BÁNH HẰNG SỐNG
Chúa là Bánh Hằng Sống, sẵn sàng ban cho ta
sự sống và niềm hạnh phúc ấy, nếu ta biết tìm đến với Ngài.
Một trong những biến cố còn để lại dấu ấn sâu đậm trong
tâm trí người dân miền Bắc là biến cố “Năm Đói Ất Dậu” (1945). Người ta ước
tính có khoảng 2 triệu người chết đói trong năm ấy. Thật là một thảm họa chưa từng
xảy ra tại Việt Nam!
Một bà cụ 72 tuổi được hỏi: điều gì đã gây ấn tượng nhất
cho bà trong năm đói ấy. Bà cụ trả lời: “Năm
ấy tôi mới 11 tuổi. Tôi nhìn thấy người chết khắp nơi: trong nhà, ngoài ngõ,
trên đồng, dưới ruộng… Thật hãi hùng! Nhưng điều gây ấn tượng cho tôi nhất, đó
là một hôm, tôi nhìn thấy một người mẹ đang nằm trên đường cùng với đứa con còn
rất nhỏ. Đứa bé trai gầy gò đang bò trên bụng mẹ và đang bú sữa mẹ. Người mẹ nằm
bất động, còn đứa bé vẫn bú mẹ. Tôi bước lại gần để xem tại sao người mẹ lại nằm
im lặng như thế. Đến gần tôi mới biết: người mẹ đã chết! Còn đứa bé vẫn đang bú
xác người mẹ với bầu sữa đã cạn kiệt!”
Quả thật, hình ảnh đứa bé nằm bú trên xác người mẹ đã chết
vì đói là điều thật bi thảm. Điều đó cho thấy: một trong những thảm họa đáng sợ
đối với con người là sự đói khát. Vì thế, một vấn nạn lớn luôn ám ảnh nhân loại
hôm nay: đó là liệu trong tương lai lương thực có đủ dùng cho con người trên
hành tinh này không?
Cơm bánh luôn là nhu cầu bức thiết của con người và không
thể thiếu trong cuộc sống của nhân loại. Chính vì ý thức được tầm quan trọng như
thế, Chúa Giêsu đã tinh tế nhận ra nhu cầu của những người đi theo Ngài: họ
đang đói. Và Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ. Thế nhưng,
ngoài tấm bánh vật chất đó, còn có một thứ bánh khác cao quý hơn nhiều: đó là
“Bánh Hằng Sống” từ trời xuống như lời Chúa giới thiệu trong bài Tin Mừng theo
thánh Gioan hôm nay. Khởi đi từ tấm bánh vật chất, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta
hãy đến với Bánh Hằng Sống là chính Ngài.
Những tấm bánh vật chất
Thánh Kinh nhắc nhiều đến “bánh”, vì đó là ân huệ của
Thiên Chúa và là nguồn sinh lực cho con người. Trên đường về Đất Hứa, Thiên
Chúa đã nuôi dân bằng một thứ “bánh” đặc biệt từ trời rơi xuống: đó là “manna.”
Thế nhưng, “manna” đã không làm thỏa mãn cơn đói của dân chúng, nhất là họ
không tìm được ở nơi loại lương thực này sự trường sinh. Như Chúa đã khẳng định
trong bài Tin Mừng: họ ăn manna nhưng họ vẫn chết.
Khi nhìn thấy đám đông theo Chúa đang đói khát, Chúa
Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi họ ăn. Thế nhưng, sau khi ăn no
nê, dân chúng tiếp tục đi tìm kiếm Chúa Giêsu để tôn Chúa lên làm vua. Thực chất
họ muốn có bánh và cá ăn mãi để không phải đói, nhất là không phải làm lụng gì
nữa. Vì biết rõ điều đó nên Ngài đã trốn đi nơi khác (Ga 6, 15).
Như thế, “manna” hay những tấm bánh trong phép lạ hóa
bánh ra nhiều đều không làm cho dân chúng no thỏa và được trường sinh bất tử.
Vì thế, Chúa Giêsu đã hướng dân chúng đến một thứ bánh cao qúi hơn: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống.”
Chúa Giêsu còn quả quyết: ai ăn bánh này thì không phải chết, nhưng được sống đời
đời. Nghe thế, dân chúng rất phấn khởi vì nghĩ rằng Chúa sẽ ban cho họ một loại
bánh như phương thuốc trường sinh bất tử. Nhưng sau đó Chúa xác định: “Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta.” Nghe
điều đó, dân chúng đã thất vọng và bỏ đi. Họ đã không tin Chúa Giêsu là Thiên
Chúa cao cả, mà chỉ là con của “bác thợ mộc Giuse” tầm thường. Làm sao Ngài có
thể ban cho họ “bánh trường sinh?” Làm sao Ngài có thể ban cho họ sự sống đời đời?
Chính sự cứng lòng tin đã làm cho người Do Thái không đón
nhận Chúa và vì thế họ cũng khước từ sự sống đời đời từ nơi tấm Bánh Hằng Sống
là chính Chúa.
Bánh Hằng Sống
Trong lúc con người chỉ chú tâm tìm kiếm bánh vật chất và
lương thực nuôi sống thể xác, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy nhìn
bằng đôi mắt đức tin để nhận ra Ngài chính là bánh ban sự sống. Dĩ nhiên
Ngài là bánh không phải để nuôi sống thân xác chúng ta. Nhưng ngoài sự sống thể
xác, Chúa mời gọi chúng ta hướng đến sự sống cao hơn: sự sống của tâm hồn.
Chính sự sống này sẽ đặt nền tảng và hướng dẫn sự sống thể xác. Chỉ khi nào ta
khao khát lãnh nhận Bánh Hằng Sống, sự no đủ của thân xác ta mới có ý nghĩa thật
sự.
Ngày nay, Bánh Hằng Sống được trao ban cho ta từng ngày nơi
bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu chính là tấm bánh thần linh được bẻ ra và trao
cho ta như lương thực nuôi dưỡng ta trên đường lữ thứ trần gian. Mỗi khi dự
thánh lễ, ta hãy ý thức: “lương thực hằng ngày” mà ta cầu xin trong kinh Lạy
Cha chỉ có ý nghĩa khi ta được nuôi dưỡng bằng lương thực thần linh là chính Chúa nữa.
Ngoài tấm bánh Thánh Thể, chúng ta còn có tấm bánh Lời
Chúa cũng được trao ban cho chúng ta từng ngày. Tấm bánh Lời Chúa cũng là bánh
ban sự sống đời đời cho những ai sẵn sàng đón nhận, như lời Chúa phán: “Thầy có những lời ban sự sống đời đời”(Ga
6, 68).
Lời Chúa sẽ là tấm bánh thơm ngon, nếu chúng
ta biết lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống. Càng sống lời
Chúa, chúng ta càng gặp được ánh sáng và sức mạnh nâng đỡ chúng ta trước sóng
gió cuộc đời. Tấm bánh Lời Chúa toả ánh sáng soi dẫn để chúng ta cũng tìm được
tấm bánh vật chất hằng ngày.
Bài đọc I, trích sách Các Vua quyển thứ nhất, kể lại câu
chuyện ngôn sứ Êlia giết các sư sãi của thần Baal. Ông bị hoàng hậu Giêsabel
truy đuổi gắt gao. Ông phải chạy trốn lên núi Hôreb. Nhưng dọc đường vì quá kiệt
sức, ông đã nằm dưới gốc cây tùng xin được chết đi. Thiên Chúa sai thiên thần
mang bánh và nước đến cho ông, để ông tiếp tục cuộc hành trình lên núi Horeb gặp
gỡ Thiên Chúa.
Chúng ta cũng đang đi trên cuộc hành trình đức tin nhiều
thử thách và gian nan. Chúng ta cũng phải băng qua sa mạc cuộc đời với biết bao
hiểm nguy và thách đố. Có những lúc phải đối mặt với những thất bại và khổ đau,
chúng ta cũng từng xuôi tay muốn đầu hàng cuộc sống. Trong mọi hoàn cảnh, Chúa
Thánh Thể vẫn đồng hành với chúng ta. Ngài vẫn đang bẻ tấm bánh đời mình để trao
hiến cho chúng ta. Ngài vẫn bẻ tấm bánh lời Ngài để nuôi dưỡng chúng ta. Điều
quan trọng là chúng ta có can đảm để đứng dậy tiếp tục cuộc hành trình hay
không.
Người ta kể rằng: khi chết, cuốn sách gối đầu giường của
Lênin chính là cuốn truyện “Tình Yêu Cuộc Sống” của nhà văn Mỹ Jack London. Sở
dĩ cuốn sách đã cuốn hút Lênin và trở thành tư tưởng hướng dẫn cuộc sống ông,
là vì trong cuốn sách đó đã thuật lại cuộc đấu tranh quyết liệt giữa một người
đi đào vàng ở Alaska và con chó sói. Người đi đào vàng đã kiệt sức, nằm gục
trên băng tuyết và sắp chết vì đói. Bên cạnh là một con chó sói đang nằm thoi
thóp, cũng sắp chết vì đói. Hai bên gầm gừ chờ đợi đối thủ của mình chết đi để
xông đến ăn thịt. Cuối cùng, con người đã thắng con vật: anh ta đã dùng hết hơi
tàn sức kiệt của mình để vật chết con sói, tất cả vì sự sống còn của mình.