Lời Chúa cntn 20b _ lương thực thần linh


LƯƠNG THỰC THẦN LINH
Tin Mừng cần được loan báo cho cả nhân loại: Mọi người bất luận tốt xấu, sang hèn, đều được mời gọi chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa.
Lm. HK
Helen Keller (1880-1968) là một người khuyết tật nổi tiếng khắp thế giới. Từ hồi 19 tháng tuổi, cơn sốt ban đỏ, với di chứng mù và điếc, đã tách Helen Keller khỏi thế giới những người bình thường. Nhưng cô không chỉ tái nhập vào thế giới như một người bình thường mà còn trở nên một phụ nữ trí thức và nhậy cảm, không ngừng viết, diễn thuyết, và làm việc cho một thế giới tốt hơn, như một phép lạ.
Thoạt tiên, chứng mù và điếc làm cho Helen Keller hiểu biết rất ít về thế giới chung quanh, trở nên hoang dại và ngỗ ngược.
Nhưng năm 1887, khi lên bảy, cô bắt đầu bước vào một cuộc sống mới khi gặp Anne Sullivan. Helen Keller gọi ngày cô gặp được cô giáo Sullivan là “ngày quan trọng nhất đời” vì từ ngày đó, chỉ bằng xúc giác, Sullivan đã tập cho Helen nối kết các sự vật với các mẫu tự, bằng cách đưa cho Helen các sự vật và viết tên của chúng vào lòng bàn tay.
Sullivan đưa Helen đến một máy bơm nước và đặt tay Helen dưới vòi nước. Khi nước mát phun ra trên một bàn tay, cô viết lên bàn tay kia chữ ‘water’ (nước), trước chậm sau nhanh. Các dấu hiệu dần dần trở nên có ý nghĩa trong tâm trí Helen: ‘water’ là một chất lỏng kỳ diệu và mát lạnh chảy trên tay cô.
Cứ thế, cô chạm vào các sự vật và học suốt ngày được 30 từ mới cho đến khi đêm xuống .
Học nói năm 10 tuổi, rồi vào Cambridge School for Young Ladies năm 18 tuổi… và cô đã được trao bằng tiến sĩ danh dự của đại học Temple và Harvard, và từ các đại học của Scotland, Đức, Ấn độ, Nam Phi để công nhận sự thông giỏi và các thành đạt uyên bác của cô.
Như một kỳ quan thế giới, Helen Keller vừa mù vừa điếc mà lại bước vào thế giới và thành đạt, như và hơn một người bình thường!
Còn hơn thế nữa là mầu nhiệm không thể hiểu thấu về sự sống thần linh được mang đến cho con người. Đó thật là một Tin Mừng cần được loan báo cho cả nhân loại: Mọi người bất luận tốt xấu, sang hèn, đều được mời gọi chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa.
Ngôi Lời đã nhập thể, bàn ăn đã được dọn ra, dọn ra cho con người, trong Đức Kitô: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!" Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo: "Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Cn 9,4-6).
Vâng, sự Khôn Ngoan đem lại sự sống đời đời đã nhập thể để nên lương thực cho nhân loại: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Được dựng nên theo hình ảnh Chúa nên sự sống đích thực mà con người phải tìm đến là chính sự sống Thiên Chúa, và của ăn đích thực cho con người là Lời và ân sủng được ban nơi Ngôi Lời nhập thể: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,55).
Nói sao cho hết tình yêu Chúa khi Ngài mời gọi mỗi người bước vào sự sống của Ngài, một điều chẳng ai dám nghĩ đến: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
Lời Chúa và Thánh Thể là sự hiện diện kỳ diệu Chúa dành cho con người: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, những kỳ công Ngài đã thực hiện và những điều Ngài dự định cho chúng con: thật là nhiều vô kể! Không một ai sánh được như Ngài. Dầu con muốn loan đi kể lại, nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!” (Tv 40,6).
Chỉ nơi sự hiện diện của Chúa mà người ta được no thoả. “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người! Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi, vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi. Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ, còn ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì” (Tv 34,9-11).
Của ăn đã được dọn sẵn cho người ta, việc của họ là phải ăn, phải để Lời và ân sủng Chúa trở nên cuộc sống của chính mình: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa” (Ep 5,15-17).
Trong cuộc điều tra để phong thánh cho linh mục Gioan Maria Vianney, Toà án Hội Thánh đã mời tất cả những ai từng có dịp tiếp xúc với thánh nhân đến đặt tay trên Phúc âm và thề nói hết sự thật, hay cũng như dở, về ngài. Trong số các nhân chứng được mời đến có một bác nhà quê chất phác nói một câu đơn sơ, vắn tắt mà đầy ý nghĩa: “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người.”
Lương thực thần linh mang đến sự sống đời đời đã được dọn sẵn cho tôi: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.”
Nhưng đâu là câu trả lời của tôi trước lời mời của Chúa?