Lời Chúa cntn 11b _ công việc của Chúa

CÔNG VIỆC CỦA CHÚA
"Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa... Con đã chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!" (ĐHY Thuận)
Logos
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.”
Việc Chúa làm
Vào khoảng thế kỷ 13 trước công nguyên, dân Do Thái ở Ai Cập càng ngày càng đông và hùng mạnh, nên vua Pharaô sợ khi có chiến tranh, họ hùa với địch mà đánh lại mình, nên ông ra lệnh cho toàn dân: “Mọi con trai Do Thái sinh ra, hãy ném xuống sông Nil, mọi con gái thì để cho sống.”
Có một gia đình thuộc dòng họ Lêvi, sinh được một con trai kháu khỉnh, mẹ nó giấu được 3 tháng, khi không thể giấu lâu hơn được nữa, nên lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ con vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nil. Chị đứa bé đứng đàng xa theo dõi. Có công chúa của vua Pharaô xuống sông tắm, thì thấy chiếc thúng ở giữa đám sậy, thì sai người hầu đi lấy, mở ra, thấy một đứa trẻ đang khóc. Nàng động lòng thương và nói:
-         Đây là một đứa trẻ Do Thái.
Chị đứa bé thưa với công chúa:
-         Bà có muốn con đi gọi cho bà một vú nuôi người Do Thái, để nuôi đứa bé cho bà không?
Công chúa trả lời:
-         Cứ đi đi
Người con gái liền đi gọi mẹ đứa bé. Công chúa bảo bà ấy:
-         Chị đem đứa bé này về nuôi cho tôi. Chính tôi sẽ trả công cho chị.
Người đàn bà mang ngay đứa bé về nuôi. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó cho công chúa, và nàng đặt tên là Môsê (Xh 2, 1-10).
Có ai nghĩ rằng, Môsê là người được công chúa Vua Ai Cập cứu sống lại chính là người mà Chúa chọn để đưa dân Israel thoát ách nô lệ của Ai Cập sau này.
Sự giới hạn của con người
Trong những lời rao giảng, Chúa Giêsu thường dùng về những sự tăng trưởng trong thiên nhiên để mô tả sự chuyển biến và điểm đến của Nước Trời. Chúng ta biết rằng, sự tăng trưởng của cây cối, thường không thể cảm nhận được trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, nếu hằng ngày nhìn một cây nào đó làm sao mà thấy được nó cao lên, phải sau một thời gian, nhìn lại thì mới thấy rõ là cây lớn đến mức nào. Với Nước Trời cũng vậy, không phải hôm nay, ngày mai mà tiến triển một cách nhanh chóng được, phải mất một thời gian dài, có khi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Dụ ngôn hạt giống muốn nói đến sức mạnh của Thiên Chúa và sự giới hạn của con người. Thật vậy, kẻ làm ruộng, chỉ biết gieo chứ chẳng làm ra được hạt giống, chẳng làm cho hạt giống mọc lên được, người ta có thể tưới nước chăm sóc, nhưng tự nó đã có sự sống và sẽ mọc lên. Nước Trời là của Chúa, bền vững đến muôn đời, con người có thể làm cản trở cho sự tăng triển, nhưng không thể phá bỏ được những gì Thiên Chúa đã muốn thực hiện. Sự tăng trưởng có tính cách liên tục bất kể ngày hay đêm, nhưng nỗ lực của con người thì nhiều khi bị gián đoạn, hôm nay ta tiến được một bước, nhưng ngày mai chúng ta lại lùi hai bước. Sự tăng trưởng lại có tính mạnh mẽ, một gốc cây có thể làm nứt cả vệ đường bê tông, một cây cỏ nhỏ xíu có thể len lỏi mọc lên ở các kẽ đá. Nước Trời cũng vậy, mặc dù con người có chống đối, bất tuân, nhưng kế hoạch của Thiên Chúa chẳng ai có thể ngăn nổi. Những cây Thiên Chúa đã trồng, chắc chắn sẽ trổ cành và kết trái (bài đọc 1).
Suy luận để ta ý thức con người chỉ là thụ tạo, một thụ tạo yếu đuối, mỏng dòn. Đồng thời để chúng ta vâng phục “đường lối của Chúa”, nhất là để cộng tác theo ý Người.
Kiên nhẫn trong niềm tin
Ngày nay, có những người đang khủng hoảng đức tin, đang mất dần niềm tin vào Hội Thánh, họ có đủ lý do để biện chứng, nào là Hội Thánh gây khó khăn trong đời sống hôn nhân (vấn đề kết hôn, điều hòa sinh sản, phá thai…), nào là những nghi lễ tại nhà thờ mang tính hình thức nhiều hơn là sống nội tâm sâu xa, nào là người ta chống đối và bỏ Hội Thánh, nào là người trẻ không tha thiết với ơn gọi tu trì và linh mục, hay là con số kitô hữu không tăng bao nhiêu… Thực ra, những lý do đó chỉ là ngụy biện mà thôi, bởi những gì mà một số người ngày nay đòi hỏi Hội Thánh phải đáp ứng theo nhu cầu của họ, thì đi ngược với luật phát triển tự nhiên, và làm suy thoái nền luân lý đạo đức Chúa Giêsu giảng dạy.
Lời Chúa hôm nay hướng dẫn chúng ta không được bi quan, bởi hoàn cảnh và thời đại nào cũng đều có những thách đố cho những ai sống và làm chứng cho Tin Mừng. Hạt cải bé nhất khi gieo xuống, lại trở nên lớn nhất khi mọc lên. Hơn một tỷ người kitô hữu hôm nay ở khắp nơi trên thế giới, không bắt đầu với Đức Giêsu và một nhóm nhỏ mười hai môn đệ, cùng với thời gian hơn 2000 năm đó sao?
Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy sống lạc quan tin tưởng vào quyền năng của Chúa, bởi vì “chúng ta tiến bước nhờ lòng tin” (bài đọc 2 ). Những gì Thiên Chúa đã khởi sự, thì Thiên Chúa sẽ hoàn tất một cách tốt đẹp.
Kinh nghiệm quí báu của Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được ngài kể lại:
“Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẫn uất nổi lên trong tôi.
Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: “Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì ngươi đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo… đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Thiên Chúa chứ không phải là Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó, hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con đã chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!” Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi niềm an bình và giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày” (Chứng nhân hy vọng – bài suy niệm thứ 5).
Đừng bao giờ chán nản và tuyệt vọng, hãy kiên nhẫn, bởi chẳng có việc gì vừa bắt đầu thực hiện mà lại đạt kế quả hoàn chỉnh ngay. Nhiệm vụ của mỗi người kitô hữu chúng ta, như thánh Phaolô nói trong bài đọc 2: “Chúng ta chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. 2 Cor 5, 9).