Thánh GIUSE THỢ
Lược sử
Hiển nhiên là để ứng phó với việc
cử hành "Ngày Lao Động" của Cộng Sản mà Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ
Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ
lâu trong lịch sử.
Trong nỗ lực cần thiết
để nói lên nhân tính của Đức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu
Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Đức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên
là được cha nuôi của Người huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong
công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu
thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một
vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay
và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Đức Kitô.
Suy niệm 1: Ứng phó
Hiển nhiên là để ứng phó với việc cử hành
"Ngày Lao Động" của Cộng Sản mà Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập
ngày lễ Thánh Giuse Thợ.
Tinh thần ứng phó này cũng đã được Thánh cả
Giuse nêu gương, khi gặp phải tình cảnh nguy kịch và cấp bách, trước lệnh truy
lùng và tìm giết hài nhi Giêsu của vua Hêrôđê. Thật vậy được lời mộng báo thì
Thánh cả Giuse đã vội vàng trao đổi với Đức Maria để cả gia đình lên đường cấp
tốc an toàn trốn sang Aicập.
Nhất là với trách nhiệm của một chủ tiệm
mộc, Thánh cả Giuse phải luôn sống trong tư thế sẵn sàng ứng phó với bao lời
bình phẩm cũng như phê phán của khách hàng theo ý muốn của họ, kể cả những điều
phi lý nhằm giảm bớt ngần nào có thể số tiền chi trả.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin ban thần trí khôn ngoan và sức mạnh cho chúng con, để dễ dàng
ứng phó với mọi mưu chước cám dỗ của ma quỷ.
Suy niệm 2: Thiết
lập
Hiển nhiên là để ứng phó với việc cử hành
"Ngày Lao Động" của Cộng Sản mà Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập
ngày lễ Thánh Giuse Thợ.
Ngày Chúa Nhật được Hội Thánh Công Giáo
thiết lập, để thay thế ngày sa-bát Do-thái, vốn là ngày tưởng nhớ việc hoàn tất
công trình sáng tạo thứ nhất của Thiên Chúa. Ngày Chúa Nhật tưởng nhớ công
trình sáng tạo mới được khai mở với biến cố Đức Kitô Phục Sinh, mà qua đó hoàn
tất ý nghĩa thiêng liêng của ngày sa-bát, và báo trước sự an nghỉ đời đời của
con người trong Thiên Chúa.
Đồng thời để ứng phó với tập tục thờ thần
Mặt Trời của người ngoại giáo, Hội Thánh cũng thiết lập ngày Chúa Nhật để mọi
tín hữu lo việc thờ phượng Thiên Chúa và tôn vinh Đức Kitô Phục Sinh, vốn là
Mặt Trời công chính hằng chiếu soi những ai ngồi nơi tối tăm (Lc 1,78-79;Ml
3,20;Is 9,1;42,7) cũng như các dân tộc đang sống trong bóng tối tử thần (Lc
2,32;Is 42,6;49,6).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hết mình vâng giữ luật lệ ngày Chúa Nhật, để
không phụ lòng quan tâm của Hội Thánh đã thiết lập.
Suy niệm 3: Ý nghĩa
lao động
Sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao
động đã có từ lâu trong lịch sử.
"Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông
vào sống trong vườn Êđen, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn" (St 2,15).
Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo
dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua
sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Chúa Cha. Thánh Giuse Thợ có thể giúp
chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến
điều này khi nói: "Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ
con tim của Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Đấng Cứu Độ trần gian,
nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một
cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Đức Giêsu, là người sống với
Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu
bạn ao ước muốn đến gần Đức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, 'Hãy đến
cùng Thánh Giuse''".
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tích cực lao động để thánh hóa bản thân và tha
nhân.
Suy niệm 4: Lao động
Sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao
động đã có từ lâu trong lịch sử.
Khi nói đến lao động, thông thường người ta
hay nghĩ đến phương cách lao động bằng tay chân, mà quên rằng còn lao động bằng
trí óc nữa. Thật vậy kỳ công thế giới là một lời ca khen tài trí tuyệt vời và
vô song của Đấng Tạo Hóa (Tv 104,24;Cn 3,19-20). Để ban Con Một xuống trần thực
hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã phải vạch một chương trình lâu dài và
nhiều cách nhiều lần, bằng việc sai phái các ngôn sứ đến trước dọn đường (Dt
1,1-2).
Với đầu óc tính toán và tiên liệu như người
xây nhà hoặc nhà vua ra trận (Lc 14,28-32), khi Đức Giêsu đến, Ngài cũng đầu tư
chất xám vào việc lập nên Nhóm Mười Hai (Mc 3,14). Ngài cũng vận dụng óc quan
sát, để rút ra từ đời sống thực tiễn những dụ ngôn, hầu thính giả dễ dàng tiếp
thu các bài giảng dạy (Mc 3,34). Tiếp nối công việc bằng trí óc, các Tông Đồ
cũng tích cực đi rao giảng, ngoài ra một số vị cũng dùng tài trí của mình kết
hợp với ơn linh hứng (2Tm 3,16), để tra cứu và viết ra những tài liệu vô giá
cho hậu thế được gọi chung là Tân Ước (Lc 1,3;Ga 21,24;2Pr 3,15).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo hoàn cảnh riêng của mỗi người, luôn cần cù
lao động hoặc bằng tay chân hay bằng trí óc, vì tất cả đều góp phần vào công
trình sáng tạo liên tục của Thiên Chúa.
Suy niệm 5: Giá trị
nhân linh của lao động
Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong
tư tưởng và lòng thương, mà còn trong sự sáng tạo.
Ơn
gọi lao động làm nên giá trị nhân linh của con người đã được an bài, khi Thiên
Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Êđen, để cầy cấy và chăm sóc khu
vườn (St 2,15) cũng như trao quyền thống trị muôn loài (St 1,26).
Do
đó có thể nói lao động trở thành quy luật sống gắn liền với thân phận làm người
(Đnl 5,13). Không lạ gì thái độ lười biếng hoặc ăn bám luôn bị khiển trách (Hc
29,23), và bị khinh chê (Cn 26,14) với những lời phỉ báng nặng nề (Hc 22,1-2).
Ngược lại một người vợ đảm đang được đánh giá cao với lời khen ngợi dựa vào
tiêu chuẩn chuyên chăm làm ăn (Cn 31,27). Tài khéo cũng như sự công tâm làm
việc cũng được ca tụng hết lời (Hc 38,24-31).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hăng say lao động để gia tăng nhân phẩm của
mình.
Suy niệm 6: Giá trị
xã hội của lao động
Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một
vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay
và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Đức Kitô.
Con người là một hữu thể mang tính xã hội,
nên có thể nói bất cứ sản phẫm nào được chế tạo ra cũng đều liên đới đến tha
nhân. Thật vậy một chiếc thuyền được thành hình nhờ vào tài trí và công sức của
người thợ ghép lại từ những cây gỗ đã giúp bao người vượt được sông từ bờ này
sang bờ bên kia (Kn 14,5).
Cũng như trong Nhiệm Thể Đức Kitô vốn là
Tòa Nhà của Hội Thánh được xây dựng từ những viên đá sống động (1Pr 2,5), mỗi
chi thể đều liên đới với nhau trong một thân thể duy nhất với Đức Kitô là đầu
(Rm 12,5;Ep 5,23), đến mức nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau,
nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung (1Cr 12,26).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức đến vai trò liên đới này, để luôn sống và
lao động tốt hầu làm vinh danh Hội Thánh.