HÔN NHÂN: ĐỊA NGỤC HAY THIÊN ĐÀNG?
Một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là
con đường dắt ta vào địa ngục hay đưa ta vào thiên đàng” (Balzac). Những ai
đã bước vào đời sống hôn nhân gia đình đều có chung một kinh nghiệm này là hôn
nhân đối với người này là hỏa ngục nhưng với người khác cũng có thể lại là
thiên đàng. Chính vì vậy mà có người đã khẳng định: “Hôn nhân giống như cái lồng chim, con ở trong thì muốn bay ra, còn con
ở ngoài thì muốn bay vào” (Montaigne). Người muốn thoát ra khỏi cuộc hôn
nhân vì đối với họ đó quả thực là một bi kịch. Còn người muốn bước vào cuộc hôn
nhân thì nhìn đó như là một thực tại đem lại hạnh phúc đích thực cho đời mình…
Thực tế cho thấy có hai loại hôn nhân mà người ta có thể trải qua. Đó là
hôn nhân thiên đàng và hôn nhân địa ngục.
1. Hôn nhân thiên
đàng
Hôn nhân thiên đàng không phải là hôn nhân của những mộng mơ, viễn tưởng mà
trái lại đó là một trường đào tạo, một cuộc chiến đấu cam go của những anh
hùng. Như có người đã nói: “Hôn nhân
không phải là luống hồng mà là bãi chiến trường” (Danh ngôn).
Để có được một cuộc hôn nhân thiên đàng chúng ta phải là những anh hùng
dũng cảm thực hiện một số đòi hỏi sau:
Hy sinh vì người
yêu. Tình yêu
trong hôn nhân đòi hỏi đôi bạn phải hy sinh hết mình vì bạn đời của mình và vì
hạnh phúc gia đình. Đó là cách chứng minh tình yêu cụ thể nhất. Thánh nữ Têrêxa
Hài Đồng Giêsu đã nói: “Yêu là hy sinh,
chưa hy sinh thì chưa gọi là yêu.” Hy sinh cũng là điều kiện để bảo tồn và
gia tăng sự hiệp thông, hiệp nhất trong gia đình. Như khẳng định sau đây: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới
giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự
hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng
ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia
đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những
xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn
có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức
chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn
FC số 21, trang 85).
Thực hành 5 chữ
“Hòa.” Đó là hòa thuận,
hòa hợp, hòa hoãn, hòa bình và hòa đồng. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không xây
dựng trên nền tảng tiền bạc hay điều kiện vật chất này nọ mà là trên mối tương
quan êm ấm giữa hai vợ chồng. Mối tương quan ấy có được là do đôi bạn luôn biết
tùng phục, yêu thương và kính trọng nhau, căn cứ lời khuyên nhủ của thánh
Phaolô, như sau:
“Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng
phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là
đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc
Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào,
thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Eph 5,21-33). “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc
về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ…” (Cl
3,18-19).
Quả vậy, tình yêu chân chính, lòng quảng đại, sự bao dung, tinh thần trách
nhiệm, sự chung thủy... luôn là những điều kiện cần thiết bảo đảm cho một cuộc
hôn nhân lâu bền, hạnh phúc. Người Kitô hữu trưởng thành luôn biết bảo vệ và
trân trọng hôn nhân của mình như một ơn huệ và ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Họ vui
mừng hãnh diện vì được cộng tác và chia sẻ công việc của Thiên Chúa. Họ được
nên thánh, được góp phần xây dựng và phát triển những “Hội thánh tại gia” là những
gia đình đạo đức, hạnh phúc đích thực, họ loan báo Tin Mừng cho thế giới bằng đời
sống chứng tá sáng chói và nổi bật.
2. Hôn nhân địa ngục
Đối nghịch với hôn nhân thiên đàng là hôn nhân địa ngục. Đó là một thứ hôn
nhân đau đớn, thảm họa và ngục tù. Những ai rơi vào tình cảnh một cuộc hôn nhân
thế đều có chung một cảm nghiệm là “Có chồng
như gông đeo cổ”, hoặc “Lấy vợ như
mang nợ vào thân.”
Tình trạng hôn nhân bi đát ngày càng phổ biến và các cuộc ly hôn đang có
chiều hướng gia tăng. Theo aFamily thì “Tỷ
lệ ly hôn ngày một tăng. Cuộc điều tra do Bộ VH-TT&DL, phối hợp với Tổng cục
Thống kê, với sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ ly hôn đang tăng nhanh. Nếu
năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. Người vợ đứng
đơn ly hôn hiện gấp 2 lần so với người chồng đứng đơn...” (x.
http://giaophanthaibinh.org/a6590/Giat-minh-ve-con-so-thong-ke-cua-Gia-dinh-Viet.aspx).
Bên cạnh những cuộc đổ vỡ “hữu hình” là các vụ ly hôn, còn có những “thảm kịch
vô hình” trong các gia đình khi mà vợ chồng sống với nhau như người dưng nước
lã, hay tệ hơn như kẻ thù. Người ta đã từng than thở: “Hôn nhân là mồ chôn tình ái” (Chamfort). Một khi hôn nhân không
còn đem lại cho ta hạnh phúc nữa thì đó chẳng khác gì ngục tù giam hãm trái tim
con người. Người ta mơ mộng khi yêu nhau và đã vỡ mộng khi sống chung với nhau.
Vậy đâu là những lí do gây nên tình trạng trên? Có mấy nguyên nhân chính
sau đây:
Hôn nhân vô cảm. Khi mới lấy nhau thì tình yêu cháy bỏng,
nhưng sau một thời gian kết hôn, người ta trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và nhàm chán
nhau. Người này kêu ca, oán trách người kia. Sự mâu thuẫn, bất đồng ngày một
gia tăng. Đôi bạn sống hoàn toàn vô cảm với nhau, ngay cả khi một trong hai
đang cần sự đồng cảm để vượt qua những khó khăn bản thân. Một khi sự vô cảm gia
tăng thì người ta trở nên bi quan, tiêu cực, dễ dàng buông xuôi, bỏ cuộc…
Sự vô cảm trong hôn nhân là dấu hiệu đầu tiên của sự mất hiệp thông trong
gia đình. Và từ đây kéo theo hệ lụy là vợ chồng chia rẽ, xung khắc, bất hòa, ly
thân, ly dị.
Hôn nhân vô trách
nhiệm. Ai cũng biết
trong một cuộc hôn nhân bình thường thì quyền lợi của hai vợ chồng phải chịu
thiệt đi mỗi người một nửa, trong khi nghĩa vụ của họ cần phải nhân đôi lên. Quả
thực, khi lập gia đình, đôi bạn nam nữ không còn sống cho mình và chết cho mình
nữa, trái lại họ phải sẵn sàng chu toàn nhiều bổn phận nặng nề trong gia đình,
phải hy sinh vì người khác, cho người khác. Vậy mà trong nhiều trường hợp, họ sống
vô trách nhiệm. Người chồng quên rằng mình là gia trưởng. Người vợ quên rằng
mình là nội tướng. Họ dành thời gian, công sức, tiền bạc cho những mục đích
riêng tư cá nhân hơn là cho gia đình.
Một khi hai người không còn quan tâm đến gia đình, đến bổn phận vợ chồng nữa
thì hậu quả sẽ là nghèo túng, thiếu thốn, mâu thuẫn, bất đồng và ly tán…
Hôn nhân vô đạo đức. Hôn nhân vô đạo đức là một cuộc hôn nhân
trong đó hai người cư xử với nhau một cách tệ bạc, không còn “phu xướng phụ tùy” hay “tương kính như tân” nữa. Chồng đánh vợ.
Vợ chửi chồng. Bạo lực xảy ra hằng ngày trong gia đình. Căn bệnh vô đạo đức
trong hôn nhân ngày nay khá phổ biến. Vấn đề bạo hành, bạo lực trong gia đình
đang ở mức báo động. Theo thống kê gần đây nhất thì “Cứ hai phụ nữ kết hôn thì có một người phải chịu ít nhất một hình thức
bạo lực trong đời. Thống kê tình trạng bạo hành gia đình vài năm qua cho thấy
71,44% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.” Một gia đình mà trong đó các
thành viên thường xuyên bị hành hạ, tra tấn, đánh đập… thì làm sao có bầu khí
êm ấm, hòa bình, hạnh phúc được.
Thiết nghĩ, để thoát ra khỏi một cuộc hôn nhân u ám, đau đớn và địa ngục,
chúng ta phải thức tỉnh và cảnh giác. Thức tỉnh để tái khám phá bản chất, ý
nghĩa, mục đích đích thực của hôn nhân là gì. Cảnh giác để khỏi bị lôi kéo vào
quỹ đạo của nếp sống vô cảm, vô trách nhiệm và vô đạo đức. Đời sống vợ chồng
không tránh khỏi sóng gió, nhưng nếu chúng ta biết lấy tình yêu chân thành mà đối
xử với nhau thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Vì “Tình
yêu chiến thắng tất cả!”./.