Lời Chúa cnps 5b _ sống kết hợp với Chúa

SỐNG KẾT HỢP VỚI CHÚA
Bao nhiêu vị thánh trong Giáo Hội Chúa, đã thi hành đúng lời Chúa, sống kết hợp với Chúa, luôn trông vào sức mạnh của Chúa, và quả thực các ngài đã sinh biết bao nhiêu hoa trái cho Chúa, cũng như cho toàn thể Giáo Hội.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài Tin Mừng ta vừa nghe, chỉ vỏn vẹn có 10 câu nói của Chúa, mà đã có tới 9 lần Chúa dùng cụm từ “ở trong”: Ta phải ở với Chúa, sống trong Chúa, sống với Chúa, và Chúa phải ở trong ta. Có thế ta mới sinh hoa kết quả, hệt như nhánh nho có sống liền với thân cây nho, thì mới sinh hoa trái. Thực ra những lời Chúa phán: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái.” (Gioan 15, 1-8) chẳng những bảo mọi người chúng ta phải luôn luôn nhớ tưởng tới Chúa, làm mọi việc vì Chúa luôn trông cậy vào quyền năng Chúa, (sống kết hợp với Chúa), mà những lời của Chúa còn là những lời tiên tri về những công việc Chúa sẽ thực hiện trong Giáo Hội Chúa.
Trải qua hai ngàn năm: biết bao nhiêu con người, bao nhiêu vị thánh trong Giáo Hội Chúa, đã thi hành đúng lời Chúa, sống kết hợp với Chúa, luôn trông vào sức mạnh của Chúa, và quả thực các ngài đã sinh biết bao nhiêu hoa trái cho Chúa, cũng như cho toàn thể Giáo Hội. Ở đây tôi chỉ nhắc tới một vị thánh, vị thánh này có thể nói là con người đại ta, vì ngài mất năm 1888. Đó là thánh Gioan Don Boscô.
Gioan Boscô sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815, tại Turinô (Ý). Cha của Gioan Boscô qua đời lúc Gioan Bascô được hai tuổi. Mẹ ngài là bà Magarita, một mình nuôi ba người con trai. Bà dậy con siêng năng làm việc, và siêng năng cầu nguyện. Để các con luôn luôn biết sống kết hợp với Chúa. Bà thường lặp lại với con: “Chúa thấy hết, Chúa biết hết.”
Gioan Boscô đã nói: “Nếu tôi trở thành linh mục đó là nhờ mẹ tôi.”
Sau khi lãnh chức linh mục, tuy cuộc sống nghèo nàn vất vả, nhưng lời đầu tiên mẹ ngài nói với ngài là: “Con đừng nghĩ tới mẹ, mà chỉ cần nguyện cho mẹ. Lo lắng duy nhất con phải là phần rỗi các linh hồn.”
Thấy biết bao trẻ bị bỏ rơi, không được giáo dục, lêu lổng, sống bụi đời, chúng là gánh nặng cho xã hội, Gioan Boscô quyết tâm giáo dục những trẻ bị bỏ rơi này. Mặc dầu người ta cho ngài là con người điên rồ, làm những công việc ngoài khả năng, thiếu phương tiện, ngài vẫn bền chí, đeo đuổi công việc giáo dục, lo lắng cho trẻ bụi đời, không hề nản chí. Ngài thuê một căn nhà trong khu phố nghèo, đưa mẹ tới đó coi sóc, và trả tiền nửa tháng một lần. Mẹ ngài lo lắng vì ngài sẽ tìm đâu ra tiền, nhưng ngài nói với mẹ: “Nếu mẹ có tiền, mẹ chẳng cho con sao? Mẹ không tin là Thiên Chúa quan phòng, chẳng tốt bằng mẹ sao?”
Ngài tập họp những trẻ xấu lại và chuẩn bị cho chúng rước lễ vỡ lòng. Ngài không hề mất niềm tin, không có gì làm ngài nản chí, ngài thường dẫn về cho mẹ những đứa bụi đời, ngài gặp trong quán ăn… nhưng đã xẩy ra nhiều lần: ban đêm những đứa này trốn mất, mang theo cả chăn nệm của ngài…
Ngài 12 tháng 4 năm 1846 ngài đã dùng khu nhà của Pinardi và tổ chức nuôi dậy trẻ bụi đời. Mỗi ngày sống: bắt đầu bằng một thánh lễ, sau đó các em đi học chữ hoặc tập nghề. Ngài thiết lập dòng Salésien: dòng này đã bành trướng khắp thế giới ngay lúc ngài còn sống. Sau này cùng với chị Maria Mazzarello, ngài thiết lập một dòng nữ mang danh hiện nữ tu Đức Mẹ Phù Trợ. Công việc các chị cũng đã lan rộng khắp thế giới. Khẩu hiệu của ngài là: “Hãy tin tưởng, cầu nguyện và can đảm tiến tới không ngừng.”
Ngài đã hoàn tất ba ngôi thánh đường vĩ đại: tháng đường Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, thánh đường thánh Gioan tại Turinô, và thánh đường thánh Tâm Chúa Giêsu tại Rôma.
Ngài có dịp qua Pháp và Iphanho, ở đâu ngài cũng được các tín hữu nhiệt tình đón tiếp. Họ chen chúc nhau để xin ngài chúc lành và người ta tuốn tới đông đảo tới nỗi làm cản trở xe ngựa chở ngài, khiến người đánh xe đã phải giận dữ nói: “Thà chở một thằng quỷ còn hơn là chở một vị thánh.”
Ngài mất ngày 31 tháng 1 năm 1888.
Trước khi mất, ngài có nói: “Hãy nói với con cái của tôi rằng: tôi đợi chúng tất cả ở trên thiên đàng.”
Nhắc tới thánh Don Boscô, chúng ta cũng nên nhắc tới một chi tiết nực cười trong cuộc sống của ngài. Lúc đầu, với hai bàn tay trắng, vì chỉ tin vào quyền năng Chúa, mà ngài luôn luôn nói tới những công việc vĩ đại ngài sẽ thực hiện. Do đó hai vị kinh sĩ được tòa giám mục phái tới, phỏng vấn và dò xét công việc của ngài.
Mấy ngày sau, giáo quyền lại cử tới hai vị linh mục khác, một vị là cha Ponzetti, cha sở Saint Augustin. Sau những lời chào hỏi xã giao, hai cha này đề cập ngay tới chương trình vĩ đại của Cha Don Boscô, và cũng như cuộc tiếp xúc với hai vị kinh sĩ lần trước, cha Don Boscô chẳng những nói tới chương trình lớn lao cha mơ ước, mà rồi sẽ cố gắng thực hiện cho bằng được. Hai cha này nhìn nhau, như thầm nói với nhau là: Quả thực lời đồn đại không sai! Cha Don Boscô đã mất trí!
Thực ra thì hai Cha này, đã nhắc trước cho một đường gần đó, sẽ có một chiếc xe chở một linh mục điên tới, nhờ các bác sĩ điều trị.
Do đó Cha Ponzetti nói: “Cha Don Boscô, cha có thể đi dạo chơi với chúng tôi một lát được không? Hiện dưới nhà đã có sẵn xe?” Cha Don Boscô trả lời: “Thưa hai cha, con rất vui lòng, xin hai cha chờ con vào lấy mũ đã.”
Hai phút sau cả ba xuống cầu thang, và hai cha khẩn khoản mời cha Don Boscô lên ngồi xe trước. Nhưng Cha Don Boscô trả lời: “Thưa hai cha, đâu con dám, xin mời hai cha lên ngồi trước.” Hai cha kia nói: “Không sao, xin cha cứ lên ngồi trước đi!” Cha Don Boscô trả lời: “Không, không, hai cha phải lên trước, con lên sau.”
Thế là buộc lòng hai vị linh mục kia lên ngồi trước. Khi hai cha vừa lên ngồi xe, Cha Don Boscô đóng sập cửa lại, và ra lệnh cho người đánh xe, phải chở gấp hai linh mục này tới dưỡng đường. Thế là người đánh xe quất ngựa phóng tới dưỡng đường. Đã có sẵn hai người trực mở cửa dưỡng đường. Các nhân viên trong dưỡng đường đổ ra sân, để tiếp nhận vị linh mục điên. Hai cha ngồi trong xe bực bội, vừa đập cửa vừa nói to là mình không phải điên, nhưng các nhân viên dưỡng đường đều cho là cả hai vị cùng điên họ chỉ lấy làm lạ, tại sao báo là có một vị điên, mà bây giờ lại gửi tới hai vị!
Rút cục hai cha phải xin họ mời vị giám đốc, cha tuyên úy và bác sĩ… Cha tuyên úy ra đầu tiên: Hai Cha kể lại đầu đuôi câu truyện, mọi người phá lên cười. Từ đó không còn ai giám bảo cha Don Boscô là người mất trí nữa. (S.Jean Bosco, A. Auffray p.100-103)
Đề tựa của Lm. HK