Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ ba tuần 9 thường niên

THỨ BA SAU CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
Tb 2, 9-14; Mc 12, 13-17
BÀI ĐỌC: Tb 2, 9-14
9 Tôi là Tô-bít, ngay đêm lễ Ngũ Tuần, sau khi chôn cất người chết, tôi đi vào sân nhà tôi. Tôi nằm dọc theo bức tường ở sân, mặt để trần vì trời nóng. 10 Tôi không biết là trong bức tường phía trên tôi có chim sẻ. Phân chim nóng hổi rơi xuống mắt tôi, tạo ra những vết sẹo trắng. Tôi đến thầy thuốc xin chữa trị, nhưng họ càng xức thuốc cho tôi, thì các vết sẹo trắng càng làm cho mắt tôi loà thêm, cho đến khi tôi bị mù hẳn. Suốt bốn năm, mắt tôi không nhìn thấy gì cả. Tất cả anh em tôi đều lấy làm buồn cho tôi, và ông A-khi-ca cấp dưỡng cho tôi trong hai năm, trước khi ông đi Ê-ly-mai.
11 Lúc bấy giờ, An-na, vợ tôi, nhận làm những công việc dành cho phụ nữ. 12 Nàng giao hàng cho chủ và họ trả tiền công cho nàng. Ngày mồng bảy tháng Đy-trô, nàng xén tấm vải đã dệt xong, rồi giao cho chủ. Tiền công bao nhiêu, họ trả hết cho nàng, lại còn thưởng cho một con dê con để ăn một bữa. 13 Khi nàng bước vào nhà, thì con dê bắt đầu kêu be be. Tôi mới gọi nàng lại và hỏi: "Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi! Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp. "14 Nàng bảo tôi: "Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công! " Tôi không tin nàng và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ. Vì chuyện đó, tôi xấu hổ cho nàng. Rồi nàng đáp lại rằng: "Các việc bố thí của ông đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ông được bù đắp như thế nào, ai cũng đã rõ!"
ĐÁP CA: Tv 111
Đ. Người công chính an tâm và tin cậy Chúa. (x c 7c)
1 Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. 2 Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.
7bc Họ an tâm và tin cậy CHÚA, 8 luôn vững lòng không sợ hãi chi và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù.
9 Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc, đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Ep 1, 17-18
Hall-Hall: Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Hall.
TIN MỪNG: Mc 12, 13-17
13 Khi ấy, người ta cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. 14 Những người này đến và nói: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp? "15 Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! "16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Xê-da. "17 Đức Giê-su bảo họ: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. " Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

TINH THẦN GIỮ LUẬT
Đức Giêsu dạy: “Của hoàng đế thì hãy trả cho hoàng đế, và của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa” (Mc 12,17: Tin Mừng).
Nói thế Đức Giêsu có ý nhấn mạnh
-            Mỗi người phải chu toàn hai bổn phận: đối với Thiên Chúa và đối với xã hội.
-            Chỉ vâng giữ Luật nhằm cho con người được sống cả xác lẫn hồn.

I. MỖI NGƯỜI PHẢI CHU TOÀN HAI BỔN PHẬN: ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA VÀ ĐỐI VỚI XÃ HỘI .
Chỉ là Luật của Thiên Chúa khi Luật ấy giúp người ta chu toàn hai bổn phận: Đối với xã hội và đối với Thiên Chúa.
1/ Bổn phận đối với xã hội.
Hãy noi gương tinh thần giữ Luật của gia đình Nazareth: Ông Giuse và bà Maria đã vâng lệnh nhà nước về thành của mình để khai hộ khẩu (x Lc 2,1t); Đức Giêsu tuy là Thiên Chúa mà vẫn phải tùng phục cha mẹ trần thế trong suốt ba mươi năm dưới mái nhà quê Nazareth, trước khi Ngài thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao (x Lc 2,51).
2/ Bổn phận đối với Thiên Chúa.
