SỨC MẠNH PHỤC VỤ CỦA TÌNH YÊU
Vui mừng và hy vọng
luôn phải là thái độ thâm sâu của Hội Thánh Chúa Ki-tô trong mọi tình huống, dựa
trên niềm tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của tình yêu.
Nước Thiên Chúa
(Basileia tou Theou) là một khái niệm rất căn bản đối với mọi tôn giáo phát xuất
từ truyền thống Áp-ra-ham: Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo. Tuy nhiên nội
dung của nó lại không đồng nhất trong tất cả các truyền thống tôn giáo này, thậm
chí ngay trong nền thần học Ki-tô giáo cũng tồn tại nhiều lối suy diễn rất khác
nhau (xin dọc chương 3 Jesus von Nazareth của nhà thần học Joseph Ratzinger –
ĐTC Bê-nê-di-tô XVI). Chỉ đơn giản việc dịch chữ Basileia ra tiếng Anh hay tiếng
Việt cũng đã là cả một vấn đề gây nhiều tranh cãi (kingdom, empire, realm,
domain, rule, dominion, kingship… nước, vương quốc, vương quyền, uy quyền, thống
trị…). Tuy nhiên cho dầu từ ngữ này trong dịch thuật hay quan niệm có là gì đi
nữa thì gần đây các học giả đều thống nhất khi coi khái niệm ‘Nước Thiên Chúa –
Nước Trời’ chính là tâm điểm của sứ điệp Đức Giê-su, cũng như quan niệm ‘Vương quốc Tình yêu’ là nội dung nổi bật hơn cả (xin đọc
Richard Chilson, C.S.P.)
Sử dụng khái niệm
‘Nước Thiên Chúa’, Đức Giê-su chỉ muốn đề cập tới một thực tại thật sống động,
một thực tại mà, bằng chính sự hiện diện của Người nơi trần thế, Người mới thiết
lập được. Thực tại này tuy vô hình nhưng lại rất sinh động và gần gũi, vì thế
nên việc Người đã sử dụng nhiều hình ảnh đời thường để miêu tả nó là điều dễ hiểu.
Các hình ảnh khác nhau được Người sử dụng không nhằm giải thích một quan niệm
trừu tượng khó hiểu cho bằng để mô tả các đặc tính hay các khía cạnh sống động
của cái thực tại vô cùng phong phú này. Quả vậy, Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su
là cả một nguồn sống, một niềm hy vọng lớn lao, trong đó không được phép pha trộn các quan niệm thống
trị, đẳng cấp của
con người. Và nếu hiểu được cái thực tại phong phú đó chính là tình yêu, một
tình yêu bao trùm đầy sinh động, vì Thiên Chúa chính là tình yêu, thì ta sẽ
nghiệm ra hình ảnh ‘hạt giống tự mọc’ và ‘hạt cải nhỏ bé’ quả thực chứa đựng cả
một nội dung an ủi và hy vọng lớn lao.
Thực tại Thiên
Chúa yêu thương đã được âm thầm gieo vãi xuống nền đất của lịch sử nhân loại,
Ngay cả sự chuẩn bị cho việc gieo vãi cũng chẳng có gì là hoành tráng nếu so với
bao biến cố bi hùng khác trong suốt chiều dài lịch sử. Rồi chính việc gieo vãi
lại càng âm thầm lắm, căn cứ vào cuộc đời đơn độc lẻ loi của Giê-su Na-da-rét,
cũng như cái chết thập giá tất tưởi vô vọng của Người. Nhưng sức mạnh của thực
tại này thật là vô địch, không gì cưỡng lại được: sức mạnh của tình yêu luôn là thuyết phục và có sức chinh phục, cho dầu sự hiện diện có âm thầm đi nữa. Nếu
là một vương quốc của quyền lực thời người ta sẽ phải cất công thiết lập, phải
cưỡng chế điều hành, và phải nghiêm túc kiểm tra bảo vệ nó. Chúng ta đã có quá
nhiều kinh nghiệm về điều này trong mọi thực tại quyền lực của xã hội loài người.
Đức Giê-su, nếu có đôi chút thái quá trong việc mô tả sự bất can thiệp của người
gieo vãi, thì âu cũng là để làm nổi bật cái yếu tố tất thắng của tình yêu; ‘Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì
hạt giống vẫn cứ nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết’.
Điều này đúng, trước hết với chính người gieo giống là Thiên Chúa, cụ thể hơn nữa,
với chính Đức Giê-su gieo giống. Nó cũng có thể áp dụng được cho bất cứ ai tham
gia vào công việc gieo vãi này, các tông đồ trước hết, rồi mọi Ki-tô hữu, đặc
biệt các phẩm trật trong Hội Thánh. Do đó vui mừng và hy vọng luôn phải là thái
độ thâm sâu của Hội Thánh Chúa Ki-tô trong mọi tình huống, dựa trên niềm tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của tình yêu.
Và nếu thực tại
tình yêu này có thể chỉ là quá nhỏ bé và yếu ớt thì điều đó cũng đâu có làm cho
Ki-tô hữu chúng ta phải lo lắng gì nhiều. Theo Đức Giê-su, hạt cải có thể sẽ
không bao giờ lớn mạnh thành một cổ thụ cây cao bóng cả che rợp cả một vùng
thiên hạ, nhưng chắc chắn nó sẽ ‘mọc lên
lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ núp
bóng’. Hình ảnh này gợi ý, sự lớn mạnh của thực tại tình yêu Thiên Chúa sẽ không bao giờ lấn át bất cứ một thực tại nào của con người,
nhưng sẽ luôn khiêm tốn và âm thầm cống hiến sự sống và phục vụ. Ôi đẹp thay một
vương quốc như thế, Nước Thiên Chúa mà Đức Ki-tô thiết lập phải là như thế, và
Hội Thánh của Người cũng phải là như thế, nếu muốn được coi là Nước Thiên Chúa
- Basileia tou Theou hữu hình cho nhân loại.
Nếu quan niệm ‘Nước Thiên Chúa’ cần phải được
thanh lọc và chỉnh sửa cho đúng trong toàn Giáo Hội, thì riêng đối với các ‘chức quyền’ của cái
Vương Quốc đó, sự chỉnh sửa càng cần thiết và cấp bách biết là dường nào! Tôi
có ý thức điều đó không?
Lạy Chúa Ki-tô
- Đấng đã đến để thiết lập Nước Thiên Chúa nơi trần gian, con cầu xin cho Hội
Thánh Chúa luôn là dấu chỉ của Vương Quốc tình yêu này. Xin cho mọi phần tử Hội
Thánh luôn biết sống trong tin yêu và hy vọng, cũng như biết âm thầm cống hiến và phục vụ không chút mạc cảm yếm thế giữa bao khó
khăn và hạn chế. Xin đừng để ngay cả nhiệt tình tông đồ xáo trộn được con,
nhưng hằng gìn giữ con trong tin tưởng phó thác, đặc điểm độc đáo nhất của
Vương Quốc Tình Yêu này. A-men
Tác giả bài viết:
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB