tài năng của mình. Khi điều này xảy ra, chính sở hữu chủ của tài năng là người bị mất mát nhiều nhất. Một số người cứ sống trôi nổi cả cuộc đời mình, rồi đã chết đi, mà vẫn không thể hiện ra, dù chỉ một đôi chút tiềm năng của họ.
Sự diễn tả trái ngược hẳn với sự ngăn chặn. Ngăn chặn là kiềm chế, đè nén, giấu giếm, ức chế. Sự ngăn chặn không tránh khỏi tình trạng phát sinh ra sự trầm cảm. Diễn tả là nói rõ ràng ra, là bộc lộ, thể hiện mình… Sự diễn tả có thể lôi kéo theo nỗi đau, nhưng cuối cùng, lại đưa đến niềm vui.
Chính bằng lối sống đó, mà chúng ta phát hiện ra những tài năng của mình, và chính bằng cách sử dụng chúng, mà chúng được phát triển. Mỗi tài năng cần phải được phát triển. Nếu một tài năng cần phải mang lại hiệu quả đầy đủ của nó, thì người ta phải biết chịu khó làm việc, sống kỷ luật và kiên nhẫn. Chúng ta nhận thấy điều này ở người đầy tớ thứ ba trong dụ ngôn của Đức Giêsu.
Trong trường hợp người đày tớ thứ ba, chúng ta nhận thấy có sự trái ngược. Không phải do tính khắt khe của ông chủ, đã ngăn cản anh ta không sử dụng được những nén bạc của mình – đó chỉ là lý do biện hộ. Anh ta cũng không thiếu cơ hội. Bản thân anh ta đáng bị khiển trách, do tính lười biếng, hèn nhát và ích kỷ.
Cuộc sống là quà tặng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta làm được gì cho cuộc đời, đó chính là quà tặng của chúng ta đối với Thiên Chúa.

26. Dụ ngôn các nén bạc – Lm. PX. Vũ Phan Long
Người đầy tớ trung thành là người không những biết chu toàn một sứ mạng đã được giao phó vừa theo mặt chữ vừa theo tinh thần, mà còn biết lấy sáng kiến mà làm việc trong chiều hướng những gì ông chủ có thể chờ đợi nơi họ.
1.- Ngữ cảnh
Về phương diện văn chương và đề tài, “Dụ ngôn Những nén bạc” (Mt 25,14-30) được đặt trong ngữ cảnh là chương 24–25. Các chương này thuộc về bài Diễn từ cuối cùng của Tin Mừng I, ngay trước bài tường thuật về Thương Khó và Phục Sinh (ch. 26–28). Câu truyện đặt đối diện hai nhân vật: một ông chủ và các đầy tớ. Ở đây giống như trong dụ ngôn mười trinh nữ, có những đầy tớ “tốt” và những đầy tớ “xấu”. Khi ông chủ trở về, người ta không còn có thể thay đổi tình thế được nữa, mà phải chấp nhận vĩnh viễn tình thế ấy.
Tuy nhiên, ở ngay chỗ bắt đầu bản văn, có từ “bởi vì” (gar). Từ này nối bài dụ ngôn với câu trước là 25,13 và làm cho bài dụ ngôn này nối với bài trước như sau: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào. Bởi vì cũng như có người kia sắp đi xa…”. Vậy bài dụ ngôn biện minh cho việc phải “canh thức/tỉnh thức”. Dĩ nhiên, Mt không hiểu từ ngữ này theo nghĩa chữ, nếu không ngài đã chẳng dùng lời khuyến cáo này làm câu kết cho một dụ ngôn trong đó các trinh nữ đều đã ngủ cả. “Canh thức” là ở trong tư thế luôn “sẵn sàng” đối với cuộc Phán xét, mà mình không biết ngày giờ.
Nếu dụ ngôn Các nén bạc nói về “canh thức” thì phải có những ý tưởng liên hệ tới đề tài này. Chúng ta thấy ở c. 19, tác giả cho biết rằng ông chủ trở về “sau một thời gian lâu dài”. Chi tiết này tương tự chi tiết của bài trước: “vì chú rể đến chậm…” (25,5); chi tiết này lại nhắc đến một chi tiết có trước trong dụ ngôn Người đầy tớ trung tín, trong đó người đầy tớ nói: “Còn lâu chủ ta mới về” (24,48). Những câu này nêu ra vấn đề các Kitô hữu đang phải đương đầu vào cuối thời các tông đồ do cuộc Quang Lâm đến chậm: Đức Kitô chậm trở lại như thế, có thể khiến các Kitô hữu thất vọng (x. 2 Pr 3,4), sẽ mất sự bền bỉ. Do đó, cần phải nhấn mạnh đến đề tài “canh thức” với các sắc thái khác nhau của đòi hỏi này. Mt diễn tả bổn phận canh thức qua các tĩnh từ dùng cho các đầy tớ: “tài giỏi và trung thành”, hay là “tồi tệ và biếng nhác”.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Giới thiệu các nhân vật và chủ đề (25,14-18):
a) Ông chủ giao tiền trước khi ra đi (cc. 14-15),
b) Thời gian giữa thời điểm ông chủ ra đi và trở về (cc. 16-18);
2) Tính sổ với ông chủ (25,19-30):
a) Câu mở (c. 19) và Cảnh người đầy tớ tốt thứ nhất (cc. 20-21),
b) Cảnh người đầy tớ tốt thứ hai (cc. 22-23),
c) Cảnh người đầy tớ xấu (cc. 24-30. Hoặc: Người đầy tớ xấu: cc. 24-28; Nhận định chung kết: cc. 29-30).
3.- Vài điểm chú giải
- nén bạc (15): Một talanton Israel khoảng 35kg bạc (x. Xh 25,39; 1 V 9,14…), còn một talanton Hy Lạp (x. 1 Mcb 11,28; 2 Mcb 3,11; Mt 18,24…) thì khoảng 21-26kg. Ngoài các nghĩa tượng trưng đã được gán cho “nén bạc” (khả năng, các trách nhiệm, thì giờ, các của cải…), ý nghĩa của “nén bạc” tương ứng nhất với Tin Mừng Mt là “Tin Mừng”, hoặc tốt hơn, là sự hiểu biết mỗi người có về Tin Mừng (c. 15: “tuỳ khả năng riêng mỗi người”). Sự hiểu biết này phải được chuyển thành hoa trái phục vụ và bác ái đối với người khác. Nói chung, có thể cho rằng một nén bạc bằng 10.000 quan (một quan là công một ngày làm việc).
- được giao ít mà anh đã trung thành (21.23): Lời khen này có thể khiến độc giả nghĩ đến những gương mẫu trong quá khư, như Môsê hoặc Đavít: lúc đầu Thiên Chúa đặt các ngài chăn dắt các đàn vật trước khi giao cho các ngài những nhiệm vụ lớn lao hơn.
- niềm vui (21.23): Hẳn đây là niềm vui hai người đầy tớ tốt cảm nhận khi được vào hưởng bữa tiệc thiên sai, chứ không phải là niềm vui của ông chủ cảm nhận do lý do gì ta không biết.
- Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm (29): Công thức có lẽ là một câu tục ngữ (x. 13,12), hoặc một câu nói của Đức Giêsu đã bị tách khỏi ngữ cảnh, được Mt đặt ở đây. Câu này tóm dụ ngôn rất khéo: vào ngày Phán xét chung (bản văn Hy Lạp là “sẽ được ban cho” là một công thức ở thái bị động tuyệt đối, để nói về hành động của Thiên Chúa, và động từ ở thì tương lai gợi đến một hành động cánh chung của Thiên Chúa), ai có, tức là đã trung thành trong những chuyện nhỏ của cuộc sống trần thế, sẽ nhận được một phần thưởng lớn; còn kẻ nào không có gì, tức đã bất trung hoặc lười biếng, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
- chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng (30): Hình phạt này chỉ có thể là cuộc trầm luân đời đời (x. Mt 22,13).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Giới thiệu các nhân vật và chủ đề (14-18)
Dụ ngôn bắt đầu với từ hai từ nhỏ đáng chú ý: “cũng như” ([h]ôsper) và “bởi vì” (gar, “vì chưng” [NTT]; “quả thế” [CGKPV]). Với từ “cũng như”, bài dụ ngôn mới này dường như liên kết với c. 13 nói về canh thức. Còn với “bởi vì”, bài này triển khai câu cuối của dụ ngôn trước (25,13: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”). Thật ra, cả bài nhắc nhớ đến các truyện Đức Giêsu đã kể trước đây: truyện Tên mắc nợ không biết thong xót (18,23-35: các từ có chung là “các yến vàng”, “tính sổ”) và nhất là truyện Người đầy tớ trung tín (24,45-51: các từ có chung là “đầy tớ trung thành”, “đặt lên”/”giao [nhiều]”, “ông chủ [các] tên đầy tớ ấy”, ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”).
Mọi chuyện xảy ra giữa ông chủ và các tôi tớ. Ông chủ chuẩn bị đi xa, đã ký thác công việc quản lý tài sản ông cho các đầy tớ. Trong thời gian ông đi vắng, các đầy tớ này phải vận dụng khả năng mà làm cho số bạc đã nhận sinh lãi. Như vậy, các tôi tớ này không tự do và độc lập, nhưng họ ở trong một tương quan lệ thuộc và phục vụ. Họ thuộc về ông chủ; những gì được ký thác cho họ là của cải của ông chủ và những gì họ làm sinh ra từ đó là sở hữu của ông chủ. Họ bị ràng buộc với chủ nhiều cách.
Nhân vật chính là một ông chủ giàu có, nhưng dù vậy, ông không muốn để cho vốn của ông nằm đó, càng không muốn cho các đầy tớ của ông chỉ biết nằm ngủ. Dường như điểm sau này là mối quan tâm chính của ông. Với tám nén bạc, ông có thể tự mình đưa đến ngân hàng hoặc đầu tư cách nào khác; ở đây ông lại muốn giao phó số bạc cho các trung gian. Ông đã bỏ một lối xử sự đảm bảo hơn, như ông cho biết trong mẩu đối thoại với tên đầy tớ biếng nhác, mà chọn lấy một cách phiêu lưu hơn, mục đích chỉ để họ chứng tỏ sự cần mẫn (c. 27) và chịu khó. Nét bất thường này cho thấy rằng mục tiêu đầu tiên của ông không phải là lợi nhuận nhưng là xem xét các khả năng, sự sẵn sàng, óc sáng kiến nơi các thuộc cấp. Nhưng cách làm ấy cũng chứng tỏ ông tin vào thiện chí của họ. Ông không muốn họ chỉ là những kẻ lệ thuộc, nhưng là những cộng sự viên có lương tâm. Để thẩm định óc sáng tạo và chuyên chăm, ông không xác định cách thức họ phải theo. Mọi sự được phó mặc cho chọn lựa của họ. Nếu ông phân phát các nén bạc tùy theo khả năng của từng người, là để cho mọi người có cơ hội làm ra một năng suất tối đa, chứ không phải là thiên vị người này hơn người kia. Lời nhận xét của người đầy tớ vô tích sự: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” (c. 24) xác nhận cách xử sự của ông chủ và hơn nữa việc ông tín thác công việc cho các cộng sự viên. Lẽ ra biết ông chủ là người nghiêm khắc, người đầy tớ càng phải ra sức mà làm việc, thay vì ươn ái bất động như thế!
Hai người tôi tớ tốt bắt tay vào việc tức khắc. Họ sử dụng của cải đã được giao cho họ theo cách tương ứng với ý muốn của ông chủ. Họ tuân theo các mục tiêu của ông và bảo vệ của cải lợi lộc cho ông. Cách làm của họ đã đưa lại hoa trái dồi dào.
Người tôi tớ thứ ba mang yến bạc đến trả lại cho chủ, không hơn không kém. Ngay từ đầu, anh đã có một tương quan sai lạc với chủ. Anh ta thấy ông là một con người cứng rắn, anh trách ông là gặt chỗ không gieo, và anh sợ ông (25,24t). Anh nhìn nhận mình lệ thuộc ông, nhưng không quy phục ông với lòng tin tưởng và cần mẫn. Anh cảm thấy sự lệ thuộc của mình gay go và áp bức và tức giận với ông như đối với một kẻ bóc lột bắt kẻ khác làm việc cho mình và sống nhờ công lao của những kẻ khác. Do đó, anh từ chối phục vụ và không hành động theo ý muốn của chủ. Anh không phung phí của cải được giao và không tiêu xài cho mình. Anh chỉ để nó ở đấy không sinh lợi và trả lại cho chủ y như đã nhận. Những lời nói của anh chao đảo giữa sự nghi ngờ, phản đối và sợ hãi. Anh bị kết án không phải bởi vì anh đã không đạt được con số như các đồng nghiệp, nhưng bởi vì anh không vận dụng một sáng kiến nào cả, dù là việc dễ hơn như bỏ số bạc vào ngân hàng (dễ hơn cả việc đào lỗ chôn giấu énn bạc của chủ!), dễ nhưng phiêu lưu hơn, nên cũng nặng trách nhiệm hơn. Lỗi của anh là đã chôn giấu một của cải tự nó phải sinh lời.
* Tính sổ với ông chủ (19-30)
Sau một thời gian lâu dài, ông chủ trở về và gọi các tôi tớ đến tính sổ. Cảnh tính sổ với ông chủ được chia thành ba hồi nhỏ: Ba người đầy tớ đến gặp chủ, mỗi người nói ra cách mình đã làm với số bạc của chủ và nghe ông đánh giá.
Trường hợp hai người đầu thì hoàn toàn song song: người đầu như thế nào, thì người thứ hai như vậy (mỗi người được dành cho 2 câu); người thứ ba được đặc biệt lưu ý (anh được dành cho 7 câu, hoặc ít ra là 5 câu, nếu tách cc. 29-30 ra như là phần thêm vào sau). Về phương diện văn chương, bốn câu dành cho hai người đầu làm thành một đơn vị văn chương được dùng làm đối trọng cho người đầy tớ thứ ba. Như vậy, trong thực tế, chúng ta có một phép đối ngẫu: điểm giáo huấn quan trọng nằm trong sự tương phản giữa hai người đầu với người thứ ba. Trong một dụ ngôn có đặc tính đối ngẫu như thế, điểm nhấn luôn nằm nơi vế thứ hai của thế đối ngẫu (x. các dụ ngôn trong các Tin Mừng và Tl 9), vế thứ nhất chỉ nhằm làm rõ vế hai mà thôi.
Họ đã báo cáo lại cho chủ đầy đủ và được ông không tiếc lời khen ngợi. Ông nhìn nhận họ là những tôi tớ tốt lành và trung tín. Một tôi tớ tốt lành thì chấp nhận trọn vẹn vị trí của mình và ra tay phục vụ chủ. Người ấy không theo các ý riêng hoặc các cảm hứng riêng, không tránh né chủ, nhưng tự đồng hóa với các mục tiêu và quyền lợi của chủ. Một tôi tớ tốt lành thì ân cần chăm sóc của cải đã được giao phó cho mình với lương tâm. Sau khi hai tôi tớ đã được thử thách, ông chủ có thể giao phó cho họ các nhiệm vụ lớn lao hơn. Ông mời gọi họ đến niềm hạnh phúc viên mãn: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (25,21.23). Tin Mừng rất thường nói đến việc “đi vào Nước Trời” (x. 5,20; 7,21; 18,3), “vào trong cõi sống” (18,8t; 19,16) và bây giờ “vào trong niềm vui”. Những ai trung tín thì được chấp nhận cho thông phần Nước Trời, nghĩa là được sự sống viên mãn và niềm hạnh phúc vô tận. Ông chủ không đẩy các tôi tớ ra xa, nhưng chấp nhận họ vào trong môi trường sống của ông, trong cuộc sống hạnh phúc viên mãn của ông. Chúng ta không thể đạt tới mục tiêu này và mức sống viên mãn nhờ dựa vào sức riêng, hoặc nhờ đi qua một nẻo đường chọn riêng, nhưng chỉ nhờ phục vụ Chúa. Hai người tôi tớ nhận được phần thưởng như nhau, phần thưởng này không được xác định bởi mức độ đóng góp của họ, nhưng bởi mức độ là sự chuyên cần và trung tín.
Còn kiểu tính toán của người đầy tớ cuối cùng là một tính toán sai lầm; trong khi anh tưởng được yên thân khỏi bị quy trách, anh đã làm hại quyền lợi của ông chủ. Anh trả lại “nguyên xi” nén bạc đã nhận, nghĩ rằng như thế là “cân bằng thu chi”: anh vừa lười biếng lại vừa ngu ngốc. Ông chủ gọi anh là đầy tớ tồi tệ và biếng nhác (c. 26), một kẻ đã hoàn toàn làm hỏng cuộc đời của chính mình và lệnh truyền đã nhận. Bởi vì anh đã tránh né chủ, bây giờ ông chủ cũng tránh né anh. Ông không cho anh vào hiệp thông đời sống với ông, nhưng cho quăng anh ra ngoài, nơi đó không có niềm vui, nhưng chỉ có khóc lóc vì đau đớn và nghiến răng vì giận dữ vì sự hư hỏng chính mình đã gây ra cho mình (x. 8,12). Đây là một cuộc sống trong tối tăm, trong sợ hãi và tuyệt vọng.
+ Kết luận
Cho dù cuộc Quang Lâm có đến chậm, các Kitô hữu cần phải luôn “canh thức” với ý nghĩ là cuộc Phán xét sẽ đến và lối sống của họ sẽ bị thẩm định để xem có được vào hưởng niềm hoan lạc hay không. Sự canh thức này cũng đồng thời là sự trung thành chu toàn các nhiệm vụ đã được giao phó, tức là tất cả các bổn phận thuộc đời sống Kitô hữu. Xét như thế, bài này có những liên hệ với bài dụ ngôn Người đầy tớ trung thành (24,45-51). Người đầy tớ trung thành là người không những biết chu toàn một sứ mạng đã được giao phó vừa theo mặt chữ vừa theo tinh thần, mà còn biết lấy sáng kiến mà làm việc trong chiều hướng những gì ông chủ có thể chờ đợi nơi họ.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Giống như các tôi tớ trong dụ ngôn, chúng ta, cùng với những gì chúng ta có, là thọ tạo của Thiên Chúa. Chúng ta không có gì thuộc về chúng ta; các khả năng của chúng ta từ Người mà đến. Tuy nhiên, không phải mọi người đã nhận được như nhau; mức độ các ân ban của Thiên Chúa cho từng người thì khác nhau, và đó là quyền của Ngài. Các nén bạc đây có thể là các đức tính, các khả năng phải phát triển. Nhưng điều tác giả dụ ngôn nhấn mạnh là sự tin tưởng nơi ông chủ, và sự tha thiết, quảng đại hy sinh hầu chu toàn ý muốn của chủ.
2. Thiên Chúa dùng các cộng sự viên để thực hiện các kế họach của Ngài. Ngài không tự mình làm nhưng nhờ trung gian các người thân tín. Những người này cần phải nhận ra cách xử sự như thế của Thiên Chúa là một vinh dự cho mình, để mà ra sức quảng đại đáp lại sự chờ đợi của Người. Đời sống Kitô hữu không phải là một nếp sống tĩnh hoặc nghỉ ngơi thoải mái.
3. Không phải chỉ tránh sự dữ là đủ; còn cần phải vận dụng tất cả các năng lực và chính đời sống mình mà làm điều thiện. Ơn gọi Kitô hữu là một số vốn bấp bênh; đây không phải là một món tiền chết, nhưng là một quà tặng phải được làm cho sinh lời với óc khôn ngoan, chăm chỉ và tình yêu. Mỗi Kitô hữu phải lấy tinh thần trách nhiệm và can đảm mà làm việc.
4. Thời gian hiện tại là nhà băng thử thách để đưa tới định mệng tương lai. Ai đã chứng tỏ mình biết dấn thân làm việc sẽ được giao phó cho một hoạt động cao hơn; ai ươn ái và lười biếng sẽ mất cả số vốn của mình và thậm chí bị loại khỏi Nước Trời.
5. Chúng ta chỉ có một cách đạt tới cùng đích của đời sống chúng ta, đó là ra tay phục vụ Thiên Chúa, sử dụng theo ý Ngài tất cả những gì đã được ban tặng và ký thác cho chúng ta. Chúng ta không thể sử dụng theo ý muốn của mình và phung phí đời sống và thì giờ, các khả năng và phương thế, các công việc của chúng ta. Thiên Chúa đã ký thác tất cả các thứ đó cho chúng ta, và chúng ta phải trả lẽ với Ngài về tất cả. Không phải trong sợ hãi Thiên Chúa, nhưng trong sự tin tưởng vào Ngài, chúng ta mới có thể chu toàn nhiệm vụ của chúng ta.

(Suy niệm của An Phong, OP)
Mỗi người một hoàn cảnh riêng
Con người sinh ra đã có sự bất bình đẳng: có kẻ giàu người nghèo; kẻ thông minh, người thì đần độn; kẻ ra đời trong mảnh đất tốt, người thì phải đón nhận biết bao bất hạnh...
"Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén"
Những sự bất bình đẳng tự nhiên về tài năng và hoàn cảnh không có nghĩa là có một sự bất bình đẳng về phẩm giá. Thiên Chúa không đòi mọi người phải làm lợi được năm nén, nhưng chỉ muốn mỗi người đón nhận cuộc sống của mình, đón nhận hoàn cảnh riêng của mình và sống tốt đẹp trong chính hoàn cảnh ấy. Mỗi người, trong hoàn cảnh riêng của mình vẫn là một con người cao quí, vẫn là con cái của Thiên Chúa và được Thiên Chúa tin tưởng trao phó nén bạc của Ngài.