Bổn phận này phải ưu tiên, thậm chí Đức Giêsu đã trốn cha mẹ ở lại Đền Thờ giảng dạy Giáo Lý cho các bậc tiến sĩ (x Lc 2,41t). Vì thế Đức Giêsu dạy những kẻ muốn theo Ngài: “Ai yêu những người trong gia đình hơn Ta; ai không vác thập giá mình mà theo Ta, ai không từ bỏ hết của cải mình có, thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc 14,26-27. 33). Đức Giêsu đòi buộc như thế quả là trái với ý người đời. Vì nhiều người đặt chữ hiếu quan trọng, thậm chí không cần phải theo Chúa, Bà nào! Theo đạo thờ Ông Bà là tốt rồi. Nhưng Đức Giêsu không đồng ý “tôn giáo” ấy vượt trên đạo Chúa. Nói cách khác, phải đặt chân lý, đặt việc Nước Thiên Chúa trên mọi giá trị. Ông Gionathan là mẫu sống người sống chân lý này, vì ông bênh vực Đavid, chứ không ủng hộ mưu thâm độc của vua cha Saolê: tìm mọi cách để diệt bằng được Đavid, chỉ vì vua Saolê không muốn người ta ca tụng Đavid hơn ông (x 1Sm 19-20). Với tinh thần sống đạo ấy, thánh Phaolô nhắc nhở những người Công Giáo sống Đức Tin: “Nếu làm hài lòng người đời, thì không còn là nô lệ của Chúa nữa” (Gl 1,10).
II. CHỈ VÂNG GIỮ LUẬT NHẰM CHO CON NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG CẢ XÁC LẪN HỒN.
Đức Giêsu đòi buộc hết mọi người chỉ thi hành Luật có hai nội dung: Bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với đồng loại. Do đó, Luật nào chỉ duy lo cho nhu cầu xã hội cũng như chỉ đáp ứng nhu cầu thân xác; hoặc chỉ duy lo việc Nước Thiên Chúa, duy lo cho linh hồn, thì không phải là Luật của Thiên Chúa. Thánh Phaolô dạy: “Đối với quyền bính hiện dịch, mọi người hãy tùng phục, vì không quyền bính nào mà lại không do Thiên Chúa, cho nên ai chống lại quyền bính là chống lại điều Thiên Chúa quy định” (Rm 13,1-2). Ta lưu ý ông Phaolô nói “điều Thiên Chúa quy định” phải hiểu như Đức Giêsu đã dạy: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Trong thực tế, người sống Đức Tin phải ưu tiên chu toàn bổn phận đối với Chúa, chứ không chịu khuất phục quyền bính đời bắt ta bỏ việc Thiên Chúa mà chỉ tùng phục quyền đời, hầu đáp ứng yêu cầu xã hội. Vì thế, khi thánh Phêrô bị đưa ra tòa, lệnh tòa cấm ông không được rao giảng về Đức Kitô, thì ông cự lại và nói: “Phải vâng Lời Thiên Chúa hơn là vâng lời các ông” (Cv 5,29). Vâng Lời Thiên Chúa là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, cụ thể nhất là trả cho Ngài tấm lòng ngay thẳng, vì chỉ có lương tâm ngay thẳng mới có thể chu toàn bổn phận đối với xã hội.
Để hiểu rõ vấn đề này, tôi nhớ sau năm 1975, tại Việt Nam, đảng Cộng sản quản lý các sinh hoạt của mọi Nhà Thờ, thì ở địa phận Xuân Lộc, lãnh đạo đảng tổ chức cuộc họp các Linh mục trong Địa phận, nhằm sửa sai “các hành động trái pháp luật của nhiều Linh mục”. Nhất là về việc tu sửa Nhà Thờ. Trong phiên họp cán bộ lên tiếng phiền trách: “Các anh giảng dạy những điều được gọi là làm đúng pháp luật, thế nhưng thực tế các anh dạy một đàng làm một nẻo. Các anh xin phép tu sửa Nhà Thờ, nhưng không bao giờ làm đúng Giấy Phép Xin-Cho!” Lời phê phán ấy làm cho cả hội trường ngột ngạt, các Linh mục nhìn nhau. Lúc đó Đức cha Nguyễn Minh Nhật đứng lên phát biểu: “Thưa quý vị, cha mẹ nào cũng bực mình khi thấy con cái có thói ăn vụng, nhưng tại sao đứa con phải ăn vụng? Nếu cha mẹ chăm sóc con chu đáo, không để đói, thì chắc chắn không đứa nào ăn vụng! Vậy nó ăn vụng thì đáng thương hơn là đáng trách!” Tất cả các Linh mục trong hội trường vỗ tay và lớn tiếng hô: “Ôi, tội hồng phúc!”
Trở lại câu hỏi của những người Biệt phái và phe cánh Hêrôđê đến thử Đức Giêsu: “Có nên nộp thuế cho hoàng đế không?” (Mc 12,14: Tin Mừng). Hỏi như thế mang dã tâm có ý gài bẫy giết Đức Giêsu
-            Nếu Đức Giêsu nói đừng nộp thuế cho hoàng đế Roma, thì chắc chắn phe Hêrôđê đang hiện diện sẽ tóm Ngài, vì đã xúi dân chống lại lệnh vua.
-            Nếu Đức Giêsu bảo cứ nộp thuế cho Roma, thì những người Biệt phái có mặt sẽ kết án ông này xúi dân dựa vào thế lực Roma, mà không trông cậy vào Thiên Chúa, trái với lời kinh họ vẫn đọc: “Dân ngoại cậy vào chiến xa pháo mã, còn chúng tôi chỉ dựa vào danh Chúa mà thôi” (Tv 20/19/,8).
Vậy bọn Biệt phái đến vặn hỏi Đức Giêsu, chúng đã không trả cho Thiên Chúa lương tâm ngay thẳng, thì chúng cũng không thể chu toàn bổn phận đối với đồng loại được. Ta cứ nhìn vào thực tế trong xã hội, ai không có lương tâm ngay thẳng, thì họ sẽ lợi dụng Luật xã hội để làm hại dân hại nước, như biển thủ công quỹ quốc gia, ăn hối lộ, ban Luật với danh nghĩa là vì dân, nhưng tạo kẽ hở trong Luật cho những kẻ có quyền cướp của dân. Tệ nhất là Luật phá thai, Luật đất đai trong xã hội chủ nghĩa! Quả thật, nhiều kẻ nắm quyền trong xã hội, dùng danh nghĩa “làm việc theo pháp luật” mà đặt ra những luật lừa đảo, nhằm bóc lột những kẻ thấp cổ bé miệng. Chính vì vậy mà thánh Phêrô khuyên các tín hữu phải hướng về ngày cánh chung, ngày mọi người sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về bổn phận đối với Chúa và bổn phận đối với đồng loại: “Anh em hãy nhớ đến Ngày của Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay làm tiêu tan vũ trụ trong lửa cháy, có nghĩa là hãy nhớ đến ngày không còn ai sống trên dương thế, công việc mỗi người làm Chúa sẽ thử bằng lửa,chỉ những gì quý giá như vàng bạc mới không bị lửa thiêu, nên anh em hãy sống vô tì tích trước nhan Chúa với tâm hồn bình an, anh em hãy giữ mình kẻo bị lôi cuốn theo lầm lạc của phường vô luân. Cụ thể không bị lôi cuốn vào thói giả hình như Biệt phái mà sa đọa mất đức cương nghị của mình” (2Pr 3,12. 14. 17: Bài đọc năm chẵn).
Vì thế thánh Tông Đồ khuyên mọi người hãy cầu nguyện: “Xin Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, soi lòng mở trí cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta” (Ep 1,17-18: Tung Hô Tin Mừng).
Chuyện bà Anna, vợ ông Tôbya bất hòa với chồng, cũng chỉ vì ông Tôbya muốn triệt để vợ phải giữ đức công bằng và luôn có lương tâm ngay thẳng đối với Chúa. Do đó khi ông nghe tiếng con dê lạ kêu, ông hỏi bà: “Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi! Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp. " Nàng bảo tôi: "Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công! " Tôi không tin nàng và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ. Vì chuyện đó, tôi xấu hổ cho nàng. Rồi nàng đáp lại rằng: "Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông (bị Chúa phạt mù) được bù đắp như thế nào rồi!” (Tb 2,13-14: Bài đọc năm lẻ).
Bà Anna chỉ có thể thôi đay nghiến chồng khi bà hiểu trách nhiệm của chồng là thủ lãnh trong gia đình phải ngăn cản mọi người không ai được vi phạm Luật Chúa, lỗi đức công bằng, để luôn luôn giữ lương tâm ngay thẳng. Vì lý do đó mà ông sợ bà vợ khi biết nhà đang túng thiếu, rồi sống kiểu “đói ăn vụng, túng làm liều”, khiến ông phản ứng như thế! Vì “trải qua bao thế hệ, Chúa vẫn là nơi chúng con trú ẩn” (Tv 90/89,1: ĐC năm chẵn), để cho “người công chính an tâm và tin cậy Chúa” (Tv 112/111,7c: ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Của hoàng đế trả cho hoàng đế; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa (Mc 12,17)
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH