CHÚA NHẬT 4
MÙA VỌNG
NĂM B
BÀI ĐỌC 1: 2Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a. 16
1 Khi vua Đa-vít được yên cửa yên nhà và Đức Chúa
đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, 2 thì
vua nói với ngôn sứ Na-than: "Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn
Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.”3 Ông Na-than thưa với vua:
"Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức
Chúa ở với ngài.” 4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông
Na-than rằng:
5 "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức
Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? 8bChính Ta đã cất
nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là
Ít-ra-en. 9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi,
Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như
tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. 10 Ta sẽ cho dân Ta là
Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ
không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở
ban đầu, 11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là
Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa
báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. 12 Khi ngày
đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi
ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho
vương quyền của nó được vững bền. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối
với Ta, nó sẽ là con. 16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ
tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”
ĐÁP CA: Tv 88
Đ. Lạy Chúa, 2
tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.
2 Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. 3 Vâng con nói:
"Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được
thiết lập trên trời.”
4 Xưa Chúa phán: "Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã
thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, 5 rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập
cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”
27 Người sẽ thưa với Ta: "Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên
Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! " 29 Ta sẽ yêu
thương Người đến muôn thuở và thành tín giữ giao ước với Người.
BÀI ĐỌC 2: Rm 16, 25-27
25 Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm
cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su
Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa 26
nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của
Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân
biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. 27 Chỉ mình Thiên Chúa là
Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn
đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 1, 38
Hall-Hall: Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như
lời sứ thần nói. Hall.
TIN MỪNG: Lc 1, 26-38
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì
Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,
27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc
dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui
lên, hỡi Đầy Ân Phúc, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối
rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói:
"Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và
này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32
Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa
sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ
trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ
xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "
35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên
bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh
ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng
với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị
mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối
với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là
nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ
biệt ra đi.
ĐỨC MARIA LÀ ĐỀN THỜ
NƠI CHÚA NGỰ
LÀ TIỀN TRƯNG CHO
CON ĐẤNG TỐI CAO
Một người ý thức trách nhiệm và đạo đức
như vua Đavít, như ngôn sứ Nathan, không ai muốn nhà mình ở sang trọng và tiện
nghi hơn Nhà Thiên Chúa. Bởi đó hai vị trao đổi với nhau quyết xây đền thờ cho
Thiên Chúa ngự. Điều đó khác nào một người tín hữu đạo đức gần đến lễ Giáng
Sinh ai lại không nghĩ đến việc làm hang đá thật đẹp cho Chúa Hài Đồng ngự.
Nhưng tình yêu của Thiên Chúa bao giờ
cũng đi trước lòng mến của con người đối với Đấng họ tôn thờ, như Ngài nói với
ngôn sứ Nathan: “Hãy đi nói với tôi tớ
của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? 8bChính
Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo
dân Ta là Ít-ra-en. 9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù
địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi
lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. và Ta sẽ làm cho vương
quyền của nó được vững bền. … Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại
mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.” (2Sm 7, 1-5.
8b-12. 14a. 16: Bài đọc I).
Nhà đó chính là Đức Ma-ri-a. Trong mầu
nhiệm Nước Thiên Chúa, thì Đức Maria vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Hiền Thê của
Chiên Con. Theo văn hóa Việt Nam, vợ chồng thường gọi nhau là “nhà tôi”, vì sự
hiệp nhất của phu thê trở thành nơi cư ngụ an toàn cho con cháu. Vì thế Đức
Ma-ri-a thật xứng đáng là Đền Thờ cho Con Thiên Chúa đến ngự (x. 1Cr 3, 16).
-
Trong đạo cũ
người ta gặp Thiên Chúa nơi đền thờ vật chất, như ông Da-ca-ry-a trúng thăm vào
Thánh Điện dâng hương cho Thiên Chúa, thì được Chúa hứa cho sinh Gio-an Bt. (x.
Lc 1, 8t)
-
Nhưng trong Đạo
mới, người ta thấy Ngôi Lời Thiên Chúa không cư ngụ trong Đền Thờ vật chất, mà
cư ngụ nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, là Ngôi Đền Thiên Chúa xây dựng. Cung
lòng Đức Ma-ri-a thay cho máng cỏ, thay cho cả Đền Thờ vật chất nguy nga tráng
lệ. Vì Đức Maria là mẫu Đền Thờ, Thiên Chúa chỉ cho loài người làm giống như
Đức Maria, để Chúa Cha đặt Con của Ngài vào đó. Nhất là xương thịt Hài Nhi Giêsu
lại chính là xương thịt của Đức Ma-ri-a. Cho nên ai đón nhận Chúa Giêsu người
ấy cũng đón nhận Mẹ Maria; và ngược lại, ai đón nhận Mẹ Maria cũng chính là đón
nhận được Con Đấng Tối Cao. Đức Giêsu cho biết danh “Con Đấng Tối Cao” không chỉ
dành riêng cho Con Thiên Chúa vào đời (x. Lc 1, 32: Tin Mừng), mà còn dành cho
cả phàm nhân biết yêu thương địch thù (x. Lc 6, 35), thì Mẹ Maria lại trở thành
mẫu yêu người cho các Kitô hữu, con cái Mẹ.
Vậy để làm
tròn sứ mệnh ngôn sứ đem Tin Mừng cứu độ đến cho đồng loại, ta phải học nơi Đức
Mẹ, vì cả đến “Con Đấng Tối Cao” lúc lên 12 tuổi, sau khi tập nháp thử sứ mệnh
ngôn sứ nơi Đền Thờ, thì đã trở về Nazareth tiếp tục học bài “vâng phục cha mẹ mình” (x. Lc 2, 41-52).
-
Học nơi Mẹ
để được trở nên Đền Thờ Thiên Chúa cư ngụ.
-
Học nơi Mẹ
cách cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người.
-
Học nơi Mẹ
cách thi hành chức Tư Tế.
-
Học nơi Mẹ cách
thi hành nhiệm vụ Ngôn Sứ.
-
Học nơi Mẹ tinh
thần Vua phục vụ.
1- HỌC NƠI
MẸ ĐỂ ĐƯỢC TRỞ NÊN ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA CƯ NGỤ.
Đức Ma-ri-a
là kiệt tác của Thiên Chúa trổi vượt hơn đền thờ Giê-ru-sa-lem chỉ làm bằng vật
liệu quý giá, và trong Đền Thờ ấy chỉ đặt Luật Chúa viết trên hai tấm đá, Luật
ấy vẫn còn giam người ta trong tội (Gl 3, 22) chưa ban ơn cứu độ cho ai; Nay Lời
Thiên Chúa được Chúa Thánh Thần viết trên tấm xương thịt và linh hồn Đức
Ma-ri-a trở thành Ngôi Lời Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí đến cứu độ
con người (x. 2Cr 3, 3; Rm 16, 27: Bài đọc II).
2- HỌC NƠI MẸ
CÁCH CỘNG TÁC VỚI THIÊN CHÚA TRONG CÔNG CUỘC CỨU ĐỘ LOÀI NGƯỜI.
Lời tiền Tin
Mừng (x. St 3, 15), Chúa hứa sẽ cho một người nữ đạp nát đầu con rắn (bản
Vulgata), mà người Do-Thái vẫn hằng mong đợi Chúa sớm thực hiện lời hứa ấy. Có
lần họ tưởng người nữ ấy là bà Giu-đích đã dùng sắc đẹp làm mê hoặc tướng quân
Hô-lô-phê-nê, thù địch số một của dân Do Thái, và bà đã cắt được đầu ông này để
dân tộc bà thoát án tru diệt (x. Gd 8); hoặc người Do Thái lại tưởng người nữ
đó là bà Ét-te diệt được tên A-man đã bày mưu kế thâm độc cho vua Assurius để tiêu
diệt hết dòng giống Do Thái, đồng chủng với bà (x. Es 3, 7t). Nhưng hai bà Giu-đích
và Ét-te chỉ diễn tả phần nào uy quyền và sứ mệnh của Đức Ma-ri-a, mà Chúa đã
dùng để thực hiện lời tiền Tin Mừng: “Người
nữ sẽ đạp nát đầu rắn satan” (St 3, 15), tức là bà Maria đưa Con Thiên Chúa
vào đời để diệt hết sự dữ, đánh gục thần chết, để loài người thực sự được giải
phóng toàn diện. Như vậy bàn tay Thiên Chúa cứu độ loài người được thể qua bàn
tay uy quyền của Đức Maria, đó là lý do thiên thần chào chúc Đức Maria bằng
danh “Đầy Ơn Phúc”, vì được Chúa ở cùng (x. Lc 1, 28: Tin Mừng). Chính nhờ ân sủng
đặc biệt ấy mà Mẹ Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh viên mãn, cùng đạp nát đầu
con rắn, giải phóng những ai tin yêu đón nhận Chúa Giêsu, Con của Mẹ, được thoát
tay tử thần, để không còn gì phải sợ hãi, hầu sống thánh thiện mà phụng thờ Chúa
suốt cả đời. (x. Lc 1, 74).
3. HỌC NƠI
MẸ CÁCH THI HÀNH CHỨC TƯ TẾ.
Hội Thánh gọi Đức Maria là “Đấng Trung
Gian Ơn Chúa” (x. HCHT số 60). Bởi vì
Trong ngày Truyền Tin, nếu Đức
Ma-ri-a không nói tiếng “Xin Vâng” (x. Lc 1, 38) thì cũng không ai nghe được tiếng
Xin Vâng của Đức Giêsu tại vườn Giêsêmani, trước giờ bị bắt làm vật hy tế. (c
Lc 22, 39t).
Thánh Phaolô nói về sứ mệnh tư tế
của ông: “Tôi chịu đau khổ để đền bù vào
những thiếu sót nơi các nỗi quẫn bách Đức Ki-tô phải chịu” (Cl 1, 24), thì
Mẹ Maria là người đầu tiên chịu đau khổ nhằm bù vào những gì còn thiếu trong cuộc
Tử Nạn của Đức Giêsu, để Con Mẹ thốt lên được: “Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19, 30) Nhờ sự đau khổ của Mẹ Maria khi
thấy Con bị đâm, Con không đau, vì đã chết, nhưng Mẹ đau đớn lắm! Mẹ đã hứng chịu
Lời Chúa chúc dữ cho bà Evà: “Bà sinh con
đau đớn!” (x. Ga 19; St 3, 16). Như vậy Đức Ma-ri-a được cùng với Con Chiên
Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (x. Ga 1, 29), cứu con người thoát khỏi tay
tử thần mà được sống hạnh phúc sung mãn như Thiên Chúa.
4. HỌC NƠI
MẸ CÁCH THI HÀNH NHIỆM VỤ NGÔN SỨ.
Vừa ngay lúc Ngôi Lời nhập thể, cơ
thể của Ngài là một phần xương thịt của Đức Maria. Khi ấy Mẹ được thiên thần
báo tin bà Êlyzabeth, người chị họ đã mang thai được sáu tháng, Mẹ vội vã đến
nhà chị họ, tại đây chỉ thấy Mẹ dùng Lời Thiên Chúa để ca tụng quyền năng của
Ngài (x. Lc 1, 46-55), thì đó chính là chính Giêsu, nói qua miệng Mẹ; ngay lúc
lên 12 tuổi, Đức Giêsu đã đọ sức với các tiến sĩ Luật trong việc trao đổi giáo
lý với họ tại Đền Thờ, làm mọi người ngạc nhiên về trí thông minh và các lời
khôn ngoan Ngài đối đáp (x. Lc 2, 46-47). Đặc biệt, vào thời hoạt động công
khai, Ngài bỏ cả ăn uống, ngủ nghỉ để giảng Lời (x. Ga 3-4; Mc 3, 20-21; Mc 6).
Con của Mẹ được như thế chắc chắn đã được Mẹ dạy Lời Chúa khi Ngài còn ngồi
trên đầu gối của Mẹ, hơn Giám mục Ti-mô-thê được nghe Sách Thánh từ thủơ thiếu
thời ngồi trên đầu gối cụ Lô-i và bà Êunikê là bà và là mẹ ông (x. 2Tm 1, 5).
5. HỌC NƠI
MẸ TINH THẦN VUA PHỤC VỤ.
Phạm trù
“vua” nhân ái trong Nước Trời phải đi liền với việc phục vụ như tôi tớ. Nói
cách khác, quyền bính trong Nước Trời, trong Hội Thánh chỉ có khi người ta bỏ
cái tôi của mình mà cúi mình phục vụ như Đức Giêsu là Người Tôi Tớ của Thiên
Chúa (x. Mt 20, 24t; Ga 13, 4t). Một trong những nét đặc thù của người tôi tớ
là ĐOÁN Ý NGƯỜI KHÁC ĐỂ PHỤC VỤ.
Sách Tin Mừng
ghi hai lần Đức Maria đoán ý người khác để phục vụ:
-
Lần I: Mẹ
được thiên thần truyền tin cho biết bà Êlyzabeth, người chị họ tuy đã già mà
Chúa cho mang thai được sáu tháng. Vừa nghe tin ấy, Mẹ vội vội vã đến nhà chị họ
phục vụ như tôi tớ suốt ba tháng (x. Lc 1, 39): Mẹ là “vua” phục vụ.
-
Lần II: Khi
Con Mẹ bắt đầu công khai thi hành sứ mệnh tại tiệc cưới ở Cana, Mẹ thấy nhu cầu
của gia đình đang thiếu rượu tiếp khách. Mẹ tỏ uy quyền “vua” đến nói với Đức Giêsu:
“Nhà này hết rượu!”, mặc dù chưa đến
“Giờ” của Con. (Ga 2, 3t).
Đức Giêsu nối
dài và mở rộng bàn tay phục vụ của Đức Maria, Mẹ mình:
-
Thấy đoàn lũ
dân chúng đến với Đức Giêsu đang đói, Ngài đoán ý họ cần bánh ăn, nên đã hóa
bánh ra thật nhiều dân ăn no nê (x. Ga 6).
-
Bà goá thành Naim đang khóc thương đứa con
trai duy nhất người ta đang khiêng đi chôn. Đức Giêsu đoán ý bà nên đã tự ý
động vào quan tài, anh thanh niên tức khắc chỗi dậy (x. Lc 7, 11).
-
Sau Phục
Sinh, Chúa Giêsu nhìn thấy các môn đệ ra khơi đánh cá suốt đêm mà kkhông bắt
được gì, bụng lại đói meo, Đức Giêsu đoán ý các ông, Ngài bảo hãy thả lưới bên
phải thuyền, thế là các ông bắt được một
mẻ cá chất đầy thuyền. Khi các ông lên bờ Ngài đã nướng bánh và cá sẵn phục
vụ các ông! (x. Ga 21).
Vậy Chúa đã
mạc khải cho chúng ta biết về sứ mệnh, uy quyền, danh dự, vinh quang tuyệt vời
của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, xứng đáng danh Mẹ được thiên thần công bố không
còn gọi danh Maria, mà đổi thành “Đầy Ơn Phúc”, vì được Chúa ở cùng (x. Lc 1, 28:
Tin Mừng). Vì thế thánh Phaolô nói: “Vinh
danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng
tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm
vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ
trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này
được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.” (Rm
16, 25-26: Bài đọc II).
Các giáo phụ như Ambrosio, Ephrem và
Phụng Vụ Hội Thánh, đã hiểu tấm lông chiên của ông Ghêđêôn là dấu lạ chỉ về Đức
Ma-ri-a, cho nên ta có thể thay từ Ghêđêôn bằng danh Ma-ri-a mà viết lại:
“Ma-ri-a thưa với Chúa rằng: Nếu quả
thật Ngài định dùng tay tôi cứu Ít-ra-en (cả loài người) như Ngài đã nói, thì
nay tôi xin trải một tấm lông chiên (thân xác linh hồn tôi) ngoài sân, nếu có sương
(Ngôi Lời nhập thể) thẫm ướt tấm lông chiên, còn sân thì khô ráo (chưa có Chúa),
rồi hôm sau ông lại đặt tấm lông chiên ngoài trời, qua đêm tấm lông chiên vẫn
khô ráo, còn đất xung quanh thì đẫm sương, đó là dấu chỉ (Mẹ Maria đưa Đấng Cứu
Độ cho loài người), tôi sẽ nhận biết Chúa muốn dùng tay tôi để cứu Ít-ra-en.”
(Tp 6, 36-37)
Và như thế bài thánh ca Is 45, 8
trong mùa Vọng vẫn vang lên: “Trời cao hãy
đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời, ” đã được ứng nghiệm nơi Đức
Ma-ri-a. Do đó Tv 89/88, 2 (Đáp ca) đọc trong Thánh Lễ hôm nay, cả cộng đoàn Israel
mới (Hội Thánh) đã phụ họa theo lĩnh xướng nở trên môi miệng Đức Maria: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng”.
Nếu Chúa đòi hỏi ta đạt chỉ tiêu: “Nên hoàn hảo như Cha trên trời” (Mt 5, 48)
là quá khó đối với ta, thì ta phải nên thánh theo mẫu gương Mẹ Maria, vì Mẹ cũng
là người như chúng ta, nhưng khác ta vì Mẹ đã lãnh trọn vẹn ơn cứu độ, nhờ vâng
phục, trông cậy, phó thác để Lời Chúa hoạt động trong lòng Mẹ (x. Lc 1, 38). Thì
ta hãy xin Mẹ hướng dẫn ta cách nghe và thực hành Lời Chúa, hầu trở thành đền
thờ Thiên Chúa đích thực (x. 1Cr 3, 16) để Hội Thánh là Mẹ chúng ta cung kính đặt
Hài Nhi vào.
Muốn được như thế, ta hãy nói tiếng
Xin Vâng như Đức Mẹ. Bởi vì khi ta lắng nghe, Thiên Chúa phán; khi ta xin vâng,
Thiên Chúa hành động, như Đức Maria đã thưa: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.
(Lc 1, 38: Tung Hô Tin Mừng)
THUỘC LÒNG.
Tôi đây là nữ
tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. (Lc 1, 38)
TRỌNG TÂM GIÁO HUẤN
HÔM NAY
Trước
khi Thiên Chúa tạo dựng muôn loài trong vũ trụ, Ngài đã tỏ ý muốn tạo dựng “loài người giống hình ảnh Ngài” (St 1, 26-27).
Ý định tốt đẹp ấy chỉ có thể thực hiện được khi có một Evà vô tội cộng tác với
Adam cuối cùng (Đức Giêsu). Vì thế Đức Maria (Evà mới) đã hoàn toàn tùng phục
và tin tưởng Lời Chúa nói cho Mẹ được thành sự (x. Lc 1, 38). Quả thật, Lời
Chúa đã thực hiện nơi Mẹ sinh Con Thiên Chúa, để nhờ Con Mẹ xóa tội lỗi loài
người (x. Tin Mừng), cho chúng ta được sống thảnh thơi, vì không còn địch thù
nào nữa, lại được Chúa ban uy quyền của Vua trời đất bền vững đến muôn đời (x. Bài
đọc I). Đó là Tin Mừng Hội Thánh nỗ lực loan báo cho loài người (x. Bài đọc II).