Thái độ so đo tính toán
Tuy nhiên, có nhiều người luôn "đứng núi này trông núi nọ", họ luôn thấy mình thiếu và muốn đổ tội cho hoàn cảnh. Một thái độ so đo tính toán như thế bộc lộ thái độ của người nô lệ hơn là thái độ của người con trong nhà; và bình thường, đã là thái độ chào thua trước cuộc đời.
"Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy".
Trong tâm tình con cái, một nén bạc đã là một hồng ân! Nhưng trong thái độ "đứng núi này trông núi nọ", một nén bạc lại là một hình phạt. Chính thái độ của con người trước cuộc đời và trước Chúa đã góp phần làm nên thành công hay thất bại của con người. Nhiều khi người ta được đón nhận hơn một nén (một nén bạc hiểu như điều căn bản để có thể sống và hoàn thành cuộc sống), nhưng lại cứ phàn nàn tôi chẳng có gì.
Thiên Chúa tin tưởng con người
Thiên Chúa đi xa? Thật ra Thiên Chúa chẳng bao giờ đi xa cả. Ngài chỉ ra như "vắng mặt" để con người biết thể hiện năng lực và lòng trung tín của mình. Trong ý nghĩa đó, thái độ trung tín trở nên một yếu tố hết sức quan trọng. Nếu ta trung tín trong mỗi công việc nhỏ, thì bình thường chính công việc ấy sẽ mở ra những cánh cửa mới cho cuộc đời; và nếu ta biết cảm tạ hồng ân, thì chính những hồng ân nhỏ lại dẫn ta tới niềm vui lớn lao hơn: "vì phàm ai có, sẽ đựơc cho thêm và sẽ có dư thừa".
Lạy Chúa Giêsu,
Thú thật với Chúa, con vẫn chưa tin tưởng nhiều nơi Chúa trong đời sống, trong công việc, trong những khó khăn mà con gặp phải trên đường đời.
Và cũng vì thế, nhiều lần con muốn lẩn tránh, hoặc đầu hàng cuộc đời.
Xin cho con biết tin tưởng nơi tình thương Chúa
và sự quan phòng yêu thương của Chúa Cha nhiều hơn nữa.

(Suy niệm của Lm. G Nguyễn Cao Luật, OP)
"Ông chủ đi vắng..."
Dụ ngôn những nén vàng là dụ ngôn cuối cùng trong ba dụ ngôn được thánh Mátthêu gom lại để nói lên chủ đề "Thời cuối cùng". Trong câu chuyện này, ai là ông chủ sắp đi xa, nếu không phải là chính Đức Giêsu? Trước đây một khoảng thời gian ngắn, chính Người đã tuyên bố: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ thấy Thầy." (Ga 16,16). Người sẽ ra đi để được Chúa Cha tôn vinh cách công khai và long trọng, Người cũng sẽ trở lại để tính sổ. Vì vậy, Tin Mừng Mát-thêu đã nối kết câu chuyện xét xử tên gia nhân bất tài với cuộc phán xét chung (Mt 25,31-46).
Ngoài ra, trình thuật hôm nay được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu sắp tiến vào Giêrusalem và chịu khổ nạn. Con Người sắp ra đi và trao phó vương quốc lại cho những người được tín nhiệm. Các ông có nhiệm vụ làm cho vương quốc ấy được tiến triển.
"Một người kia sắp đi xa, liền gọi gia nhân đến mà giao phó của cải mình cho họ."
Trước hết, tất cả các gia nhân đều được trao một số nào đó, không ai trắng tay, không có vốn ban đầu. Tuy vậy, mỗi người nhận được số vàng không như nhau. Sau này, khi trở về, ông chủ tính sổ với mỗi người theo tình trạng không đồng đều này: ông không đòi người nhận hai nén phải trả lại năm nén. Ông đòi mỗi người theo mức độ ông đã giao, và chỉ chừng đó thôi.
Thời gian của lịch sử nhân loại, đó là thời gian "ông chủ đi vắng": mỗi người bị đặt trước thử thách, như gia nhân được ông chủ trao phó những trách nhiệm lớn lao. Quả thế, đời sống của con người qua đi trong lúc dường như Thiên Chúa vắng mặt hay rút lui để cho các thụ tạo có thể phát huy sáng kiến của mình. Điều này cho thấy Thiên Chúa rất tin tưởng và tôn trọng con người.
Với các môn đệ của Đức Giêsu, nén vàng chính là "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ..., dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em..." (Mt 28,19.20). Ngay từ lúc ấy, các môn đệ của Đức Giêsu, đặc biệt là ông Phêrô, được tung vào một thử thách ghê gớm: cuộc đối đầu với các vị lãnh đạo cao nhất về tôn giáo của đất nước. Ông sẽ mạnh mẽ lên tiếng làm chứng: "Anh em đã giết chết Đấng khơi nguổn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết." (Cv 3,15). Chẳng có ai ban sức mạnh cho ông, ngoại trừ Thánh Thần của Thiên Chúa. Tất cả đã được trao cho các môn đệ, cho ông Phêrô.
Ít lâu sau, một cuộc khủng hoảng xảy ra: Có nên từ bỏ Giu-đa giáo không? Câu trả lời không dễ dàng và cũng không có ngay được. Dường như chính Đức Giêsu đã không giới hạn sứ vụ của Người nơi đoàn chiên Ítraen. Cuối cùng, Hội Thánh đã can đảm tiến lên phía trước: "Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định..." (Cv 15,28).
Tiếp đó là cuộc đụng đầu với bộ máy cầm quyền ở Rô-ma, rồi với cuộc xâm lăng của dân man-di, việc tiếp xúc với những nền văn minh xa lạ. Mỗi lần lại là những vấn đề mới.
Nhìn chung chỉ khi nào vượt lên khỏi sự sợ hãi, lúc ấy Hội Thánh mới ý thức được rằng Tin Mừng không phải là một kho tàng để cất giữ, nhưng là một hạt giống cần được gieo xuống, một vườn nho phải sinh hoa trái, một nắm men phải dậy lên, một cuộc phiêu lưu cần mạo hiểm, một số vốn phải sinh lời, và cuối cùng, một trách nhiệm phải chu toàn cho đến ngày ông chủ trở về.
Như thế, ông chủ đi vắng, nhưng ông đã tin tưởng vào các gia nhân. Ông đã trao toàn bộ tài sản của ông cho họ. Bổn phận của họ là làm lợi thêm để khi ông trở về, ông sẽ tính sổ và ban thưởng.
"... nhưng ông sẽ trở về"
Ông chủ ra đi khá lâu và cuộc thử thách vẫn kéo dài. Người ta có cảm tưởng rằng ông không trở về, hay là ông đã chết rồi.
Nhưng không, ông sẽ trở về, vào giờ phút không ngờ. Không ai biết được lúc nào ông chủ trở về. Chính vì vậy, Đức Giêsu khuyên các môn đệ luôn phải sẵn sàng, phải tỉnh thức trong khi chờ đợi.
Rồi đến lúc ông chủ trở về và đòi các gia nhân tính sổ. Những người đã sử dụng vốn liếng ông đã trao để sinh lợi, ông ban tặng phần thưởng xứng đáng. Riêng với người đem cất kỹ nén vàng ông đã trao, ông xử phạt. Tại sao thế? Anh đã không sinh lợi thêm, nhưng ít ra vẫn bảo toàn nén vàng, không suy suyển, mất mát.
Thật ra, anh ta không phải là người bất lương; không sinh lợi thêm không có nghĩa là ăn cắp. Vậy, anh không làm điều bất công, không lỗi đức công bằng, tại sao anh lại bị quở trách và bị xử phạt?
Ông chủ quở trách anh, không phải vì anh đã phạm tội làm trái lẽ công bằng, nhưng tại vì anh đã cư xử trái ngược với sự tín nhiệm ông đặt nơi anh. Thái độ đáng bị khiển trách của anh, không phải là không làm lợi thêm cho ông chủ, nhưng chính là không dám làm. Lý do anh đưa ra để bào chữa cho thái độ của mình: anh sợ ông chủ "là một người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi". Anh đã tính toán và nghĩ rằng tốt hơn cả là không nên liều. Anh đã nghĩ sai về ông chủ, anh đã hồ nghi. Tội của anh là ở chỗ đó.
Và ông chủ đối xử với anh như anh đã nghĩ về ông. Anh sợ ông, anh nghi ngờ ông, anh nghĩ ông là người hà khắc; vậy ông xử với anh như anh nghĩ. Ông đã quở trách anh là bất tài, là vô dụng, thu lại nén vàng đã giao và hơn nữa, còn giam anh vào nơi tối tăm.
Như thế, khi ông chủ tính sổ, thái độ tin tưởng hay hồ nghi sẽ là mức độ để ban thưởng hay xử phạt. Anh gia nhân được giao một nén chỉ nghĩ đến sự hà khắc của ông chủ, nên anh bị phạt, còn những người khác lại nghĩ đến lòng đại lượng của ông chủ, và họ đã sống theo đó, nên được ban thưởng. Càng tính toán kỹ, người ta lại trở về tay trắng, còn khi tin tưởng, người ta được tràn trề, vượt quá lòng mong ước.
Đây là một thử thách lớn với con người, kể từ thời A-đam. Người ta vẫn có thói quen coi Thiên Chúa như một vị bạo chúa hơn là một người cha đầy tình yêu thương, Đấng đã thiết lập "giao ước" với con người, sau khi họ phạm tội. Đây cũng là ý nghĩ của những người biệt phái và kinh sư: họ nghĩ rằng chỉ có họ là người công chính, còn người khác thì không. Họ chẳng yêu mến gì Thiên Chúa, nhưng chỉ vì muốn an toàn và thu lợi về cho mình. Vì vậy, đương nhiên họ cũng hiểu Đức Giêsu muốn ám chỉ họ khi kể dụ ngôn này.
Như vậy, chắc chắn ông chủ sẽ trở về. Ông sẽ ban thưởng cho người yêu mến ông, sống xứng đáng với lòng tín nhiệm của ông, ai sống ngược lại, sẽ bị xử phạt.
Mỗi người có vị trí riêng
Một cách gián tiếp, dụ ngôn này đặt nền cho sự tự do của chúng ta. Nhờ bí tích thanh tẩy, mỗi người đã đón nhận những nén vàng, và phải sinh lợi thêm. Mỗi người đều có trách nhiệm phát huy sáng kiến để làm tăng thêm những nén vàng. Tự do cũng đồng nghĩa với dám liều. Thiên Chúa không muốn chúng ta sống như những người nô lệ, nhưng là như những người tự do, tức là biết quyết định về đời sống hiện tại cũng như tương lai của mình.
Trong thời gian chờ đợi ngày Chúa trở lại, mỗi người chúng ta sẽ sử dụng, điều hành mọi sự không phải như là tài sản của riêng mình, nhưng là của Đấng Sáng Tạo. Việc sử dụng tốt nhất chính là cộng tác tích cực vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không phân bì, tính toán mình nhận được nhiều hay ít, nhưng hiểu rằng mỗi người có những nén vàng, có vai trò và trách nhiệm riêng của mình. Thiên Chúa tín nhiệm mỗi cá nhân và giao cho mỗi cá nhân một vị trí đặc biệt, có thể nói mạnh rằng, không ai giống ai. Điều cần thiết là mỗi người phải hoàn thành "vai trò lịch sử" của mình; bởi vì, vào ngày Chúa trở lại, Người đòi mỗi người phải tính sổ, phải trả lời về những nén vàng mình đã nhận.
Để được như thế, chắc chắn chúng ta phải vượt ra khỏi ý nghĩ cho rằng Thiên Chúa là người hà khắc, trái lại phải sống với Người như với một người cha đầy tình âu yếm. Thái độ này sẽ khơi dậy lòng tin để dám thoát ra khỏi sự an toàn cá nhân, kể cả việc tỉ mỉ tuân giữ Lề Luật, và vươn tới tinh thần tự do, tinh thần của những người dám đưa ra sáng kiến và đảm nhận trách nhiệm của mình.
Thiên Chúa vắng mặt,
nhưng Người đã tín nhiệm chúng ta,
Người mong muốn chúng ta tỉnh thức
và đảm nhận tương lai của mình.
Chúng ta không có quyền coi thường hay hồ nghi sự tín nhiệm đó,
không có quyền ngủ yên trong hiện tại,
nhưng nhận ra đó là một vinh dự
để nỗ lực hướng tới tương lai, đợi ngày Người trở lại và tính sổ.

(Suy niệm của Lm. G. Nguyễn Cao Luật, OP)
Tỉnh thức trong tình yêu
Chắc chắn rằng dụ ngôn mười trinh nữ hướng tới thời cuối cùng, tương tự như các dụ ngôn trong đoạn trước và tiếp liền sau dụ ngôn này (chủ nhà, người đầy tớ trung tín, những nén vàng). Các dụ ngôn này có một ý nghĩa rõ ràng và được nhắc đi nhắc lại, đó là sự tỉnh thức. Người ta không biết giờ nào Chúa sẽ đến, và rất có thể Người sẽ "đến trễ", nên phải chuẩn bị sẵn sàng và kiên trì trước mọi tình huống.
Riêng về dụ ngôn mười trinh nữ, có lẽ không nên để ý đến những chi tiết có vẻ như giả tạo của câu chuyện: dụ ngôn không phải là một phóng sự hay một bài mô tả phong tục đám cưới, đúng và đủ mọi tình tiết. Trái lại, nên chú ý đến bài học của dụ ngôn, đó là sự khôn ngoan, biết phòng xa.
Điều dễ nhận thấy trong dụ ngôn này là bài học về sự "tỉnh thức". Bài học này làm người đọc liên tưởng đến lời cảnh giác của thánh Phaolô: "ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm" (1 Tx 5,2). Trong mười trinh nữ đi đón chàng rể, có năm cô khôn và năm cô dại.
Các cô khôn là những người biết phòng xa và chuẩn bị đầy đủ, cũng giống như người xây nhà trên đá (Mt 7,24), hay người quản gia biết chăm sóc gia nhân lúc vắng chủ (Mt 24,45). Các cô là hình ảnh của những người biết "lắng nghe và thi hành" những lời Đức Giêsu nói, những người có óc phê phán đúng đắn và tế nhị về thực tại của cuộc sống, kèm theo một ý chí cương quyết hành động.
Ngược lại, các cô dại là những cô không biết dự trữ phòng xa, không biết trù liệu trước hoàn cảnh bất trắc. Các cô là hình ảnh tiêu biểu cho những người lơ là, thiếu đầu óc thực tế, thiếu phán đoán, gây ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống, nhất là đời sống vĩnh cửu.
Quả thật, các cô khôn đã chuẩn bị dầu đèn đầy đủ, lại còn mang theo bình dầu dự trữ, đề phòng trường hợp phải chờ đợi lâu. Các cô đã được vào dự tiệc cưới, như là phần thưởng cho thái độ sẵn sàng của mình. Trong khi đó, các cô dại, đã không mang dầu, lại còn mất thời giờ chạy đi mua, nên trở về quá trễ và không được vào dự tiệc cưới. Các cô đã bị ngăn lại, vì đèn của các cô hết dầu, và các cô đến quá trễ: dựa theo lời thánh Âu-gút-ti-nô, các cô đã thiếu điều quan trọng là dấu chỉ tình yêu và đã không sẵn sàng đáp ứng trước tình yêu.
Người ta có thể ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Tại sao các cô khôn lại xử sự có vẻ như thiếu đức ái, đó là không giúp đỡ chị em mình đang gặp khó khăn. Thật ra, ở đây không chú trọng đến đức bác ái, nhưng muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa mỗi người phải chịu trách nhiệm về tự do và hạnh kiểm của mình, không được nông nỗi nhẹ dạ. Hơn nữa, sự kiện các cô trinh nữ phải chờ đợi lâu và chú rể chậm đến có thể cho thấy rằng lòng thương xót được gia hạn thêm một thời gian dài, rất dài, và đến một ngày, giai đoạn này sẽ chấm dứt. Thời gian chờ đợi có kéo dài thêm gợi lên tính cách nghiêm trọng của lời mời, đồng thời cũng bao hàm ý nghĩa: Đấng Cứu Thế không phải là sản phẩm theo sự suy đoán của con người. Đàng khác, nên hiểu thời gian này như một hồng ân được ban tặng để mỗi người kịp sửa chữa những thiếu sót và sai lầm của mình. Mỗi người đều có cơ hội để đáp ứng bằng chính tình yêu của mình.
Và như vậy, dụ ngôn không chỉ nói đến sự tỉnh thức. Hay nói cách khác, tỉnh thức chính là phải chuẩn bị đầy đủ cho cuộc lữ hành ""trên mặt đất đầy đau thương, bi tráng và kỳ diệu này"" (Chúc thư của ĐGH Phao-lô VI). Mỗi người phải mang theo đèn, và phải dự trữ dầu, nguổn đem lại ánh sáng, tức là phải có lòng hiếu khách, phải có tình yêu và niềm vui (ý nghĩa của dầu theo Kinh Thánh). Không có dầu, ngọn đèn sẽ tắt, người ta sẽ chìm trong tối tăm, và không được vào dự tiệc cưới.
Giữ ngọn đèn luôn cháy sáng
Nếu có ai được mời đi gặp một nhân vật họ vẫn mong đợi, hẳn là họ sẽ chuẩn bị rất kỹ càng, có khi tỏ ra nóng nảy, bồn chồn. Nếu họ vốn là người thờ ơ, hẳn họ sẽ phải thu xếp để có mặt đúng giờ, có khi còn đến sớm hơn giờ hẹn. Nếu nhân vật được mong đợi lại là người có khả năng làm thay đổi cuộc đời, thì người ta lại càng náo nức chờ đợi, và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Chàng rể trong dụ ngôn chính là Đức Giêsu. Với lòng yêu thương vô bờ, Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người trọn vẹn vận mạng của tất cả nhân loại cũng như của mỗi người. Người đã đến trần gian để dẫn đưa nhân loại đến tham dự sự sống và niềm vui vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Chính Người đang đến gặp nhân loại và nhân loại phải tiến về với Người, bởi vì Người là sự sống, sự sống đời đời. ""Mà sự sống đời đời chính là nhận biết Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô."" (Ga 17,3)
Chàng rể có thể đến trễ, nhưng người ta vẫn phải chờ đợi, vẫn phải sẵn sàng. Ngọn đèn của mỗi người luôn phải có đủ dầu để đi đón chàng rể. Người ta có thể ngủ quên, nhưng vẫn có thái độ sẵn sàng: khi nghe tiếng kêu vào lúc nửa đêm, họ cũng đủ dầu đèn để đi đón chàng rể và dự tiệc cưới.
Như thế, dầu đèn chính là khát vọng tìm gặp Thiên Chúa. Khát vọng này cần được nuôi dưỡng để khỏi phai tàn trong cuộc chờ đợi. Các cô trinh nữ đi đón chàng rể, lúc khởi đầu tất cả đều vui mừng. Nhưng trong lúc chờ đợi, năm cô đã để cho lòng nhiệt thành của mình nguội dần, và khi chàng rể đến, các cô đâm bối rối, khát vọng của các cô đã tắt lịm. Có biết bao cuộc gặp gỡ đã bị vỡ tan bởi vì ngọn đèn khát vọng đã tắt ngúm.
Đúng vậy, đôi khi cuộc chờ đợi có thể kéo dài và biến thành một thử thách khắc nghiệt, nhất là với những người phải bước đi trong đêm tối, tiến bước rất lâu với cảm tưởng rằng không bao giờ gặp được chàng rể mình vẫn ước mong. Thật ra, tình trạng này là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa luôn khoét sâu tâm hồn con người, để rồi ngày mai hay một lúc nào đó, Người sẽ bước vào. Phần con người, họ phải nuôi dưỡng lòng nhiệt thành bằng lòng tin, bằng việc cầu nguyện. Thiên Chúa sẽ không để cho kẻ chờ đợi Người phải thất vọng.
Sự nghèo khó nội tâm
"Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào."
Đây là chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong suốt diễn từ loan báo ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Ở đây, Đức Giêsu đã bày tỏ rõ ràng Người là Đấng Cứu Thế trước khi Người chịu khỗ nạn và phục sinh.
Người mong muốn chúng ta chờ đón Người, và không được bỏ cuộc; Người mong muốn chúng ta chuẩn bị dầu đèn để khi Người trở lại, mặc dù bất thình lình, và chúng ta đang thiếp ngủ, chúng ta sẵn sàng đến gặp Người như Người cũng nhận ra chúng ta.
Phải chuẩn bị dầu đèn! Đây là một trách nhiệm nhưng chúng ta hãy yên lòng: Nếu Thánh Thần sử dụng dầu, thì chính Người cũng sẽ quan tâm không để chúng ta thiếu dầu.
Chúng ta nhớ lại câu chuyện bà goá ở Xa-rơ-phát: "vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán" (1 V 17,16). Bà goá này đã đặt tất cả niềm tin vào vị sứ giả của Thiên Chúa, nên vò dầu của bà đã không cạn.
Thật vậy, khi phục vụ Thiên Chúa và người khác, chúng ta vẫn phải khôn ngoan, dự phòng, nhưng cũng cần phải nhớ rằng sự khôn ngoan đích thực và cao cả nhất chính là sự nghèo khó trong tâm hồn, là lòng tin tuyệt đối, là xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang ở bên cạnh chúng ta và nâng đỡ sự yếu hèn, sự mỏi mệt của chúng ta. Chính Người vẫn bao bọc chúng ta trong tình yêu thương của Người để chúng ta luôn trở thành ánh sáng cho thế giới, thành anh em của mọi người, thành người cứu vớt những gì đã hư mất và thành chứng ta sống động của niềm vui.
Giếng nước trong khu vườn,
ngọn đèn tạo ánh sáng,
kho báu trong ngăn tủ,
Man-na trong Hòm Bia.
Lạy Chúa, Ngài là Chúa của con. H. Suso