THƯ CHUNG 1980
Thư Chung 1980 là một cái mốc quan trọng, hữu ích, cần
thiết, đúng lúc, đánh dấu một chặng đường lịch sử.
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, tôi thấy có nhiều cái mốc quan trọng.
Chúng cần được coi là dấu ấn. Trong những cái mốc “dấu ấn” đó, phải kể đến Thư
Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980.
Tôi được may mắn có mặt trong quá trình soạn thảo, bàn bạc và quyết định
văn kiện lịch sử đó. Sự hiện diện của tôi thực là bé nhỏ. Năm 1980, tôi là một
trong những, giám mục mới và trẻ nhất của HĐGMVN. Tôi xin chia sẻ đôi chút về
tâm trạng của tôi lúc ấy.
Thư chung 1980 hoàn toàn nhắm mục đích đổi mới mục vụ. Không có chút nào gọi là đối phó. Từ đầu
đến cuối thư, chỗ nào cũng toát ra một đức tin vững bền và một tinh thần yêu
thương thanh thản. Tôi xin kể ra sau đây một số điểm chính yếu:
Mục vụ trong thời kỳ mới có tính cách giới thiệu Thiên Chúa và Giáo Hội. Giới thiệu, chứ không áp đặt. Giới thiệu
một cách khiêm nhường qua cách sống của mọi thành phần Giáo Hội.
Cuộc sống của họ là một sự tuyên xưng và làm chứng cho “Thiên Chúa là
tình yêu” (1 Ga 4,8) theo đức tin từ Phúc Âm do Hội Thánh dạy.
Một cuộc sống như vậy cần phải được nung nấu trong Lời Chúa, bí tích và phục vụ. Đức tin lúc ấy sẽ là một gặp gỡ với Chúa
Giêsu. Một gặp gỡ sống động, riêng tư. Trong gặp gỡ ấy, họ nhận ra Thiên Chúa
là tình yêu.
Từ Thiên Chúa là tình yêu, người tín hữu sẽ làm chứng cho Chúa bằng một
đức mến cao đẹp phát xuất từ một đức tin siêu nhiên nhận được từ Chúa.
Khi được gặp các Đức Giám mục từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam quy tụ
về thủ đô lần đầu, tôi được nghe các ngài kể ra những hoàn cảnh phức tạp và những
trường hợp đầy khó khăn, mà các ngài đã và đang gặp. Tôi ngạc nhiên và cảm động,
thấy tất cả các ngài đều có những phản ứng bình tĩnh. Một sự bình tĩnh của đức mến, một đức mến đầy chế ngự, khao khát được
thấy xã hội và Giáo Hội mình đổi mới theo ơn Chúa. Thái độ của các ngài nói lên
đức tính khôn ngoan và can đảm của đức tin dấn thân.
Tiếp xúc với những vị chủ chiên phong phú tinh thần chế ngự tu đức Phúc
Âm, tôi nhớ tới Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Hai Đấng đã bảo vệ Chúa Giêsu bằng những
chọn lựa khiêm tốn, khó nghèo và đầy chịu đựng, chế ngự. Hội Thánh của Chúa
cũng được tiếp tục bảo vệ và phát triển nhờ những chọn lựa như thế. Hiệu quả
sau cùng là những mùa gặt thiêng liêng phong phú.
Soạn một Thư Chung bao giờ cũng phải cân nhắc, suy nghĩ, tra cứu, bàn hỏi,
cầu nguyện. Thư Chung năm 1980 càng phải thế. Thêm vào đó là tinh thần tỉnh thức.
Tỉnh thức là biết lắng nghe Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần nói qua nhiều
ngả, như qua các dấu chỉ thời đại, qua các kinh nghiệm, qua những đóng góp. Nơi mà người ta phải đợi, nghe Chúa Thánh Thần nhiều nhất,
chính là nơi cầu nguyện và yêu thương. Các Đức Giám mục của chúng ta năm 1980 đã
sống trong bầu không khí cầu nguyện và yêu thương. Các vị rất khác nhau về tuổi
tác, về trình độ, về hoàn cảnh, về kinh nghiệm, nhưng tất cả đều kính trọng
nhau, nương tựa vào nhau. Bầu khí ấy giống như bầu khí đã trùm phủ các tông đồ
xưa ngày lễ Ngũ Tuần. Chính trong bầu khí cầu nguyện và yêu thương đó, cùng với
sự nâng đỡ của toàn Hội Thánh Việt Nam, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các giám mục
hình thành một bức Thư Chung rất quan trọng.
Thư Chung ấy đã đem lại sự an tâm cho người Công giáo tại Việt Nam, cho dù
còn gặp nhiều khó khăn. Sự an tâm ban đầu ấy đã mở đường cho một lối sống cởi mở.
Thư Chung ấy cũng đã làm cho những người trước đây ác cảm với Công giáo dần dần có thiện cảm với đạo ta.
Thư Chung ấy cũng là một cái mốc lịch sử, đổi mới tình hình. Chính Đức
Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đã nhắc lại cái mốc ấy trong bài diễn văn đọc
trong buổi triều yết ngày 27-6-2009 tại Vatican dành cho các Đức Giám mục Việt
Nam đi Ad limina.
Tôi vui mừng nhận thấy Hội Thánh Việt Nam càng ngày càng có những dấn thân tế nhị và can đảm, dưới sự hướng dẫn của đức tin và đức mến.
Hai nhân đức ấy là nguồn ánh sáng và là nguồn sức mạnh của chúng ta. Nhờ
đó, chúng ta có những dấn thân sáng tạo, nhưng luôn kết hợp chặt chẽ với Toà
Thánh, luôn hiệp thông với nhau, cũng như luôn tha thiết phục vụ trong lòng dân
tộc. Vừa biết cho đi và vừa biết lãnh nhận.
Do vậy, tôi thiết nghĩ Thư Chung 1980 là một cái mốc quan trọng, hữu ích,
cần thiết, đúng lúc, đánh dấu một chặng đường lịch sử. Tuy nhiên nó không có
tham vọng nói thay cho tất cả lịch sử.
Hiện tại và tương lai của lịch sử có những phức tạp và gay gắt mới. Tôi
hy vọng Hội Thánh Việt Nam chúng ta, sẽ biết nhờ ơn Chúa, để có những bước đi mới
cần thiết, có sức xây dựng niềm tin cho giai đoạn khó khăn khó lường của lịch sử
đang tới.
Xin cảm tạ Chúa.