Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 22b

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
NĂM B
Dnl 4,1-2. 6-8; Gc 1,17-18. 21b-22. 27; Mc 7,1-8. 14-15. 21-23
BÀI ĐỌC I: Dnl 4,1-2. 6-8
Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “1 Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em. 2 Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em. 6 Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: "Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh! "7 Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?8 Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?”
ĐÁP CA: Tv 14
Đ. 1a Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa.
2 Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, 3a miệng lưỡi chẳng vu oan,
3bc Không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã. 4ab Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời.
5 Cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
BÀI ĐỌC II: Gc 1,17-18. 21b-22. 27
Anh em thân mến, 17 mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. 18 Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người.
21b Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. 22 Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
27 Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Gc 1,18
Hall-Hall: Chúa Cha đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Hall.
TIN MỪNG: Mc 7,1-8. 14-15. 21-23
Một hôm,1 có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận;4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? "6 Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”
14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

SINH HOẠT CỦA KITÔ HỮU PHẢI DIỄN TẢ ĐỨC TIN
Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết!” (Gc 2,17) Muốn có việc làm để biểu lộ đức tin, mỗi Kitô hữu phải xác tín và thực hành ba điểm giáo lý:
-            Xác tín về giá trị Lời Chúa trong đời sống.
-            Phải có việc làm để diễn tả giá trị Lời Chúa, chứ đừng cố thủ tập tục tiền nhân như một thánh giáo.
-            Nhờ Lời Chúa và Thánh Thể thanh tẩy tâm hồn ta.

I. XÁC TÍN VỀ GIÁ TRỊ LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG.
Mỗi Kitô hữu phải cảm nghiệm được giá trị siêu việt của Lời Chúa, như ông Môsê nói với dân Do Thái trong Bài đọc I: “Lời Thiên Chúa tôi truyền cho anh em, anh em đừng thêm gì cũng đừng bớt điều gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Chúa,Thiên Chúa chúng ta mà tôi đã truyền cho anh em. Anh em phải giữ và đem ra thực hành, anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Thiên Chúa của cha ông anh em đã ban cho anh em. Vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi nghe tất cả những Thánh Chỉ đó, họ sẽ nói “chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là dân khôn ngoan và thông minh” (Dnl 4,1-6).
Như thế Lời Chúa mới thực là Danh Ngôn, lời phàm nhân có khi là ranh ngôn. Thế mà có nhiều người coi trọng lời người phàm là danh ngôn mà không quan tâm đến Lời Chúa! Cụ thể: khi tôi còm làm cha Sở, trong nhà thờ có tấm bảng mỗi tuần tôi chọn một câu Lời Chúa quan trọng, hợp với chủ đề bài giảng Chúa nhật, để thiếu nhi học thuộc lòng, thì có một anh Công giáo theo đảng Cộng sản đọc câu Lời Chúa tôi viết trên bảng, thì anh có ý kiến với tôi: Thưa Linh mục, người ta thường nói: “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, chúng ta đang sống trong xã hội Cộng sản, sao Lm không biết dùng những câu người Cộng sản thường dùng để dạy giáo dân, mà Lm chỉ dạy giáo dân học Lời Chúa mà thôi?! Tôi hỏi lại anh: Thế thì anh cho tôi một câu nào có giá trị trong xã hội này được dùng nhiều để dạy dân? Anh đáp ngay: “Không gì quý hơn độc lập tự do”, tôi hỏi lại: Tự do của người Cộng sản và tự do của Tư bản hoàn toàn khác nhau, thế thì anh muốn chọn tự do nào? Vả lại, tự do chỉ là phương tiện cho người ta sống hạnh phúc, nếu lấy phương tiện đặt làm mục đích, thì rất độc ác! Ví dụ: Tiền là phương tiện giúp cho người ta sống, nếu lấy tiền làm mục đích của cuộc sống, thì người ta sẵn sàng giết nhau như ngóe! Trong khi đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: “Không có gì quý bằng sự sống con người, thậm chí cộng mọi giá trị trong vũ trụ cũng không sánh bằng” (x Mt 16,26). Mà sự sống thì mọi người trên thế giới ai cũng hiểu như nhau, và ai cũng cần, mọi phương tiện đều phục vụ cho sự sống con người, thế thì anh muốn tôi chọn câu nào? Của Đảng dạy hay là của Chúa dạy?
Anh lại nói một câu khác: “Lao động là vinh quang, không làm thì đừng ăn, lang thang là chết đói”. Tôi hỏi lại anh: Con trâu nó lao động khỏe hơn người, nó có vinh quang không? Và ai không làm thì đừng ăn, thế thì người già con nít không có khả năng làm, thì không cho họ ăn hay sao?! Trong khi đó, Thánh Kinh có câu: “Ai không MUỐN làm thì đừng ăn(2Tx 3,10). Do đó, người già, người đau yếu, con nít, họ muốn làm việc mà không có khả năng, ta cần phải thương những loại người này, vì họ muốn làm như ta mà không làm được? Nhất là làm không quan trọng bằng muốn, bởi vì không muốn làm, có làm cũng không chu đáo,lại còn gây gánh nặng cho người khác!Thế anh muốn tôi chọn câu nào?
Anh Đảng viên lại nói: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại!” Tôi hỏi lại: Anh dựa vào tiêu chuẩn nào mà đánh giá một người ngu hoặc một người sáng suốt? Lịch sử đạo Công giáo có ghi lại: Ông Phaolô theo đạo Do Thái, ông say mê và tin tưởng tuyệt đối vào Luật của Môsê, khác với người Công Giáo, lại say mê, tin tưởng tuyệt đối vào lời của Giêsu, thế là Phaolô tự cho mình là người sáng suốt, và nghĩ rằng những người theo Giêsu là những đứa ngu! Do đó, ông nhiệt tình tống ngục tất cả những người Công Giáo! Té ra sự nhiệt tình của ông Phaolô trở thành kẻ sát nhân!Nhưng nhờ Chúa Giêsu thương, xô té ông xuống đất, ngay lúc đó mắt ông bị mù, Chúa Giêsu lên tiếng hỏi tội ông: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Khi ông đã biết được tiếng đó là Chúa Giêsu, ông thưa lại ngay: “Lạy Chúa, tôi phải làm gì?” Chúa dạy ông phải đi học Giáo Lý nơi môn đệ của Ngài. Từ bấy giờ, ông trở thành người quy tụ muôn dân về cho Chúa Giêsu (x Cv 9). Vậy phải nói: “Nhiệt tình mà không do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đó mới là kẻ ngu, kẻ phá hoại!”
Cuối cùng anh ta lại nói: Bác Hồ dạy: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, tôi trả lời: Câu này gây tương quan tốt giữa đồng loại,nhưng anh là anh và tôi là tôi, chúng ta không liên hệ cùng một sự sống. Trong khi đó, lời Thánh Kinh lại dạy: “Mỗi người là chi thể trong một thân mình, một chi thể đau, chi thể khác đau lây, một chi thể vinh, chi thể khác vinh chung” (1Cr 12,25-26). Câu này có ý nói: khi chúng ta thương giúp nhau, thì như giúp chính thân thể của mình, đó mới là yêu trọn vẹn. Anh muốn tôi chọn câu nào?
Nghe tôi giải thích như thế, anh cúi mặt bỏ đi!
Ông phú hộ ở trong Hỏa ngục nài xin Chúa cho người chết sống lại, về báo cho năm anh em ông biết dùng của cải theo ý Chúa, chứ đừng chỉ dùng của để thỏa mãn các đam mê bản thân, để khỏi sa vào chốn đau khổ này. Chúa trả lời: “Nó đã có Môsê và các ngôn sứ, nó phải nghe các ngài” (x Lc 16,27-31). Môsê chỉ về Luật; ngôn sứ chỉ về giáo huấn. Nghe ông Môsê và các ngôn sứ chính là nghe toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước, Chúa đã đòi phải thực hành, huống chi Lời Chúa Giêsu trong thời Tân Ước, ai nghe và thực hành sẽ được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x Ga 1,16), thì còn lời nào có giá trị sánh bằng!
II. PHẢI CÓ VIỆC LÀM ĐỂ DIỄN TẢ GIÁ TRỊ LỜI CHÚA CHỨ ĐỪNG SỐNG THEO TẬP TỤC CỦA TIỀN NHÂN NHƯ MỘT THÁNH GIÁO MÀ GẠT BỎ LỜI CHÚA ĐI.
Trong Tin Mừng hôm nay Mc 7,1-23 ghi lại:
Dân Do Thái nhất là người Pharisêu lên án các môn đệ của Đức Giêsu không giữ tập tục tiền nhân: Không rửa tay trước khi ăn, không rảy nước trên thực phẩm trước khi dùng, các đồ dùng như chén, bình, lọ, đồ đồng phải rửa trước mới dọn lên bàn ăn (x Mc 7,1-5).
Nếu phải làm các việc ấy trước khi dùng bữa vì lý do vệ sinh,thì quả là đáng khen và phải làm.
Nhưng những người Do Thái lại cho làm như thế mới là sống công chính, vì đã giữ các tập tục của tiền nhân.
Vì thế mà Đức Giêsu cực lực lên án loại người này. Ngài nhắc lại lời ngôn sứ Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng dạ chúng thì lại xa Ta, chúng là những kẻ đạo đức giả! Chúng thờ phượng Ta cách vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân, các ông gạt bỏ Điều Răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm”. Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường Điều Răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Thế là các ông lấy truyền thống các ông truyền lại cho nhau mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa, các ông còn làm nhiều điều khác giống như thế nữa!” (Mc 7,6-13: Tin Mừng). Cụ thể :
v  Khi nhập tiệc, họ luôn khích nhau: “Nam vô tửu như cờ vô phong”, hay “rượu bất khả ép, ép bất khả từ”. Thế là cùng nhau hô vang trời: “Một, hai, ba, dô!” Họ chẳng để ý nghe lời Sách Thánh dạy: “Dành cho ai những “thôi rồi”? Dành cho ai những “hỡi ôi”? Dành cho ai những trận gây gỗ? Dành cho ai những lời than vãn? Dành cho ai những vết thương chẳng lý do? Dành cho ai những con mắt đỏ ngầu? Đó là những kẻ nán lại bên bầu rượu, những kẻ đã nếm đủ thứ rượu ngon. Đừng để mắt ngó rượu: Nó đỏ làm sao! Nó óng ánh thế nào trong chén! Rồi nó ực vào cổ. Nhưng cuối cùng nó cắn như con rắn lục, nọc độc hổ mang! Mắt con sẽ thấy những điều lạ lùng, và miệng con sẽ nói những lời ba hoa bậy bạ!” (Cn 23,29-33). Vì thế thánh Tông Đồ dạy: “Đừng say sưa rượu chè chỉ tổ hư thân” (Ep 5,18a).
v  Khi có sự bất hòa, gây gổ, nhiều người vận dụng ngay tư tưởng: “Con gà tức nhau vì tiếng gáy” hay “lành làm gáo, mẻ làm muôi”. Thế là cứ xô vào cấu xé nhau như hổ! Mà không hề có ai biết dùng Lời Chúa mà khuyên can:
-            Có giận dữ bất hòa thì như con nít thôi! (1Cr 14,20).
-            Có nóng giận thì sao cho đừng mắc tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận chưa tan! (Ep 4,26)
-            Sự nóng giận không làm nên sự công chính của Thiên Chúa (Gc 1,20).
-            Hãy tha thứ cho người xúc phạm đến ta, không phải 7 lần mà là 70x7! (Mt 18,21-22)
-            Nếu kẻ thù đói hãy cho nó ăn, nó khát hãy cho nó uống, làm thế như ngươi lấy than hồng chất trên đầu nó. Chớ để dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ! (Rm 12,20-21).
v  Khi hỏi họ về cách sống Đạo, nhiều người mau mắn trả lời ngay:
-            “Đạo tại tâm”, chứ không ai nói: “Đức Tin không việc làm là đức tin chết!” (Gc 2,17)
-            Có thực mới vực được đạo”, chứ không ai nhớ Lời Đức Giêsu dạy: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, và sự công chính của Ngài,còn các điều khác Ngài ban thêm cho” (Mt 6,33).
-            “Có tiền mua tiên cũng được”, mà không ai nhớ Lời Đức Giêsu cảnh giác: “Coi chừng, hãy lo giữ mình tránh mọi thứ tham lam, vì không phải ai được sung túc là đời sống người ấy được bảo đảm chắc chắn nhờ nơi của cải” (Lc 12,15).
v  Khi nghe người ta nói xấu nhau, người nghe được nói ngay: “Thế gian không ít thì nhiều, không ai đặt điều nói không”, chứ đâu có mấy ai nhớ Lời Đức Giêsu dạy: “Các ngươi hãy coi chừng điều các ngươi nghe” (Lc 8,18).
v  Trước việc tốt có thể làm, ít ai muốn tra tay, vì người ta thường nói: “Ăn có mời làm có khiến”, hoặc “cờ đến tay ai người ấy phất” mà không thực hành lời thánh Giacôbê dạy: “Biết điều tốt mà không làm thì có tội” (Gc 4,17).
v  Khi tổ chức lễ An táng cho người thân, người ta luôn luôn nói: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”, thế là thuê thật nhiều hội kèn trống khua inh ỏi! Có khi thuê người khóc mướn, rên la: “Mất mát vô cùng to lớn, không gì bù đắp lại được”, mà chẳng quan tâm đến giấc ngủ của những người trong khu xóm! Đáng lẽ ra phải tạ ơn Chúa như ông Gióp: “Chúa đã ban cho nay Chúa lại cất đi, xin tạ ơn Ngài!” (G 1,21)
Rồi vòng hoa la liệt vô cùng tốn kém, người chết đâu có được hưởng, mà không biết bớt tiền mua bông để có của góp vào quỹ truyền giáo, phát triển Tin Mừng, xây dựng Hội Thánh, hay làm quà chia sẻ cho những người nghèo đói, để khi Chúa hỏi người qua đời: “Ở trần gian con có làm lợi gì cho ai không?” Thì người quá cố hân hoan thưa ngay: “Dạ, thưa Chúa, nhờ Chúa gọi con về, những người trong gia đình con đang lấy quà của nhiều người phúng điếu con để chia sẻ, kìa có rất nhiều người đến bên quan tài của con, ai cũng có một gói quà đem về”. Lúc ấy, chắc chắn Chúa nói ngay: “Con hãy vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đã sắm sẵn cho con từ tạo thiên lập địa” (x Mt 25,31-46).
Chúng ta có biết làm cho nhau như thế, mới có thể nói được như thánh Tông Đồ dạy: “Không ai trong chúng ta được sống cho mình, và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu ta sống, chính là cho Chúa mà ta sống; và nếu ta chết, thì chính cho Chúa mà ta chết. Vậy dù sống, dù chết ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8).
III. NHỜ LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ THANH TẨY TÂM HỒN TA.
Chúa Giêsu nói: “Không có gì từ bên ngoài – tức là không có vật chất hay của ăn nào – vào miệng người ta làm cho tâm hồn ra ô uế được. Nhưng chính cái từ trong lòng người ta xuất ra mới làm cho người ta ô uế, vì từ trong lòng xuất phát ra những ý định xấu: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phi bác, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,14-23: Tin Mừng).
Chúa Giêsu nói như thế có nghĩa là nhờ nghe Lời Chúa và rước Lễ mới tống nọc độc - tội lỗi trong lòng ta ra ngoài, để lòng ta không còn ô uế:
1- Lời Chúa thanh tẩy ta,
Chúa bảo ông Gioan: “Hãy cầm lấy Cuốn Sách mà nuốt đi”, rồi Gioan nói: “Sau khi tôi đã nuốt Cuốn Sách đó, bụng tôi ụa đắng, miệng tôi ngọt ngào như mật” (Kh 10,9-10).
Như thế ông Gioan đã khẳng định rằng: Lời Chúa thanh tẩy lòng tôi, bụng ụa đắng; và Lời Chúa huấn luyện miệng lưỡi tôi nói năng ngọt ngào dễ nghe hấp dẫn, còn ngôn sứ Isaia vào Đền Thờ, ông thấy muôn tạo vật đều rung nhịp với tiếng hát các Thiên thần ca tụng Chúa, còn ông vì miệng lưỡi bất xứng, ông xin Chúa thanh tẩy nó. Lúc đó Chúa sai thần sứ gắp cục than hồng từ bàn thờ đặt vào lưỡi ông, tức khắc miệng lưỡi ông trở nên tinh sạch, và ông cùng cất chung lời với các Thiên thần hát khen Chúa rằng: “Thánh, Thánh, Thánh!” (x Is 6). Đúng như lời tác giả sách Khôn ngoan nói: “Lời Chúa là Thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt và ghê tởm những chuyện bất công” (Kn 1,5). Bởi thế Đức Giêsu nói: “Anh em đã được tẩy sạch nhờ Lời Thầy nói với anh em” (Ga 15,3).
Vì Lời Chúa có giá trị như thế, mà thánh Giacôbê kêu gọi chúng ta: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời Chúa đã được gieo trong lòng anh em, Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Vì Chúa đã sinh ra chúng ta bằng Lời chân lý, để chúng ta nên như của lễ đầu mùa trong các loài thụ tạo. Có thế, Chúa mới tuôn đổ muôn phúc lộc hoàn hảo từ Cha trên trời xuống. Đó là đường lối cứu độ bất di bất dịch của Chúa, Ngài không bao giờ thay đổi cũng như Ngài không bao giờ chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1,17-18. 21b-22: Bài đọc II).
2- Thanh tẩy bởi Chúa Giêsu Thánh Thể .
Thánh Phêrô nói: “Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Chúa Giêsu, để được ơn tha thứ tội lỗi” (Cv 2,38).
Ta biết Bí tích Thánh Thể là trung tâm các Bí tích khác, vì nếu Chúa Giêsu không phục sinh, thì chẳng Bí tích nào có giá trị.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy:
-            Việc rước Lễ giúp ta xa lánh tội lỗi (số 1393).
-            Thánh Thể tha tất cả các tội nhẹ và gìn giữ ta khỏi phạm tội trọng (số 1395. 1416).
-            Nhờ tham dự Bí tích Thánh Thể, chúng ta được uốn nắn nên giống trái tim Chúa Giêsu, nâng đỡ sức lực ta trên đường lữ hành tại thế, làm cho ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu, và ngay từ bây giờ liên kết ta với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh (số 1419).
Vậy đừng ai hỏi Chúa:“Lạy Chúa,ai được vào cư ngụ trong Nhà Chúa?”(Tv 15/14,1a: Đáp ca), mà hãy tin và thực hành Lời Kinh Thánh dạy: “Chúa Cha đã tự ý dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của lễ đầu mùa trong các thọ tạo của Người” (Gc 1,18: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
Ai bớt Lời nào trong Thánh Kinh, Thiên Chúa sẽ bớt phần kẻ ấy hưởng nơi Cây Sự Sống! (Kh 22,19).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH