Lời Chúa cntn 11b _ Giáo hội là của Chúa

GIÁO HỘI LÀ CỦA CHÚA
 “Các dân nước qua đi, các ngai vàng đổ sụp, Hội Thánh vẫn tồn tại.”  (Napoléon)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Dụ ngôn hạt cải chúng ta vừa nghe (theo các chú giải thánh kinh) chính là những lời tiên tri Chúa nói tới sự phát triển Giáo Hội Chúa thành lập, qua các thời đại và trong mọi dân nức. Nói tới Giáo Hội có biết bao nhiêu vấn đề ta cần biết, tỷ dụ sứ mệnh giáo huấn, sứ mệnh thánh hoá, sứ mệnh điều hành, v.v. của Giáo Hội. Hôm nay chúng ta chỉ đề cập sơ qua sức sống phát triển mạnh mẽ của Giáo Hội giữa những gian nan thử thách, để chứng minh Chúa Giêsu luôn luôn sống và điều hành Giáo Hội.
Ta đã biết vị sáng lập Giáo Hội chính là Chúa Giêsu. Sau ba năm rao giảng nước trời, huấn luyện các môn đệ, ngài đã chết thảm thương trên thập giá. Các nhà cầm quyền đời cũng như đạo ngờ là sự nghiệp của Chúa đã chấm dứt với cái chết thê thảm này. Nhưng rồi Chúa sống lại, Chúa Thánh Thần hiện xuống, công cuộc rao giảng tin mừng đã âm thầm lan truyền khắp đế quốc Lamã. Rồi trải qua ba trăm năm, các hoàng đế Lamã, đã cố gắng, ngăn cản, cũng như cố gắng tiêu diệt việc phát triển này. Kết quả máu các người theo Chúa càng đổ ra nhiều, thì đạo Chúa càng phát triển mạnh mẽ. Chính Tertullianôđã cả quyết: “Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh ra các Kitô hữu.” Ba trăm năm dài đẫm máu, đã khiến các tông đồ các môn đệ Chúa, cũng như các vị thủ lãnh Giáo Hội đã bị giam cầm, bị xử tử, bị thiêu sinh bị quăng cho thú vật cấu xé, mua vui cho các cuộc vui chơi của dân Lamã tại các Hý trường.
Đến thế kỷ thứ sáu và thứ bảy, làn sóng các dân man di lại tràn ngập đế quốc, gây nhiều cản trở, khó khăn cho Giáo Hội, gót chân của các dân chiến thắng như dân Goth, Wisigoth, Normands, Germains, Vandales, Huns... đi tới đâu là gây điêu tàn tới đó. Nhưng với sự kiên trì giáo huấn của Giáo Hội và ơn Chúa giúp đỡ, Giáo Hội đã cảm hoá và đưa họ về với Chúa.
Đế quốc Lamã sụp đổ và hầu hết các quốc gia Âu châu đã trở lại với Chúa, và rồi Giáo Hội lại bị thử thách do các vị vua chúa muốn lôi cuốn Giáo Hội về với tham vọng, quyền lợi của riêng mình, bằng cách bắt ép các vị Giáo Hoàng phải cắt đặt các Giám mục, Hồng Y, Dan viện Phụ theo ý họ, để phục vị chính họ. Các Đức Giáo Hoàng đã phải vất vả, hy sinh để bảo vệ sự tự do của Giáo Hội. Lịch sử còn ghi lại vụ Frédéríc, Barberousse ở Đức, vụ Philippe le Bel ở Pháp chống đối và dùng vũ lực với các Đức Thánh Cha, nhưng vẫn không làm cho các vị Giáo Hoàng này nhượng bộ.
Đến thời cách mạng Pháp (1789-1799) không biết bao linh mục tu sĩ bị lưu đầy, bị tù tội bị xử trảm, xử giảo, nhưng Giáo Hội không do đó mà sụp đổ, như chủ trương của những người bị bách hại Giáo Hội. Đến khi Napoléon lên ngôi, chính Ông đã sang Ý bắt Đức Giáo Hoàng Piô VII đem về giam giữ tại Fontainebleau, vì ngài đã phản đối việc Ông ly dị Josephine để cưới Marie Louise, là điều luật Chúa không cho phép.
Năm 1820 cách mạnh Tây Ban Nha lại tàn phá Giáo Hội: giải tán các dòng tu và giết chết khoảng 35.000 linh mục, nhiều vị bị quẳng ra mặt đường cho xe đè nát, số tòa giám mục chỉ còn lại 6.
Trong thế chiến thứ hai, vì Giáo Hội lên án phong trào Phát xít, nên nhà độc tài Hitler cũng đã giết rất nhiều linh mục, tu sĩ, và một số đông phải sống trong trại tập trung, để rồi bị thiêu hủy một cách oan uổng trong các lò thiêu xác của Phát xít Đức.
Cũng như dân tộc Triều Tiên, Nhật bản, Trung HoaGiáo Hội Việt Nam vừa chớm nở cuối thế kỷ XVI, thì cuộc bách hại đã trở nên khốc liệt vào cuối thế kỷ XVIII kẻ dài sang thế kỷ XIX: Biết bao Kitô hữu đã nhận triều thiên tử đạo và đặc biệt ta phải kể đến 117 vị anh hùng xuất sắc được phong lên bậc hiển thánh.
Chúng ta chỉ tóm lược hết sức đơn sơ và cục diện cuộc sống của Giáo Hội trải qua 2000 năm lịch sử, một cuộc sống ở đâu cũng như bất cứ lúc nào cũng đầy thử thách cam go, và luôn luôn ta nhận thấy bàn tay của Chúa Giêsu dẫn dắt Giáo Hội của ngài.
Trong một bữa cơm thân mật có người hỏi đức ông Felgallô: “Đức ông là người thân cận Đức Thánh Cha, vậy có gì nơi Đức Thánh Cha làm đức ông cảm động hơn hết?”
Đức ông Felgallô đã trả lời ngay: “Dĩ nhiên Đức Thánh Cha Phaolô VI là một vị giáo hoàng thông minh và thánh thiện, nhưng riêng tôi, điều làm tôi cảm kích hơn cả, là ngài muốn hy sinh vì yêu Giáo Hội. Mỗi khi hòa mình với đám đông ở Bombay, ở Manilla chẳng hạn, hầu như ngài quên tất cả. Ngài để cho mọi người lôi kéo. Chúng tôi, những kẻ có nhiệm vụ, bảo vệ ngài, phải lắm phen cực nhọc… nên những lúc thân mật cha con, chúng tôi vẫn thưa với ngài: thưa đức thánh cha, chúng con thấy đức thánh cha vất vả quá, với muôn nghìn lo âu: thức khuya, dậy sớm, lắm phen nguy hiểm đến tính mệnh. Đức thánh cha đã để cho lũ đông lạ mặt lôi kéo, chúng con ngăn cản bảo vệ không nổi. Xin đức thánh cha gìn giữ sức khỏe cho. Nhưng mỗi lần thưa ngài như thế, ngài đều đáp lại với chúng tôi như một điệp khúc nhỏ nhẹ, dịu dàng: Tất cả vì Hội Thánh, vì Hội Thánh. Nhiều khi chúng tôi mệt lả, ngao ngán, nhưng nhớ đến câu nói của ngài, chúng tôi phải vươn lên với ngài, không thể bỏ ngài, và càng cảm phục kính mến ngài hơn nữa.”
Một hôm vì quá tức giận, Napoléon đã nói thẳng với hồng y Consalvi, quốc vụ khanh tòa thánh: “Ông không biết sao? Tôi có thể tiêu diệt cả Giáo Hội!”
Hồng y Consalvi hóm hỉnh trả lời: “Thưa ngài, chính chúng tôi đây là những kẻ sống trong Giáo Hội, chúng tôi thấy rõ, dù biết bao gương xấu, tội lõi, chia rẽ, khuyết điểm, của chính Giáo Hội, cũng như bao cuộc bách hại cũng không phá nổi Giáo Hội, qua 19 thế kỷ, thì làm sao mà ngài phá Giáo Hội được?”
Về cuối đời, chính Napoléon đã tuyên bố: “Các dân nước qua đi, các ngai vàng đổ sụp, Hội Thánh vẫn tồn tại.”
Chúa Giêsu đã phán: “Cha sẽ ở với chúng con, mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 20,20)
Đề tựa của Lm. HK