LỄ CÁC
ĐẲNG LINH HỒN
Chúng ta phải sống
cho có ý nghĩa, vì từng giây phút của cuộc sống, có thể xây dựng hạnh phúc và
phần rỗi cho rất nhiều người và cho chính bản thân chúng ta.
Biến cố ngày 11.9 tại Hoa Kỳ đã làm chúng
ta bàng hoàng. Mỗi lần nhắc lại hoặc thấy những hình ảnh đó, chúng ta không khỏi
buồn sầu, lo lắng, tức giận. Có thể mỗi người nhìn biến cố đó với một góc độ
khác nhau. Nhưng có một góc độ có lẽ ít người nghĩ đến, và đó là vấn đề mà
chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ.
Trên thế giới từ xưa tới nay, không phải chỉ
có biến cố ngày 11.9, mà còn vô vàn biến cố khác, chẳng hạn sự kiện hai quả bom
nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945. Có một câu hỏi được đặt ra: Thế thì số phận của những người đã chết trong các biến cố đó ra sao?
Ngày nay người ta chỉ nói đến sự trả thù,
phải trả thù cho những người chết oan, trả thù cho những người đau khổ. Công lý
thế gian, công lý của con người thực hiện ra sao chúng ta không biết, nhưng về
mặt đức tin, chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào? Phải dựa vào Lời Chúa, vì chính
Chúa muốn chúng ta hãy dùng Lời của Ngài để an ủi nhau, cách riêng trong những
biến cố thảm thương như vậy.
Bài đọc I của ngày lễ hôm nay, cách nào đó,
khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều người chết rất bi thương, cái chết không xứng
hợp chút nào với đời sống của họ, người ta chỉ còn biết thương tiếc và nghĩ rằng
như thế là chấm dứt một cuộc đời, chấm dứt cách buồn thảm, tràn đầy thất vọng. Thế
nhưng Lời Chúa lại nói với chúng ta: Những người công
chính khi chết đi, họ sẽ được đưa vào trong vinh quang của Thiên Chúa, nếu cái chết của họ hay sự đau khổ của họ
xảy đến cũng giống như vàng phải được trui luyện trong lửa, để chắt ra chất
vàng tinh ròng và loại bỏ những thứ cặn bã.
Con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng, yêu
thương và cứu chuộc, chính là vàng. (Nếu chúng ta có thì giờ để hiểu rằng, trên
Thiên Quốc có biết bao nhiêu người công chính, bao nhiêu con người đã được
Thiên Chúa rước và cho vào trong vinh quang của Ngài. Đó chỉ mới nói về những
con người được tạo dựng ở trần thế. Còn thế giới của thiên thần, thế giới thần
linh, tất cả đều ở trong vinh quang đó). Có thể nào chúng ta
vào Nước Trời với một tấm áo đầy bụi bặm, nhơ bẩn. Phải được tinh luyện, sự tinh luyện đó
không phải bởi sức lực của chúng ta, nếu bởi chúng ta chắc chúng ta sẽ thất vọng
vì thấy rõ sự yếu đuối của mình, thì đây, thánh Luca nói trong bài Phúc Âm của
ngài: Khi suy niệm về sự chết, khi cầu nguyện cho những người đã chết, bao giờ
chúng ta cũng phải đặt trên nền tảng Đức Kitô Tử Nạn-Phục Sinh, không đặt trên
nền tảng và không đi từ chân lý đó thì không có một thắc mắc hay một vấn nạn
nào được giải quyết, được soi sáng.
Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, cao điểm được
thể hiện trên núi Canvariô (dù rằng chưa Phục Sinh), Chúa đã biểu lộ vinh quang
của Ngài như lời thánh Gioan: Chính khi Ngài được treo dựng lên nơi cao, vinh
quang chói ngời của Ngài sẽ tỏa ra. Vậy thánh Luca cho chúng ta thấy: một thế
giới sa đọa tội lỗi, (và thế giới đó) đã nhạo cười, đã đóng đinh Chúa Giêsu và
đưa Ngài đến cái chết thảm thê trên thập giá. Trong thế giới đó,
còn có những con người thiện tâm, có những con người sẵn sàng hoán cải, dù rằng trước mắt thế gian con người
đó xứng đáng với cái chết (vì cũng đã bị treo trên thập giá). Nhưng Chúa Giêsu
nói: Quả thật, ngày hôm nay ngươi sẽ được vào trong Nước Thiên Đàng.
