GIỚI HIỀN MẪU
DƯỚI LĂNG KÍNH CHIẾU YÊU
DƯỚI LĂNG KÍNH CHIẾU YÊU
Tôi và anh chị em rất cần những khoảng không
gian tĩnh mịch, để cho “Chiếc kính Lời Chúa” chiếu soi vào tận cõi lòng mình.
Nhờ vậy, ta có thể biết mình là ai và phải làm gì.
Mùa Chay vừa
qua, tôi có dịp đi giải tội cho một số giáo xứ. Một hôm trước giờ ngồi tòa, tôi
ra sân nhà thờ, tình cờ gặp một nhóm các bà đang ngồi “tám” với nhau, chờ xưng
tội. Vừa thấy tôi, một bà rụt rè chỉ ngón tay về phía tôi, rồi nói điều gì đó.
Mấy bà kia quay lại nhìn tôi, tủm tỉm cười, làm tôi hơi chột dạ. Tôi tới gần, một
bà tươi cười hỏi: “Có phải cha viết bài
“Chụp cắt lớp giới Gia trưởng” không?” Tôi khẽ gật đầu. Bà ta nói ngay: “Vậy tháng tới cha có chụp cắt lớp chúng con
không?” Tôi chưa biết trả lời thế nào, thì cả nhóm đã bịt miệng cười. Tôi
chợt nói: “Tôi không dám chụp cắt lớp các
bà đâu.” Cả nhóm lại phá lên cười. Về nhà, nghĩ lại mẩu chuyện ấy, tôi nhủ
thầm: Mình không chụp cắt lớp giới Hiền mẫu, nhưng nhất định sẽ dùng “Kính chiếu yêu” để nhìn cho rõ “căn bệnh mãn tính” của
các bà.
Chuyện kể rằng: ở Tây Trúc có một Chiếc Cốc vàng của Phật Tổ. Chiếc Cốc quí
giá ấy có thể khiến Phật pháp cảm hóa được muôn người, xua tan cả tà ma. Chỉ có
bậc cao tăng đắc đạo, thấu triệt Phật pháp vô biên, mới có thể cầm được Chiếc Cốc
vàng quí giá ấy. Ngày kia, ở Trung Nguyên có một nhà sư trẻ đạo hạnh, vì muốn cứu
chúng sinh thoát khỏi khổ nạn, nên đã lên đường đi lấy Chiếc Cốc ấy về. Sư phụ
rất kì vọng vào anh ta, liền trao cho anh ta “Chiếc kính chiếu yêu”, để anh ta
có thể chống lại tà ma trên đường. Anh ta bắt đầu cuộc hành trình gian khổ với
hành trang là một chiếc bát và chiếc kính chiếu yêu. Ngày kia, trên đường đi,
anh gặp một người con gái bị té gãy chân. Nhà sư liền dùng thảo dược cầm máu và
băng bó vết thương cho cô. Nhưng vô tình chiếc kính chiếu yêu rơi ra, soi rõ cô
gái ấy thực chất là con Hồ ly tinh, chuyên dụ dỗ ăn thịt thanh niên trai tráng.
Nhà sư hoảng hốt niệm thần chú phòng thủ. Con Hồ ly tinh cũng hiện nguyên hình
và tấn công nhà sư. Nhờ có võ nghệ thâm hậu, nên nhà sư đã giết chết được con Hồ
ly tinh ấy.
Tôi muốn dùng
điển tích “chiếc kính chiếu yêu”, để nhìn thoáng qua một vài căn bệnh “thâm căn
cố đế” của giới Hiền mẫu. Hi vọng không riêng gì các bà, mà tất cả chúng ta, sẽ
khám phá ra chính mình, để “phúc âm hóa” bản thân mình trong năm nay.
Căn bệnh thứ nhất của
các bà là thích nói:
Có người cắt
nghĩa như sau: Sở dĩ phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông, vì họ sống bằng tình cảm, họ có nhiều cảm xúc hơn đàn ông. Hơn nữa,
khi người phụ nữ nói ra được những cảm xúc chất chứa trong lòng họ, thì họ sẽ cảm
thấy nhẹ lòng và hạnh phúc hơn. Còn đàn ông thường sống bằng lí trí và ưa kiềm
chế cảm xúc. Hình như trong trái tim của người phụ nữ có một đường cao tốc với
8 làn xe rộng rãi, để họ chuyển tải tình cảm của họ. Còn đàn ông thì chỉ có một
con đường mòn nhỏ hẹp dành cho điều đó (?).
Người khác thì
cho rằng: Sở dĩ phụ nữ nói nhiều hơn các ông, vì do bẩm sinh, bộ não của người
nữ chứa rất nhiều “protein ngôn ngữ”, nên họ thích nói. Thậm chí có bà bị “đột
biến gien protein ngôn ngữ”, nên họ chỉ biết nói, nói và nói; chứ không hề chịu
lắng nghe, hay nhìn nhận vấn đề, hoặc suy xét cho tỏ. Có khi họ nói chỉ với mục
đích là cho có chuyện để nói, bất kể người nghe có muốn nghe hay không.
Phải chăng đó cũng là mầm bệnh “buôn dưa lê”?
Tính nói nhiều
của phụ nữ hình như càng ngày càng tăng theo tỉ lệ thuận
với độ tuổi. Thực vậy,
tính nói nhiều phát triển nhanh khi họ có chồng, tăng mạnh cả về âm thanh lẫn
cường độ khi họ có con; và tăng cực đại khi họ làm mẹ chồng. Hậu quả của tính
nói nhiều là biến họ thành người nói dai, nói dài, nói dở; nói đủ mọi thứ chuyện
trên trời dưới đất và cả trong âm phủ. Chuyện nọ xọ chuyện kia, không đâu vào
đâu. Vì thế nhiều ông chồng thường phải vận công lực để im lặng cho qua, hoặc bực
mình quá thì quát lên: “Đàn bà biết cái
quái gì!”
Phải chăng
“thích nói” đã trở thành căn bệnh mãn tính của người phụ nữ. Nhất là khi các bà
đánh hơi được “chuyện bí mật”, hay gặp phải những điều chướng tai gai mắt, thì
các bà chẳng chịu để yên. Lạ lùng là chính các bà cũng là người rất dễ bị tổn thương về căn bệnh quái ác này. Những lúc đó, đòi hỏi người đàn ông phải
hết sức tế nhị, thông cảm, lắng nghe và chia sẻ. Dường như rất ít ông làm được
việc này. Nhiều ông chỉ biết im lặng, hoặc trách móc, hờn dỗi. Một số khác thì
ra ngoài tìm thú vui mới, tìm quên chuyện gia đình. Họ có biết rằng chính khi ấy
người phụ nữ lại rất cần sự chia sẻ, lắng
nghe và cảm thông của người
chồng.
Căn bệnh thứ hai của
các bà là thích “bao sân.”
Nghĩa là hay ôm đồm, lo lắng đủ mọi thứ chuyện, từ trong nhà ra ngoài ngõ. Sở dĩ người phụ
nữ có cái tật “bao sân”, là vì ngay từ thuở mới lọt lòng mẹ, bé gái đã được huấn
luyện tận não rằng: “Con gái phải biết lo
việc nhà như quét dọn, nấu cơm, giặt đồ, trông em, coi nhà….” Do đó, vô
tình khi lớn lên và lấy chồng, người phụ nữ luôn ở trong tâm thế “Mình là nội
tướng”, nên bất kể việc lớn hay việc nhỏ trong nhà, họ cũng muốn ôm hết. Họ tự
nguyện “bao sân.” Và điều gì phải đến cũng sẽ đến, đó là họ bị quá tải, khi vừa phải lo kiếm tiền, vừa phải lo chu toàn “việc nhà” và hàng trăm
thứ “việc không tên” khác. Dù cực khổ như thế, nhưng khi hỏi tại sao họ không
buông bỏ, hoặc chia việc bớt cho chồng cho con, thì câu trả lời muôn thuở của họ
là “tại vì, bởi vì, chả lẽ.”
Có người cho rằng:
Cái tính “bao sân” ôm đồm này đã có nguồn gốc từ xa xưa. Khi ấy người phụ nữ
luôn phải chịu những sự thiệt thòi trong gia đình, nhất là khi họ sống trong cảnh
“chồng chúa vợ tôi.” Người phụ nữ phải “đầu tắt mặt tối” lo chuyện bếp núc nội
trợ, nâng khăn sửa túi, quán xuyến việc nhà, chuyện con cái. Xã hội ngày nay
tuy đã phát triển, đời sống được nâng cao, vai trò của phụ nữ cũng đang được
nhìn nhận theo hướng tích cực hơn. Nhưng cái tính “bao sân”, quá lo lắng, vẫn
ăn sâu vào trong xương tủy của người phụ nữ, khiến nhiều bà luôn có tư tưởng
mình là “tay hòm chìa khóa”, là “nội tướng” trong gia đình. Hậu quả là vì quá
ôm đồm công việc, mà họ gặp rất nhiều áp lực, bị “stress”, rối loạn tiền đình,
mệt mỏi, thậm chí cô đơn và trống vắng ngay trong gia đình.
Căn bệnh thứ ba của
các bà là thích “suy diễn.”
Có lẽ đây là hệ quả tất yếu của tính đa nghi. Nhiều phụ nữ có thói quen thích suy diễn,
thổi phồng mọi vấn đề. Chẳng hạn: Nếu thấy chồng không nghe điện thoại, thì
ngay lập tức họ nghĩ rằng chồng đang làm việc gì đó mờ ám. Nếu người chồng quên
không mua món đồ mình đã dặn, có bà đã bù lu bù loa kết luận rằng chồng vô tâm,
không chăm lo đến mình. Những lời càm ràm trách móc ấy không bao giờ cùng. Cứ
thế, ngày qua ngày, bản danh sách suy diễn “những điều bị thổi phồng” cứ kéo
dài bất tận. Nhiều ông chồng cảm thấy ngao ngán trước tình huống “chuyện bé xé
ra to” của các bà; và cho đó là lối suy nghĩ thiếu khôn ngoan, có nguy cơ phá vỡ
hạnh phúc gia đình.
Hình như khi tạo
dựng nên người nữ, Thượng đế đã ban cho họ một trí khôn rất dễ bay bổng, khiến
họ hay mơ mộng, suy diễn và dẫn dắt các tình huống rất giỏi. Họ có một trí tưởng
tượng hết sức phong phú, bay cao và bay xa như cách người ta quảng cáo sữa
Yomost. Thực vậy, nếu họ nhắn tin mà không thấy hồi âm, thì họ bắt đầu nhá máy,
nhá liên tục. Nếu nhá máy mà vẫn không được đáp trả, thì lát sau thế nào cũng
có đoạn tin nhắn "làm gì, đi đâu, ở
với ai mà em gọi mãi không được?” Bó tay.
Cái tính thích
suy diễn này rất là tai hại, đặc biệt trong vấn đề tình cảm. Người ta bảo rằng:
Tính thích suy diễn và tính ghen ghét là hai
chị em sinh đôi. Một khi
“cặp đôi hoàn hảo” này len lỏi vào tâm trí ai, thì không những người ấy khổ; mà
ai sống gần người ấy cũng rất khổ, vì nó cứ bào mòn sự tin tưởng lẫn nhau. Nếu
muốn biết sự thật, tại sao ta không tìm hiểu vấn đề bằng nhiều cách khác. Nếu cứ
suy diễn rồi đơn phương kết luận, thì chỉ đi vào ngõ cụt mà thôi. Hơn nữa, cuộc
sống này rất cần những điều thông thoáng, nhẹ nhàng và tha thứ, bằng cách bỏ
qua những lỗi lầm thiếu sót của nhau. Tôi nhớ mãi câu nói của một người bạn: "Thời gian yêu thương của tụi mình ngắn
lắm, chẳng được bao lâu, thì lấy đâu ra thời gian để mà suy diễn rồi giận hờn
nhau. Kiếp người quá phù vân.” Người bạn ấy nói đúng.
Chuyện kể rằng:
Sau khi nhận được Chiếc Cốc vàng từ tay Phật Tổ, trên đường trở về nhà, vị sư
trẻ kia vô tình để “Chiếc kính chiếu yêu” soi vào chính mình, bất giác ông nhận
ra biết bao “tham-sân-si” vẫn còn ẩn núp trong tâm hồn ông. Về đến nhà, ông
trao tất cả báu vật cho Sư phụ, rồi xin phép lánh mình vào một khu rừng tĩnh mịch
để đêm ngày tu thân, dưỡng tính. Trong “Năm tân Phúc âm hóa các Giáo xứ” này,
tôi và anh chị em rất cần những khoảng không gian tĩnh mịch, để cho “Chiếc kính
Lời Chúa” chiếu soi vào tận cõi lòng mình. Nhờ vậy, ta có thể biết mình là ai
và phải làm gì, để từng ngày cố gắng “nên
hoàn thiện như Cha trên Trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).