Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ năm tuần 4 phục sinh


THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH
Cv 13, 13-25; Ga 13, 16-20
BÀI ĐỌC: Cv 13, 13-25
13 Bấy giờ, từ Pa-phô, ông Phao-lô và các bạn đồng hành vượt biển đến Péc-ghê miền Pam-phy-li-a. Nhưng ông Gio-an bỏ các ông mà về Giê-ru-sa-lem. 14 Còn hai ông thì rời Péc-ghê tiếp tục đi An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a. Ngày sa-bát, hai ông vào hội đường ngồi tham dự. 15 Sau phần đọc sách Luật và sách Các Ngôn Sứ, các trưởng hội đường cho người đến nói với hai ông: "Thưa anh em, nếu anh em muốn khuyên nhủ dân điều gì, xin cứ nói.”
16 Ông Phao-lô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói:17 Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó. 18 Và trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã nuôi dưỡng họ trong sa mạc. 19 Rồi Người đã tiêu diệt bảy dân tộc ở đất Ca-na-an và ban đất của chúng cho họ làm gia sản:20 tất cả đã xảy ra trong khoảng bốn trăm năm mươi năm. Sau đó, Người ban cho họ các vị thủ lãnh cho đến thời ngôn sứ Sa-mu-en. 21 Rồi họ đòi có vua, Thiên Chúa ban cho họ ông Sa-un, con ông Kít thuộc chi tộc Ben-gia-min, trị vì bốn mươi năm. 22 Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. 23 Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su. 24 Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. 25 Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người”.
ĐÁP CA: Tv 88
Đ. Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng. (x c 2a)
2 Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. 3 Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.”
21 Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đa-vít,đã xức dầu thánh tấn phong Người; 22 Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ,tay quyền năng củng cố vững vàng.
25 Ta sẽ yêu thương Người và giữ lòng thành tín,nhờ danh Ta, Người được thêm uy vũ. 27 Người sẽ thưa với Ta: "Ngài chính là Thân Phụ,là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! "
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Kh 1,5ab
Hall-Hall: Lạy Chúa Ki-tô là Vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, Chúa đã yêu mến chúng con, và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng con. Hall.
TIN MỪNG: Ga 13, 16-20
16 Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

THẦN QUYỀN LÃNH ĐẠO HỘI THÁNH
Quyền lãnh đạo trong Hội Thánh không phát xuất từ loài người,nói cách khác không do tập thể người đời bầu chọn thay mặt dân để lãnh đạo Hội Thánh, mà là do Thiên Chúa tuyển chọn. Cụ thể ông Phaolô được đề cử phát biểu trước mặt cộng đoàn dân Chúa trong hội đường, ông nói: “Thưa đồng bào Israel, các vị kính giới Thiên Chúa xin hãy nghe: dân tộc chúng ta được Chúa cho thịnh đạt trong thời cư ngụ tại Ai-cập. Nhưng Ai-cập đã bắt cha ông chúng ta làm nô lệ, thì Chúa sai ông Mô-sê giải phóng cho dân tộc,dẫn về miền đất Hứa; sau đó Chúa lại ban cho dân tộc chúng ta có các thẩm phán lãnh đạo; dân xin có vua, Chúa chiều ý dân, Ngài bảo ngôn sứ Samuel chọn ông Saun làm thủ lãnh, nhưng ông đã bất trung với Chúa, Chúa lại chọn Đavid, trở thành một vị vua xuất sắc nhất lãnh đạo dân Ngài, và từ dòng dõi Đavid, Chúa hứa ban cho chúng ta Vị Cứu Tinh là Đức Giê-su, ông Gioan không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài” (Cv 13,13-25: Bài đọc).
Như thế ông Phaolô muốn dẫn mọi người đến niềm tin vào Chúa Giêsu là Vị Lãnh Đạo cuối cùng của Israel. Nói cách khác, ngoài Chúa Giêsu không ai chăn dắt, chăm sóc Israel. Nhưng Ngài không chỉ chăm sóc Israel, mà còn muốn đưa mọi dân tộc về đoàn chiên của Ngài, như Ngài nói: “Tôi còn những chiên khác chưa thuộc ràn này, tôi phải đem chúng về một ràn, để chỉ có một ràn chiên và một chủ chiên” (Ga 10,16).
Trong Tin Mừng Gioan, ông không ghi danh sách các môn đệ Chúa chọn, vì ông muốn xác định rằng: trong loài người, chỉ có Chúa Giêsu xứng danh là Môn Đệ, là Tông Đồ, là Thủ Lãnh. Ai muốn được danh này, người ấy phải là hiện thân Chúa Giêsu, như Ngài nói: “Ai chịu lấy kẻ Ta sai đến là chịu lấy Ta, mà ai chịu lấy Ta, tức là chịu lấy Đấng đã sai Ta” (Ga 13,20:Tin Mừng). Đức Giêsu xác định như thế rõ ràng Ngài buộc mọi người phải tùng phục quyền bính trong Hội Thánh, được thể hiện qua hàng Giáo phẩm, vì quyền của Hội Thánh là Thần quyền, khác biệt và cao trọng hơn thế quyền.
Ông Phaolô tuy được danh là Tông Đồ, vì ông không thụ giáo với một người phàm nào, nhưng nhờ được Đức Giêsu trực tiếp mạc khải cho (x Gl 1,12), bởi lẽ Chúa muốn biệt riêng ông để đi giảng Tin Mừng cho dân ngoại (x Gl 2,2. 7). Nhưng ông vẫn xác tín rằng: “Tôi phải lên Giêrusalem để trình bày mạc khải tôi đã nhận được riêng với vị có thế giá (nhất là với ông Phêrô) kẻo mình xưa nay đã từng bôn ba mà lại ra hư luống!” (x Gl 2,1-2) Điều này ông Phaolô đã nhấn mạnh: mọi người phải tùng phục thủ lãnh Chúa chọn, tùng phục Thần quyền. Tuy nhiên,không có nghĩa là các ngài làm gì, bảo gì, chúng ta cũng phải “bẩm, dạ, con xin vâng, vì cha nói là Chúa nói!” Chính ông Phaolô dám cự lại thủ lãnh Phêrô trước mặt mọi người, vì: Ông Phêrô đã nhận được mạc khải của Chúa phải bỏ việc cắt bì cho dân ngoại, miễn là họ tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, nhờ lời rao giảng của các Tông Đồ, thì cứ ban Thánh Tẩy cho họ, nên không còn phân biệt họ là dân ngoại hay Do Thái nữa. Thế mà khi ông Phêrô đến Antiokia cùng dùng bữa với người dân ngoại mới trở lại,vừa thấy ông Phaolô xuất hiện, ông liền lẻn ra sau tách mình riêng ra, vì e sợ giới cắt bì, làm cho những người Do Thái khác cũng ra trò giả tảng, giả vờ như ông Phêrô, đến nỗi làm cho cả ông Barbana cũng bị lôi cuốn mà giả bộ như họ! (x Gl 2,11-13). Bởi đó mà ông Phaolô dám cự lại ông Phêrô, chỉ vì ông sống Lời Kinh Thánh: “Các ngươi phải xét xử cho công bằng, đừng nể mặt những người quyền cao chức cả” (Lv 19,15). Bởi vì yêu hoa không có nghĩa là yêu cả con sâu nằm trong bông hoa, nhưng phải diệt con sâu đó, dù có phải làm rụng phấn hoa.
Dựa vào Giáo Lý của Hội Thánh, ta biết: “Giám mục Roma, vị thủ lãnh của Giám mục Đoàn, hưởng ơn bất khả ngộ do nhiệm vụ của ngài; khi với tư cách là mục tử và thầy dạy tối cao của mọi Kitô hữu, để củng cố anh em mình vững mạnh trong Đức Tin, ngài công bố một điểm giáo thuyết về Đức Tin và phong hóa bằng một phán quyết chung thẩm. Ơn bất khả ngộ được Chúa hứa ban cho Hội Thánh cũng có nơi Giám mục Đoàn, khi các ngài thi hành Huấn quyền tối thượng kết hợp cùng với Vị kế nhiệm thánh Phêrô, nhất là trong Công Đồng chung. Khi Hội Thánh dùng Huấn quyền tối thượng để đề ra một điều gì “phải tin bởi do Thiên Chúa mạc khải”, và là giáo huấn của Chúa Kitô, chúng ta phải lấy Đức Tin mà vâng phục các định tín ấy” (x GLHT số 891).
Tuy nhiên, trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân số 25 của Công Đồng Vat. II đã nói lên cái thân phận yếu đuối mỏng dòn của các thủ lãnh, vì còn mang thân phận loài người: “Nếu đời sống xã hội giúp nhiều cho con người chu toàn sứ mệnh của mình, kể cả sứ mệnh tôn giáo nữa, thì ta cũng không thể phủ nhận rằng con người vì hoàn cảnh xã hội họ đang sống và tiêm nhiễm ngay từ thuở thiếu thời, nên nhiều khi xa lánh không làm điều thiện, và bị lôi kéo làm điều ác. Những xáo trộn trên phát sinh do ích kỷ và kiêu căng của con người, đó là những nguyên nhân làm cho môi trường xã hội ra vẩn đục. Những cám dỗ này nếu không cố gắng liên lỉ, và không có ơn thánh trợ giúp, sẽ không thể lướt thắng được”.
Vì thế vào thời Tân Ước, Hội Thánh của Chúa có lúc bóng đen tội lỗi phủ xuống từ vị lãnh đạo Hội Thánh là Đức Giáo hoàng. Đau lòng nhất là từ năm 1378 – 1417 (suốt 39 năm), Hội Thánh có ba Giáo hoàng, một ở Ý, một ở Pháp, một ở Bỉ, ông nào cũng tự xưng mình là người kế vị thánh Phêrô. Sóng gió ấy rồi cũng qua đi, vì Chúa là Mục Tử, là Thủ Lãnh tối cao của Hội Thánh. Trong Hiến Chế Hội Thánh số 8, Giáo Hội khiêm tốn nhìn nhận rằng: “Chúa Kitô thánh thiện, vô tội, tinh tuyền (Dt 7,26), không hề phạm tội (2Cr 5,21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (Dt 2,17), còn Giáo Hội vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện,vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân”. Thánh Ambrosio nói: “Hội Thánh là cô gái điếm đồng trinh”.
Cho nên nếu có ai hỏi tôi: Tại sao bạn tin vào Hội Thánh là một tổ chức có nhiều gương xấu, không phải chỉ nơi giáo dân, mà ngay cả nơi các vị chủ chăn cao cấp? Thì tôi trả lời: chính bởi những gương xấu ấy mà tôi lại tin vào Hội Thánh hơn, vì nếu Hội Thánh là một tổ chức của loài người, thì nó đã tự diệt từ lâu! Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững, mà không có tổ chức loài người nào bền vững được như thế, chỉ vì Hội Thánh là của Thiên Chúa.  
Đức Giêsu muốn thanh tẩy các môn đệ của Ngài bằng cách để cho sự ác tấn công các ông, vì đến như Đức Giêsu vô tội, mà Ngài vẫn còn cho phép kẻ ác làm hại, như Ngài đã nói với các môn đệ: “Quả thật, quả thật,Ta bảo các ngươi: tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn người sai nó” (Ga 13,16:Tin Mừng). Lời ấy có nghĩa là kẻ ác đã tấn công Đức Giêsu, thì chúng cũng không tha cho các môn đệ của Ngài. Như vậy, chỉ có môn đệ nào dám liều mạng vì Tin Mừng, vì Thầy, mới xứng đáng là môn đệ Thầy, còn kẻ liều mạng vì 30 đồng bạc như Giuda, thì hắn tự loại mình ra khỏi hàng môn đệ Chúa chọn. Đau khổ xót xa nhất của Thầy Giêsu không phải là kẻ xa lạ, mà là khổ vì người Ngài tuyển chọn, như Ngài nói: “Kẻ đã ăn bánh cùng Thầy, rồi hất gót đạp vào mặt Thầy” (Ga 13,18: Tin Mừng), thì các mục tử của Hội Thánh trong mọi thời đại chắc chắn cũng có lúc cảm thấy đau khổ nhục nhã vì “người nhà” của mình (x Mt 10,36).
 Lạy Chúa Kitô là Vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy,Chúa đã yêu mến chúng con,và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng con” (Kh 1,5ab: Tung Hô Tin Mừng). Nên chúng con tin chỉ có Chúa là Mục Tử duy nhất, Vị Lãnh Đạo tối cao của chúng con, Ngài hằng yêu thương bảo vệ, chăm sóc Hội Thánh hơn ông Hôsê yêu vợ,nên chúng con vẫn vững tin mình được sống trong Hội Thánh là được lắng nghe tiếng Chúa từ các vị mục tử Chúa đã đặt thay quyền Chúa (x Lc 10,16), dù nơi các vị đó còn có lối sống bất xứng, Chúa vẫn bảo chúng con: “Ký lục và Biệt phái ngự tòa Môsê, vậy mọi điều họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm theo và giữ lấy; nhưng các ngươi đừng làm theo hành vi của họ: vì họ nói mà lại không làm” (Mt 23,2-3).”Lạy Chúa,tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Tv 89/88,2a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Đức Giêsu nói: “Ký lục và Biệt phái ngự tòa Môsê, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm, họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-3).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH