Lời Chúa cnps 5b _ cây nho và cành nho

CÂY NHO VÀ CÀNH NHO
Nếu cành bị cắt lìa khỏi thân cây, sẽ bị khô héo. Tuy nhiên, cành nho được cắt tỉa mới có thể sinh nhiều trái.
Logos
Chúa Nhật 5 mùa Phục Sinh hôm, chúng ta nhắc đến câu chuyện có thật đã được đăng trên báo Medimundo của Nam Mỹ.
Bé gái Angelina Lornadi sống ở thành phố Dorila bị ung thư bao tử. Sau nhiều cuộc giải phẫu và nhiều cách điều trị với tất cả mọi cố gắng, bác sĩ Cortez đành phải báo tin buồn cho bà Maria, mẹ của bé Angelina, là ông đã bó tay và bé Angelina sẽ chết. Bà Maria như hóa điên khi nghe điều đó. Bà quì bên cạnh người con gái và cầu nguyện. Mọi người nghe thấy bà cầu xin với Thiên Chúa cho bà chết thay cho con bà. Mọi người ra khỏi phòng cho bà được yên. Khi trở lại, họ không thể tin ở mắt mình: bé Angelina đang đứng cạnh giường, trông rất rạng rỡ và khỏe mạnh, còn bà Maria đang nằm gục trên giường. Bà thều thào nói: “Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi.”
Bác sĩ Cortez hết sức kinh ngạc và hoài nghi. Ông cho khám nghiệm bé Angelina và thấy rằng cô bé hoàn toàn khỏe mạnh. Ông cho xét nghiệm bà Maria, và thấy rằng bà sắp chết vì chứng bệnh ung thư bao tử trước đó con gái bà đã mắc phải. Bà Maria đã chết sau đó vài giờ.
Bác sĩ Cortez đã nói: “Tôi không thể giải thích được việc này trên phương diện y học. Có lẽ tôi chưa hiểu hết sức mạnh huyền bí của tình mẫu tử, hoặc một thế lực siêu nhiên nào đó.
Câu chuyện trên thật khó hiểu đối với vị bác sĩ, nhưng cũng là điều khó hiểu đối với chúng ta. Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của bà mẹ, cho bà được chết thay cho con mình chăng? Điều đó chúng ta không biết rõ. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc một điều: giữa người mẹ và đứa con luôn có một sợi dây thiêng liêng gắn chặt họ nên một. Đó chính là sợi dây tình yêu nhiệm mầu.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã diễn tả sợi dây tình yêu nối kết Ngài với các môn đệ qua hình ảnh “cây nho và cành nho.” Đây là một hình ảnh gần gũi và thân quen với người dân Palestine. Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh ấy để nói lên mối liên hệ sâu xa giữa chúng ta với Chúa: “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sinh nhiều trái.”
Dụ ngôn “cây nho và cành nho” chứa đựng hai điều trái ngược nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau: cành nho phải dính liền với thân nho mới có thể sinh trái được. Nếu cành bị cắt lìa khỏi thân cây, sẽ bị khô héo. Tuy nhiên, cành nho được cắt tỉa mới có thể sinh nhiều trái. Theo kinh nghiệm người trồng nho, cành nho được cắt tỉa, cành nho càng cho nhiều trái. Từ đó, chúng ta có thể rút ra 2 bài học từ hình ảnh “cây nho và cành nho”: không được cắt lìa, nhưng phải cắt tỉa.
“Ở trong Thầy”
Qua hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho, Chúa Giêsu muốn nhắc đến mối liên kết giữa Ngài với các môn đệ: “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con. Cũng như cành nho tự nó không thể sinh trái được nếu không dính liền với thân nho. Các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.”
Trong đoạn Tin Mừng ngắn ngủi hôm nay, có đến 8 lần Chúa Giêsu nhắc đến cụm từ “ở trong Thầy.” Sở dĩ Chúa nhắc lại nhiều lần những từ ngữ ấy, bởi vì đó là một nguyên lý hệ trọng để con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu chính là cây nho, các kitô hữu là cành. Nếu cành gắn chặt với thân cây, sẽ tiếp nhận được dòng nhựa sống. Cành càng gắn bó với cây, cành càng sinh nhiều hoa trái. Cũng vậy, càng liên kết mật thiết với Chúa, người kitô hữu càng nhận được dồi dào sự sống thần linh và càng sinh nhiều hoa trái.
Khi nhắc lại nhiều lần từ ngữ “ở trong Thầy”, Chúa Giêsu còn mong muốn được “ở trong các con.” Nghĩa là Ngài muốn kết hợp với chúng ta trong mối dây tình yêu khắng khít. Cành cần có cây để sống, nhưng cây cũng cần có cành để sinh hoa trái. Cũng thế, chúng ta cần có Chúa biết bao để chúng ta được sống dồi dào, nhưng Chúa cũng cần chúng ta biết bao để tỏ bày tình yêu của Ngài và để cho tình yêu ấy được đáp trả và thăng hoa.
Cắt tỉa để sai trái hơn
Có một điều nghịch lý trong mối tương giao giữa chúng ta với Chúa. Đó là, một đàng chúng ta không được tách lìa khỏi tình thương của Ngài, đàng khác chúng ta phải để cho Ngài cắt tỉa chúng ta để chúng ta được tốt tươi và sinh hoa kết trái nhiều hơn.
Theo kinh nghiệm của những người trồng cây, muốn cho cây cối sinh nhiều hoa trái, người ta không được để cây phát ra nhiều lá và cành rườm rà vô ích. Người ta sẽ cắt tỉa lá và cành không cần thiết, để nhựa cây nuôi dưỡng hoa trái nhiều hơn. Từ vết cắt tỉa của cây, những chồi non sẽ nhú ra, hứa hẹn một mùa hoa trái xum xuê.
Sự cắt tỉa nào mà không đau đớn và tiếc xót? Sự cắt tỉa nào mà không đòi hỏi phải có hy sinh và đau khổ? Nhưng đó chính là sự cắt tỉa cần thiết và hệ trọng để chúng ta được sống và sống dồi dào.
Chính Chúa Giêsu cũng được “cắt tỉa” qua khổ đau và cái chết. Trên cây thập giá, Ngài chính là một thân nho bị “cắt tỉa” đến trơ trụi và bi thảm. Từ những vết cắt đau thương trên thân cây nho tả tơi ấy, mầm non ơn cứu độ đã vươn lên. Từ vết thương nơi cạnh sườn Chúa, Giáo Hội được sinh ra và đơm bông kết trái dồi dào.
Chúng ta cũng xin Chúa cũng hãy “cắt tỉa” chúng ta trong hy sinh và khổ đau, để chúng ta lớn lên và trổ sinh hoa trái tốt tươi. Điều quan trọng là ta phải biết “ở trong Chúa” nghĩa là hãy kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, trong việc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, để ta được sống trọn vẹn và phong phú.
Nếu Chúa Giêsu là cây nho thật và Thiên Chúa Cha là người trồng nho, chúng ta hãy là những cành nho xum xuê hoa trái, luôn biết vươn mình tới những người anh chị đang sống xa lìa cộng đoàn và Giáo Hội, để ta yêu thương vẫy gọi họ về với vườn nho an bình của Thiên Chúa và hưởng nhờ tình yêu của Ngài.
Hơn ai hết, thánh Gioan đã cảm nghiệm được “Thiên Chúa là tình yêu.” Vì thế, trong bài đọc II, Ngài đã mô tả thế nào là tình yêu mà con người phải có để đáp lại tình yêu Thiên Chúa: tình yêu đó không chỉ dừng lại ở lời nói và miệng lưỡi, trái lại đó phải là “tình yêu sinh hoa trái” bằng việc làm và tuân giữ các điều răn của Chúa.
Ngày kia, diễn viên hài nổi tiếng Jimmy Durante được mời tham gia một buổi trình diễn cho các cựu chiến binh trong thế chiến thứ II. Ông báo với ban tổ chức rằng lịch diễn của mình rất khít khao, nên ông chỉ diễn một đoạn kịch ngắn rồi đi ngay. Dĩ nhiên là ban tổ chức đồng ý.
Nhưng khi Jimmy diễn xong, ông vẫn đứng lại trên sân khấu giữa lúc tiếng vỗ tay và hoan hô càng lúc càng lớn. Ông vẫn đứng đó chờ đợi tiếng vỗ tay chấm dứt… 15 rồi 20 phút… Người thư ký của ông bước ra sân khấu nhắc ông phải đi ngay kẻo trễ. Ông liền chỉ vào hàng ghế trước và nói: “Hãy nhìn xem! Làm sao chúng ta có thể đi lúc này?”
Ở hàng ghế trước có hai cựu chiến binh, mỗi người bị cụt một cánh tay. Một người mất cánh tay phải, người kia mất cánh tay trái. Mỗi người một bàn tay cùng vỗ vào nhau một cách rất nhiệt tình. Đó chính là lý do khiến vua hài Jimmy xúc động đến rơi lệ.
Thật là một bài học đầy ý nghĩa! Không những chúng ta hãy biết kết hợp với Chúa, mà còn phải biết liên kết với nhau để tìm thấy niềm vui và niềm hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.