Hốt
hoảng trước hệ lụy,
Trung Quốc chấm dứt chính sách một con
Số người trong độ
tuổi lao động ngày càng giảm sẽ gặp khó khăn khi phải nuôi số trẻ em và người
già ngày càng tăng. Điều này cản trở đến sự phát triển kinh tế.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ
sụt giảm nghiêm trọng lực lượng lao động vì tỷ lệ sinh quá thấp trong nhiều năm
qua.
Ngày 29/10, sau hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp
hành Trung ương, đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo tất cả các cặp vợ chồng ở
nước này sẽ được phép sinh hai con, theo Xinhua.
Chính sách một con được Trung Quốc áp dụng
từ năm 1979 nhằm làm giảm tỷ lệ sinh và kìm hãm tốc độ gia tăng dân số. Chính
phủ Trung Quốc cho biết chính sách này ước tính đã giảm được khoảng 400 triệu
ca sinh nở kể từ khi có hiệu lực. Các chuyên gia phân tích cho rằng việc bãi bỏ
một biện pháp kiểm soát dân số "được áp dụng thành công" hơn 30 năm
qua chứng tỏ Bắc Kinh muốn thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng dân số đang dần hiện
hữu.
Theo số liệu được công bố, chính phủ Trung
Quốc đã thu được 3 tỷ USD mỗi năm từ số tiền phạt những cặp vợ chồng vi phạm
chính sách một con, và nhiều người cho rằng con số này vẫn còn khiêm tốn so với
thực tế. Một phân tích độc lập do luật sư Trung Quốc Wu Youshui thực hiện cho
thấy trong năm 2013, chính quyền 23 trên 31 tỉnh thành của Trung Quốc đã thu được
3,1 tỷ USD tiền phạt những người vi phạm chính sách.
Bất chấp số tiền phạt tới 200.000 nhân dân
tệ (gần 700 triệu đồng) cho mỗi đứa con sinh thêm, nhiều gia đình vẫn sinh con
thứ hai. Trong một bài viết đăng trên ChinaFile năm 2013, chuyên gia phân tích
Leslie Chang cho rằng chính sách một con của Trung Quốc đã "rơi vào tình
trạng tê liệt.”
Chuyên gia phân tích Frida Ghitis của World
Politics Review cho rằng quyết định bãi bỏ chính sách một con là một sự
"điều chỉnh có điều kiện" của Bắc Kinh trước sự bất cập trong quản lý
và thi hành chính sách, đồng thời thể hiện sự "hốt hoảng" của nhà chức
trách trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng dân số đang cận kề. Bà dẫn đánh
giá của các chuyên gia về nhân khẩu học cho rằng cách phù hợp để kiểm soát tăng
trưởng dân số là phát triển thịnh vượng.
Xinhua cho hay quyết định trên được đưa ra
nhằm "cân bằng phát triển dân số và
đối phó với thách thức đến từ nền dân số già.” Mục tiêu mà Trung Quốc đề ra
khi thi hành chính sách một con năm 1979 là "giảm bớt các vấn đề xã hội,
kinh tế và môi trường", do lo ngại dân số tăng nhanh có thể làm cạn kiệt
tài nguyên, gia tăng nghèo đói và đe dọa sự ổn định của xã hội.
Sau hơn 30 năm thi hành chính sách dân số
chặt chẽ, Trung Quốc hiện là một trong những nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế
giới. Các chuyên gia cảnh báo với nền kinh tế phát triển nhanh, đòi hỏi nguồn
nhân lực khổng lồ, chính sách một con có thể đe dọa đến tăng trưởng kinh tế và ổn
định xã hội, hai trụ cột trong điều hành và quản lý xã hội của Trung Quốc.
Theo BBC, tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc,
nhiều trường tiểu học đã phải đóng cửa vì thiếu học sinh trầm trọng. Thanh niên
đổ ra thành phố tìm việc làm, nhiều cặp vợ chồng già ở quê chỉ còn biết nương tựa
vào nhau, ngóng con về mỗi dịp lễ tết.
Năm 2010 số người trong độ tuổi 20-24 ở
Trung Quốc là 116 triệu. Theo ước tính, đến năm 2020, con số này là 94 triệu,
giảm tới 20%, trong đó có rất nhiều người theo học đại học chứ không muốn làm
công nhân. Số người già trên 60 tuổi của nước này vào năm đó sẽ là 360 triệu. Số
người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm sẽ gặp khó khăn khi phải nuôi số trẻ
em và người già ngày càng tăng. Điều này cản trở đến sự phát triển kinh tế.
Từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng
chính sách một con khi cho phép những người thuộc diện "con một" được
sinh hai con. Các nhà nhân khẩu học ở Bắc Kinh dự đoán 10-20 triệu cặp vợ chồng
sẽ hào hứng đón nhận chính sách mới này. Nhưng đến tháng 5/2015, chỉ có chưa đầy
1,5 triệu cặp vợ chồng nộp đơn xin sinh con thứ hai.
Theo Ghitis, sự hốt hoảng của nhà chức
trách Trung Quốc là có cơ sở, khi nhìn sang nước láng giềng Nhật Bản, quốc gia
đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp đến mức nguy hiểm. Một nền dân số già như
Nhật Bản sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, các chuyên gia cảnh
báo.
Trung Quốc có khả năng còn lâm vào tình cảnh
tồi tệ hơn, bởi Nhật Bản không quá cấp bách trong việc duy trì tỷ lệ tăng trưởng
kinh tế cao. Bắc Kinh cần tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bởi họ vẫn có hàng
trăm triệu người sống trong nghèo đói. Trung Quốc cũng cần một nền kinh tế mạnh
mẽ để duy trì vị thế, và điều đó ngày càng trở nên khó khăn khi các vợ chồng trẻ
không muốn có thêm con.
Các chuyên gia dự đoán rằng việc bãi bỏ
chính sách một con sẽ không gây ra một đợt bùng nổ dân số ở Trung Quốc, bởi
ngày càng nhiều vợ chồng trẻ coi trách nhiệm nuôi nấng một đứa con đã là quá nặng
nề. Trung Quốc sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ khủng hoảng dân số
trong tương lai, chuyên gia Ghitis dự đoán.
Trí Dũng