Nhưng nếu chỉ thấy Ngài chịu chết thì làm
sao chúng ta được sống lại? Cái chết của Ngài đem đến những gì cho chúng ta? Vì
nếu Ngài chết mà Ngài không sống lại thì cái chết của Ngài cũng vô ích, tình
thương của Ngài cũng vô ích!
Chúa Giêsu chết và Ngài đã Phục Sinh. Chính
Ngài là đầu mối của tất cả mọi việc, chính nơi Ngài mà chúng ta (những người
cách này hay cách khác đã tin vào Ngài) tìm được niềm tin và hy vọng. Nhưng
không chỉ những người được Rửa Tội mới gọi là tin vào Ngài. Có những người rất
thành tâm, thiện chí, nhưng vì một hoàn cảnh nào đó, họ vẫn cố gắng sống theo
lương tâm, Ngài vẫn đón nhận trong tình yêu và trong Ơn Cứu Chuộc của Ngài.
Chúng ta cám ơn người trộm
"lành", vì nhờ có anh, như một dấu chứng nếu chúng ta tin vào Ngài "Lạy Thầy, khi vào Nước Thiên Đàng xin
nhớ đến con." Anh ấy biết gì về Chúa Giêsu? Biết gì về Mầu Nhiệm Nhập
Thể? Biết gì về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc? Biết gì về Mầu Nhiệm sống lại? Nhưng anh đại
diện cho một số đông trên trần thế này, một cách
nào đó vẫn hướng về một sự linh thiêng, hướng về một Đấng Tối Cao, muốn làm những
việc tốt lành. Những người
đó sẽ được Máu của Chúa đổ ra để thanh tẩy tội lỗi và cho vào Nước Trời. 6000
người chết trong một khoảnh khắc, chắc chắn có một số đông được tình yêu và Máu
Chúa đổ ra để xóa tội lỗi và cứu chuộc họ. Tại sao chúng ta cứ muốn ấn định cho
Thiên Chúa những người được vào Nước Trời, mà không đặt niềm tin của chúng ta
nơi lượng khoan hồng từ bi và nơi công lao của Ngài? Vì Ngài đã hạ mình chịu chết
trên thập giá, nên Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài và đặt mọi loài dưới quyền của
Ngài, trong cái chết và sự Phục Sinh của Ngài, Ngài xin với Chúa Cha là hãy tha
thứ, hãy cứu độ, hãy chuộc lại hết những tâm hồn (lúc này hay lúc khác), đã có
sự tin tưởng vào Ngài. Từ đó chúng ta thấy rằng sẽ không bao giờ tìm được sự
công bằng nơi trần thế này, sự công bằng và yêu thương chỉ tìm thấy nơi một
mình Chúa mà thôi.
Nếu có được niềm tin đó, cuộc đời trở nên
sáng tỏ hơn. Đứng trước các biến cố, chúng ta đỡ buồn phiền thất vọng, chúng ta
thấy cuộc đời vẫn đáng sống và những đau khổ xảy đến triền miên vẫn có ý nghĩa,
vẫn có giá trị, vì chúng ta được tham dự vào Mầu Nhiệm Tử Nạn của Đức Kitô để
được sống lại với Ngài.
Vậy trong tháng các linh hồn, với niềm tin
đó chúng ta sẽ thấy được những điều gì?
1. Những
linh hồn trong lửa luyện ngục là những vị thánh, tuy không được tuyên phong
trên bàn thờ, cũng chưa được hưởng vinh quang, nhưng phần rỗi thì đã chắc chắn.
Không phải vì họ ít tội, nhưng vì tình yêu của Thiên Chúa và công nghiệp của
Con Một Ngài. Giờ đây họ chịu thanh luyện để
trở nên tinh ròng, để mang
một chiếc áo cưới thật mới mẻ vào dự tiệc cưới, vào Nước Trời. Không ai có thể
chia cắt, không gì làm họ mất niềm hy vọng vào đời sống vinh phúc đó.
2. Đàng
khác, các linh hồn giờ đây không làm được gì cho họ nữa, vì thời gian để lập công nghiệp đã qua (không phải họ không biết, nhưng cũng giống
chúng ta biết rằng giây phút đang sống là thời gian tích lũy công phúc, là thời
gian chuẩn bị để được vào Nước Chúa. Chúng ta còn có thì giờ, chúng ta hãy
làm). Các vị ấy chỉ còn trông cậy vào lòng nhân thứ của Chúa, Ngài kêu gọi và
ban cho chúng ta được tham dự và tiếp tục sứ mạng cứu độ qua lời cầu nguyện,
qua sự hy sinh hãm mình, chúng ta sẽ giúp được các linh hồn đó.
Lẽ dĩ nhiên đừng nghĩ rằng Chúa phải chờ đời
những lời cầu nguyện của chúng ta để Chúa cứu vớt, Ngài đã cứu vớt rồi. Nhưng
Chúa muốn chúng ta sống trong sự thông hiệp, muốn cho chúng ta có sự liên đới hữu
hiệu, Ngài tạo điều kiện để chúng ta thấy rằng: thì ra chúng ta còn có thể làm
được rất nhiều cho những người thân yêu của chúng ta. Biết đâu khi họ còn sống,
chúng ta chưa có một tâm tình, chúng ta chưa đối xử tốt, thì giờ đây chúng ta
có một cơ hội rất tốt.
Phát xuất từ những tâm tình trên, cách đây
hơn 1000 năm, ngày lễ cầu cho các linh hồn 02.11 được thiết lập, đó là niềm an ủi
rất lớn cho những người còn sống, cho chúng ta có một phương tiện tuyệt hảo để
yêu thương và biểu lộ tình yêu, cứu giúp những người mình yêu thương. Ngày hôm
nay, trong tháng này và suốt cả cuộc đời, chúng ta hãy tập nhân đức yêu thương,
nhớ đến các linh hồn.
(Cách đây 100 năm, cũng có một nhà dòng được
thiết lập chỉ nhằm mục đích để cầu nguyện, ăn chay, hãm mình cho các linh hồn
trong lửa luyện ngục, mà điều đó tất cả chúng ta đều làm được).
3. Anh chị
em nghĩ sao nếu những người nhờ lời cầu nguyện chúng ta, đã được về Thiên Đàng,
được hưởng vinh quang Chúa mà các ngài lại quên chúng ta? Chắc chắn trong vinh
quang (và sự khôn ngoan) của Thiên Chúa, các ngài biết dưới trần thế này, đã có
những con người yêu thương, cầu nguyện, hy sinh cho các ngài. Chắc chắn lời cầu
nguyện của các ngài cho chúng ta sẽ có uy tín và hiệu quả (lời cầu nguyện của
chúng ta lúc thì chia trí, lúc thì không xứng đáng, đủ hết mọi lý do). Trong lịch
sử Giáo Hội, nhiều biến cố cho thấy rằng: các thánh thông công là sự sống rất
sinh động, không phải là một chân lý chết ngắc, nhưng là sự sống được diễn tả mỗi
ngày. Khi chúng ta ngồi đây, chúng ta vẫn liên kết với các thánh trên trời và
các linh hồn trong lửa luyện ngục để cầu nguyện và nâng đỡ nhau. Sống trong một
sự liên đới như vậy, anh chị em có thấy chúng ta là những con người diễm phúc,
là những con người rất giàu tình yêu thương, là những con người được nâng đỡ?
Khi tôi nói những điều này, các bạn trẻ lại
càng phải suy nghĩ nhiều hơn, để thấy rằng trong từng giây phút, chúng ta phải sống cho có ý nghĩa, vì từng giây phút của
cuộc sống, có thể xây dựng hạnh phúc và phần rỗi cho rất nhiều người và cho
chính bản thân chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của các thánh và các linh hồn trong lửa luyện tội
(chúng ta tin rằng) chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận hồng ân Chúa, đón nhận cách
đặc biệt mỗi lần chúng ta cử hành thánh lễ, là lễ tế tạ ơn đồng thời là lễ tế đền
tội cho chúng ta.
ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn