Lời Chúa cnps 3b _ phải rao giảng nhân danh Người


“PHẢI RAO GIẢNG NHÂN DANH NGƯỜI”
“Qua nhiều tuần lễ, nhiều tháng trời, nằm trong bệnh viện, tôi đã sống với cuốn phúc âm, rồi dần dần, mỗi dòng chữ của cuốn phúc âm trở thành sống động trong tâm hồn tôi, và cho tôi thấy rõ sự thật…” (Francois Coppée)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Thánh Luca nói rõ việc Chúa sống lại được tuần tự loan báo cho ba hạng người. Những người đầu tiên được thấy Chúa Giêsu sống lại là một số phụ nữ, tiếp đến Chúa hiện ra với hai môn đệ Emmaus; và rồi, như bài tin mừng ta vừa nghe, Chúa Giêsu hiện ra với nhóm 12; tức là các Tông Đồ. Việc Chúa Giêsu hiện ra được thánh Luca mô tả theo diễn tiến sau:
Bắt đầu là sự xuất hiện bất ngờ của Chúa.
Rồi nhờ những cử chỉ quen thuộc của Chúa, lời của Chúa cũng như lời thánh kinh Chúa trưng ra, mà người ta nhận ra Chúa.
Sau cùng Chúa trao sứ mạng.
Như bài tin mừng anh chị em vừa nghe. Đang kia các ông bàn chuyện, thì đột nhiên Chúa xuất hiện. Chúa xuất hiện đột ngột quá, tới nỗi các ông không kịp nhận ra Người, các ông bối rối tưởng là ma.
Thứ đến Chúa đã dùng ba bằng chứng sau đây, để các ông nhận ra Ngài đã sống lại.
Bằng chứng I: Chúa cho các ông sờ vào dấu đanh, đụng chạm tới chính thân xác của Ngài.
Bằng chứng II: Chúa ăn uống giữa các ông, để các ông nhận ra được những cử chỉ quen thuộc của ngài, việc Chúa bẻ bánh, những câu nói Chúa quen dùng.
Bằng chứng III: Chúa trưng những lời của thánh kinh, nhắc tới toàn bộ cựu ước. Theo thói quen người Do Thái thời đó nói tới thánh kinh là nhắc tới sách luật và sách tiên tri, ở đây Chúa còn kể thêm sách Thánh Vịnh. Ngài giúp các ông am hiểu thánh kinh, bằng cách nói tiếp: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô phải chịu đau khổ và ngày thứ ba Ngài sẽ từ cõi chết sống lại.” Như thế là Chúa đã dùng một số bằng chứng đủ giúp các tông đồ nhận ra và vững tin việc Chúa đã thực sự sống lại. Các ông đã thấy Chúa bị sỉ nhục, bị lên án bất công, bị chết treo thê thảm trên thập giá, và tất cả những điều đó phải xẩy ra theo đúng lời thánh kinh trước khi Chúa khải hoàn.
Kết thúc, việc hiện ra, Chúa trao cho các ông sứ mạng:
1. Phải rao giảng sự thống hối, để lãnh nhận ơn tha tội cho muôn dân.
2. Phải làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô sống lại, bắt đầu từ Giêrusalem cho tới tận cùng trái đất.
Quả thực trong cuộc đời ta, cũng như trong cuộc đời nhiều người. Chúa đã xuất hiện đột ngột, mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.
Rõ rệt nhất là Chúa đã xuất hiện đột ngột, với một số người để cho họ trở lại với Chúa một cách khác thường (như trường hợp thánh Phaolô trên đường Đamas)
Văn sĩ nổi danh Chateaubiand, nhờ cái chết của mẹ, mà ông đã được Chúa đột ngột xuất hiện trong tâm hồn và đã bỏ cuộc sống xa hoa đồi bại, trở lại với Chúa. Ông đã viết những cuốn minh đạo thật giá trị.
Bà Jaricot, nhờ cơn bệnh kéo dài của người mẹ, đã bỏ cách sống phù phiếm của tuổi trẻ, trở về sống âm thầm kết hợp với Chúa, và đã trở thành vị sáng lập hội truyền bá Phúc Âm: Hội này đã phát triển khắp thế giới.
Văn hào Paul Claudel: Ngày 25 tháng 12 năm 1806 vào nhà thờ Notre Dame de Paris, dự buổi kinh chiều do tiểu chủng sinh chủng viện Saint nicolas đảm nhiệm. Tới bài kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa” (Mangificat), tiếng hát du dương của ca đoàn chủng sinh đã làm ông xúc động đối với tình yêu Chúa, tình yêu Đức Mẹ gợi lại trong ký ức những cảm tình nồng nhiệt của tuổi thơ. Ông không cầm được dòng lệ, và rồi từ giây phút đó ông đã sống cuộc đời tha thiết gắn bó với Chúa.
Francois Coppée sinh năm 1842 và mất năm 1908 tại Balê. Ông là một văn sĩ nổi danh. Năm 1884, ông được tuyển chọn làm viện sĩ hàn lâm viện Pháp. Trong các tác phẩm nổi danh của ông, ta phải nhắc tới cuốn Le Passant, cuốn Severo Torelli, cuốn Pour la couronne… Chúa đã xuất hiện với ông đang lúc ông bệnh nặng, nằm điều trị tại một bệnh viện. Ông đã may mắn gặp một linh mục, và linh mục này đã trao cho ông cuốn phúc âm. Mấy tháng sau ông có viết:
“Qua nhiều tuần lễ, nhiều tháng trời, nằm trong bệnh viện, tôi đã sống với cuốn phúc âm, rồi dần dần, mỗi dòng chữ của cuốn phúc âm trở thành sống động trong tâm hồn tôi, và cho tôi thấy rõ sự thật… Thực vậy: trong bất cứ câu nào của cuốn phúc âm, tôi cũng thấy sáng lấp lánh một chân lý như một vì sao tỏa sáng. Trước đây tâm hồn tôi mù quáng đối với đức tin, thì bây giờ tôi cảm nghiệm được đức tin đó một cách rực rỡ… Vì tôi đọc và suy gẫm những lời của phúc âm, nên hiện nay chẳng những tôi biết sống nhẫn nhục, mà còn thấy tâm hồn tràn đầy bình an và cam đảm. Cách đây hai năm, tôi sợ tuổi già đến với tôi quá sớm, nhưng bây giờ tôi cương quyết và sẵn sàng đón nhận tuổi già đó. Nếu bây giờ tôi chưa dám ước mong được chịu đau khổ, thì ít ra tôi không sợ đau khổ, vì tôi đã học được trong phúc âm, nghệ thuật biết chịu đau khổ, và nghệ thuật biết sẵn sàng bỏ cõi đời này.”
Bài tin mừng Chúa Nhật này nhắc ta hai vấn đề quan trọng.
Vấn đề 1: Việc ăn năn thống hối cần thiết cho cuộc sống hiện tại của ta; cần thiết cho phần rỗi đời đời của ta. Mở đầu cuộc đời công khai của Chúa, những lời nói đầu tiên được Chúa rao giảng cho quần chúng là: “Anh chị em hãy thống hối và tin vào Phúc Âm.” Rồi trong bài tin mừng ta vừa nghe, Chúa đã trao sứ mạng cho các môn đệ: “Cần rao giảng sự thống hối. ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân.” Mỗi người chúng ta khi nhìn lại cuộc đời dĩ vãng, cũng như trong cuộc đời hiện tại, ta thấy công phúc ta thật là ít, mà tội lỗi, khuyết điểm thật là nhiều. Làm thế nào để đảm bảo phần rỗi của ta? Thưa, hãy ăn năn thống hối; tội lỗi ta nhiều, nhưng Chúa sẵn sàng tha thứ, nếu ta thành thực thống hối ăn năn.
Vấn đề II: Chúa Giêsu là Thiên Chúa cũng cần phải qua đau khổ, chịu đựng rồi mới tới vinh quang. Vậy chúng ta cũng phải cam chịu mọi đau khổ, mọi thánh giá Chúa gửi cho ta, nếu ta muốn hưởng vinh quang với Chúa. Hằng ngày ta hãy cầu xin Chúa, xin Chúa gìn giữ ta khỏi những điều sầu khổ trong cuộc sống, nhưng rồi cũng hãy tha thiết nói với Chúa: “Chúa muốn sao con xin vui lòng chịu.”
Đề tựa của Lm. HK