CHÚA GIÊSU, SỨ GIẢ TÌNH YÊU
Chúng ta cũng hãy tiếp tục đi theo Chúa
trên con đường tình yêu... Đó chính là con đường ngắn nhất dẫn chúng ta đến
hạnh phúc muôn đời.
Một trong những vị Giáo Hoàng có chương
trình làm việc trong một ngày rất “sít sao” là Đức Giáo Hoàng Piô XII:
Mỗi sáng, sau giờ nguyện gẫm và
thánh lễ, ngài vào phòng dùng điểm tâm. Trong giờ này, ngài tranh thủ đọc tờ
báo mới nhất. Đọc qua những vấn đề quan trọng trong tờ báo, ngài nghe tin tức
sáng qua Radio.
Điểm tâm xong, Đức Thánh Cha lên
phòng và nhân vật được ngài gặp đầu tiên là Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh. Vị này
trình bày tất cả vấn đề về đối nội và đối ngoại cho Đức Thánh Cha. Đức Thánh
Cha chăm chú lắng nghe và ngắm nhìn các biến cố ấy dưới ánh sáng đức tin, để
tìm cách đem Tin Mừng vào lòng thế giới, băng bó các vết thương tâm hồn, hòa giải
các chia rẽ hận thù nơi các dân tộc.
Sau đó, ngài tiếp các vị Hồng Y Bộ
Trưởng, các Giám Mục, các chính khách và các phái đoàn.
Sau khi dùng cơm trưa, Đức Thánh Cha
nghỉ trưa. Suốt buổi chiều, ngài ngồi ở bàn giấy dọn diễn văn, thảo các thông
điệp, sắp xếp chương trình làm việc ngày mai.
Trước khi dùng cơm tối, ngài đi lần
hạt với các bí thư và Vệ Đoàn. Sau khi dùng cơm tối, ngài về phòng làm việc đến
1g00 sáng. Ngọn đèn ở phòng ngài luôn luôn tắt sau cùng trong thành phố Rôma.
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Marcô
cũng miêu tả một ngày làm việc bận rộn của Chúa Giêsu, một ngày được lấp kín bằng
rất nhiều công việc của một vị sứ giả tình thương. Khởi đầu, Ngài giảng dạy ở Hội
đường. Giảng dạy xong, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô để chữa cho bà này
khỏi bệnh sốt. Chúa Giêsu tiếp tục chữa bệnh và trừ quỷ từ chiều cho đến tối.
Sáng tinh sương hôm sau, Ngài cầu nguyện ở một nơi thanh vắng. Người ta lại tìm
đến với Ngài để giữ chân Ngài ở lại, nhưng Ngài cương quyết ra đi vì Ngài còn
phải rao giảng Tin Mừng ở những nơi khác nữa. Nhìn vào một ngày sống và làm việc
của Chúa, chúng ta thấy: Quả thực, Chúa Giêsu chính là một sứ giả tình yêu
không biết mệt mỏi. Ngài mang hình ảnh của một người thầy thuốc tuyệt vời, đến
để chữa lành thể xác và tâm hồn con người.
Chúa Giêsu, thầy thuốc chữa bệnh thể xác
Đã có lần thánh Gioan Tẩy Giả sai
môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu xem Ngài có phải là “Đấng phải đến” không, Chúa Giêsu
đã trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho
Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què đi được, người
cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và người nghèo được nghe
Tin Mừng” (Lc 7, 18-22).
Câu trả lời của Chúa Giêsu đã tóm lược
sứ vụ Cứu Độ của Đấng Messia là chính Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu đến trần gian,
không những để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, mà Ngài còn chữa lành mọi
bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng. Chúa Giêsu như vị thầy thuốc đầy từ tâm,
sẵn sàng thuyên chữa mọi kẻ ốm đau tật nguyền. Ngài như vị lương y cao cả đã
làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: “Ngài
đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,
17).
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, thánh
Marcô đã phác họa hình ảnh tuyệt vời của vị lương y ấy: trên bước đường rao giảng
Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn dành cho những người bệnh hoạn, ốm đau, tật nguyền một
vị trí ưu tiên. Sau khi giảng dạy ở Hội Đường, thay vì nghỉ ngơi, Ngài đi đến
nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô để chữa cho bà khỏi cơn sốt.
Cho đến lúc mặt trời lặn, khi biết
Chúa Giêsu có mặt ở đó, người ta đưa tất cả các bệnh nhân và người bị quỷ ám đến
để Ngài dùng quyền năng chữa lành cho họ. Có lẽ Ngài không từ chối bất cứ một bệnh
nhân nào, nhưng sẵn sàng đón nhận tất cả để làm vơi bớt đi những đau khổ nơi
thân xác của họ.
Ngày hôm nay, thế giới đang phải đối
diện với biết bao bệnh tật khủng khiếp: ung thư, tim mạch, Aids, siêu vi… Chúa
Giêsu vẫn tiếp tục đồng hành với nhân loại, tiếp tục động chạm đến “biển khổ” của
nhân loại. Ngài không mong tát cạn, nhưng chỉ làm vơi bớt đi. Có điều đáng nói,
Chúa đã giơ bàn tay nhân lành để nắm lấy bàn tay chúng ta như đã nắm lấy tay nhạc
mẫu của Simon, nhưng chúng ta có sẵn sàng trao đôi tay chúng ta cho Ngài để
Ngài nâng chúng ta trỗi dậy không?
Chúa Giêsu, thầy thuốc chữa bệnh tâm hồn
Không những Chúa Giêsu là vị lương y
đã dùng tình thương và quyền năng để chữa lành bệnh tật nơi thân xác con người,
nhưng Ngài còn là người thầy thuốc nhân hậu, đến để chữa lành những tâm hồn sầu
khổ, thất vọng. Ngài không những chỉ chạm tay đến những vết thương thể xác, nhưng
Ngài còn chạm tay đến cả những nỗi đau tâm hồn. Phương thuốc thần diệu được
Chúa dùng để chữa trị bệnh tật tâm hồn là chính Tin Mừng được Ngài gieo vãi vào
lòng con người. Vì thế, trong vai trò là một thầy thuốc tâm hồn, Ngài đã dùng lời
yêu thương để xoa dịu nỗi thống khổ của con người, đã dùng lời quyền năng để vực
dậy những con người sa ngã, dùng lời hằng sống để phục sinh những tâm hồn đang
lịm chết. Ngài chính là vị lương y tuyệt diệu của mọi tâm hồn đang chìm ngập
trong sự tuyệt vọng và cô đơn.
Sứ mạng của Đấng Thiên Sai chính là
đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho những người nghèo khó. Quả thật, trong cuộc đời tại
thế, Chúa Giêsu đã miệt mài đi rao giảng Tin Mừng không biết mệt mỏi, ở khắp mọi
nơi, ở mọi thời điểm và cho mọi đối tượng khác nhau.
Hôm nay, bài Tin Mừng đã thuật lại:
sau khi giảng dạy ở Hội Đường, Chúa Giêsu tiếp tục đem niềm vui đến cho các bệnh
nhân qua việc chữa lành bệnh tật của họ. Tin Mừng tiếp tục được gieo vãi nơi những
tâm hồn khổ đau, sầu muộn. Tin Mừng được cụ thể hóa qua bàn tay vỗ về an ủi và
chữa lành của Chúa Giêsu.
Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng
để cầu nguyện. Chúa Giêsu muốn kết hợp với Chúa Cha trong những phút giây thân
mật ấy, để Ngài được Chúa Cha đổ đầy thêm tình yêu vào trái tim Ngài, để trái
tim ấy tiếp tục tuôn đổ tình yêu cho mọi người.
Các môn đệ tìm gặp Chúa để cho Ngài
biết: “mọi người đều đi tìm Thầy.” Trước
sự ngưỡng mộ của dân chúng: muốn giữ Ngài ở lại, Chúa Giêsu vẫn cương quyết ra
đi để loan báo Tin Mừng cho những nơi khác. Tin Mừng cần được gieo vãi khắp nơi,
và còn có biết bao tâm hồn đau khổ đang khao khát được lắng nghe Tin Mừng.
Trong đời sống, đôi khi chúng ta
cũng cảm thấy như rơi vào tâm trạng thất vọng và chán chường như tâm trạng của
ông Gióp trong bài đọc I: “Ngày của tôi
qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụi đi mà không mang lại tia hy vọng nào.”
Trong những lúc ấy, chúng ta hãy đến với Chúa và trao vào tay Ngài bàn tay của
ta, để Ngài nâng dậy và giúp ta can trường bước đi trên đường đời.
Một trong những căn bệnh gây không
ít đau khổ cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là bệnh Parkinson, tức bệnh
run rẩy tay chân, một căn bệnh của người già.
Trong thời gian vừa qua, Tòa thánh
đang mở hồ sơ để phong Chân Phước cho Đức Cố Giáo Hoàng. Ủy ban phong thánh
đang nghiên cứu một trường hợp được coi như phép lạ: một nữ tu già (giấu tên) ở
Pháp, trước đây bị bệnh Parkinson như Đức Cố Giáo Hoàng, đã cầu nguyện với Đức
Cố Giáo Hoàng sau khi ngài qua đời và phép lạ đã xảy ra! Chị nữ tu này đã khỏi
bệnh Parkinson một cách lạ lùng, y khoa không giải thích được. Người ta hy vọng
nhờ phép lạ này, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ sớm được phong Chân Phước.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được
mệnh danh là vị Giáo Hoàng của tình thương. Phải chăng vì tình thương mà ngài cũng
muốn bắt chước Chúa Giêsu mang lấy mọi bệnh tật khổ đau của người khác? Phải
chăng, tình yêu luôn luôn làm nên những phép lạ trong đời thường?
Chúng ta cũng hãy tiếp tục đi theo
Chúa trên con đường tình yêu ấy, gieo vãi hạt giống Tin Mừng cho muôn cõi lòng.
Đó chính là con đường ngắn nhất dẫn chúng ta đến hạnh phúc muôn đời.