Sống đức tin _ áng hương lòng

ÁNG HƯƠNG LÒNG
Cạnh tranh trong sinh hoạt tôn giáo là sự ngột ngạt của những làn khói đen che kín tâm hồn… “Ta ghê tởm mùi hương. Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày sabbat và các ngày lễ trọng khác.” (Is 1,13)
Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ.
Có nhiều thứ trầm hương, hương dâng trong đền thờ Phật, trong đền thờ Chúa. Kho tàng văn chương tu đức Ðông Phương, có câu chuyện kể về hương trầm như sau:
Làng kia có ngôi chùa. Dân trong làng đem tượng Phật của mình đến để trong chùa. Ngày rằm, người ta đến dâng hương Ðức Phật. Trong số các tín nữ đến chùa có bà quê nghèo không tiền mua nhang. Trong số các tín nữ ấy, có bà mang theo hương quả. Bà để ý thấy bà quê kia không bao giờ mang hương lạy Phật. Dần dần bà đem lòng khó chịu.
Cứ khi đốt nhang lên tượng Phật của bà, bà quê kia liền lạy theo. Với cái khó chịu, bà nghĩ rằng bà quê kia keo kiệt, chỉ chờ người khác dâng nhang là lạy ké. Bà đâm lòng ghét bỏ. Suy nghĩ mãi, lần sau đến chùa, bà mang theo kế hoạch. Trước khi đốt nhang, bà lấy tàu lá đu đủ làm thành ống dẫn hương đổ lên mặt Ðức Phật, đầu kia bà lấy cái phễu gắn vào. Bà chỉ lạy nhang cho bay vào cái phễu để lên mặt Ðức Phật của bà, không cho hương thoát sang tượng Phật bà kia. Lạy xong, nhìn lên, bà thấy sao mặt Ðức Phật của bà mặt mày đen đủi, hai lỗ mũi đen kịt khói. Còn tượng Phật của bà quê kia vẫn cứ đẹp đẽ sáng ngời.
Trong kho tàng tu đức nhà Ðạo, sách tiên tri Isaia viết:
“Chúa phán: Muôn vàn hy lễ có lợi gì cho Ta? Ta đã chán chê và không còn ưa thích những của lễ toàn thiêu bằng chiên đực, mỡ các súc vật béo nữa. Khi các ngươi đến trước mặt Ta ai kiểm soát các vật ấy nơi tay các ngươi, để các ngươi đi vào hành lang của Ta? Các ngươi đừng tiếp tục dâng hiến cho Ta những tế lễ vô ích nữa. Ta ghê tởm mùi hương. Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày sabbat và các ngày lễ trọng khác. Ta chán ghét những ngày trăng mới và các ngày lễ trọng của các ngươi. Tất cả những thứ đó làm khổ Ta. Ta đã nhàm chán chịu đựng rồi. Khi ngươi giơ tay các ngươi lên thì Ta quay mặt đi. Khi các ngươi càng cầu nguyện thì Ta càng không nhận lời vì tay các ngươi vấy đầy máu. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy hãm dẹp khỏi mặt Ta các tư tưởng xấu xa” (Is. 1:10-20).
Trầm hương dâng Phật hay Chúa phải là nén hương lòng. Của lễ nào vào đền thánh phải siêu thoát từ con tim. Hôm nay có nhiều thứ hương trầm, nhiều thứ của lễ lắm.
Ðầu tháng hoa, nếu ba cộng đoàn hợp nhau rước kiệu, kiệu nào đi trước? Nhóm mình hay nhóm kia? Kiệu Ðức Mẹ Lộ Ðức hay La Vang, Fatima hay Hằng Cứu Giúp?
Sự cạnh tranh, thiếu siêu nhiên dường như nó bàng bạc khắp nơi. Có đông người, nhiều của lễ là có so sánh. So sánh thì có hơn thua. Hãnh diện thì cũng có không hãnh diện. Thành công thì cũng có kém thành công. Tiếng khen thường nằm cạnh tiếng chê, cho dù tiếng chê ấy không nói ra. Nó âm thầm mà khó chịu.
Một con người ba khuôn mặt.
Vì sao trong việc thờ phượng, người ta lại cạnh tranh như thế?
Có lẽ cái thiếu thức tỉnh của cuộc sống đưa đến nỗi xấu xa ấy. Mỗi người đều sống với ba khuôn mặt này: Kinh tế, chính trị và tôn giáo.
Con người kinh tế: Ai cũng cần của ăn, áo mặc, nhà ở. Nghèo thì khổ. Nghèo không thể tiến thân. Muốn có nhiều tiền, phải cạnh tranh. Tôi không khá hơn, người kia sẽ chiếm mất, lấn át tôi. Hai tiệm ăn gần nhau, muốn tiệm mình có nhiều khách, tiền vào nhiều hơn, phải cạnh tranh. Chiếm được khách bên kia là ưu tư của mình. Bất cứ gì đụng tới vật chất, tiền bạc, kinh tế đều chạm tới cạnh tranh.
Con người chính trị: Nếu tôi không mạnh, người khác sẽ xâm lăng. Kẻ có quyền là người có miếng. Tôi phải quen biết người có thế lực để cậy nhờ. Tôi cần có thế lực để gây ảnh hưởng. Nếu tôi không cai trị người, người sẽ cai trị tôi. Xã hội nào cũng mạnh được yếu thua. Cá lớn nuốt cá bé. Quyền lực đến từ nhu cầu sống còn, nó nằm sâu trong bản tính con người. Ai cũng muốn quyền lực.
Con người tôn giáo: Tôn giáo đi tìm thế giới siêu nhiên, đưa con người đến những liên quan tới Trời. Tôn giáo mời gọi con người đến giá trị chân thật của lương tâm. Hiểu như thế, tiếng gọi của tôn giáo nào cũng đẹp, niềm tin tôn giáo nào cũng đáng mến và con người tôn giáo nào cũng đáng yêu.
Ba khuôn mặt trong đền thờ.
Ai cũng đều mang cả ba bộ mặt kinh tế, chính trị, tôn giáo trong một con người. Khi con người tôn giáo bước vào đền thờ, bước vào chung với cả hai khuôn mặt kia: Kinh tế và chính trị. Họ vừa buôn bán ngoài đường phố ban sáng, vừa âm mưu một ý định chính trị ban trưa, chiều nay bước vào đền thờ dâng hương, không thể để con người chính trị và kinh tế ở nhà. Chiều nay bước vào đền thờ, họ bước vào với cả ba khuôn mặt. Từ đó nảy sinh một cách vô ý thức là tôn giáo, kinh tế và chính trị lẫn lộn với nhau. Rồi tôn giáo bị sự canh tranh của hai con người kia điều khiển, xúi đẩy.
Người ta đem cạnh tranh trong kinh tế vào tôn giáo. Ðem cạnh tranh trong quyền lực vào tôn giáo. Cho nên xứ đạo mình phải tổ chức linh đình hơn xứ đạo kia. Tìm cách lôi kéo người khác vào phong trào mình để phong trào này đông hơn phong trào nọ. Ðạo mình phải nổi hơn đạo khác. Ðền thờ này thiêng hơn đền thờ kia. Từ đó, tượng Ðức Phật bị dơ do lòng con người dâng những áng hương hẹp hòi nhỏ mọn. Từ đó, tượng Chúa kêu than thành tiếng: “Ta chán ghét những ngày trăng mới và các lễ trọng của các ngươi. Tất cả những thứ đó đã làm khổ Ta. Ta nhàm chán chịu đựng rồi” (Is. 1:10-20).
Thực tế cho thấy, thu xếp sao cho các ca đoàn trong giáo xứ hát chung với nhau trong một lễ trọng đã là khó rồi! Nhỏ như vậy, đã vương khói u ám, thì những công trình liên họ đạo, liên địa phận còn khó như thế nào. “Các ngươi đừng tiếp tục hiến dâng cho Ta những lễ tế vô ích nữa. Ta ghê tởm mùi hương.” Không có tấm lòng siêu thoát, tất cả thờ phượng tôn giáo chỉ là những làn khói đen chứ không còn là hương trầm. Số phận của những con người làm nên nó đã được nhắc đến trong ngôn sứ Isaia: “Khi các ngươi giơ tay lên thì Ta quay mặt đi. Khi các ngươi càng cầu nguyện thì Ta càng không nhận lời. Vì tay các ngươi vấy đầy máu.”
* * *
Thay vì con người tôn giáo phải hướng dẫn con người tiền bạc và con người quyền thế, hôm nay, dường như con người tôn giáo đang thu nhỏ lại trước hai con người kia. Từ đó, hương khói trong đền thánh không còn là áng hương lòng, nó là u uất của những làn khói đen vì cạnh tranh nhau.
Cạnh tranh trong tôn giáo làm cho đời sống tâm linh nhỏ nhoi. Khi cuộc sống tâm linh nghèo nàn, tâm hồn ấy không còn bình an nội tại và niềm vui nữa. Chung quanh cuộc đời sẽ bị giằng co bằng cạnh tranh, họ băn khoăn làm sao hơn người. Cạnh tranh dẫn đến lo âu. Cạnh tranh dẫn đến buồn vì sợ người khác nổi hơn mình. Trong khi thánh Phaolô nói rõ “hoa trái của Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gal. 5:22).
Cạnh tranh trong sinh hoạt tôn giáo là sự ngột ngạt của những làn khói đen che kín tâm hồn. Của lễ dâng Chúa trong sự cạnh tranh, bấy giờ trở thành thờ cúng ngẫu tượng. Chính vì thế tiên tri Isaia đã nói bằng ngôn ngữ rất mạnh. Thiên Chúa ghê tởm những của lễ đó. Thiên Chúa nhàm chán chịu đựng. Thiên Chúa khổ tâm.
Thấy mình không vui vì người khác được ca ngợi, thấy mơ hồ sự ghen tị, thèm muốn cạnh tranh trong việc tông đồ, lúc đó, ta cần đọc lại những lời này:
“Các ngươi đừng tiếp tục dâng hiến cho Ta những lễ tế vô ích nữa. Ta ghê tởm mùi hương. Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày sabbat và các ngày lễ trọng khác. Ta chán ghét những ngày trăng mới và các ngày lễ trọng của các ngươi. Tất cả những thứ đó đã làm khổ Ta. Ta đã nhàm chán chịu đựng rồi” (Is. 1:10-20).
Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ.