Lễ các thánh TĐVN _ chứng nhân đức tin

CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN
Chúng ta là con cháu các vị tử đạo, chúng ta hãy sống theo gương mẫu các ngài, luôn luôn yêu mến Chúa, bác ái với mọi người, sống kiên nhẫn, chịu đựng...
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Từ cuối thế kỷ 16, khi đạo Chúa được rao giảng tại Việt Nam, nhất là vào cuối thế kỷ 18, và trong thế kỷ 19, đã có rất nhiều Kitô hữu nhận lãnh triều thiên tử đạo. Các ngài đã vì Chúa, mà cam chịu mọi cực hình, trong số này 117 vị được tôn phong chân phước; 64 vị do Đức Leo XIII; 28 vị do Đức Piô X; và 25 vị do Đức Piô XII. Tất cả các vị chân phước này (8 giám mục, 50 linh mục, 15 tu sĩ và 44 giáo dân) đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II phong lên bậc hiển thánh, để toàn thể thế giới tôn kính và noi gương anh dũng của các ngài.
Trong số 117 vị thánh có 37 linh mục Việt Nam, 13 linh mục ngoại quốc dòng và triều. Đáng nhớ hơn cả là linh mục Vinh sơn Liêm, Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Gioan Đoàn Trinh Hoan, Philiphê Phan Văn Minh, nhất là Anrê Trần An Dũng Lạc và Phaolô Lê Bảo Tịnh, là tinh hoa của hàng giáo sỹ Việt Nam. Ngay từ nhỏ Phaolô Lê bảo Tịnh đã sống đạo đức. Đang dậy ở chủng viện. Thầy trốn vào rừng sâu ẩn tu, nhưng sau đó, vì vâng lời. Thầy đã về chủng viện. Khi đang học thần học thì bị bắt, bị tống ngục bảy năm, bị gông cùm xiềng xích, đòn vọt, cuối cùng phải đi đầy, Được phóng thích, thụ phong linh mục, rồi làm bề trên chủng viện. Về sau lại bị bắt, bị hành hạ và bị trảm quyết. Còn linh mục Trần An Dũng Lạc. Ngài bị bắt ba lần, ngài không chịu để giáo dân chuộc nữa, vì Chúa muốn ngài chết để làm chứng cho Chúa. Ngài gây được cảm tình đối với binh sỹ và lý hình đến nỗi họ xin lỗi ngài, trước khi thi hành lệnh chém đầu.
Thứ đến là 14 thầy giảng, và một chủng sinh đã can đảm chịu những cực hình khủng khiếp, người bị xử giảo, kẻ bị trảm quyết, hoặc bị bỏ đói đến chết rũ tù. Trong số đó có thầy Phêrô Đoàn Cao Văn, tuổi già sức yếu, Thầy đã chết vì bị đánh đòn, mang gông cùm; Tôma Trần Văn Thiện, một chủng sinh dự bị, đã không màng lợi danh quan tòa hứa cho, mà còn cương quyết chọn vinh quang trên trời hơn là danh vọng thế gian.
Sau cùng, phải kể tới 44 giáo dân nam nữ ở mọi lứa tuổi và thuộc nhiều thành lớp xã hội. Đáng kể nhất là Trần Văn Trung, cai đội: Giuse Lê Đăng Thị, chưởng vệ; Giuse Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng, là người được chính vợ con khuyến khích chịu chết vì đạo. Anrê Trần Văn Trông, một binh sĩ trẻ được bà Me, noi gương Đức Maria, dẫn tới pháp trường, và sau khi bị giết, đã được bà mẹ ôm xác hôn thắm thiết; Bà Inê Lê Thị Thành , ta quen gọi là bà Đê người phụ nữ đã bị bắt, vì đã che giấu các linh mục tại nhà mình: Bà không chịu bước qua thập giá, đã bị tra tấn dã man và đã bị tống ngục cho đến chết.
Ta cũng phải kể tới 8 Giám Mục nước ngoià đã chịu tử đạo ở Việt Nam. Tiêu biểu là Đức Cha Thể, Đức Cha Y, Đức Cha Xuyên, Các ngài đã theo gương vị mục tử nhân lành hy sinh mang sống vì đoàn chiên. Đức Cha Y thì bị tù ngục, trước khi bị trảm quyết. Đức Cha Thể thì bị chết rũ tù. Còn Đức Cha Xuyên, thì bị khổ hình lăng trì, tức là tứ chi bị chặt rồi bị chém đầu mổ bụng.
Trong những thời kỳ bách hại, giáo dân trải qua nhiều mất mát, đau khổ, chết chóc, Ở đây chúng ta chỉ nói tới một cuộc sát hại thảm khốc tại một địa điểm: miền Bà Rịa vào ngày 7-1-1862.
Vào năm 1861, giáo dân Bà Rịa có khoảng 2.300 người, họ được sống khá yên ổn cho tới tháng 8 năm 1861. Nghĩa là cho tới ngày quan tuần vũ Biên Hòa ra chỉ thị cho phủ Bà Rịa, lập danh sách các người có đạo. Làm danh sách xong, dân có đạo phải “khắc tự” hai bên má: Một bên chữ Biên Hòa, một bên chữ tả đạo. Khoảng tháng 9 năm 1961, bốn ngục được thiết lập:
Ngục Dinh (Phước Lễ) là ngục ở chính ngay Bà Rịa nhốt 300 đàn ông.
Ngục Thơm (Long Kiên) giam 135 đàn bà con nít.
Ngục Thành (Long Điền) giam 140 đàn bà và con trẻ.
Ngục thứ bốn tại họ đạo. Đất Đỏ (Phước Thọ) nhốt 125 đàn bà trẻ con.
Bốn ngục này chứa tất cả khoảng 700 tín hữu thuộc những họ đạo thuộc Bà Rịa. Bốn ngục đều có lính canh gác ngày đêm rất nghiêm ngặt. Tất cả bị giam trong ngục, không được ra ngoài, đại tiện, tiểu tiện, ngay trong đó, may mắn mới được một đứa nhỏ ở ngoài vào hốt đổ.
Trong bầu không khí nghẹt thở ấy, lại nhằm mùa mưa, (tháng 9, tháng 10), nhà tù lại không phên bạt che nắng mưa, tù nhân phải nằm ngủ dưới đất, nên có nhiều người lâm bệnh và chết. Dầu vậy, trong số này không nghe có ai bỏ đạo. Người ta còn thuật lại: một ông bị nhốt trong ngục, bà vợ với đứa con nhỏ ở ngục khác, đã trốn thoát. Bà này về nhà chạy được 30 quan tiền, định lo lót cho chồng được tha. Nhưng ông chồng nghĩa khí ấy cho rằng việc làm của vợ là không chính đáng, nên không nhận đề nghị của vợ sẵn sàng ở trong ngục, sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Trong ba ngục giam giữ đàn bà con nít, lính gác có phần dễ dãi hơn. Nhờ đó Cha Trí giả đạng đi buôn, gánh hai chĩnh nước mắm vào bán trong ba ngục này, để thăm viếng và ban phát các bí tích.
Vào cuối tháng 12 năm 1861. Biên Hòa thất thủ, quân nhà Nguyễn chạy đến Bà Rịa, nhưng rồi họ thấy không thể đương đầu được ở Bà Rịa, nên ngày 7 tháng 1 năm 1862, trước khi rút đi, đã phóng hỏa đốt cả bốn ngục thất, lửa bốc cháy, một cảnh hết sức đau lòng, vì biết rằng những người bị giam cầm đang bị thiêu hủy trong ngọn lửa vô nhân, tàn bạo, rùng rợn. Tuy nhiên trong ngục đàn ông (ngục Dinh) có người tông cửa ra, thoát được 10 người. Chính họ, sau này đã thuật lại là trước khi phóng lửa, lính bao vây chung quang ngục, cầm giáo mác, nếu ai chạy ra thì họ đâm. Vì thế, không mấy ai thoát được.
Còn ba ngục giam đàn bà, trẻ con cũng bị đốt một lượt, nhưng binh lính thương tình, phá cửa cho tù nhân chạy, chỉ có những bà mẹ bồng bế con dại, chân luống cuống, nên cả hai mẹ con đều chết cháy. Riêng ngục Thơm (Long Kiên) phụ nữ chết khá nhiều, vì có một cai đội tham lam, chặn họ lại, để cướp của. Ngục này giam 135 người, mà chết tới 106. Tổng số người chết trong ba ngục đàn bà trẻ con là 156, cộng với con số 288 người chết trong ngục đàn ông, tất cả là 444 người. Trong số này có những cụ già gần bát tuần. Cụ Bà Maria Nở 75 tuổi, Long điền, cụ Ông Giuse Vệ 75 tuổi ở Phước Lễ. Có những em chín, mười tuổi như em Micae Giao, Phêrô Ban, Carôlô Nhơ, ở Long Kiên và Long Điền. Đến độ có những con nít 1 tuổi như Madalena Lợi Long Kiên, Maria Mới ở Đất Đỏ… và những trẻ sơ sinh, như Antôn Trước, và Antôn Sau là hai anh em sinh đôi ở trong ngục đất đỏ.
Ngày hôm sau, 8-1-1861, người ta đến tận ngục Dinh (Phước Lễ), thì chỉ thấy một đống tro tàn, ngổn ngang xác chết.
Cha Hòa cùng với Cha Trí, lo mai táng hài cốt, những người chịu chết vì đạo Chúa. Hai Cha đào ba cái huyệt lớn ngay bên ngục Dinh, và chôn các đấng tử đạo trong ba cái huyệt này. Còn về những người chết thiêu trong ngục Long kiên, Long điền và Đất đỏ thì không còn tài liệu nào nói rõ.
Ngày nay, một tấm bia đã dựng lên, có khắc mấy vần thơ:
Ba trăm bổn đạo xác nằm đây,
Những trông sống lại hưởng phúc đầy,
Vì Chúa, tù, lao dư ba tháng,
Cam lòng chịu cháy, chết chỗ này.
Lập mộ cùng táng chung một huyệt.
Giáo nhơn coi đó, nhớ hằng ngày.
Chúng ta là con cháu các vị tử đạo, chúng ta hãy sống theo gương mẫu các ngài, luôn luôn yêu mến Chúa, bác ái với mọi người, sống kiên nhẫn, chịu đựng, và dùng những đau khổ hằng ngày của ta để xin Chúa thương đến phần rỗi ta và phần rỗi mọi người.
Đề tựa của Lm. HK