TẠI SAO GỌI LÀ DÒNG KÍN?
Những dòng giữ nội vi chặt chẽ gọi là Dòng kín...
Hình thức tông đồ đặc thù của họ là thinh lặng cầu nguyện, và hy sinh.
Trong số các
Dòng tu, có những dòng được gọi là “nhà kín” hay “dòng kín.” Tại sao gọi là
dòng kín?
Nói đến “Dòng
kín”, trong đầu óc chúng ta nảy lên quang cảnh “kín cổng cao tường.” Nói được
là hầu như nhà Dòng nào cũng kín cổng cao tường. Kẻ xấu miệng thì cho rằng xây
hàng rào như vậy để ngăn cản người bên trong khỏi trốn ra ngoài. Ngược lại, kẻ
khác cho rằng cần phải cất hàng rào để người bên ngoài đừng ập vào bên trong,
nhất là nếu đó là một tu viện gồm nhiều thiếu nữ trẻ đẹp. Có lẽ phía nào cũng
có lý hết, bởi vì lịch sử của các tường cổng của các nhà dòng vừa dài lại vừa
đa dạng. Chỉ có thể tóm tắt đại cương như thế này.
Chúng ta thấy
có một sự tiến triển trong việc thiết lập địa điểm
các tu viện. Hồi thế kỷ
IV, những đan sĩ đầu tiên rời bỏ thành thị rút lên nơi hoang vắng để đi tìm
Chúa. Họ sống hoàn toàn cách biệt với người đời. Các đan viện được cất trên núi
cao đồi vắng. Nhưng dần dần, thiên hạ kéo đến lập cư xung quanh nhà dòng; và đặc
biệt từ thời Trung cổ, ngoài các đan sĩ, lại xuất hiện các tu sĩ hoạt động tông
đồ. Từ đó, người ta thấy có những đan viện và tu viện dựng lên ở nơi hoang vắng,
nhưng cũng có không ít tu viện được cất ở giữa các làng mạc hoặc thành thị, gần
kề với dân chúng. Từ đó, vấn đề kín cổng cao tường được đặt lên do những lý do
khác nhau. Một lý do thực tiễn là để xác định ranh giới của nhà dòng, không những
tránh cảnh lấn đất mà còn để phòng thủ vào thời chiến tranh loạn lạc.
Ngoài yếu tố đặt
ra do hoàn cảnh kinh tế chính trị, một yếu tố thiêng liêng sớm được xen vào, đó
là biểu hiệu của sự tách ly giữa nếp sống tu trì và đời sống trần tục. Cho dù
nhà dòng được cất ở trung tâm đô thị đi nữa, nhưng các tu sĩ cần phải nhớ rằng
họ đã từ bỏ đời. Bức tường vật lý được cất lên như là để ngăn chặn sự xô bồ của thế gian, tạo nên một khung cảnh thinh lặng, một thứ sa mạc để người tu sĩ dễ gặp gỡ
Thiên Chúa.
Nói thế thì tất
cả dòng tu đều là dòng kín hay sao?
Trên lý thuyết
thì quả đúng như vậy. Tất cả các nhà dòng đều dựng lên một thứ rào dậu nào đó để
nói lên sự tách biệt thế trần. Trên thực tế, tiếng
“dòng kín” được dành riêng cho một hình thức tu trì của nữ giới. Tỉ lệ các Dòng kín trong tổng số các Dòng
tu không cao lắm. Lý do không có gì khó hiểu: nếp sống của họ không khác chế độ
nhà tù là mấy; rất ít khi họ đi ra ngoài.
Tại sao lại bày
ra chế độ tu trì ngặt nghèo như vậy?
Lúc nãy tôi đã
nói rằng lịch sử bức tường của các nhà dòng vừa dài lại vừa phức tạp. Riêng đối
với nữ giới, lịch sử của nó phức tạp gấp đôi. Vào thế kỷ IV, khi phong trào đan
tu xuất hiện, nhiều tín hữu rút lên hoang địa để phụng sự Thiên Chúa. Nhưng đó
là nói về nam giới, chứ các bà làm sao sống một mình trên rừng núi được! Đừng kể
nguy hiểm thú rừng bốn cẳng, họ đâu đủ sức chống chọi với thú hai chân? Vì thế
sự tiến triển đời sống tu trì của nữ giới hơi khác biệt với nam giới.
Lúc đầu, các
trinh nữ tận hiến sống tại gia đình; dần dần họ tụ họp thành cộng đoàn. Nhưng
nói chung, vì lý do an ninh, cộng đoàn các trinh nữ toạ lạc ở thành thị
hay làng mạc chứ không phải ở trên rừng núi. Một điểm son của các trinh nữ là họ
mở màn cho phong trào giải phóng phụ nữ. Như chị đã biết, trong xã hội cổ truyền,
bên Tây phương cũng như bên Đông phương, công tác chính của phụ nữ giới hạn vào
việc nội trợ tề gia. Thế nhưng các trinh nữ tận hiến không những chuyên lo việc
phụng thờ Thiên Chúa mà còn dấn thân vào các công cuộc bác ái xã hội nữa. Cách
riêng, khi sống thành cộng đoàn, họ chứng tỏ khả năng quán xuyến tự lập, không
lệ thuộc vào nam giới như những phụ nữ có chồng.
Thế nhưng, bên
cạnh điểm son cũng không thiếu những vết lọ, tuy không phải lỗi tại các nữ tu.
Từ thế kỷ VIII, giáo quyền đã ban hành nhiều quy luật liên hệ tới clausura,
nghĩa là nội cấm của các nữ tu. Có những khoản có giá trị tương đương cho cả
nam giới lẫn nữ giới, có những khoản áp dụng riêng cho nữ giới. Những giá trị
chung cho cả nam giới lẫn nữ giới đã được nhắc đến trên đây, nghĩa là biểu hiệu
cho sự xa cách trần tục. Một giá trị nữa là ngăn chặn hiện tượng lang
thang của vài đan sĩ thời đó, mà dấu vết còn để lại nơi lời khấn vĩnh cư trong
luật thánh Biển đức. Riêng đối với nữ giới, luật nội vi có những khoản nghiêm
nhặt hơn nam giới: các nam tu đi ra ngoài dễ dàng hơn, nhất là khi hoạt động
tông đồ; còn các nữ tu thì khó hơn.
Tại sao vậy?
Phần nào có lẽ
do não trạng thời đó: các phụ nữ nên ở nhà hơn là đi ra ngoài. Nhưng còn một lý
do khác vẫn còn giá trị kể cả khi bước sang thiên niên kỷ thứ ba, đó là khá nhiều
cặp mắt theo dõi các bà các cô (cũng như có thể bị các bà các cô liếc lại). Vì
thế cần phải cài then đóng cửa các nữ tu viện chặt chẽ, kiểm soát các lối ra
vào. Lúc đầu, đó là những biện pháp kỷ luật cần thiết, nhưng chỉ áp dụng cho
vài địa phương mà thôi. Một khúc quặt xảy ra vào thế kỷ XIII, với hai hiện tượng.
Thứ nhất, các nữ tu thánh Clara đoan hứa tuân giữ nếp sống nội cấm, nghĩa là không bước ra khỏi tu viện. Đây
là khởi điểm của Dòng kín theo nghĩa chặt. Thứ hai, sắc chiếu (bulla
Periculoso) của đức giáo hoàng Bonifaxiô VIII năm 1298 mở rộng tầm áp dụng nội
cấm cho hết các nữ tu. Sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài bị giới hạn.
Tại sao biện
pháp này được đặt ra?
Văn kiện viện dẫn
nhiều lý do: thứ nhất có tính cách kỷ luật, nhằm bảo vệ sự trinh tiết
của phụ nữ. Nội cấm vừa hạn
chế sự đi ra của các nữ tu vừa hạn chế sự đi vào của nam giới dù là giáo sĩ, tu
sĩ, giáo dân, họ hàng. Kế đó, thêm vào lý do thứ hai mang tính cách huyền nhiệm,
nhằm hỗ trợ cho đời sống chiêm niệm. Các nữ tu chỉ ở trong nhà dòng lo việc thờ
phượng Chúa. Những công chuyện mua bán thương mại đòi hỏi sự giao dịch với người
đời được giao cho những người giúp việc.
Dù sao, cũng
nên lưu ý là tuy bản văn pháp lý của Toà thánh ra đời vào cuối thế kỷ XIII,
nhưng tầm áp dụng của nó không chặt chẽ cho lắm. Nhiều nữ tu vẫn đi ra ngoài hoạt
động, nổi tiếng nhất là thánh Têrêsa Avila. Bà đi lại để lo việc thiết lập và
kinh lý các đan viện cải tổ. Nhưng có lẽ bà không ngờ rằng công cuộc cải tổ sẽ
bó chân bà lại. Thực vậy, công đồng Trentô năm 1563 (sessio XXIV, De
regularibus, cap.5) đã ra vạ tuyệt thông cho những ai vi phạm luật nội cấm của
nữ tu, và nhất là đức giáo hoàng Piô
V, với hiến chế Circa Pastoralis (29/5/1566) đã bắt buộc tất cả
các nữ tu phải sống trong nội cấm.
Trước đây, nội
cấm được áp dụng cho những Dòng nào tình nguyện chấp nhận chế độ đó. Nhưng có
nhiều nữ tu khác chuyên lo công tác xã hội thì không thể nào sống trong nội cấm.
Với văn kiện của đức Piô V, tất cả các nữ tu đều buộc rút lui vào nội cấm; nói
cách khác, tất cả các Dòng nữ đều trở thành Dòng kín. Ai không chấp nhận sống
trong nội cấm thì không được nhìn nhận là nữ tu. Điều này xảy ra cho các “Nữ tử
Bác ái” của thánh Vinh-sơn Phaolô. Vị thánh này muốn cho con cái mình đi giúp đỡ
người nghèo nên không để họ sống trong nội cấm; quyết định đó đưa tới hậu quả là
giáo luật không nhìn nhận họ là nữ tu theo nghĩa chính thức; họ chỉ có lời khấn
tư mà thôi.
Nhưng mà ngày
nay đâu phải tất cả các nữ tu đều là Dòng kín?
Do nhiều hoàn cảnh
chính trị xã hội tại Âu châu từ thế kỷ XVIII-XIX, bộ mặt của các Dòng tu đã
thay đổi khá nhiều. Một đàng, tại nhiều quốc gia, các Dòng nữ bị chính quyền giải
tán. Các nữ tu tiếp tục nếp sống của họ dưới hình thức khác, không được ở trong
nội cấm nữa.
Đàng khác, đứng
trước những thảm cảnh xã hội tựa như các trẻ em mồ côi, các thiếu nữ thất học,
các bệnh nhân thiếu người chăm sóc, nhiều giám mục, linh mục và chính các phụ nữ
đã thành lập các hội dòng chuyên về những công tác cứu tế, giáo dục, bác ái.
Các hội dòng này được giáo luật nhìn nhận như là nữ tu với hiến chế Conditae a Christo ngày 8/12/1900 của ĐGH Lêô
XIII. Từ đó, chúng
ta thấy có hai nếp sống tu trì của các Dòng nữ: những Dòng sống trong nội cấm và những
Dòng không sống trong nội cấm.
Nói cho đúng cần
phải phân biệt nhiều cấp độ nội cấm
hay nội vi. Ngay cả trong
bộ giáo luật hiện hành, ban hành năm 1983, tất cả các Dòng tu bất luận nam nữ đều
phải duy trì nội vi (điều 667). Nội vi là dấu hiệu của sự dâng hiến tu trì, và
cũng là hàng rào bảo vệ nếp sống huynh đệ cộng đoàn. Cách thức áp dụng nội vi
thì tùy theo bản chất của mỗi Dòng cũng như tùy theo tục lệ của mỗi địa phương.
Ngoài luật nội
vi tổng quát, giáo luật quy định một loại nội vi khác chặt chẽ hơn, tục gọi là “nội vi giáo hoàng” đối lại với “nội vi hiến pháp.” Những dòng giữ nội vi chặt chẽ gọi là Dòng
kín, (thí dụ ở Việt Nam, nổi tiếng hơn cả là Dòng kín Carmêlô và dòng thánh
Clara). Kỷ luật nội vi được ấn định do huấn thị
Venite seorsum của Bộ tu sĩ ngày 15/8/1969, và được cập nhật hóa với huấn thị
Verbi Sponsa ngày 13/5/1999. Việc tiếp xúc của các dòng này với ngoại giới rất bị hạn chế: các nữ tu
chỉ được ra khỏi nội vi trong những trường hợp nói được là khẩn trương. Đối lại
những người bên ngoài (kể cả các nữ tu Dòng khác) cũng không dễ gì đi vào bên
trong nội cấm. Tuy nhiên, điều quan trọng đáng ghi nhận là trước khi đi vào các
quy định pháp lý, cả hai văn kiện đều dành phần đầu để trình bày những động lực
và lý do của nếp sống hơi kỳ lạ này.
Nói cách vắn tắt,
nội cấm là biểu hiệu của sự xa cách nếp sống
xô bồ thế tục, nhằm tạo ra một khung cảnh sa mạc tĩnh mịch thiêng liêng, giúp cho
đời sống chiêm niệm. Vì thế
mà các Dòng nữ chọn lựa kỷ luật nội cấm chặt chẽ (nói nôm na là Dòng kín) cũng
được gọi là Dòng chiêm niệm, tuy vẫn biết rằng có nhiều dòng chiêm niệm mà
không phải là Dòng kín (Đây là đề tài của một văn kiện Bộ tu sĩ năm 1980 về
“Chiều kích chiêm niệm của đời tu”).
Ngoài động lực
biểu hiệu sự tĩnh mịch, đời sống nội cấm cũng là biểu hiệu của việc thông dự
vào mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô. Các dòng kín diễn tả sự thông dự vào mầu
nhiệm Tử nạn qua việc chấp nhận sự hy sinh vài giá trị đáng quý, như là sự đi lại,
giao tiếp, chuyện trò, vv. và thậm chí hy sinh luôn cả hoạt động tông đồ trực
tiếp. Hình thức tông đồ đặc thù của họ là
thinh lặng cầu nguyện, và hy sinh. Nếp sống của họ cũng bắt buộc họ thực hành sự khó nghèo cách khá triệt để,
bởi vì họ không có nguồn lợi kinh tế dồi dào.
Như đã nói trên
đây, ngày nay tỉ lệ các Dòng kín không cao trong tổng số các Dòng tu. Điều này
ngược lại với ý định của Đức Piô V khi bó buộc tất cả các nữ tu phải trở thành
Dòng kín. Trên thực tế, việc tu Dòng kín đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe hơn
là tu Dòng hoạt động. Theo tôi nghĩ, (...) một trong những sự khó khăn không nhỏ
là điều kiện sinh sống của phụ nữ ngày nay. Trong xã hội cổ thời, chỗ đứng của
phụ nữ là ở trong nhà; còn việc làng xã là của đàn ông. Ngày nay, vai trò đã đổi
ngược. Nếu trong tương lai có ai lập Dòng kín dành cho các ông thì có lẽ cũng
là điều dễ hiểu.
Lm. Giuse Phan
Tấn Thành, OP